Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xây dựng Đảng
Thứ 4, Ngày 08/12/2021, 09:00
Quy định số 37-QĐ/TW: Bổ sung, điều chỉnh là phù hợp và cần thiết
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
08/12/2021 | Hòa Bình

(TUAG)- Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) vừa mới ban hành, không chỉ kế thừa Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của BCH Trung ương (khóa XI), mà còn có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện ở mức cao về nội dung và hình thức, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới.

 

Sự cần thiết phải ban hành quy định mới

Thực tế 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm cho thấy Quy định là rất cần thiết và vẫn còn nguyên giá trị. Bởi đó là khung tiêu chuẩn để cán bộ lãnh đạo, đảng viên tự phê bình và phê bình, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân; là định hướng hành vi để đảng viên nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong sinh hoạt đảng. Đồng thời, đó cũng là căn cứ, cơ sở, chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm của đảng viên,... 

Tuy nhiên, so với tình hình hiện nay, Quy định 47 đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa bao quát đầy đủ các nội dung không được làm; chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chưa cập nhật những chủ trương, đường lối, những văn bản điều chỉnh hành vi cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước ban hành trong vòng 10 năm qua, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII. Hơn nữa, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp; trong nội bộ xuất hiện những tư tưởng, quan điểm sai trái, phản bác, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng (chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh), đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rất đáng lo ngại;... 

Vì vậy, việc ban hành Quy định số 37 là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đó là sự cần thiết phải ban hành quy định mới để thay thế quy định trước đây. 

Những điểm mới so với Quy định 47 trước đây

Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47 nhưng có những điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, chuyển một số nội dung của 2 điều trong Quy định số 47 vào nội dung của các điều khác trong Quy định 37. Trong Quy định số 47, mục “Những điều đảng viên không được làm”, không ghi rõ các điều, mà đánh theo số thứ tự từ 1 - 19; còn Quy định số 37 đã nêu rất rõ các điều từ Điều 1 đến Điều 19, đồng thời có sự biên tập lại một số điều cho chặt chẽ hơn. 

Thứ hai, thêm 2 điều mới là Điều 3 và Điều 13, cụ thể: Điều 2, không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Điều 13. không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Đây đều là những vấn đề đã nẩy sinh và diễn biến phức tạp, nguy hiểm trong Đảng cần được ngăn chặn.

Thứ ba, Quy định số 37 đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định số 47-QĐ/TW như: Điều 1, Điều 2, Điều 3 cho phù hợp hơn; sắp xếp lại các điều cấm theo thứ tự những việc ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước lên trước, sau đó mới nêu những việc cụ thể.

Thứ tư, Quy định số 37 đã bổ sung một số nội dung vào một số điều so với Quy định số 47, chẳng hạn như: Điều 6 được bổ sung nội dung mới là, không được “đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý”; không được “có hành vi chạy chức chạy quyền”, “tham ô”...

Điều 9 bổ sung nội dung không được: “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. 

Điều 11 cấm đảng viên: “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (nội dung này đã nêu trong Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị) và nhiều nội dung cụ thể khác nữa.

Việc thêm mới, điều chỉnh, bổ sung là rất cần thiết, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra và khắc phục, ngăn chặn những vấn đề nhức nhối, tiêu cực lâu nay đã diễn ra trong Đảng.

Cảnh giác, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái

Lợi dụng việc Đảng ta ban hành Quy định 37, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã xuyên tạc những nội dung trong Quy định, từ đó suy diễn, quy kết, chỉ trích chế độ, chỉ trích vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Về bản chất, những nội dung xuyên tạc không có gì mới, mà chỉ là “bổn cũ soạn lại”, thêm thắt một ít muối ớt mà thôi, chẳng hạn như: vu cáo gốc rễ của tham nhũng là “do lỗi của thể chế chính trị”, nếu không thay đổi chế độ thì không bao giờ chống tham nhũng được; lấy việc Đảng đưa ra các quy định cấm đảng viên để suy diễn “Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật”; “những quy định cấm đảng viên người ta đưa ra chỉ là những chiêu bài chứ nó không có hiệu quả trong thực tế”;… Thực chất, đây là những luận điệu hòng hạ thấp mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, tạo ra diễn biến tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phủ nhận thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mục đích cuối cùng là làm suy giảm niềm tin, hạ thấp, thúc đẩy, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Trước những luận điệu phản động, suy diễn, sai trái, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để không mắc mưu của chúng. Theo đó, đảng viên phải nhận thức rằng, việc Trung ương ban hành Quy định 37 đã có sự suy tính, bàn bạc hết sức cặn kẽ, đảm bảo tính khách quan, khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục và mang tính kế thừa của Đảng. Qua đó, góp phần đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; duy trì chặt chẽ kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương, nền nếp tổ chức, làm cho Đảng ta ngày càng xứng đáng với vai trò, vị trí và sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc Đảng ta sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Đảng mà còn tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Triển khai thực hiện nghiêm minh

Để tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả Quy định về những điều đảng viên không được làm, các tổ chức đảng cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, từ công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đến công tác kiểm tra, giám sát, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên,... Tuy nhiên, nhân tố quyết định vẫn là vai trò của từng đảng viên và việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là vấn đề hết sức quan trọng. Các cấp ủy, từng tổ chức đảng, đảng viên phải nhận thức, thấu suốt đầy đủ, sâu sắc điều này để thực hiện một cách nghiêm minh.

Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Quy định số 37 với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lênin đã từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Vì vậy, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được chú trọng một cách thường xuyên, coi đó là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Mỗi đảng viên phải lấy Quy định số 37 làm căn cứ rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để thực sự xứng đáng với danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ khi và khi từng cán bộ, đảng viên mạnh, trong sạch thì Đảng ta và hệ thống chính trị mới trong sạch, vững mạnh.

Việc Đảng ta ban hành Quy định số 37 rất phù hợp với bối cảnh hiện nay; một mặt cho thấy Đảng ta ngày càng nghiêm khắc hơn với chính mình, mặt khác đã mở rộng hơn quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với Đảng, “lấy dân làm gốc” để xây dựng Đảng. Có thể xem đây là một đợt chấn chỉnh mới của Đảng, giúp đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, không suy thoái, tiêu cực,... Mỗi đảng viên thực hiện nghiêm minh sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, cùng Đảng xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc./.

BBT

Lượt người xem:  Views:   4301
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (cick)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by