Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 4, Ngày 07/02/2024, 10:00
Tản mạn ngày Tết miền Tây
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
07/02/2024 | TTCTTT

​(TUAG)- Trong kho tàng văn hoá dân tộc nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng, Tết hiện lên như một rừng hoa đầy hương sắc. Không phải là mùa, cũng chẳng là tháng nào cụ thể, nhưng Tết mang những đặc trưng riêng biệt, chẳng xen lẫn với bất cứ thời điểm nào của năm, và nổi bật lên một cách kiêu sa và lộng lẫy… Bởi Tết là thời điểm chứa đựng mùi hương, màu sắc, không khí đặc trưng và dễ chịu nhất trong năm!

Chao-nam-moi-24-3.jpg

Ở nước ta, với sự phát triển sớm và rực rỡ của nền văn minh lúa nước, các bậc tiền nhân đã dựa vào sự tuần hoàn của thời tiết và quá trình canh tác nông nghiệp mà chia 24 tiết khí vào thành một năm. Mỗi tiết khí là một giai đoạn kéo dài 14 – 16 ngày, ứng với các yếu tố như: Lập Xuân (bắt đầu mùa Xuân), Kinh trập (sâu bắt đầu nở), Cốc vũ (mưa rào), Tiểu mãn (lũ nhỏ), Bạch lộ (nắng nhạt), Đại hàn (rét đậm)… Và khí tiết đầu tiên, khởi đầu mùa vụ mới của năm được xem là tiết quan trọng nhất (sau đọc trại thành “Tết”), gắn liền với nhiều sự kiện như tuổi đời, tính năm, hội hè... Dần dà, Tết gắn thêm nhiều hoạt động ý nghĩ khác, trở thành phong tục, tập quán và nếp văn hoá không thể thiếu trong tâm thức người Việt.

Cùng chung nền văn hoá Á Đông nên việc ăn Tết của Nhân dân ta với một số nước lân cận có những nét tương đồng. Từ thời Vua Hùng dựng nước, dân ta đã có văn hóa đón Tết của riêng mình. Truyện cổ truyền rằng, vào đời Hùng Vương thứ 6 (Khoảng năm 1712 - 1632 trước Công nguyên), dân ta đã có tục ăn Tết. Vào dịp Tết đầu tiên sau khi sau khi Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, đất nước thái bình, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm; vua Hùng muốn truyền ngôi cho người tài đức vẹn toàn nên ra cuộc thi, “Tết năm nay, ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Lang Liêu - người tánh hiền lành, thật thà, chất phác và hiếu nghĩa, không có khả năng đi tìm sơn hào hải vị, nên tận dụng các sản vật nông nghiệp thân thuộc như nếp, đậu, lá dong… chế biến thành bánh chưng hình vuông đại diện cho đất và bánh dày hình tròn đại diện cho trời dâng lên vua cha và được Hùng Vương rất hài lòng, liền ban chiếu truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Từ dạo ấy đến nay đã hàng nghìn năm, nhưng bao giờ vào dịp Tết, dân ta cũng dâng cúng Tổ tiên bánh dày bánh chưng để thể hiện lòng hiếu đạo và cũng là cách nhắc nhở con cháu đời sau về tục ăn Tết của ông cha mình.

Trong quá trình mở mang bờ cõi, phát triển giống nòi, những cháu con của “Hùng Vương - Lang Liêu” dần đi về phương Nam, len lỏi rừng sâu vạn dặm để khai hoang, lập nghiệp. Trong cuộc di cư đầy gian nan, thử thách và khắc nghiệt ấy, tùy hoàn cảnh mà những phong tục tập quán truyền thống thuở xưa được thay đổi nhằm thích ứng với thiên nhiên, dần dà định hình nên một nếp văn hoá vừa tương đồng vừa có những nét khu biệt. Đơn cử như trong hành trình mở cõi, mỗi dịp Tết về, để gói bánh cúng tổ tiên mà phương Nam không có sẵn lá cây dong, người xưa tận dụng lá chuối làm lá gói. Bên cạnh đó, để tiện cho việc di chuyển, tiền nhân đã nghĩ ra việc thay đổi hình thức chiếc bánh chưng từ hình vuông sang hình trụ tròn để dễ mang đi xa và tiện khi muốn ăn thì chỉ cần lấy dây gói bánh và “cắt” cho bánh “tét” ra thành từng khoanh vừa miệng. Nhân đó cũng đặt cho tên mới của bánh là “bánh tét”. Đó cũng là thông điệp về sự thích ứng với thiên nhiên của người đi mở cõi, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, lưu truyền đến ngày nay…

Bằng sự thích ứng tài tình, khí hậu miền Nam không có hoa đào thì người dân trồng hoa mai rực vàng mỗi mùa Xuân đến. Cây mai Tết ngày nay có nguồn gốc từ loài mai dại mọc hoang trong những cánh rừng nhiệt đới ở dãy Trường Sơn.

