Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 2, Ngày 23/05/2022, 16:50
An Giang: Quá trình mở đất và giữ đất dưới thời nhà Nguyễn (1757 - 1867)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
23/05/2022 | P.N

(TUAG)- Sách Đại Nam nhất thống chí viết về An Giang như sau: "Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu thứ 19 (1757) đời Thế Tông, quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất nầy, đặt làm đạo Châu Đốc, vì đất ấy có nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương". Trong thời kì các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, quá trình mở đất và giữ đất được chia thành 2 gia đoạn: Thời kỳ các chúa Nguyễn (1757 - 1802); Thời kỳ triều Nguyễn (1802 - 1867).

Thời kỳ các chúa Nguyễn (1757 - 1802)

1- Xác lập chủ quyền vùng đất An Giang

Vào thế kỷ XVII, cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn diễn ra tàn khốc, nhân dân đói khổ cùng cực. Họ rời bỏ quê hương làng mạc đi vào phía Nam tìm kế sinh nhai, trong đó chủ yếu là nông dân nghèo ở miền Trung.

Vùng đất định cư đầu tiên là Biên Hòa, Gia Định. Về sau, lưu dân đến định cư dọc sông Cửu Long, khai phá ruộng đất ven theo bờ sông hay cù lao. Năm 1679, một số quan lại người Hán có tư tưởng "phản Thanh phục Minh" đem 3.000 quân cùng gia đình đến Đàng Trong xin cư trú. Chúa Nguyễn cho họ trú ngụ ở Mỹ Tho và Đồng Nai. Năm 1680, Mạc Cửu cùng 200 người đến cửa biển Péam (còn gọi là Mang Khảm, tức Hà Tiên) lập phố chợ, chiêu mộ lưu dân, lập được 7 thôn. Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình.

Lúc này, vua Chân Lạp là Nặc Thu dựa vào Xiêm tìm cách chống phá chúa Nguyễn. Dân buôn bán trên sông Cửu Long thường bị cướp bóc. Tháng 7 năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh cùng Phạm Cẩm Long đem binh từ Quảng Nam, Bình Khang (Khánh Hòa) hiệp cùng quân lưu thủ Nguyễn Hữu Khánh ở Trấn Biên kéo quân vào Tân Châu đánh dẹp. Ngày 16 tháng 5 (âm lịch) năm Canh Thìn (1700), trên đường về Gia Định, ông mất ở Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho), thọ 51 tuổi.

Nguyễn Hữu Cảnh là người có công mở mang vùng đất Nam Bộ. Công đức của Ông được nhân dân An Giang mến mộ và lập miếu thờ ở Chợ Mới, Châu Đốc, Long Xuyên...

Từ 1705 đến 1757, quân Xiêm thường xuyên cướp phá Hà Tiên. Trước tình thế đó, từ năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn. Năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận và phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh cai quản Hà Tiên. Năm 1755, Nặc Nguyên quấy phá vùng Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh điều khiển quan binh đánh dẹp. Nặc Nguyên phải nhờ Mạc Thiên Tứ xin cầu hòa chúa Nguyễn.

Tình hình Chân Lạp chưa yên do cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ vương triều. Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ trở lại nắm quyền ở Chân Lạp. Để tạ ơn chúa Nguyễn, năm 1757, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long. Nguyễn Cư Trinh lấy đất Tầm Phong Long tức "Xứ Sa Đéc đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ cù lao ở Tiền Giang đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc ở Hậu Giang đặt làm đạo Châu Đốc. Đem binh dinh Long Hồ đến trấn thủ chặn chủ yếu hai nơi địa đầu"[1]. Thời gian này, Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn lập đạo Kiên Giang (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau) thuộc Hà Tiên.

Thế là trong vòng hơn nửa thế kỷ (1698 - 1757), về cơ bản chúa Nguyễn đã thiết lập xong bộ máy hành chánh trên vùng đất Nam Bộ. Người Việt và các dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó trong công cuộc bảo vệ và xây dựng vùng đất mới.

