Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Chủ Nhật, Ngày 28/04/2024, 07:00
Giải phóng An Giang - Những ngày tháng hào hùng khó quên
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
28/04/2024 | An Bình

(TUAG)- Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng, quân và dân An Giang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với cả nước chung sức, đồng lòng, quyết tâm giải phóng quê hương, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

49-nam-GPMN.jpg

Bước vào năm 1975, trước diễn biến mới của tình hình thực địa chiến trường, tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động với tinh thần "một ngày bằng hai mươi năm", chọn mục tiêu, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp, phát động phong trào quần chúng tấn công ba mũi, chuẩn bị cơ sở bên trong sẵn sàng khởi nghĩa khi tình thế chín muồi.

Ngày 28/4/1975, Quân khu 9 chỉ đạo cho tỉnh đưa lực lượng vũ trang về giải phóng Hà Tiên là nơi yếu nhất của địch. Khi lực lượng ta hành quân đến Nam Thái Sơn thì được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia lực lượng ra làm hai cánh: một cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên, cánh thứ hai quay lại Ba Thê để giải phóng Long X uyên.

Chiều tối ngày 30/4/1975, cánh quân giải phóng Long Xuyên của tỉnh và thị xã Long Xuyên về đến Ba Thê. Ở đây, lực lượng khởi nghĩa của huyện đã kiểm soát hoàn toàn. Sáng ngày 01/5/1975, ta bao vây gọi hàng chi khu ở Núi Sập, đến trưa thì giải phóng hoàn toàn quận lỵ Huệ Đức. Lực lượng tỉnh củng cố đội ngũ tiến về thị xã Long Xuyên. Lúc 18 giờ 30 ngày 01/5/1975, ta giải phóng hoàn toàn thị xã Long Xuyên; sau đó bộ đội ta tiếp tục tiến lên Châu Thành.

Tại Châu Thành, chiều tối ngày 30/4/1975 lực lượng vũ trang huyện ra đến Lộ Tẻ, đánh chiếm cầu số 5, hỗ trợ lực lượng tại chỗ giành chính quyền Vĩnh Hanh, Cần Đăng. Sáng ngày 01/5/1975, ta chặn đánh tan rã lực lượng bảo an ngụy từ Tri Tôn tiến ra. Trưa ngày 01/5/1975, ta bao vây gọi hàng chi khu Châu Thành, một bộ phận địch chạy qua đồn Bình Thủy lập phòng tuyến "tử thủ". Ta chiếm chi khu lúc 16 giờ, đưa một bộ phận xuống bao vây trại công binh Mê Linh. Chiều tối ngày 01/5/1975 phối hợp lực lượng từ Long Xuyên lên, ta chiếm trại Mê Linh và sáng hôm sau đánh dứt điểm địch ở cồn Bình Thủy. Bộ đội quân khu và tỉnh tiếp tục tiến lên Châu Phú. Ngày 02/5/1975, ta giải phóng hoàn toàn Châu Phú.

49-nam-GPMN1.jpg

Nhân dân vui mừng chiến thắng.

Ở Tri Tôn, quân ta giải phóng hoàn toàn trong ngày 01/5/1975.

Ở Tịnh Biên, sáng ngày 01/5/1975, quân ta giải phóng huyện Tịnh Biên.

Tại Châu Đốc, gần trưa ngày 01/5/1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ.

Ở Tân Châu, chiều ngày 30/4/1975, bộ đội địa phương huyện, du kích và lực lượng tại chỗ giải phóng xã Vĩnh Xương, sáng 01/5/1975, ta chiếm Tân An, Vĩnh Hòa và tiến về thị trấn; sau đó ta đánh chiếm chi khu, căn cứ hải quân Vịnh Đồn, giải phóng quận lỵ; trưa ngày 01/5/1975, sau khi giải phóng Hồng Ngự, một bộ phận của Tiểu đoàn 2 đã qua Tân Châu. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chia bộ đội thành 3 cánh quân: một cánh đi An Phú, hai cánh tiến về "Thánh địa Hòa Hảo" theo ngả Long Sơn và Hòa Lạc.

Ở An Phú, từ chiều ngày 30/4/1975, lực lượng huyện chia làm 3 mũi tiến về thị trấn từ phía Phú Hội, Khánh Bình, Phú Hữu. Chiều tối ngày 01/5/1975, ta vào đến thị trấn và sáng ngày 02/5/1975 phối hợp với bộ đội tỉnh tiếp quản quận lỵ, tiến hành truy quét tàn quân cặp biên giới.

