Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 4, Ngày 22/11/2023, 10:00
An Giang 191 năm - từ độ mang gươm đi mở cõi
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
22/11/2023 | An Bình

(TUAG)- Trong thế kỷ XVIII, XIX, việc khai khẩn đất đai ở An Giang nói riêng cũng như vùng đất phía Tây Nam Bộ ngày nay nói chung chủ yếu dưới hình thức người dân lưu tán từ miền Trung vào tự khẩn hoang hoặc binh lính của Nhà Nguyễn khai phá ở những khu vực đồn trú và mộ dân khẩn hoang lập ấp, lập đồn điền. Tuy nhiên, so với các vùng đất khác ở Nam Bộ, dù Chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền từ năm 1757 nhưng công cuộc khai phá trên địa bàn An Giang thật sự được ghi nhận sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định từ nhà Tây Sơn cuối năm 1788.


Lịch sử hình thành vùng đất An Giang ghi nhận một sự kiện quan trọng là năm Đinh Sửu (1757), quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn đã dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, ngày nay có một phần thuộc An Giang) cho chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát để đền ơn giúp giành lại vương triều. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận đất Tầm Phong Long, cho lệ vào dinh Long Hồ và đặt thành 3 đạo gồm: Xứ Sa Đéc đặt thành đạo Đông Khẩu, xứ Cù Lao Giêng đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc làm đạo Châu Đốc, rồi lấy binh dinh Long Hồ đến gìn giữ nơi địa đầu trọng yếu ấy. Đạo Châu Đốc khi ấy chỉ là một cứ điểm phòng thủ nơi biên thùy, còn nhiều đất bỏ hoang. Cư dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, đánh bắt cá, tôm và một số nghề thủ công truyền thống. Đầu đời Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc tân cương. Các Chúa Nguyễn về sau cũng tiếp tục khuyến khích việc khẩn hoang ở vùng đất xa xôi này nhằm bảo vệ biên cương bờ cõi. Và cũng chính từ thời điểm 1757, vùng đất sau cùng của Nam Bộ (một phần là An Giang ngày nay) đã trở thành một bộ phận không thể chia cắt được của nước Việt Nam về mặt pháp lý.

Từ thời thuộc Chân Lạp cho đến tận đầu nhà Nguyễn, đất An Giang còn hoang hóa, rất ít dân cư. Những người Việt đầu tiên đến đất An Giang có nhiều thành phần khác nhau: họ là những người nghèo khổ từ miền Trung vào Nam kiếm sống; những người có nhiều tiền, của ở đất Thuận Hóa (Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi...) được Chúa Nguyễn chiêu mộ vào khẩn hoang lập ấp, thuê mướn tá điền... hình thành tầng lớp quan lại, địa chủ đặc quyền, đặc lợi; những người mắc tội lưu đày, khi mãn hạn ở lại làm ăn, lập gia đình; binh lính đồn trú; các nhóm tín đồ đạo Thiên Chúa; sự pha trộn giữa người Việt với các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa.

Năm Mậu Thìn 1808, vua Gia Long đã đổi dinh thành trấn. Cả vùng đất Gia Định, gọi là Gia Định thành (nay là Nam Bộ) chia làm 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Tỉnh An Giang lúc bấy giờ thuộc trấn Vĩnh Thanh.

 Để thực hiện chính sách Trung ương tập quyền, xóa bỏ các quyền lực các Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định thành, từ năm 1831 vua Minh Mạng cho thành lập các tỉnh phía Bắc từ Lạng Sơn đến Quảng Trị xóa bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Ở Nam Bộ do Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt còn đương chức chưa thực hiện được, đến tháng 7 năm 1832, Lê Văn Duyệt qua đời. Trong buổi thiết triều, thông qua đề xuất của Bộ Lại, vua Minh Mạng quyết định xóa Gia Định thành và 5 trấn, cho chủ trương thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam vào Nam Bộ trong đó có tỉnh An Giang. Đây là một đợt cải cách hành chính lớn thời Minh Mạng.