2- Cư dân vùng đất mới

Ngay khi Nguyễn Cư Trinh đến An Giang, ông đã thực hiện chính sách khẩn hoang. Sử triều Nguyễn ghi nhận một số đồn, bảo thủ ở An Giang thời bấy giờ: thủ Đông Xuyên (đặt tại rạch Long Xuyên), thủ Vĩnh Hùng (đặt tại Hồng Ngự), thủ Thuận Tấn (đặt tại Vàm Nao). Việc khai khẩn chung quanh các đồn, bảo của Nguyễn Cư Trinh nhằm tự túc lương thực cho binh lính, giảm bớt một phần gánh nặng cho chính quyền, cũng tạo điều kiện cho "các thôn ấp lẻ tẻ đó đây bấy giờ cũng được lập lên chung quanh các doanh trại, các đồn, bảo, bờ rạch, ven sông, khu tập trung là Châu Đốc, Hồng Ngự, Tân Châu và Sa Đéc"[2].

Khi đặt chân đến An Giang xưa, lưu dân thường chọn những khu đất tương đối cao ráo, đủ nước sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi và đi lại thuận lợi. Nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường gây dịch bệnh, lại phải chống chọi với thú dữ nên hiệu quả việc khai phá chưa cao. Cư dân mới chưa được "an cư, lạc nghiệp" thì cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với Nguyễn Ánh diễn ra quyết liệt. Nhân đó, quân Xiêm sang cướp phá, giết chóc dân ta (1784), đúng như sử chép: "Quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp phá bóc lột đến đấy, dân ta oán rất nhiều"[3].

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1750) chính sách cấm đạo gay gắt. Một số giáo sĩ, giáo dân bị giết, bị trục xuất. Nhiều người từ miền Trung chạy vào Nam lánh nạn. Nhiều tín đồ Thiên chúa giáo đến đất An Giang, trú ngụ ở vùng Cái Đôi, cù lao Giêng (1778), Bò Ót (còn gọi là Lò Ót, nay thuộc huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) (1779). Họ khai hoang lập ấp và mở giáo đường, xây dựng họ đạo.

Phía Hậu Giang, dân sống rải rác ở Năng Gù, Mỹ Đức, Châu Đốc. Năm 1783, Dương Văn Hóa lập thôn Bình Lâm (nay thuộc xã Bình Thủy, Châu Phú) bao quát cù lao Năng Gù xưa kia. Trịnh Hoài Đức đến đây ghi chép: "Cù lao Năng Gù, phía trước hạ khẩu phiếm hào thuộc Hậu Giang, dài chín dặm có thôn Bình Lâm ở đấy, nơi đây rừng tre rậm rịt, ao cá dầy đặc, dân ở thượng lưu sông Hậu Giang, trước hết là nhờ tre cây, cá tôm nơi ấy, sau là trồng bông vải, sau nữa là lúa thóc cung nhật dụng"[4].

Dọc sông Tiền "khi làm lúa thì bừa ruộng vải lúa mà khi thu hoạch bội đến phần trăm. Còn trong vườn thì có cau trầu, dưa quả, dầu gai, mương ngòi thì đầy cá tôm, lươn trạch, những vật ấy đã làm gia dụng, khỏi mua nơi chợ, dân ra trước vườn sau ruộng đều có sản nghiệp làm ăn quanh năm, quả là một nơi trù phú"[5]. Chỉ tính châu Định Viễn (gồm một phần Vĩnh Long, An Giang) có ruộng đất 7.000 sở, gieo một hộc thóc giống thì thu hoạch 300 hộc.

Cộng đồng dân tộc buổi ban sơ giữa người Việt, người Khmer trở nên gắn bó nhau nơi đất An Giang. Nơi ven sông Hậu, "người Kinh, người Khmer nhà ở xen lẫn nhau. Họ cùng nhau khai khẩn ruộng cỏ, nuôi cá bán tươi, hoặc muối mắm và phơi măng khô, đốn tre, đem bán làm kế sinh nhai"[6].

Đất An Giang là điểm dừng chân cuối cùng của lưu dân người Việt trên đồng bằng sông Cửu Long. An Giang thường bị chiến tranh, dịch bệnh... nhưng vẫn là vùng đất đầy sức sống. Sức sống đó bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết đấu tranh, mở đất và giữ đất của người Việt Nam. Công cuộc khẩn hoang dù có hạn chế, thành quả lao động chưa nhiều, nhưng bước đầu đã tạo được những tiền đề cần thiết cho giai đoạn khẩn hoang lập ấp qui mô hơn dưới thời triều Nguyễn.

