Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, Ngày 20/11/2022, 09:00
Đúng vai, thuộc bài thì ít va vấp
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/11/2022 | AG3567

(TUAG)- Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã nêu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu: "Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, "đúng vai, thuộc bài", thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm".


Yêu cầu cán bộ phải "đúng vai, thuộc bài" đã không ít lần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong các bài phát biểu, bài viết quan trọng.

Ngày 27/8/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp 27 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2016 - 2019. Nói chuyện thân mật với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư căn dặn, gửi gắm 10 chữ: "Đúng vai, thuộc bài, bản lĩnh, trí tuệ, khôn khéo". Đó là, mỗi vị đại sứ phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, làm đúng chức năng, quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào, cũng không lấn sân, chồng chéo. Để làm "đúng vai", mỗi đại sứ cần "thuộc bài" nghĩa là phải biết việc, có kiến thức hiểu biết, nắm chắc đường lối, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước một cách toàn diện, đặc biệt là về ngoại giao, phải nhuần nhuyễn cả ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng an ninh…

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Văn phòng Chủ tịch nước, ngày 17/1/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước cần nắm vững và tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; làm cái gì và làm như thế nào cho hiệu quả, phải "đúng vai, thuộc bài". Muốn vậy phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, rèn luyện tác phong công tác, gìn giữ phẩm chất đạo đức, đặc biệt là phải phối hợp cho thật tốt, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa 4 văn phòng Trung ương…

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 30/12/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, "đúng vai" tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ; "thuộc bài" là nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết, bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp…

Trong bài "Tạp chí Cộng sản phấn đấu mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam", đăng trên Tạp chí Cộng sản số 947 (tháng 8/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, "đúng vai, thuộc bài" chính là mỗi cá nhân, tập thể khi thực hiện nhiệm vụ chính trị cần làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình; nắm vững và thực hiện đúng những nguyên tắc, quy chế hoạt động thuộc lĩnh vực của mình; không làm việc "lấn sang sân" của người khác, trong khi việc chính của mình lại không làm hoặc làm chưa tốt…

Từ những tiếp cận trên, có thể hiểu "đúng vai, thuộc bài" là làm đúng chức năng, nhiệm vụ, chức trách, đúng quyền hạn, vị trí, vai trò, không làm thay việc của người khác, không "lấn sân" sang lĩnh vực của người khác, cơ quan khác. Mỗi  tập thể, cá nhân phải nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, phải hiểu biết lĩnh vực mình được phân công. Phải giữ vững các nguyên tắc và thực hiện một cách đúng đắn, không được phân công, "vận dụng" tùy tiện, không theo nguyên tắc.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc". Xét về nội hàm, yêu cầu này cũng tương tự như "đúng vai, thuộc bài", đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ.

Trong thực tế, đâu đó có những cơ quan, đơn vị đôi khi vẫn chưa quan tâm thực hiện tốt phương châm "đúng vai, thuộc bài", từ đó dẫn đến một số tình huống làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ, bị xem xét xử lý trách nhiệm. Cụ thể có mấy trường hợp nên tránh:

"Diễn không đúng vai". Trong trường hợp này cá nhân có biểu hiện lấn sân công việc người khác, nhất là cá nhân vượt quyền của tập thể. Thí dụ, vấn đề đó cần đưa ra tập thể ban chấp hành hoặc ban thường vụ cấp ủy thảo luận, cho ý kiến thì cá nhân tự quyết. Điều đó, nếu cố ý, lặp lại nhiều lần, xử lý cả các vấn đề lớn, hệ trọng thì có dấu hiệu của sự độc đoán, chuyên quyền. Hoặc người đứng đầu lẽ ra nên phát huy dân chủ nhưng lại vì động cơ cá nhân đã tự định đoạt và dẫn đến sai lầm. Đó các biểu hiện không "đúng vai", cụ thể là cá nhân đứng trên tập thể.

"Chồng vai, nhầm vai". Đây là trường hợp chức năng, nhiệm vụ lẫn lộn, không rõ ràng dẫn đến chỗ công việc người này đá sang công việc người khác hoặc bản thân không hiểu và làm đúng công việc của mình. Chẳng hạn, thủ trưởng đơn vị với cấp phó nhưng đồng thời là người đứng đầu tổ chức đảng có khi không tìm được tiếng nói đồng thuận và phối hợp dẫn đến lẫn lộn. Đã không "đúng vai" thì rất dễ đi đến chỗ "không thuộc bài", vì bản thân từng người không biết mình "đứng ở đâu" để "học thuộc bài" của mình.