Ở Phú Tân, từ trưa ngày 30/4/1975, bọn ác ôn, ngoan cố trong ngụy quân, ngụy quyền phối hợp với bảo an quân khoảng 20.000 tên lập các phòng tuyến "tử thủ", đến sáng ngày 03/5/1975 họ mới chấp thuận thương lượng với ta, đến chiều ta kiểm soát toàn bộ trung tâm Phú Tân. Ngày 04/5/1975, tàn quân bảo an quân ở Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn lần lượt đầu hàng. Phú Tân được giải phóng hoàn toàn.

Tại Chợ Mới, từ sáng ngày 30/4/1975, một số tên binh, tề ngụy cấp cao và bọn phản động trong các tổ chức chính trị, tôn giáo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tụ tập tại Tây An Cổ Tự (Long Kiến) họp bàn kế hoạch đòi giành chính quyền ở miền Tây. Đến trưa ngày 30/4/1975, tàn quân ngụy và bảo an quân lập tuyến phòng thủ nhiều tầng từ rạch Cái Tàu Thượng đến rạch Ông Chưởng.

Chiều ngày 30/4/1975, lực lượng của ta từ Mỹ An Hưng (Thạnh Hưng) về lần lượt đánh tan trận địa phòng ngự của địch ở Hội An và Hòa Bình. Ta giải phóng xã vào trưa ngày 01/5/1975. Cùng với Hội An, ở 3 xã Cù lao Giêng, cơ sở cùng đảng viên địa phương vận động quần chúng nổi dậy giải phóng xã.

Trong ngày 01/5/1975, ta tiếp tục đánh địch ở phòng tuyến kinh Cựu Hội và An Thạnh Trung, đẩy chúng lui về tuyến chính ở khu vực chợ Bà Vệ và Long Điền B. Sáng ngày 03/5/1975, ta chiếm chi khu Chợ Mới, chuẩn bị tiến về Long Kiến. Trong lúc đó, địch tiếp tục tăng cường củng cố các tuyến phòng thủ còn lại. Tàn quân ngụy và bảo an quân từ Long Xuyên, Châu Phú, Phú Tân tiếp tục chạy về Tây An Cổ Tự, nâng tổng quân số hơn 5.000 tên. Chiều ngày 03/5/1975, ta lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền, Bà Vệ, phát loa gọi bảo an quân ra hàng để tránh đổ máu vô ích. Ngày 04/5/1975, nghe lời kêu gọi của thân nhân, cả ngàn bảo an quân ra hàng tay không nhưng còn trên 3.000 tên bị bọn đầu sỏ khống chế vẫn tiếp tục "tử thủ". Ta cho hai máy bay L.19 lên trinh sát và pháo binh bắn vào trận địa địch, đồng thời lực lượng ta mở ba mũi tiến về Tây An Cổ Tự.

Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, đến 8 giờ sáng ngày 06/5/1975 toàn bộ số quân còn lại kéo cờ trắng ra hàng, ta chiếm Tây An Cổ Tự. Từ ngày 6 đến ngày 10/5/1975, ta lần lượt tiếp quản các xã còn lại.

Trước bối cảnh khó khăn đặc biệt của tỉnh trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975, nhưng Đảng bộ, quân và dân An Giang đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.  

Nhân dân thị xã Long Xuyên trong ngày vui đại thắng 1975

Suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân An Giang quyết tâm bám giữ đất, giữ làng, kiên cường đánh bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù để cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ trên một địa bàn biên giới, dân tộc, tôn giáo rất phức tạp là minh chứng rõ nhất thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tinh thần yêu nước cao độ của các tầng lớp nhân dân An Giang, không ngại hy sinh xương máu, tù đày, gian khổ, kiên cường, bám dân, bám đất, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thời gian đã lùi xa 49 năm, nhưng những ngày tháng hào hùng ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân An Giang trong cuộc chiến đấu trường kỳ để giải phóng quê hương mãi mãi là bản trường ca bất diệt và là niềm tự hào to lớn cho các thế hệ mai sau học tập noi theo. 

AN BÌNH

Lượt người xem:  Views:   310
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by