Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 4, Ngày 13/09/2023, 15:00
Người mang tên Đại Nghĩa
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/09/2023 | An Bình

(TUAG)- Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều tri thức đã sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, từ bỏ cuộc sống an nhàn đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, dấn thân vì nghĩa lớn, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh. Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong số đó.

 tran-dai-nghia-1.jpg

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một "Đại trí thức", không chỉ là người nổi tiếng trong giới quân sự Việt Nam mà còn là nhà khoa học nổi tiếng với nhiều đóng góp to lớn cho đất nước. Ông được phong Thiếu tướng vào tháng 3/1948 nhân dịp Bác Hồ phong tướng đầu tiên, là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động (1952), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1966), Huân chương Hồ Chí Minh (1984) và giải thưởng Hồ Chí Minh (1996). Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của Ông đã trở thành một huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt cũng như bạn bè quốc tế với danh xưng "Ông vua vũ khí" của Việt Nam. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì gọi Ông là "Ông Phật cầm súng".

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 ở xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nhà giáo, sống lương thiện, trong sạch, có truyền thống yêu nước. Năm ông mới lên 7 tuổi thì thân phụ của ông là Cụ Phạm Văn Mùi qua đời, thân mẫu của ông là Cụ Lý Thị Diệu và chị gái ông đã vượt qua rất nhiều khó khăn, tần tảo nuôi ông ăn học. Với tư chất thông minh, giàu nghị lực, Ông đã cố gắng vươn lên và luôn đạt kết quả học tập xuất sắc trong mọi bậc học. Năm 1926, Ông thi đỗ hạng ưu vào Trường Trung học Mỹ Tho, được nhận học bổng 4 năm học (1926-1930). Năm 1930, Ông được tuyển thẳng vào Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn) và được học bổng 3 năm liền. Đến năm 1933, người thanh niên Phạm Quang Lễ đã giành được hai bằng tú tài hạng ưu: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Tháng 9/1935, Ông sang Pháp du học.

Chính phủ Pháp nghiêm cấp người dân thuộc địa học tại các trường dạy về vũ khí hay vào làm các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí. Với lòng đam mê khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sản xuất vũ khí, Ông đã theo học và lấy bằng cử nhân, chứng chỉ của các trường: Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, Đại học điện, Đại học Sorbonne, Học viên Kỹ thuật Hàng không, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Cơ khí bách khoa.

Năm 1939, Ông làm việc tại Nhà máy điện Thomson, rồi nhà máy sản xuất máy bay tại Pháp. Năm 1942, Ông sang Đức để làm việc tại hãng chế tạo máy bay ở Halle và Viện nghiên cứu vũ khí. Sau đó, Ông trở lại Pháp làm việc cho Công ty Sud Avion và một số công ty chế tạo máy bay của Pháp, tham gia Hội Việt Nam Ái hữ tại Pháp.

Người Pháp, người Đức khi nhận Ông vào làm trong các viện nghiên cứu, hãng sản xuất trọng yếu về vũ khí với mức lương tương đương hàng chục cây vàng đã không thể hiểu nổi động cơ, mục đích làm việc của Ông. Họ cần Ông vì Ông là người tài năng hiếm có, họ không nghi ngờ Ông vì họ nghĩ Ông đã đạt đến trình độ cao như vậy trong ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí rồi thì Ông sẽ phải phụ thuộc họ, chỉ có làm việc cho họ thì tài năng của Ông mới được phát huy, họ cho rằng với cuộc sống tiện nghi ở châu Âu, với mức lương hậu hĩnh thì mục đích của Ông đã đạt được và Ông không có lý do gì để từ bỏ vinh hoa, phú quý đó. Nhưng họ không thể hiểu được ý chí quyết tâm sắt đá của một người yêu nước, có lý tưởng cách mạng cao đẹp, nung nấu khát vọng cống hiến để đem lại độc lập, tự do cho quê hương đang chìm trong đêm dài nô lệ. Những năm tháng quý báu làm việc trong các viện nghiên cứu, hãng chế tạo vũ khí của Pháp, Đức đã giúp kỹ sư Phạm Quang Lễ một mặt trau dồi thêm kiến thức chuyên môn về thiết kế, chế tạo vũ khí, một mặt tiếp thu, tích lũy những kiến thức về phương thức tổ chức nghiên cứu, chế tạo vũ khí của những nền công nghiệp phát triển nhất châu Âu.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã làm nức lòng những trí thức Việt Nam yêu nước đang làm việc tại nước ngoài, trong đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ. Tháng 9/1946, Ông và các trí thức yêu nước như kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang Pháp thương thuyết với Nhà cầm quyền Pháp về độc lập, tự do cho Việt Nam. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giác ngộ, Ông cùng các Ông Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Đỗ Đình Thiện (thư ký), Vũ Đình Huỳnh (cận vệ) đã về nước cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành trang của ông là 1 tấn sách liên quan đến chế tạo vũ khí. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Sáng ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ đang lo sản xuất vũ khí ở Thái Nguyên thì được điện về Hà Nội gấp để gặp Bác Hồ. Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Quang Lễ, Bác nói: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Việc sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên mới cho chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam". Từ đây, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa đã có những cống hiến quan trọng cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu cơ sở nghiên cứu, thiếu phương tiện, vật tư, thiếu cán bộ, công nhân kỹ thuật nhưng với chức trách của người đứng đầu ngành quân giới, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo và góp phần quan trọng vào hoàn chỉnh việc nghiên cứu chế tạo súng và đạn Bazoka; chế tạo súng và đạn chống tăng AT; chế tạo súng và đạn SKZ, tạo nên kỳ tích phi thường của ngành kỹ thuật quân sự, đánh dấu sự tiến bộ của đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật nước nhà. Điều đáng khâm phục hơn đó là những vũ khí thế hệ mới, do các cường quốc kỹ thuật quân sự chế tạo, như súng không giật SKZ mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa (Nhật Bản) vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng lại được chế tạo từ những xưởng quân giới với máy móc, công cụ thô sơ, từ những bằng những vật liệu lấy từ ray đường sắt, từ phân dơi,…. Hoàn cảnh khó khăn càng tỏa sáng tài năng và nghị lực phi thường của nhà trí thức yêu nước; những vũ khí do Ông chủ trì nghiên cứu, chế tạo đã trở thành nỗi kinh hoàng cho đội quân thực dân, góp phần nâng cao hiệu suất chiến đấu và nghệ thuật tác chiến của quân đội nhân dân Việt Nam.

