Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 5, Ngày 17/08/2023, 09:05
Cù lao xanh giữa dòng sông Hậu
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
17/08/2023

(TUAG)- Nằm giữa dòng sông Hậu, được phù sa bồi đắp quanh năm, xã Mỹ Hòa Hưng hay còn gọi là Cù Lao Ông Hổ (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) quanh năm cây trái trĩu cành, đồng lúa rập rờn xanh tốt, không gian thoáng đãng, hiền hòa… Nơi đây đã sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương: Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

My-Hoa-Hung.JPG

Cù lao Ông Hổ (Mỹ Hòa Hưng) - Điểm đến hấp dẫn ở An Giang

Những ngày giữa tháng Tám, chúng tôi về xã Mỹ Hòa Hưng trong không khí lễ hội tưng bừng diễn ra. Chính quyền và nhân dân An Giang đang chuẩn bị lễ kỉ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đối với Nhân dân Mỹ Hòa Hưng nói riêng và Nhân dân An Giang nói chung, mỗi dịp sinh nhật Bác Tôn đều như những ngày hội. Năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vui lớn cho quê hương Bác Tôn và Nhân dân tỉnh An Giang.

Bến phà Ô Môi ngày đêm không biết bao nhiêu lượt đưa đón khách qua lại. Tháng Tám, dòng nước sông Hậu đỏ quạch phù sa, vỗ vào mạn phà dào dạt, với từng cơn gió phóng túng thổi vào hành khách cũng dạt dào những dòng ký ức. Và trong đó có những dòng ký ức về chuyến đò trên bến Ô Môi đã đưa chàng trai Tôn Đức Thắng, người con của cù lao Ông Hổ ra đi làm cách mạng... Để ngày ngày, chuyến đò trên bến Ô Môi vẫn chờ đợi Người về...

Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy tôi đến Mỹ Hòa Hưng, nhưng mỗi lần đến trong tôi lại mang nhiều cảm giác khác nhau. Không chỉ là sự ngưỡng vọng, tôn kính trước tấm gương của một người cộng sản bất khuất, một nhân cách sống mẫu mực, một đạo đức cách mạng trong sáng; mà còn được đắm mình trong một không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành, yên ắng, khác xa với sự ồn ào, hối hả và ngột ngạt nơi phố thị. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bao bọc bởi một vườn cây mát mẻ, những thảm cỏ xanh tươi.

 My-Hoa-Hung-nhà-sàn-BT.jpg

Ngôi nhà sàn thời niên thiếu Bác Tôn ở. Ảnh: HB.

Cứ mỗi lần trở lại Mỹ Hòa Hưng, tôi đều đến ngôi nhà thời niên thiếu Bác từng sống, để nhớ lại một thời tuổi thơ Người ở nơi đây, và mảnh đất này, ngôi nhà này đã hun đúc nên ý chí của một người cộng sản kiên trung. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn ba gian, một kiểu nhà truyền thống của người dân Nam Bộ, có chân tán, cột gỗ, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ… Phía sau ngôi nhà là phần mộ song thân của Bác. Dù đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Mỗi lần tham quan xong ngôi nhà thời niên thiếu của Người, tôi thường đứng trầm mặc rất lâu, mọi sự vật xung quanh dường như cũng im ắng, theo những dòng suy nghĩ của tôi. Trong ngôi nhà đó, tôi cảm thấy, từng thước đất đều mang đậm dấu ấn và hơi ấm của Người. Mỗi câu chuyện về Bác và gia đình Bác đều làm cho người người khâm phục, mến yêu lẫn kính trọng. Như nhà thơ Bảo Định Giang đã từng viết: "Miền Nam thương nhớ Bác nhiều/Bác đi để lại gương treo giữa đời...".

 My-Hoa-Hung-hocsinh-thivetranh.jpg

Các em học sinh thi vẽ tranh tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: HB.

Đến Mỹ Hòa Hưng, không những chúng ta được nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Tôn và gia đình Bác, mà còn được nghe nhiều giai thoại về vùng đất và con người nơi đây. Trong những giai thoại đó, có giai thoại vì sao nơi đây mang tên là Cù lao Ông Hổ. "Truyền thuyết kể rằng thuở khai khẩn đất cù lao, có vợ chồng người nông dân cứu được hổ con trong lúc sắp chết, đem về nuôi dưỡng. Lúc này, nơi đây còn hoang sơ lắm, dân cư thưa thớt, rừng rậm, người và hổ mến nhau. Khi người nông dân qua đời, hổ thương tiếc, suốt ngày quanh quẩn quanh ngôi mộ. Sau đó, do càng ngày dân cư càng đông lên, khai phá rừng, mất nơi trú ngụ nên hổ tản về Thất Sơn nhưng lòng luôn nhớ về chốn cũ. Mỗi năm vào ngày mất của chủ, hổ mang về nai, heo rừng... làm lễ vật và phủ phục bên mộ tạ ơn ân nhân quá cố. Nhân dân trong vùng cảm thương con vật có nghĩa, không hại hổ, lại tôn là "Ông Hổ" và lập miếu thờ. Vùng đất cồn từ đó mang tên cù lao Ông Hổ, ngày nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang". Và còn rất nhiều giai thoại về vùng đất này, con người sống chan hòa và cảm hóa được thú dữ… Đó là giai thoại đẹp về một thời khẩn hoang lập ấp.

