Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 5, Ngày 25/08/2022, 17:00
Những biến đổi xã hội ở An Giang khi thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa trong những năm 1920 - 1930
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/08/2022 | P.N

(TUAG)- Sau chiến tranh thế giới thứ I (1914 - 1918), thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần II, chủ yếu chiếm đoạt ruộng đất, mở rộng diện tích và vơ vét lúa gạo xuất khẩu. Tính đến năm 1930, số diện tích khai thác ở Châu Đốc 87.200 ha và Long Xuyên 105.000 ha([1]). Quá trình chiếm đoạt ruộng đất của điền chủ diễn ra ác liệt với kiểu khẩn đất theo lối "chồng bộ", "úp bộ" khiến người nông dân trắng tay trở thành tá điền. Năm 1930, tư bản Pháp và Nhà chung (giáo hội địa phận - nhà thờ) ở Long Xuyên, Châu Đốc sở hữu 1/5 diện tích canh tác. Số đất còn lại, điền chủ có từ 50 ha trở lên chiếm 50% diện tích trong khi họ chỉ chiếm 4,3% dân số ở Long Xuyên và 0,6% dân số ở Châu Đốc([2]).

tong-khoi-nghia-g.jpg

Sự phân hóa các giai tầng xã hội

Chính sách khai thác lần II của thực dân Pháp đã làm cho các tầng lớp nhân dân An Giang có sự phân hóa rõ nét:

- Tầng lớp địa chủ hình thành từ nhiều thành phần khác nhau như quan lại phong kiến (Huyện Chơn, Phủ Vị); tay sai Pháp (Cai tổng Cần, Hương quản Linh); công chức (Đốc Định, Trường tiền Son, Cò Noblet); tư sản thương nghiệp, cho vay (Từ Vạn Khương, Tăng Kim Tiệt)... Dù xuất thân từ nguồn gốc nào, họ vẫn là thành phần đặc quyền, đặc lợi gắn bó chặt chẽ với chính quyền thực dân Pháp cả về kinh tế lẫn chính trị và họ tồn tại, làm giàu bằng sự bóc lột, vơ vét tá điền bởi các loại tô, tức, lao dịch, cống nạp v.v...

- Tầng lớp tư sản dân tộc ở An Giang chưa hình thành độc lập vì bị tư sản Pháp và Hoa kiều chèn ép. Họ chỉ hoạt động ở một số ngành phụ thuộc như mua bán, xay xát, dệt, mộc, gạch ngói, nước mắm...

- Tầng lớp tiểu tư sản trí thức phần lớn xuất thân từ Nho học, có mối quan hệ gắn bó với người lao động, sớm tiếp thu tinh thần yêu nước của các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Du, Duy Tân... Họ nhạy bén với thời cuộc, có khả năng tiếp thu và truyền bá những tư tưởng tiến bộ vào nhân dân, nhất là từ sau năm 1925, bắt đầu từ phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu, phong trào để tang Phan Chu Trinh.

- Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo và bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất ở An Giang bởi địa chủ (tô, tức), thực dân (sưu, thuế) và luôn bị thiên tai, dịch bệnh đe dọa cuộc sống. Với truyền thống yêu nước, nông dân An Giang đã không ngừng chống Pháp dưới ngọn cờ phong kiến nhưng vẫn chưa tìm ra được con đường giải thoát kiếp trâu cày, ngựa cỡi của mình.

- Do đặc điểm lịch sử và nền kinh tế nông nghiệp kiểu phong kiến chi phối, ở An Giang không có giai cấp công nhân, mà hầu hết là tầng lớp thợ thủ công xuất thân từ giai cấp nông dân, từ những người bị bần cùng hóa không còn tư liệu sản xuất. Đa số thợ thủ công vào xưởng trại làm công nhật (như xưởng dệt tay, trại cưa, trại mộc...). Do điều kiện lao động tương đối tập trung (như mộc, dệt ở Chợ Mới, Tân Châu; đập đá ở núi Sam, núi Sập v.v...) là lao động có kỹ thuật, kỷ luật nên họ được xem là lực lượng tích cực và tiến bộ ở nông thôn lúc bấy giờ.

