Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 2, Ngày 25/03/2024, 09:00
Chiến thắng đồi Tức Dụp - ý nghĩa và bài học của sự kiện, trách nhiệm của thế hệ hôm nay
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/03/2024 | TTCTTT

​(TUAG)- Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những âm vang hào hùng của chiến thắng đồi Tức Dụp không chỉ còn in sâu trong ký ức của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu, mà còn cả thế hệ trẻ, những người dân yêu nước của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ngày hôm nay.

TT-TucDup.jpg

Ngược dòng lịch sử, sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang huyện, tỉnh đã giáng cho Mỹ, ngụy những đòn tấn công quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh; lực lượng cách mạng giữ vững vùng giải phóng ở căn cứ núi Tô, núi Dài và đồng tràm Huệ Đức, Lương Phi.

Với quyết tâm tiêu diệt lực lượng cách mạng, giành lại quyền kiểm soát vùng nông thôn và các tuyến lộ giao thông trọng yếu ở vùng Bảy Núi. Từ giữa năm 1968, Mỹ, ngụy huy động lực lượng quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại mở cuộc tấn công ồ ạt vào căn cứ Núi Tô.

Từ ngày 17/11/1968, địch huy động 18.000 quân tinh nhuệ, có xe thiết giáp, pháo binh và máy bay ném bom yểm trợ mở cuộc tấn công ồ ạt vào đồi Tức Dụp. Tên gọi: “Ngọn đồi 2 triệu đô la”. Đó là giá chiến phí mà quân đội Mỹ dự tính cho cuộc chiến đấu thần tốc: Chỉ trong tuần lễ sẽ chiếm hoàn toàn mật khu nối liền đường Hồ Chí Minh với miền Tây Nam Bộ…

Về phía ta, lực lượng đóng giữ tại đây chỉ khoảng gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội địa phương huyện Tri Tôn, Châu Thành, Long Xuyên và du kích xã An Tức, Cô Tô, Ô Lâm. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch khoảng 90 lần, trang bị vũ khí cũng kém hơn địch rất nhiều. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ huy khôn khéo, linh hoạt của Tỉnh ủy và Huyện ủy, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù.

Tại Tức Dụp, lực lượng cách mạng đã dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng, phân tán lực lượng, bám từng gốc cây, hang đá, luồn sâu trong các lò ảng tổ chức chiến đấu ngoan cường, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, đẩy lui từng trận càn, tiêu diệt nhiều sinh lực và vũ khí của địch. Trong suốt quá trình chiến đấu liên tục, mặc dù bị bao vây nghiêm ngặt, tấn công ác liệt suốt ngày đêm, lực lượng bị tổn thất hy sinh, thiếu thốn vũ khí, lương thực, nhưng nhờ sự đùm bọc, che chở, ủng hộ của người dân, tinh thần chiến đấu của bộ đội, du kích không hề lay chuyển, đoàn kết, kiên định, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Doi-Tuc-Dup.jpg

Trải qua 128 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không tương xứng, thiếu thốn mọi bề, các chiến sĩ cách mạng đã trụ vững tại đồi Tức Dụp. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến 4.700 tên, bắn cháy 11 xe tăng, 2 máy bay phản lực, 4 trực thăng, 9 khẩu pháo 105 ly, 1 máy bay cần cẩu và thu nhiều chiến lợi phẩm khác. Cuộc chiến ấy, bọn giặc ngông cuồng đã phải tốn hao đến 2 triệu đô-la Mỹ. Cũng từ trận đánh 128 ngày đêm ác liệt ấy, Tức Dụp sừng sững với tên gọi "Lá chắn Anh hùng", vinh dự nhận tên mới "Đồi 2 triệu đôla". Nơi đây, biết bao chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống và tinh thần bất khuất ấy đã được Bộ Tư lệnh Miền tặng 8 chữ vàng "Kiên cường giết giặc, giữ vững Núi Tô”. Chiến thắng tại đồi Tức Dụp là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên định và niềm tin vào chiến thắng cuối cùng cách mạng, tên tuổi của các đồng chí như: Trần Thanh Quế, Phan Văn Mỳ, Trần Trường Sơn, Lê Thành Cư, Nguyễn Thành Công, Hà Minh Khá, Huỳnh Văn Điều, Năm Kiếm…mãi mãi được lịch sử khắc ghi.

Chiến tranh đã lùi xa, Tức Dụp đã hồi sinh, được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định số 666-VH/QĐ, ngày 01/4/1985, của Bộ Văn hóa Thông tin. Tức Dụp trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ nói riêng và người dân nói chung.

Với những chiến công đã đi vào huyền thoại, với nhiều di tích để lại như: Hang Hội Trường C6, hang Quân Y, vồ Năm Kiếm, điện Mười Xem… cùng với những tiềm năng to lớn về cảnh quan của núi rừng, không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer. Tức Dụp ngày nay đang được quy hoạch tổng thể, khoa học; trong đó đã và đang tiến hành tu bổ, trùng tu tôn tạo các hạng mục, xây dựng mới nhiều công trình, hướng đến trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của huyện, cũng như của tỉnh An Giang.

Yêu cầu đặt ra đối với các nhà quản lý là vừa phải khai thác tốt các tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng đồng thời phải gìn giữ tốt các di tích lịch sử, không phá vỡ cảnh quan, cấu trúc tự nhiên của núi đồi, phát huy những giá trị này phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để Tức Dụp mãi là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn - đây cũng chính là mục đích, là lời tri ân đến công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

PHAN VĂN SƯƠNG

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn

Lượt người xem:  Views:   464
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by