tran-dai-nghia-2.jpg

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu cải tiến vũ khí do các nước giúp đỡ cho phù hợp với cách đánh của Việt Nam. Ông cũng tập trung tìm hiểu những vũ khí của địch, từ đó tìm cách hạn chế tính năng, tác dụng, vô hiệu hóa chúng. Dưới sự chỉ đạo của Ông, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nước nhà đã nghiên cứu, cải tiến thủy lôi áp suất APS, giúp cho bộ đội đặc công lập nhiều chiến công trên chiến trường sông biển; cải tiến dàn hỏa tiễn Cachiusa của Liên Xô từ chỗ phải có ô tô vận chuyển, thành gọn nhẹ, từng người có thể mang vác được nhưng vẫn đảm bảo công năng. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp kỹ thuật khắc chế các phương tiện, khí tài của địch trên đường Trường Sơn, điển hình là xe phóng từ trường từ khoảng cách 130 mét, giúp bộ đội công binh nhanh chóng giải tỏa các trọng điểm đánh phá bằng bom từ trường của địch; giải pháp rà phá thủy lôi chống địch phong tỏa sông biển miền Bắc. Đặc biệt, Ông đã tham gia chỉ đạo công trình nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục gây nhiễu của máy bay B.52; cải tiến độ nổ phân mảnh của đầu đạn tên lửa SAM-2; tìm ra cách thay đổi về công suất điện áp của cánh sóng để chế áp điện tử gây nhiễu của máy bay địch,…. Đây là những giải pháp kỹ thuật quan trọng giúp quân và dân ta đánh bại "pháo đài bay" của không lực Hoa Kỳ, đập tan những nỗ lực cuối cùng của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Những đóng góp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cùng với đội ngũ các nhà khoa học do Ông góp phần xây dựng đã góp phần giúp lực lượng vũ trang giành thắng lợi trên mặt trận quân sự, qua đó giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chiều ngày 30/4/1975, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã ghi vào sổ tay của mình: "Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau, chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau".

Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, anh hùng Trần Đại Nghĩa có lần tâm sự: Tôi nhớ mãi Bác Hồ kính yêu, vô cùng biết ơn Bác cho theo về nước, Bác luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã cho tôi các cương vị để có thể hoàn thành các nhiệm vụ của đời tôi một cách hiệu quả nhất và cái tên mà Bác đã đặt cho tôi cũng luôn luôn nhắc nhở tôi. Bác luôn luôn là hình ảnh thiêng liêng nhưng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và chị tôi, một bên là Bác Hồ. Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả,v.v.. 

Đã 77 năm trôi qua kể từ ngày Kỹ sư Phạm Quang Lễ trở về phụng sự Tổ Quốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế giới đã bao đổi thay, đất nước cũng đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng những bài học vô giá từ cuộc đời và sự nghiệp cao quý của Ông để lại cho chúng ta vẫn còn tươi mới và nguyên giá trị. Chính lòng nhiệt thành yêu nước đã đưa người thanh niên Phạm Quang Lễ vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm kiếm tìm tri thức chế tạo vũ khí để đánh đuổi ngoại xâm; quyết tâm dứt bỏ mức lương tương đương 22 lượng vàng/tháng để trở về phụng sự Tổ quốc, đưa ông trở thành nhà "đại trí thức", một vị tướng của Quân đội cách mạng. Phẩm chất kiên trung đã làm nên một Trần Đại Nghĩa rất giản dị, gần gũi, chan hòa với đồng chí, đồng bào nhưng vô cùng kiên định về lý tưởng, lập trường và tinh thần cống hiến bền bỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết về Ông "Suốt đời làm việc vì đại nghĩa, không biết mệt mỏi, dù ở cương vị nào, là Cục trưởng Quân giới đầu tiên hay Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, ở những trọng trách khác trong các ngành kinh tế, khoa học, anh đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đã có những cống hiến xứng đáng đối với quân đội, đối với dân tộc… một tấm gương sáng của một nhà trí thức tiêu biểu, mẫu mực và đức độ: Liêm khiết, công tâm, về tài năng thông minh và sáng tạo, ăn ở đoàn kết, thủy chung".

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của cố Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023) là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân một trí thức lớn, một nhà khoa học quân sự tài năng cống hiến hết mình sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp của Ông là một tấm gương sáng về ý chí vượt khó, lòng yêu nước, về lý tưởng, sự cống hiến cho dân tộc và đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay, đặc biệt cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học học tập và noi theo.

Sự Thật

Lượt người xem:  Views:   679
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by