Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã hội

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xã hội
Thứ 5, Ngày 04/08/2022, 17:00
Hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo ở Tri Tôn
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
04/08/2022 | Châu Phong

(TUAG)- Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác như một làn gió mới tạo điều kiện cho bà con nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc Khmer của huyện Tri Tôn có thêm “cần câu” để thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống.

Do địa bàn miền núi, dân tộc, biên giới, Tri Tôn là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh An Giang. Từ khi Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tri Tôn được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, đã kịp thời hỗ trợ các chương trình tín dụng chính sách giúp người dân có thêm nguồn vốn để yên tâm đầu tư vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cũng như làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn miền núi, dân tộc.

Định cư ở xã đặc biệt khó khăn Núi Tô, huyện Tri Tôn, khi mới cưới nhau anh Chau Thi và chị Neáng Sóc Phol, ngụ tổ 4, ấp Tô Thuận, được gia đình cha mẹ cho mảnh đất cất nhà và một vài công ruộng trên. Cuộc sống tương đối chật vật, nhưng hai vợ chồng cố gắng làm lụng để vượt qua. Và khi đứa con trai đầu lòng chào đời, chị phải dành thời gian chăm sóc con, nên nguồn thu nhập chính dựa vào chồng, chuyện chén cơm manh áo trở nên khó khăn, hai vợ chồng quyết định vay vốn NHCSXH theo chương trình hộ nghèo, mở tiệm tạp hóa nhỏ cho chị vừa chăm sóc con vừa buôn bán kiếm thu nhập, còn chồng thì tiếp tục công việc đồng ruộng. Do biết tính toán, làm ăn có hiệu quả, quá trình vay vốn đều trả lãi đúng hạn, nên gia đình chị tiếp tục được ngân hàng phát vay lần 2, lần 3.

Chị Neáng Sóc Phol, ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn chia sẻ: “Đợt đầu tiên ngân hàng chính sách có cho mình vay 5 triệu vào năm 2007, vay được một thời gian mình trả đủ vốn, nên ngân hàng tiếp tục cho vay lần 2 là 10 triệu đồng. Mình đầu tư vào mua bán kiếm được đồng lời và tranh thủ trả dứt nợ cho ngân hàng trong vòng 2 năm. Thấy gia đình mình làm ăn hiệu quả, địa phương tiếp tục giới thiệu cho mình vay lần 3 là 30 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh mua bán tiệm tạp hóa, nên cuộc sống gia đình đã ổn định. Nói chung là ngân hàng tạo điều kiện cho mình vay vốn làm ăn với lãi xuất thấp, nhờ thế mà gia đình đã vươn lên thoát nghèo”.

Khác với hoàn cảnh của anh Chau Thi, đối với gia đình anh Phạm Văn Nhanh và chị Phạm Thị Thu Thủy, ngụ tổ 2, ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn thuộc diện hộ nghèo. Hai anh chị có một người con bị tật nguyền bẩm sinh, không tự chăm sóc cho bản thân được, do đó hai vợ chồng không thể đi làm ăn xa mà làm thuê, làm mướn tại địa phương để thuận tiện cho việc chăn sóc đứa con. Do đó thu nhập không đủ sống, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Năm 2011 được đoàn thể xã giới thiệu NHCSXH huyện Tri Tôn cho vay vốn anh chị đã cất được một căn nhà cấp 4, từ đó trở thành mái ấm yên vui của 2 vợ chồng và 2 người con gái. Sau đó gia đình anh chị cũng được tiếp tục xét vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường để xây nhà vệ sinh, và mới đây là chương trình hộ mới thoát nghèo, anh hùn vốn với người thân mướn đất canh tác lúa. Nhờ vậy mà cuộc sống đỡ vất vả hơn, ngoài người con tật nguyền 26 tuổi thì đứa con gái út cũng được học hành đàng hoàng, nhiều năm liền là học sinh giỏi, tựu trường tới sẽ vào lớp 7.

“Trước đây gia đình tôi cũng khổ lắm, nhờ có NHCSXH cho vay vốn 3 lần. Một lần thì cất căn nhà để làm nơi trú nắng trú mưa cho gia đình 4 thành viên, một lần vay để cất nhà vệ sinh. Và lần gần đây nhất tôi được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo được 30 triệu đồng nên hùn hạp với anh em mướn đất canh tác nông nghiệp. Do đứa con gái đầu lòng bị tật nguyện nên 2 vợ chồng không thể đi làm ăn xa được. Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng tạo điều kiện cho tôi làm ăn mà cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Mong muốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cho tôi vay khi đáo hạn lại để tôi tiếp tục đầu tư và làm ăn”. Anh Phạm Văn Nhanh, ngụ ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn tâm sự.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn cũng đã giúp 1 lượt doanh nghiệp trên địa bàn được vay với số tiền 129 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho gần 13 lao động, 1 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với số tiền 80 triệu đồng để khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động...

Có thể nói, qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn đã phát vay tổng nguồn vốn 925 tỷ 704 triệu đồng cho trên 53 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng. Qua đó giúp trên 17 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 7 nghìn lao động trong nước và gần 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã giúp cho trên 5 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, cải tạo trên 9 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hỗ trợ gần 2.500 hộ nghèo có kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Giúp  trên 2.000 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư mở rộng quy mô .

Ông Phan Văn Ngọc Hiệp - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn chia sẻ: “Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 5/2003. Qua 20 năm thành lập, phòng giao dịch khai thác tốt các nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chính sách Trung ương, tỉnh và vốn ủy thác của UBND huyện Tri Tôn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Thời gian tới, theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tri Tôn là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, do đó NHCSXH huyện sẽ quyết liệt giải ngân các nguồn vốn 18 chương trình chính sách tín dụng nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhà ở, học sinh sinh viên… Giúp người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sớm đưa Tri Tôn thoát khỏi danh sách huyện nghèo".

Với gần 21% hộ nghèo và cận nghèo, Tri Tôn là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước và là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó thời gian tới chương trình tín dụng chính sách sẽ góp phần quan trọng để huyện Tri Tôn thực hiện các gói hỗ trợ, tạo cần câu câu cá cho người dân vươn lên, nhất là các đối tượng thuộc diện các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Châu Phong

Lượt người xem:  Views:   124
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

PostCategory

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by