(TUAG)- Sáng 25/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các
Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã chủ trì Hội
nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2022 và triển
khai kế hoạch giai đoạn 2023 - 2025.
Quang cảnh hội nghị
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị
Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính
phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bao
gồm: TP. Châu Đốc (năm 2018), TP. Long Xuyên (năm 2019) và huyện Thoại
Sơn (năm 2019); có 71/110 xã đạt chuẩn “Xã NTM” (tỷ lệ 64,54%); có 29 xã
đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”; có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn
trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”; tỷ lệ đạt
bình quân 16,5 tiêu chí/xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần
Anh Thư yêu cầu: Cấp ủy Đảng, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa
phương các cấp tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng NTM. Ban
Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công từng
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách địa bàn; yêu cầu cấp huyện,
xã cũng phân công Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã phụ trách địa
bàn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, để kịp thời phối hợp
tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên
cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông thường
xuyên, liên tục đến tận địa bàn cơ sở đa dạng về nội dung và hình thức,
để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó chung
tay cùng chính quyền địa phương tham gia thực hiện. Các ngành, địa
phương tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các xã nằm trong lộ trình xây dựng
NTM giai đoạn 2023-2025 xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách
cụ thể, chi tiết, trong đó, chú trọng hoàn thành các chỉ tiêu không cần
vốn. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
cho lao động nông thôn; chăm lo giáo dục; phát triển du lịch nông thôn,
đảm bảo đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội…
Cùng với xây
dựng NTM, các địa phương quan tâm phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình
mỗi xã một sản phẩm) mang tính đặc thù, đặc trưng, niềm tự hào của từng
địa phương; nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch
cộng đồng…
TRUNG HIẾU