Bando-Namkyluctinh-1836.jpg 

Thời kỳ triều Nguyễn (1802 - 1867)

1- Chính sách khẩn hoang lập làng

a- Dưới thời Gia Long (1802 - 1820)

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long, thiết lập chính quyền phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cả nước. Ngay buổi đầu, vua Gia Long đã chủ trương đẩy mạnh khai hoang nhằm giải quyết các khó khăn kinh tế - xã hội. Bấy giờ, An Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh, cư dân thưa thớt, đất hoang còn nhiều, nhất là vùng bờ tây sông Hậu.

Triều Nguyễn dùng nhiều biện pháp khác nhau. Các chỉ dụ 1802, 1803 khuyến khích mọi người đi khai hoang với thủ tục dễ dãi như cho tự chọn đất khẩn hoang, cho vay thóc giống... Đặc biệt, đối với vùng biên giới, có hai biện pháp: Chiêu mộ dân cường tráng, lập thành cơ đội để phòng thủ trong trấn và xúc tiến việc đào kênh. Trọng trách đó được giao cho vị công thần Nguyễn Văn Thoại[7]. Năm 1817, khi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại kiến nghị lên vua Gia Long việc đào kênh Đông Xuyên, nối vàm rạch Đông Xuyên (tức Long Xuyên ngày nay) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Triều đình chấp thuận.

Tháng 11 năm Đinh Sửu (1817), công việc đào kênh được chuẩn bị. Đến mùa xuân năm Mậu Dần (1818) thì tiến hành. Nguyễn Văn Thoại điều động dân Việt và Khmer khoảng 1.500 người, cấp cho gạo, tiền đến chặt cây cối, đào vét bùn lầy. Công việc tiến hành hơn một tháng là xong. Kênh nối liền từ Long Xuyên đến Rạch Giá, kích thước được mô tả bề ngang 12 tầm (30m), sâu 4 thước (2m), chiều dài một vạn hai nghìn bốn trăm mười tầm (khoảng 30km). Sau khi kênh đào xong, Nguyễn Văn Thoại cho vẽ họa đồ kênh và núi Sập dâng trình lên vua. Để ghi công lao Nguyễn Văn Thoại, Gia Long đặt tên cho kênh mới đào là Thoại Hà và Sạp Sơn (núi Sập) là Thoại Sơn. Sau đó, Nguyễn Văn Thoại được phong Thống chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên và kiêm Quản biên vụ trấn Hà Tiên. Năm 1822, Nguyễn Văn Thoại cho khắc và dựng bia Thoại Sơn.

Sau công cuộc đào kênh, triều đình khuyến khích dân chúng đến khai phá đất đai và lập thôn ấp.

Vùng biên giới từ Châu Đốc đến Hà Tiên giáp Chân Lạp (Campuchia) có vị trí chiến lược quan trọng ở biên giới Tây Nam nước ta. Cư dân thưa thớt, đường thông thương giữa Châu Đốc - Hà Tiên gặp không ít khó khăn khi xảy ra chiến tranh. Nhằm giải quyết yêu cầu quốc phòng thời bấy giờ, vua Gia Long cho đào kênh Vĩnh Tế.