Sách Đại Nam nhất thống chí viết về An Giang như sau: "Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu (1757) đời Thế Tông thứ 19, quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất nầy, đặt làm đạo Châu Đốc, vì đất ấy có nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương, đặt quảng đạo, lệ vào tỉnh Vĩnh Long. Năm Minh Mệnh thứ 13, lấy đất này cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long đặt làm hai phủ Tuy Biên và Tân Thành, đặt bốn huyện là Tây Xuyên và Phong Phú, Đông Xuyên và Vĩnh An (Tây Xuyên và Phong Phú thuộc phủ Tuy Biên; Đông Xuyên và Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành), lập tỉnh An Giang, đặt chức An Hà tổng đốc, thống lãnh hai tỉnh An Giang và Hà Tiên". Địa bàn tỉnh An Giang thời bấy giờ rất rộng, tương ứng với An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

Sách Đại Nam Thực Lục viết: Nhâm thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), mùa đông tháng 10, ngày mồng 1: "Một hạt Gia Định gần thì liền đất với Chân Lạp là thuộc quốc, xa thì lân cận với Xiêm La là láng giềng, mà đất Châu Đốc lại là nơi rất xung yếu. Nhưng dân cư chưa được đông đúc, địa lợi chưa được mở mang, gần đấy, có Vĩnh Long, đất rộng, dân giàu, hơn cả mọi hạt. Vậy xin tách lấy 2 huyện Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc Vĩnh Long, gộp với đất Châu Đốc, lập làm tỉnh An Giang; đặt một viên Tổng đốc đại thần kiêm lĩnh quả ấn bảo hộ nước Chân Lạp. Phàm các công việc vỗ về người xa, phòng ngừa giặc ngoài đều giao cho cả…Tỉnh An Giang: thống trị 2 phủ Tân Thành, Tuy Biên và 4 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định, Đông Xuyên, Tây Xuyên. Nguyên đất Châu Đốc và lấy 2 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định, ở phủ Định Viễn thuộc Vĩnh Long đổi làm tỉnh An Giang ở mé đông sông Hậu Giang đặt huyện Đông Xuyên, lấy những thôn ấp mới lập đặt làm 1 tổng, lại lấy 2  tổng thuộc huyện Vĩnh Định cho lệ thuộc vào. Ở mé tây sông Hậu Giang đặt huyện Tây Xuyên, trích lấy 4 tổng huyện Vĩnh An cho lệ thuộc vào. Lấy 2 huyện Đông Xuyên, Tây Xuyên đặt làm phủ Tuy Biên; 2 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định đặt làm phủ Tân Thành".

Như vậy, đến tháng 10/1832 thì 5 trấn của Gia Định thành trở thành 6 tỉnh, được gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (3 tỉnh miền đông) và Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (3 tỉnh miền tây). Tỉnh An Giang lúc bấy giờ bao gồm 2 phủ, 4 huyện. Lỵ sở của tỉnh đặt tại Châu Đốc, nơi Tổng đốc An Hà trú đóng cai quản hai tỉnh An Giang, Hà Tiên.

Năm 1835, vua Minh Mạng cho lấy đất Ba Thắc đặt thêm phủ Ba Xuyên, đặt hai huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và lấy huyện Vĩnh Định tỉnh Vĩnh Long nhập vào tỉnh An Giang.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho đạc điền lập địa bạ cả Nam Kỳ lục tỉnh. Địa bạ An Giang lần đầu tiên được xác lập ngày mùng 3 tháng 6 năm 1836, ghi nhận lúc bấy giờ có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 167 làng. Đến thời vua Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, thêm phủ, huyện, An Giang có 3 phủ, 10 huyện.

Từ sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất (1862), giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của thực dân. Sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam Kỳ (tháng 6/1867), ngày 16/8/1867, Pháp chia 6 tỉnh trở thành 24 đơn vị hành chính mới gọi là hạt thanh tra, đứng đầu mỗi hạt thanh tra là viên "Thanh tra công việc nội chính bản xứ". Tỉnh An Giang (của Nam Kỳ lục tỉnh) chia thành 3 hạt thanh tra (Châu Đốc, Sa Đéc, Sóc Trăng).

Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, mở đầu quá trình thống trị An Giang. Sau nhiều lần thay đổi, theo Nghị định ngày 05/01/1876, cả Nam Kỳ được chia làm 4 khu vực hành chính là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Mỗi khu vực hành chính lại chia thành nhiều tiểu khu còn gọi là hạt tham biện. Khu vực Bassac chia thành 6 hạt tham biện là Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn (khi mới lập, sau đó đổi thành Cần Thơ), Sóc Trăng. Địa bàn An Giang ngày nay nằm trên 2 hạt Châu Đốc và Long Xuyên.

