(TUAG)- Giữa vùng biên giới của thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, có những người phụ nữ ngày đêm thầm lặng đóng góp sức mình cho sự bình yên của Tổ quốc. Họ không chỉ là những người vợ, người mẹ tảo tần chăm lo gia đình, mà còn là những “Bông hồng thép” kiên cường trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, gìn giữ sự vững chắc của chủ quyền biên giới quốc gia. Đó chính là những thành viên của mô hình “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, một sáng kiến đầy ý nghĩa, góp phần lan tỏa tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thị xã Tịnh Biên là vùng biên giới có địa hình phức tạp với nhiều đường mòn, lối mở. Trước thực tế đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng địa phương thành lập các tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng chung tay hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Mô hình này không chỉ nâng cao ý thức cộng đồng về chủ quyền lãnh thổ mà còn phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác an ninh – quốc phòng.
Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới
Vào tháng 6/2014, Hội Phụ nữ xã An Phú (nay là phường An Phú) đã thành lập “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” với 25 thành viên tham gia. Hơn 10 năm thành lập, đến nay Tổ phụ nữ đã duy trì và phát triển với 40 thành viên, trong đó có 39/40 chị là người dân tộc Khmer. Nhiệm vụ của Tổ là thực hiện theo quy chế phối hợp giữa Hội Phụ nữ và Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, theo định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức tuần tra đường biên, các cột mốc biên giới 272,273; tổ chức tuyên truyền pháp luật, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội cho cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân nâng cao kiến thức.
Các thành viên trong tổ đều là những phụ nữ sinh sống tại địa phương, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Các chị em tình nguyện tham gia tuần tra cùng bộ đội, tuyên truyền vận động người dân không xâm phạm biên giới, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, cùng các anh bảo vệ, chăm sóc các cột mốc biên giới, nhổ cỏ, phát quang bụi rậm, giúp giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, bảo vệ dấu mốc chủ quyền của đất nước.
Phối hợp hoạt động tuần tra, chăm sóc các cột mốc biên giới
Chị Nèang My, một thành viên tích cực của tổ, chia sẻ: “Dù là người dân tộc Khmer hay dân tộc nào, tầng lớp nào, thì tinh thần yêu nước mãi luôn khắc đậm trong tim. Mỗi khi nhìn thấy cột mốc biên giới được bảo vệ, quê hương bình yên, lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào. Chúng tôi không cầm súng như các anh bộ đội, nhưng vẫn có thể đóng góp một phần sức mình để bảo vệ quê hương, giữ gìn nền hòa bình mà Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã dày công xây dựng”.

Các chị em tham gia tuần tra đêm cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng
Những người phụ nữ ấy đã và đang viết tiếp câu chuyện về lòng yêu nước bằng những việc làm giản dị nhưng ý nghĩa. Học theo Bác Hồ ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy vì nhân dân. Nhận định về vai trò của “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, Trung tá Mã Vũ Lâm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho biết: “Chị em trong tổ rất nhiệt tình tham gia cùng lực lượng trong công tác giữ gìn đường biên, cột mốc bất kể là đêm hay ngày, thời tiết thuận lợi hay mưa gió, làm lan tỏa tinh thần yêu nước trong quần chúng, cùng chung tay bảo vệ bình yên vùng biên giới. Các chị em cũng như bà con nhân dân thường xuyên cung cấp nhiều thông tin kịp thời, để chúng tôi xử lý vấn đề phát sinh trên địa bàn, đồng thời là những tuyên truyền viên trong gia đình, cộng đồng về các hành vi vi phạm pháp luật khu vực biên giới. Có thể nói, “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” hoạt động rất hiệu quả từ khi thành lập đến nay”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Phú cho biết: “Nhiều chị em vừa vất vả chạy lo kinh tế lo gia đình, nhưng khi có lịch tuần tra cùng lực lượng biên phòng thì ai ai cũng hăng hái tham gia. Mùa nước lên, đôi khi phải đi bằng vỏ lãi, đường tuần tra thì sình lầy, “té lên té xuống” rất khó đi, nhưng không ai nản lòng, quyết đồng hành cùng các anh bộ đội vì bình yên biên giới”.
Bác Hồ từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, phụ nữ tham gia bảo vệ biên giới cũng chính là minh chứng cho tinh thần “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không chỉ chăm lo gia đình mà còn góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, cùng nhau thực hiện theo lời Bác dạy, “dệt thêu” quê hương ngày thêm “rực rỡ”.