Sau khi đào xong kênh Thoại Hà, Nguyễn Văn Thoại xúc tiến việc đào kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Tháng 9 năm 1819, Nguyễn Văn Thoại điều động dân binh khắp trấn Vĩnh Thanh đến Châu Đốc. Cùng với Nguyễn Văn Thoại còn có Chưởng cơ Tuyên trung hầu Nguyễn Văn Tuyên, huy động mỗi phiên 5.000 người, thêm 500 binh đồn Oai Viễn (Vĩnh Long). Nguyễn Văn Tồn huy động người Khmer, cũng mỗi phiên 5.000 người. Ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mão (1819) kênh đào được khởi công. Kênh đào bắt đầu từ bờ sông Châu Đốc, nằm phía phải hào thành Châu Đốc. Giai đoạn đầu, kênh đào được khoảng 63km. Dân binh được cấp 6 quan tiền và 1 vuông gạo mỗi tháng. Đến ngày 15 tháng 3 năm 1820, công việc bị đình trệ vì gặp khó khăn trong việc nuôi nhân công: "khoản tiền chi phí rất lớn, cho nên khiến thành thần Gia Định mua thóc của dân với giá phải chăng, để kho tàng được đầy đủ"[8]. Đến tháng 10/1822, Minh Mạng ra lệnh cho Tổng đốc Gia Định Lê Văn Duyệt bắt dân đinh Oai Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường, số người lên đến 39.000 người Việt và 16.000 người Khmer chia làm 3 phiên. Tháng 3 năm sau, do hạn hán công việc đình lại. Năm 1824, Minh Mạng chỉ dụ cho Nguyễn Văn Thoại tiếp tục tiến hành công việc bỏ dở. Tháng 2 năm ấy, trấn thủ Vĩnh Thanh Trần Văn Năng điều dân binh 25.000 người (trong đó có người Khmer) làm việc suốt ngày đêm. Tháng 5 năm 1824, kênh được hoàn thành. dài 205 dặm rưỡi (gần 100km). Tổng số người được huy động lên đến 80.000 lượt người.

Sau khi kênh hoàn thành, vua Minh Mạng ban lệnh đặt tên: Kênh Vĩnh Tế (phu nhân Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Tế). Tháng 9 năm 1828, bia Vĩnh Tế được dựng bên bờ sông. Đến năm 1836 triều đình Huế cho khắc hình kênh Vĩnh Tế vào Cao Đỉnh. Kênh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi qui mô lớn nhất ở miền Nam thực hiện đầu thế kỷ XIX. Kênh Vĩnh Tế thực sự là công trình có tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng, trong đó có sự đóng góp công lao to lớn của nhân dân An Giang.

Sau khi kênh Vĩnh Tế hoàn thành, Nguyễn Văn Thoại cho chiêu mộ dân đến lập ấp, lập được 20 thôn xã. Cùng thời gian ấy, ông cho đắp con lộ từ Châu Đốc đến núi Sam, sử cũ gọi là Thổ Yên dài 8 dặm, đắp cao 2 thước 3 tấc, mặt rộng 1 trượng 2 thước, chân rộng 3 trượng[9]. Số người được huy động 4.400 người làm việc suốt 7 tháng. Trên đường có 4 cây cầu gỗ. Năm 1828, Nguyễn Văn Thoại cho dựng bia "Tân lộ kiều lương" tại núi Sam[10]. Người Việt đến cư ngụ ở núi Sam ngày càng đông.

Ở giữa hữu ngạn sông Hậu, nhiều thôn mới được thành lập như Bình Trung, Bình Lâm (thuộc Châu Phú), Bình Đức, Mỹ Phước, Mỹ Thạnh (nay thuộc thành phố Long Xuyên). Dọc kênh Vĩnh Tế, các thôn mới lập: Vĩnh Tế, Thới Hưng, An Quới, Thân Nhơn, Vĩnh Bảo, Long Thạnh, Toàn Thạnh, Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc. Tính đến năm 1819, toàn đất Gia Định Thành có 97.000 dân đinh, trong đó trấn Vĩnh Thanh có 37.000 người[11] chiếm 38,1% dân số Nam Bộ.

Nhìn chung, dưới triều Gia Long, nhờ chủ trương đào kênh đắp lộ của Thoại Ngọc Hầu, nên phần lớn đất cù lao, ven sông Hậu, bờ kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế được khai khẩn. Đất đai canh tác được mở rộng, dân đinh đông hơn, thôn ấp thành lập khá hơn. So với nền kinh tế nông nghiệp cả nước lúc bấy giờ, An Giang có phần khởi sắc hơn.

b- Chính sách đồn điền dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị (1820 - 1847)

Ngoài những kết quả đạt được sau việc đào kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế, còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết nhất là tình hình an ninh biên giới. Triều Nguyễn cho rằng:"cây cối rậm rạp, thuận cho trộm cướp tụ tập". Quân Xiêm lăm le xâm lược cướp phá. Lời tâu của Tôn Thất Phan về việc tổ chức khai hoang và xây dựng biên phòng: "Nay nên cho đóng quân đồn điền, dựng kho chứa thóc ở địa bàn tỉnh ấy (tức An Giang, Hà Tiên), một là dự trù quân lương cho đủ, hai là để giữ vững biên phòng, rồi nhân ấy chiêu tập dân phiêu bạt, xây dựng thôn ấp, đây là điểm mấu chốt nhất cho việc chỉnh đốn công việc ngoài biên giới ngày nay"[12] đã nói lên yêu cầu cấp bách của công cuộc bảo vệ biên cương.