Ngày 20/12/1899, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra Nghị định đổi hạt tham biện thành tỉnh, có hiệu lực từ ngày 01/01/1900. Như vậy, tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc xuất hiện đồng thời, từ sau ngày 01/01/1900. Đứng đầu mỗi tỉnh là viên chủ tỉnh.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tấn công Nam Bộ, chính thức tái xâm lược Việt Nam. Để đánh lừa dư luận, che giấu bộ mặt thực dân, Pháp lập ra các chính quyền tay sai (chính phủ Nam Kỳ tự trị, chính phủ quốc gia Việt Nam). Tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc được chính quyền tay sai thực dân Pháp duy trì đến hết năm 1954.


Pháp thua trận, đế quốc Mỹ nhảy vào thay thế, lập chính phủ tay sai Việt Nam Cộng hòa, do Ngô Đình Diệm đứng đầu. Sau thời gian đánh đuổi các thế lực thân Pháp, củng cố thế lực, ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN phân chia địa phận Nam Việt Nam gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Trong đó tỉnh An Giang (tỉnh lỵ Long Xuyên) bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ. Đến ngày 8/9/1964, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 246/NV, tỉnh An Giang được tách làm 2 tỉnh: tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang. Như vậy, tỉnh Long Xuyên trong thời thuộc Pháp được đặt lại tên tỉnh An Giang cho đến 30/4/1975.

Về phía cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của chiến trường, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ ra chỉ thị số 50/CT (ngày 12/9/1947) phân chia lại địa giới hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền (thuộc Khu 8) và Long Châu Hậu (thuộc Khu 9). Tháng 10/1950, Thủ tướng chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ sáp nhập hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên (gồm cả Phú Quốc) thành tỉnh Long Châu Hà.

Thời chống Mỹ, Xứ ủy Nam Bộ lập lại 2 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên. Giữa năm 1957, Xứ ủy lại hợp nhất tỉnh Long Xuyên, tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang (thuộc Khu 8). Tháng 8/1971, thực hiện yêu cầu của Trung ương cục, An Giang chia thành 2 tỉnh: An Giang (thuộc Khu 8) và Châu Hà (thuộc Khu 9). Thị xã Long Xuyên và Châu Đốc đều thuộc về tỉnh An Giang. Tháng 5/1974, Trung ương cục phân chia lại địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong chuyển thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Cả thị xã Long Xuyên và Châu Đốc đều thuộc tỉnh Long Châu Hà thuộc Khu 9.

Sau khi giải phóng miền Nam, ngày 20/12/1975 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19/NQ-TW thành lập tỉnh An Giang bao gồm 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ, trừ huyện Thốt Nốt. Tỉnh An Giang lúc này có 8 quận và 84 xã. Tháng 02 năm 1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp và lấy lại danh xưng "huyện"; "quận" và "phường" dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hóa. Miền Nam có 21 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Trung ương. Tỉnh An Giang có 10 huyện, thị là: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.

Suốt chiều dài lịch sử khai phá vùng đất An Giang trong buổi đầu mở mang bờ cõi đến nay là vùng đất biên thùy trọng yếu ở về phía Tây Nam của Tổ quốc. Quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất An Giang luôn gắn liền các cuộc chiến tranh chống các kẻ thù xâm lược. Con người An Giang có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi có Đảng, Nhân dân An Giang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin theo con đường cách mạng. An Giang tự hào là một trong số tỉnh ở Nam Bộ sớm có các tổ chức tiền thân của Đảng và các cơ sở Đảng. Cuối năm 1927, Chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Long Xuyên ra đời tại huyện Chợ Mới. Tháng 2/1928, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập. Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở An Giang được thành lập tại xã Long Điền, Chợ Mới đã tổ chức treo lá cờ Đảng Cộng sản đầu tiên trên Cột dây thép ở ấp Long Thuận, xã Long Điền. Kể từ đó, nhiều cơ sở Đảng trong tỉnh ra đời và ngày càng lớn mạnh, đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ cứu nước, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

Kế thừa, phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được trong thời gian qua, An Giang xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Ngay-truyenthong-ag.jpg

Nhìn lại chặng đường lịch sử 191 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân An Giang luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ cha ông ta đã dày công khai hoang, mở ấp, lập làng; ra sức bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương An Giang ngày càng phồn vinh, tươi đẹp như ngày nay. Chúng ta càng trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp về lịch sử truyền thống và con người An Giang; tự hào vị trí quan trọng và những đóng góp của An Giang trong tiến trình phát triển của đất nước; qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân An Giang, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng tầm với công sức khai mở, vun bồi của của những bậc tiền nhân.

AN BÌNH

Lượt người xem:  Views:   830
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by