Cũng như nhiều nơi khác ở miền Tây Nam Kỳ trong những năm 1920 – 1930, ở An Giang, thực dân Pháp đề ra các chính sách, biện pháp khắc nghiệt như ngu dân, chia để trị, đầu độc người dân bằng rượu cồn, thuốc phiện v.v... để đối phó với những làn sóng tư tưởng tiến bộ tràn vào. Nhưng những việc làm đó cũng không thể nào ngăn chặn được hạt giống cách mạng nảy mầm và nhanh chóng bén rễ trên vùng đất đã từng liên tục đối mặt với nạn ngoại xâm, bắt đầu với những thanh niên yêu nước như Tôn Đức Thắng, Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh...

Những biến chuyển của phong trào yêu nước

Đầu thế kỷ XX, làn tư tưởng dân chủ tư sản tràn vào nước ta và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những người trí thức yêu nước Việt Nam. Hàng loạt tổ chức, đảng phái chính trị ra đời ở Nam Kỳ làm cho phong trào yêu nước mang đủ các màu sắc và hoạt động khá sôi nổi: dân tộc - đề huề, cách mạng - cải lương, bạo động - ôn hòa, chính đảng - tôn giáo...nổi bật trong số người chủ xướng phong trào theo xu hướng dân chủ tư sản là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh.

Hoạt động của các phong trào này đã, tác động đến tinh thần đấu tranh của nhân dân Long Xuyên - Châu Đốc, lôi kéo nhiều trí thức, thanh niên, học sinh tham gia.

Vào những năm 1925 - 1926, phong trào hội kín Nguyễn An Ninh, còn gọi là "Thanh niên cao vọng Đảng", thu hút một bộ phận thanh niên trí thức Long Xuyên - Châu Đốc, trong đó có Lê Triệu Kiết hoạt động mạnh ở vùng Kiến An, Chợ Mới.

Lê Triệu Kiết sau khi lập gia đình, chịu ảnh hưởng tư tưởng của cha vợ (ông Triệu Hiển Diệu, tự Đạt - một thầy thuốc có chân trong phong trào Cần Vương) nên ông sớm có ý thức chống Pháp. Lê Triệu Kiết cùng một số thanh niên yêu nước khác như Lê Văn Khiết, Lê Duy Hinh... lập ra hiệu thuốc bắc "Bảo Hòa Đường" nhằm nghi trang làm điểm liên lạc, hội họp. Hoạt động của hội chủ yếu là bàn luận về thời sự, đọc các sách báo tiến bộ, đặc biệt là tờ "Tiếng chuông rè" (La cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh và những bài hịch tâm huyết của Phan Bội Châu. Thời gian sau, hội thành lập thêm hai tiệm "Bảo An Đường" và "Lão Thọ Đường" để mở rộng hoạt động. Bằng những hoạt động tích cực, tổ chức này khá phát triển và gây ảnh hưởng đáng kể.

Trong khoảng thời gian này, phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh rầm rộ khắp nơi đã tác động, lôi cuốn nhiều giáo viên, học sinh Long Xuyên - Châu Đốc tích cực tham gia. Hạt nhân nòng cốt có nhiều uy tín trong giới thanh niên, trí thức hoạt động tích cực trong phong trào là Châu Văn Liêm.

Sinh ra trong một gia đình nho giáo ở Ô Môn (Cần Thơ), Châu Văn Liêm sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình. Những năm học ở trường Sư phạm Sài Gòn (1923 - 1924), Châu Văn Liêm được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người yêu nước, ông tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên chống lại luật lệ thi cử bất công của Nha Học chính Pháp.

Cuối năm 1924, Châu Văn Liêm ra trường được bổ về dạy tại trường Nữ Long Xuyên. Thầy giáo Liêm thường đấu tranh với tên Đốc học về quan điểm và lề lối giảng dạy nên bị bọn cầm quyền đổi về dạy trường Chợ Thủ (Long Điền, Chợ Mới).

Đến nơi mới, thầy giáo Liêm càng có điều kiện vận động quần chúng lao động chống lại lề thói bất công của quan làng địa chủ và đả kích hủ tục phong kiến. Thầy đã giáo dục cho học sinh của mình có tinh thần yêu quý cội nguồn, truyền bá những sách báo tiến bộ. Tất cả những việc làm ấy đã khắc sâu vào lòng học sinh tinh thần yêu nước, truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc chống giặc ngoại xâm.

Ngày 24/3/1926, Châu Văn Liêm được giới trí thức trong vùng cử làm đại biểu đi dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh ở Sài Gòn. Khi về Long Xuyên, ông cùng một số người có tư tưởng tiến bộ vận động quần chúng tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh tại Mỹ Luông (Chợ Mới) gợi lòng yêu nước và kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân địa phương hãy đoàn kết đấu tranh chống áp bức bất công.