Mỹ Hòa Hưng hôm nay đang thay đổi từng ngày, đời sống kinh tế người dân được nâng lên, nhà cửa kiên cố, khang trang hơn, đường xá giao thông được nhựa hóa, thuận lợi cho xe cộ lưu thông. Chạy xe một vòng quanh Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi cảm nhận được không khí lễ hội đang hiển hiện trên từng con đường, ngôi nhà và trên khuôn mặt những người dân ở nơi đây. Hình như mọi người, ai ai cũng đang hân hoan, tất bật, sửa soạn lại nhà cửa, hàng rào, vệ sinh đường sá... như khoác lên mình chiếc áo mới, tinh tươm để "đón khách" khắp nơi về với Mỹ Hòa Hưng bằng tất cả tấm lòng đầy tự hào. Bác Tám Tri, năm nay đã hơn 70 tuổi vui vẻ nói với tôi: "Mấy chục năm rồi chú ơi, cứ mỗi độ Tháng Tám là dân xứ cồn này rộn ràng ngày hội. Bởi chúng tôi biết, rất đông người sẽ đổ về đây viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tham quan xứ sở cù lao, nên nhân dân ở đây phải chuẩn bị sẵn sàng để "đón khách" cũng là một cách thể hiện tấm lòng tôn kính đối với Bác Tôn...".

 My-Hoa-Hung-hocsinh-thive.jpg

Năm tháng trôi qua đã chứng minh một điều, xứ cù lao tạo nên những thế hệ con người Mỹ Hòa Hưng nghĩa khí hào hiệp, nhân ái, luôn vượt lên số phận để làm giàu cho gia đình và làm đẹp cho quê hương. Những thế hệ nối tiếp nhau sống ở cù lao này đã dày công vun đắp, gắn sức tạo nên mảnh đất cù lao xanh tươi, nước sông quanh năm bốn mùa uốn lượn như một bức tranh thơ mộng. Ta cảm nhận được sự nhiệt huyết, sự bền bỉ và tinh thần tương thân tương ái. Họ đã gieo mầm tình người vào từng cánh hoa Ô Môi, làm cho quê hương thêm xinh đẹp, thêm tươi mát. Dẫu xa xôi nơi nào, mỗi khi nhớ về Mỹ Hòa Hưng, ta thấy lòng mình cùng hòa vào khúc ca vĩnh cửu của đất trời An Giang.

Hè đến, Ô Môi nở hoa rực rỡ, mỗi cánh hoa như nụ cười dịu dàng, kêu gọi từng bước chân của người con xa xứ quay về. Trong tiếng ve, trong nắng vàng trải mặt đồng, mảnh đất này ẩn chứa những kỷ niệm thanh xuân và những ước mơ tươi trẻ. Thời gian có thể trôi qua, nhưng tình yêu quê hương vẫn mãi nguyên vẹn trong lòng. Ô Môi nở hoa, thắp sáng tâm hồn, tạo nên một bức tranh tươi đẹp về xứ cù lao. Cảm giác ấm áp và an lành trong từng khoảnh khắc, như thể những vòng tay quen thuộc của gia đình đang ôm ấp ta.

Chuyến phà Ô Môi đưa chúng tôi rời Mỹ Hòa Hưng, đứng trên phà ngoái lại nhìn quê hương Bác Tôn bao bọc bởi một màu xanh tươi mát và đầy hy vọng... Rồi đây, trên con đường đến Khu lưu niệm của Người, mỗi khi hè đến sẽ rực lên những cánh hoa Ô Môi li ti ửng hồng một góc trời, như mời gọi, như là điểm nhấn để mỗi lần du khách qua Mỹ Hòa Hưng lưu luyến khôn nguôi... Trong đầu tôi lại ngân lên giai điệu mượt mà, dìu dặt trong bài vọng cổ "Đôi mắt nhớ" của soạn giả Hà Nam Quang. Giai điệu ấy giản dị nhưng chứa đựng cả một tấm lòng kính yêu chân thành với Bác Tôn:

"…Mùa hè ở Mỹ Hòa Hưng bông ô môi thắm nở,

Bác hướng xa đôi mắt nhớ một đời.

Đôi mắt nhớ bến Ô Môi

Đôi mắt nhớ cả đất trời An Giang

Bác Tôn là của chúng con

Bởi đôi mắt Bác nhớ thương thật đầy..."

TRẦN SANG

Lượt người xem:  Views:   879
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by