Ngay khi Minh Mạng lên ngôi, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tấu trình xin dựng một cái kho ở Châu Đốc (còn gọi là kho Vĩnh Viễn). Ngày 16 tháng 2 năm 1821, Minh Mạng chuẩn y kho Châu Đốc để chứa tiền gạo cấp phát cho viên quân lưu trú và dự trữ quân lương.

Năm 1821, Nguyễn Văn Thoại khôn khéo chiêu mộ dân địa phương, những người buôn bán đến Châu Đốc lập làng, mở chợ. Dân đinh tăng lên, ruộng đất mở mang. Bấy giờ, tình hình biên phòng có biến động nên triều đình chuyển số dân đồn điền vào ngạch lính, đồn điền biến thành các phiên hiệu quân đội. Hình thức đồn điền chỉ tái lập lại kể từ năm 1828. Minh Mạng khuyến khích dân đến vùng đất mới để khai hoang bằng cách miễn thuế đinh, thuế điền ba năm.

Trên thực tế, số diện tích khai hoang không đáng kể. Công việc rất khó khăn, do thiếu vốn và công cụ, thời tiết khí hậu lại khắc nghiệt, nên số người đến tuy nhiều; nhưng số người bỏ đi cũng không ít. Sau ba năm, Minh Mạng phải gia hạn thuế nhiều lần.

Năm 1820, quan Thống đốc người Chăm ở Cao Miên tên Saet A Bubaca bị tố cáo là phiến loạn, bị vua Cao Miên xử tử ở Ou dong. Con ông và một số người khác bị cầm tù. Nhờ sự che chở của người Mã Lai ở Ou dong, họ trốn thoát về và trú ngụ ở Châu Đốc (người Mã Lai gốc gác ở Malacca, còn người Chăm phần lớn từ Bình Thuận) được chính quyền sở tại chọn Châu Giang và Khánh Hòa cho họ định cư [13]. Năm 1840, phần lớn số thân binh người Chăm sau khi giải ngũ đến trú ngụ ở Cù lao Katambon (Cỏ Tầm Bon). Họ tổ chức làm phiên đội đồn điền, do quan Hiệp Quản người Chăm Châu Giang cai quản.

Giữa làng Bình Lâm và rạch Cái Dầu có thôn trưởng Nguyễn Long Hưng kê khai đất công thổ trong làng là 23 khoảnh. Nhưng thực tế chỉ khai thác được 5 khoảnh, 18 khoảnh còn hoang, xin giao lại cho 5 người dân trưng khẩn, mỗi người một mẫu "làng Bình Đức dân xin khẩn thêm 3 khoảnh đất là 3 mẫu ruộng gò 3 khoảnh đất cao dành làm nghĩa địa, 3 mẫu trồng màu"[14].

Năm 1840, diện tích phục hóa ở An Giang được 260 mẫu. Riêng ở Châu Đốc khai khẩn thêm 7.700 mẫu. Số đất chưa khai khẩn còn 200 mẫu, đất ruộng cỏ rậm  lầy  lội [15].

Những năm tiếp theo, thôn Bình Lâm có nhóm giáo dân theo đạo Thiên Chúa đến khai khẩn ruộng đất. Năm 1845, Linh mục Jacques Dương về lập họ đạo Năng Gù, là họ đạo lớn nhất ở An Giang lúc bấy giờ.

c- Chính sách đồn điền dưới thời Tự Đức (1848 - 1867)

Do thực trạng đất đai ở An Giang còn bị bỏ hoang nhiều, vua Tự Đức đã ban bố nhiều biện pháp khuyến khích khẩn hoang, tổ chức lại đồn điền và lập ấp. Nơi biên giới giáp Chân Lạp (Campuchia) đất rộng, dân thưa nên cần lực lượng bố phòng. Nơi đây cũng chứa đựng một tiềm năng kinh tế cần thiết để bảo vệ biên giới.