"Đúng vai, không thuộc bài". Đây là trường hợp đã đứng "đúng vai" nhưng vì chủ quan, vì hạn chế năng lực, vì bất cẩn… mà đã "không thuộc bài" - được chăng hay chớ, buông bỏ nhiệm vụ. Trong trường hợp này, người đảm nhận sẽ rơi vào tình trạng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, vì thế kết quả, hiệu quả công việc sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, về khách quan, xuất phát từ trách nhiệm của cơ quan quản lý, có thể sự phân công nhiệm vụ cho cá nhân đó không chính xác, không căn cứ vào năng lực, sở trường của cá nhân để giao việc, khiến cho cá nhân đó không thể nào hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ; về chủ quan, điều này xuất phát từ thái độ trách nhiệm của cá nhân với nhiệm vụ được giao, mặc dù có đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vì suy nghĩ cá nhân, bởi những đắn đo, cân nhắc thiệt hơn nên đã không thực hiện đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ đề ra hoặc thực hiện nhiệm vụ với thái độ hời hợt, mang tính đối phó, thể hiện sự qua loa, tắc trách trong công việc.

Trong thực tế, nguyên nhân chủ quan của việc "Diễn đúng vai nhưng không thuộc bài" hay gặp hơn, bởi sự chi phối của chủ nghĩa cá nhân trong bản thân mỗi con người - điều rất dễ nảy sinh nếu không có sự nghiêm khắc của bản thân mỗi người trong rèn luyện, tu dưỡng cũng như thiếu sự theo dõi, phê phán, giúp đỡ của tập thể. Chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người gây nguy hại rất lớn cho kết quả thực hiện nhiệm vụ chung, bởi nó tác động tiêu cực tới thái độ, trách nhiệm của cá nhân đó trong thực hiện nhiệm vụ. Xét đến cùng, đây cũng là một trong những biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng chính trị trong suy nghĩ và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

"Không thuộc bài nhưng vẫn vào vai". Đây là trường hợp trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Cá nhân có thể rất nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ, nhưng bởi không được đào tạo phù hợp, chuẩn bị cho vị trí công tác đó, nên thực hiện nhiệm vụ theo cách như V.I. Lê-nin nói: lòng nhiệt tình cộng với sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến kết quả là sự phá hoại. Trên thực tế, trường hợp "Không thuộc bài nhưng vẫn vào vai" có thể coi là hy hữu, bởi hiện nay những quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Do đó, trường hợp này chỉ có thể xảy ra với khả năng là, năng lực, chất lượng và hình thức đào tạo của bằng cấp không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, nhưng vẫn được bố trí, sắp xếp công việc; hoặc bởi những tiêu cực nào đó trong công tác cán bộ.

Có thể nói, thực tế phân công và thực hiện công việc có không ít trường hợp biến tướng. Để góp phần nâng cao tính khoa học, chuyên nghiệpvà hiệu quả công việc, đòi hỏi mỗi tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu phải thực hiện tốt phương châm: "Đúng vai, thuộc bài". Điều này đòi hỏi từng tập thể, cá nhân phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, của cơ quan, tổ chức mà mình đang quản lý, lãnh đạo, điều hành. Đồng thời phải hiểu đúng về các nguyên tắc hoạt động, như chế độ thủ trưởng thì thực hiện như thế nào, chế độ tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách thực hiện ra sao, khi nào thì cần đề cao vai trò của tập thể, khi nào phát huy vai trò cá nhân… Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, phải có đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở lĩnh vực mà mình phụ trách. Ở đây, có trách nhiệm cá nhân của mỗi người trong việc không ngừng nâng cao trình độ bằng việc tự học, đồng thời có trách nhiệm của bộ phận tổ chức cán bộ thể hiện ở việc lựa chọn, bố trí sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc, tùy tài mà dùng người như Bác Hồ từng căn dặn: "Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình".

Sự Thật

Lượt người xem:  Views:   2130
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by