Chao-nam-moi-24-1.jpg

Sống với sông nước ruộng vườn bốn mùa mát ngọt, tính cách người miền Tây cũng vì thế mà rộng rãi và hào sảng, nghĩ giản đơn, không cầu kỳ nhưng cũng rất trọng lễ nghĩa. Người miền Tây không có cổng làng, nhà thờ họ nhưng sâu xa trong tâm thức, họ vẫn trọng vọng Tổ tiên và vẫn còn đâu đó nỗi nhớ miền cố thổ. Hàng năm vào những ngày giáp Tết, các gia đình thường bày mâm trên bàn thờ tổ tiên để “rước” ông bà đã quá cố “về non về núi tu” hay “về với quê cha đất tổ miền Trung” trở lại gia đình chung vui Tết với con cháu. Trong suốt những ngày Tết, 2 lần sáng chiều mỗi bữa, con cháu đều trang nghiêm dọn mâm cơm với những món đặc trưng của Tết lên bàn thờ để ông bà dùng bữa như khi còn sống. Đến hết mùng 3 hoặc hết mùng 7 (hạ nêu), con cháu sẽ làm một mâm thịnh soạn để tiễn ông bà, và hẹn năm sau lại “rước” ông bà về chơi Tết.

Bên cạnh đó, còn một số dòng tộc vẫn giữ được nhiều nếp xưa từ thời mở cõi, đó là tục cúng việc lề. Hai chữ việc lề có nghĩa đây là “việc” đã có “lề lối” và “thông lệ”, không được khác đi. Trong buổi cúng việc lề, con cháu của cả dòng họ tựu về nhà của một người được chọn cố định truyền đời, hay luân phiên nhau tổ chức ở các nhà khác nhau. Lễ vật dâng lên lễ cúng có phần khá đặc biệt, mang ý nghĩa gắn liền với công cuộc khẩn hoang. Mỗi dòng họ thường sẽ có những vật phẩm việc lề khác nhau và cách lý giải cũng khác nhau. Người ta cho rằng, khi vào Nam khai khẩn, chiến tranh loạn lạc có khi phải lang bạt kỳ hồ, thay tên đổi họ… nên các bật tiền nhân đã dặn lại con cháu những món “quy ước đặt biệt” để sau này nhìn dòng họ với nhau… Ngày nay, từ mồng một đến hết tháng Giêng, dọc theo vùng Châu Đốc và kinh Vĩnh Tế - nơi năm xưa có nhiều đoàn dân phu gốc miền Trung được Thống suất Thoại Ngọc Hầu chiêu mộ đào kinh, xây làng lập ấp, ta vẫn thấy nhiều gia đình dọn mâm cúng việc lề rất trang nghiêm lễ bái. Sau lễ đều có tục thả chiếc ghe bầu bằng chuối (tàu tống) xuống sông để tưởng nhớ ông bà xưa đã “Nam tiến Bắc hồi”…

Người miền Tây có tục, nhà cửa dù một năm bụi bặm, bề bộn do công việc mưu sinh đến mấy thì trước phút giao thừa, cũng phải dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, làm mới vật dụng, bếp núc; sơn lại nhà cửa, sửa lại tủ bàn… Không chỉ cửa nhà, mà với tâm niệm “sống nhờ nhà, chết nhờ mồ”, những ngày giáp Tết này, người ta cũng làm một cuộc dọn cỏ, đắp đất, quét vôi mồ mả tổ tiên…

Mùa Tết về, đường sá, nhà nhà dường như mới tinh tươm, người người sắm cho mình áo quần mới để đi hưởng lộc… Đất người như đổi thay sau đợt “dọn mình” để chào đón những điều tươi mới. Chính tâm thức này, cùng sự hiền hòa, bao dung của người dân sông nước, mà trong những buổi gặp gỡ dịp Tết, những buồn giận năm qua sẽ được xem như “chuyện cũ bỏ qua”, năm mới nói chuyện mới, gắn kết mới…

Hình thành và phát triển chỉ hơn 300 lần Tết, nhưng mùa Tết nào của miền Tây Nam Bộ cũng là mùa rộn ràng và chất chứa nhiều nét đẹp đặc trưng văn hoá. Mang tâm thức Tết cổ truyền từ cái nôi của nền văn minh lúa nước, cắm xuống miền Đồng bằng châu thổ Cửu Long, tâm thức ấy bén rễ trổ bông hết sức đặc trưng và hấp dẫn. Những giá trị tốt đẹp đó như liều thuốc thần dược, thôi thúc chúng ta, dẫu đi đâu làm gì, cũng cố gắng vươn lên để mùa Tết phía tương lai, sẽ được về quê tắm mình trong một không gian Tết đậm đà hương sắc và mê đắm!

LÊ QUANG TRẠNG

Lượt người xem:  Views:   337
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by