Năm 1849, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược sứ Nam Kỳ. Khi làm Tổng đốc An Giang, Nguyễn Tri Phương kiến nghị với Triều đình Huế cho phép dân chúng đến An Giang khẩn hoang để sinh kế. Tính đến tháng 5 năm 1851, số ruộng bỏ hoang ở An Giang lên đến 44.784 mẫu. Trước thực trạng như vậy, Nguyễn Tri Phương tấu trình về nhân lực khai khẩn "Tỉnh An Giang tiếp giáp với nước Miên, đất bỏ hoang còn nhiều, xin từ nay trở đi, phàm những tên can tội trộm cắp, cướp vặt và các tên du côn không rõ lai lịch ở sáu tỉnh Nam Kỳ mà tội chỉ mãn đồ (đồ là 3 năm) trở xuống đều phát giao cho các đồn, bảo tỉnh An Giang sai phái. Tên nào dân xã xin không muốn nhận lĩnh, thì lựa lại đồn điền làm lính, tùy tiện để khai khẩn cày cấy. Đợi số ruộng khai khẩn được bao nhiêu, cho giữ làm sản nghiệp đời đời"[16].

Năm 1851, Tự Đức chỉ dụ Nguyễn Tri Phương đưa tù phạm từ miền Trung vào khai hoang các tỉnh Nam Kỳ "trừ ra những tên nguyên can điều cấm theo đạo Gia Tô"[17]. Thành phần này được cấp lương thực, nông cụ và trâu bò để cày cấy.

Sau bốn năm thực hiện, số người đến khai hoang ở An Giang không nhiều. Triều Nguyễn lại tiếp tục tuyển mộ thêm cư dân ở Bình Thuận trở ra, đưa họ vào vùng Vĩnh Tế, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang. Đến năm 1853, Nguyễn Tri Phương lập được 124 ấp, trong đó An Giang có 23 ấp. Ở địa phận kênh Vĩnh Tế thành lập được 5 cơ: Ninh Biên, Nhất, Nhị, Tam, Tứ.

Từ năm 1855 đến 1862, chính sách bóc lột, đàn áp của chính quyền phong kiến đã làm nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân khắp cả nước. Chiến tranh liên miên, dân làng bỏ ruộng, giá gạo tăng vọt, nạn đói xảy ra. Tháng 8 năm 1863, "An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long dân khó kiếm gạo ăn, sai phát thóc kho để phát chẩn"[18]. Năm 1864, tình hình An Giang ổn định. Năm 1866, Nha Đinh Điền xứ An Giang là Trần Hoàn và Phạm Hữu Chính ghi nhận "chiêu mộ được 1.646 người, khai khẩn được 8.333 mẫu, thành lập 149 thôn, ấp". Theo Đại Nam thực lục, ở An Giang số điền thổ 88.336 mẫu, ngạch trưng thuế lúa 55.660 hộc, thuế tiền 121.471 quan, thuế bạc 2.421 lượng.

Nhìn chung, chính sách khẩn hoang lập làng từ thời Tự Đức (1848) đến trước khi Đô đốc De La Grandière ký sắc lệnh (20/9/1867) giải tán tất cả mọi tổ chức đồn điền, thì rõ ràng hình thức đồn điền có kết quả, diện tích cày cấy nhiều hơn trước. Theo thống kê, số lúa ở An Giang nhiều nhất so với các tỉnh. Nhiều thôn ấp được thành lập. Cộng đồng cư dân người Việt, người Hoa, Khmer, Chăm trở nên đông đúc. Họ buôn bán, làm ruộng, đánh cá, chăn nuôi. Chính quyền phong kiến chỉ kiểm soát và thu thuế.

2- Chiến đấu giữ đất

a- Việc phòng thủ biên giới

An Giang là tỉnh có biên giới giáp Chân Lạp, mối đe dọa thường xuyên là quân Xiêm. Mặc dù trước đây, Nguyễn Ánh và Xiêm có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng càng về sau nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, nhất là thời Minh Mạng, Thiệu Trị.