Học tập, thực hiện Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân”, Hội Phụ nữ phường An Phú đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ biên giới với công tác chăm lo đời sống người dân vùng biên.


Hoạt động chăm lo cho phụ nữ vùng biên giới luôn được quan tâm
Trong khuôn khổ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, năm 2024, hội đã phối hợp cùng các xã, phường Thới Sơn, Núi Voi, Vĩnh Trung, Tân Lập trao tặng hàng trăm phần quà cho hội viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Hưng tặng 300 bộ đồ trẻ em và 50 phần quà cho các hộ nghèo, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Cùng với đó, Hội phụ nữ đã duy trì nhiều mô hình ý nghĩa, hiệu quả như: “Tổ Phụ nữ giúp nhau làm giàu”, “Tổ Phụ nữ xoay vòng nguồn vốn”, “Tổ Phụ nữ phát triển kinh tế gia đình”...Điển hình là “Tổ Phụ nữ từ thiện” của phường, hoạt động với phương châm “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, được tổ chức tại khóm Phú Hòa, làm từ thiện với nhiều hình thức khác nhau, ai có gì giúp nấy, mỗi tháng tổ chức 03 đợt nấu cơm miễn phí cho những người nghèo, người có thu nhập thấp hoặc người khách đi đường dừng chân tại địa phương. Khi có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thì Chi hội khóm báo cáo, ghi nhận về điều kiện của gia đình, sau đó tiến hành báo cáo khóm và Hội Phụ nữ phường, chính quyền, cấp ủy Đảng tiến hành vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Cô Lê Thị Thanh Thoảng - thành viên Tổ Phụ nữ từ thiện cho biết: “Với tấm lòng sẻ chia khó khăn cho người có hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Trong quá trình thực hiện, Tổ Phụ nữ từ thiện của phường đã giới thiệu các hoàn cảnh đáng thương, bất hạnh cần sự giúp đỡ, qua những hoạt động từ thiện này đã khẳng định được tình người với nhau, trong hội viên phụ nữ có những chị gia đình dù không quá khá giả, nhưng vẫn đóng góp tiền, ngày công, đồng hành với Tổ Phụ nữ từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, động viên các chị cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống”.
“Tổ Phụ nữ từ thiện” ban đầu có 09 chị tham gia, dần dần thấy được việc làm thiết thực và ý nghĩa, số lượng thành viên tăng lên 15 chị tham gia, qua đó đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương, vận động mạnh thường quân tặng 749 phần quà cho trẻ em, hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tổng trị giá trên 200 triệu đồng, vận động tiền mặt hỗ trợ 9 hội viên (bệnh hiểm nghèo) số tiền trên 64 triệu đồng, từ hoạt động trên, Hội đã xây dựng được mối liên hệ gắn kết giữa các hội viên phụ nữ trên địa bàn, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Hội Phụ nữ tích cực tham gia vận động, tuyên truyền phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tinh thần tương thân tương ái ấy càng làm sáng lên hình ảnh những “Bông hồng thép” – mềm mại nhưng kiên cường, dịu dàng nhưng mạnh mẽ trong vai trò giữ gìn biên cương, chăm lo cho nhân dân vùng biên. Nhờ những đóng góp bền bỉ và âm thầm ấy, tình hình an ninh khu vực ngày càng ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Đường biên không chỉ được bảo vệ bằng hàng rào, cột mốc, mà còn bằng chính lòng yêu nước và sự gắn kết của những người phụ nữ nơi đây.
Nhìn về biên giới, bóng dáng những người phụ nữ sánh bước cùng các chiến sĩ tuần tra biên cương tạo nên một hình ảnh đầy ý nghĩa. Họ là minh chứng cho tinh thần kiên trung của người phụ nữ Việt Nam – không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn sẵn sàng cống hiến vì sự bình yên của Tổ quốc.
Những “Bông hồng thép” ấy, dù có thể không rực rỡ như những loài hoa kiêu sa, nhưng lại tỏa hương sắc bằng chính sự cống hiến thầm lặng, bằng trái tim yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao cả. Và chính họ đã góp phần làm cho biên giới không chỉ là những con đường, những cột mốc, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự đoàn kết và quyết tâm bảo vệ quê hương, cùng “dệt thêu” cho “Non sông gấm vóc Việt Nam” ngày thêm phát triển. Những “Bông hồng thép” Bác “trồng” ở biên cương, xứng đáng được trân trọng và tôn vinh./.
Nguyễn Nhậm