Sau đó, Châu Văn Liêm tập hợp số học sinh trường trung học Cần Thơ tham gia bãi khóa, số bị đuổi về quê như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh... thành nhóm thanh niên yêu nước hoạt động theo xu hướng tiến bộ.

Các hoạt động yêu nước nói trên đã góp phần vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân, là đòn đả kích mạnh mẽ vào chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ theo xu hướng tự phát rộng rãi, chưa được hướng dẫn bởi một đường lối cứu nước đúng đắn, chưa đặt dưới sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Dù vậy, phong trào cũng đã tập hợp được lực lượng trí thức yêu nước có khả năng vận động quần chúng hoạt động theo chiều hướng tích cực đấu tranh chống bất công, nô dịch.

Cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời và hoạt động ở An Giang

Từ những năm 1926 - 1927, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ nổi lên phong trào yêu nước mang màu sắc mới, hoạt động thông qua một tổ chức có tên gọi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào tháng 6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tổ chức của những thanh niên yêu nước theo xu hướng mácxít, có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng ở nước ta.

Giữa năm 1927 được cơ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã xây dựng khắp lục tỉnh. Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập tại Sài Gòn trong đó có các ông Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Tôn Đức Thắng, Ngô Thêm, Nguyễn Văn Phát.

Tháng 8/1927, ông Nguyễn Ngọc Ba, một cán bộ Kỳ bộ, đến Long Xuyên xây dựng cơ sở. Ông dạy học tại trường Trần Minh, hoạt động công khai nơi đây, và tìm đến những hạt nhân tích cực trong phong trào yêu nước tuyên truyền đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Một thời gian ngắn, ông kết nạp vào tổ chức hai ông Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm tại Tấn Mỹ (Chợ Mới). Cũng trong thời gian này, hai thanh niên yêu nước có nhiều hành động chống Pháp là Nguyễn Văn Cưng và Trần Văn Thạnh cùng 7 thanh niên các tỉnh miền Tây khác lên đường sang Quảng Châu học tại trường của Tổng bộ (khóa III).

Cuối năm1927, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên - Châu Đốc hình thành tại xã Long Điền (Chợ Mới, Long Xuyên) có Châu Văn Liêm, Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn.

Tháng 2/1928, Long Xuyên lập Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh... do Châu Văn Liêm làm bí thư ([3]). Tỉnh bộ lấy tiệm Mỹ Quang (nay là căn nhà số 16 đường Phạm Hồng Thái, thị xã Long Xuyên) làm cơ sở liên lạc.

Thực hiện chủ trương "vô sản hóa" của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các hội viên thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân lao động, để giác ngộ cách mạng và xây dựng, phát triển tổ chức. Công tác vận động là tuyên truyền, giáo dục bí mật lẻ tẻ hoặc thông qua các hình thức hội công khai như Ban cứu tế, Hội đá banh, Vạn vần đổi công... Một thời gian, tổ chức đã phát triển dọc theo trục lộ giao thông và những vùng đông dân cư ở Chợ Mới, Tân Châu, Hồng Ngự, Lấp Vò, tỉnh lỵ Châu Đốc, Tịnh Biên...

Mặt khác, Tỉnh bộ chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cấp tốc cho số thanh niên tốt, tiến bộ trong phong trào quần chúng để đưa họ vào tổ chức. Lớp huấn luyện đầu tiên ở căn phố của ông Phán Trà (nay là đường Bạch Đằng, Long Xuyên) và các lớp tiếp theo ở Lấp Vò, Tấn Đức (Chợ Mới)..., nội dung huấn luyện lấy từ trong cuốn "Đường Kách Mệnh" và "Điều lệ Việt Nam Cách mạng Thanh niên".

Đến cuối năm 1929, tổ chức và phong trào tuy chưa đều khắp nhưng đã có tác dụng lớn. Nó là đốm lửa lóe sáng trong đêm. Đó là niềm hy vọng của nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, khát khao độc lập tự do.

 

(Nguồn: Địa chí An Giang,

năm 2013)

_______________

([1]) Huỳnh Lứa, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Sđd, tr 207.

([2]) Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang - Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927 – 1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng An Giang, XB 1986, trang 31, 36.

([3]) Tháng 2/1929 Châu Văn Liêm được rút về Sài Gòn, Nguyễn Văn Cưng thay làm Bí thư Tỉnh Bộ.

Lượt người xem:  Views:   1589
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by