An Giang được bố trí hàng loạt đồn bảo dọc sông Tiền, sông Hậu, biên giới từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Tại Châu Đốc, năm Gia Long thứ 14 (1815) trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường huy động dân binh trong hạt khoảng 3.000 người, đắp đồn Châu Đốc.

Ngày 4 tháng 12 năm 1815, công việc xây dựng đồn Châu Đốc được tiến hành. Theo Gia Định Thành Thông chí mô tả, đồn hình lục giác dài từ trước tới sau 324 tầm (789m) từ tả đến hữu có hai cửa, mặt sau một cửa, bề cao 7 thước (3,5m), chân đồn dài 6 tầm (14,5m), tựa hướng Kiền (tây-bắc), ngó tới hướng Tốn (đông-nam), phía tả giáp với sông lớn (còn gọi là Đại Giang) ba phía tiền, hữu, hậu có hào rộng 20 tầm (49m), sâu 10 thước (4,5m) lưu thông với sông cái. Trong đồn có phòng lính ở, kho tích trữ súng lớn và quân khí đầy đủ, lấy quân bốn trấn và đồn Oai Viễn mỗi phiên 500 người lưu trú(1). Địa thế đồn Châu Đốc được nhà Nguyễn đánh giá "thật là một yếu địa biên phòng" có tính chiến lược. Châu Đốc có vị trí tiền tiêu ở đồng bằng sông Cửu Long thời bấy giờ.

Ở vùng biên giới An Giang và Chân Lạp xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa quân đội triều Nguyễn với quân Xiêm - Chân Lạp. Do đồn Châu Đốc đã cũ, không tiện việc phòng thủ. Nên năm 1834, Minh Mạng cho triệt phá đồn cũ xây dựng đồn mới kiên cố hơn.

Ở sông Hậu, triều Nguyễn cho thiết lập đồn Châu Giang. Đồn Châu Giang trước thuộc Châu Đốc, lâu ngày nước lụt làm sụp lở. Năm 1818, Trấn thủ Vĩnh Thanh cho di dời.

Phía sông Tiền được xem là nơi trọng yếu, thiết lập đến 3 đạo: Tân Châu, Chiến Sai và Hùng Ngự (Hồng Ngự). Đồn chính đặt tại cù lao Giêng. Theo cách bố trí của Nguyễn Văn Xuân, phía đông là đạo Chiến Sai (Chợ Thủ), phía tây có đạo Hùng Ngự (thuộc trấn Định Tường). Năm 1818, đạo Tân Châu dời về cù lao Long Sơn. Hình thể giống hình bát giác. Đạo Hùng Ngự chưa được xây dựng, chỉ làm nơi trú ngụ cho việc tuần tra. Vùng biên giới giáp Chân Lạp được triều Nguyễn bố trí đồn bảo dày đặc, nhằm đối phó với quân Xiêm. Chỉ tính thời Thiệu Trị, có 30 đồn lớn nhỏ từ  Châu Đốc đến Hà Tiên: bảo đất Vĩnh Tế (1834), Vĩnh Thông (1835), Vĩnh Lạc (Thân Nhơn) (1842), Vĩnh Gia (1847), Giang Nông, Vĩnh Thành (1842)... Từ Châu Đốc đến Tân Châu có 7 đồn: An Lạc (1840), Tân Châu (1845), Châu Giang, Bình Di (1841), Cần Thăng (1844), Bắc Nam (1845), Nhơn Hội (1846)[19].

Quân Xiêm bấy giờ ở đất Chân Lạp vẫn thường tràn xuống quấy phá ta. Năm 1843, Thiệu Trị chỉ dụ cho Đốc bộ Châu Đốc là Nguyễn Công Nhàn đốc suất chỉ huy đào kênh từ Châu Đốc đến Tân Châu. Dân phu được điều động khắp tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và An Giang. Công việc tiến hành hai đợt. Đến tháng 4 năm 1844, kênh đào xong, đặt tên là Long An Hà. Sau đổi thành Tân Châu Hà (dân địa phương gọi là kênh Vĩnh An).

b- Chiến đấu chống quân Xiêm xâm lược (1833)

Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, triều Nguyễn vừa phải đối phó với nhiều cuộc nổi loạn của nông dân vừa phải lo ngăn chặn cuộc xâm lược của quân Xiêm.

Năm 1833, mượn cớ cầu viện của Lê văn Khôi, quân Xiêm sang xâm lược nước ta. Chúng chia làm 5 đạo quân bằng nhiều hướng đánh vào một số tỉnh miền Trung, Châu Đốc và Hà Tiên. Vua Minh Mạng chỉ dụ cho quan chức Vĩnh Long, an Giang và Hà Tiên lập kế hoạch đánh trả; đồng thời tăng cường cho An Giang 10 chiến thuyền, 2.000 cân thuốc súng, 10 cổ súng quá sơn, cấp 80 - 100 viên đạn cho mỗi khẩu. An Giang chọn thêm 100 Hương dõng[20] vừa phòng thủ vừa chi viện cho Hà Tiên. Nguyễn Văn Xuân đến An Giang với số Hương dõng 1.500 người do Thái Công Triều chỉ huy. Riêng Vĩnh Long chuẩn bị cho 5.000 phương thóc vận chuyển đến An Giang.

Vàm Nao được chọn là nơi quyết chiến chiến lược với quân Xiêm. Thái Công Triều cho rằng: chiếm được chỗ hiểm ấy (Vàm Nao) thì giặc không thể tung hoành được. Theo ông, nếu mất Vàm Nao thì đồn Chợ Thủ sẽ không giữ được. Quân giặc có thể đe dọa Vĩnh Long, Định Tường.

Ngày 28 tháng 11 năm 1833, quân Trương Minh Giảng trên đường đến Vàm Nao thì hay tin Hà Tiên thất thủ. Quân Xiêm theo đường kênh Vĩnh Tế chiếm Châu Đốc. Quân ta rút về Đông Khẩu (Sa Đéc) để bảo toàn lực lượng. Trước tình hình nguy ngập, Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Xuân tức tốc chiếm giữ Vàm Nao và cho người cấp báo về Huế xin viện binh. Quân  ở Vĩnh Long, Định Tường được điều đến ứng phó. Ở Gia Định, Trần Văn Năng để lại 4.000 đến 5.000 quân vây hãm thành Phiên An, số còn lại khoảng 1.000 giao cho Tống Phước Lương và Trần Văn Trí đến tiếp viện An Giang.

Quân ta được bố trí hai bên bờ sông Tiền truớc vàm đồn Hồi Oa[21], phía dưới có Chiến Sai đạo thủ (Chợ Thủ) và Dinh Châu (Cù lao Giêng) làm thế ngăn giặc. Vàm Nao có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và giao thông.

Sau khi đánh chiếm Châu Đốc, quân Xiêm chuẩn bị kế hoạch vượt sông Vàm Nao đánh Đông Khẩu và Long Hồ (Vĩnh Long) với một lực lượng gồm 350 chiếc thuyền, 20.000 quân, nhưng phần lớn là quân ô hợp. Ngày mùng 4 tháng chạp năm 1833, quân ta đến Vàm Ông Chưởng dọ thám tình hình. Chiều hôm đó, Trương Minh Giảng lợi dụng rừng rậm phức tạp hai bên bờ sông, cho quân chiếm đóng và sẵn sàng ứng chiến. Ta bắn đại bác vào thuyền giặc. Tướng Xiêm là Liêm-Cầm-Hen chết tại trận.

Đúng canh tư, quân ta bất ngờ đánh úp quân giặc. Với sự tiếp sức của Phó vệ úy Nguyễn Văn Tình kéo quân từ Gia Định xuống, chẳng bao lâu, quân ta đẩy lùi được quân Xiêm. 15 chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm. Ta thu nhiều súng ống, đạn dược. Quân Xiêm rút khỏi Vàm Nao. Ta tiếp tục truy kích giặc khỏi Châu Đốc, Hà Tiên.

Trận chiến tiêu diệt quân Xiêm trên sông Vàm Nao thể hiện tinh thần bất khuất của nhân dân ta. Dù thế giặc mạnh gấp đôi, nhưng quân triều đình và nhân dân đã sáng tạo cách đánh, nắm chắc địa hình, với lòng gan dạ dũng cảm, đánh được kẻ thù hùng mạnh thời bấy giờ. Chiến thắng này, một lần nữa khẳng định nhân dân vùng sông nước quyết tâm giữ thành quả lao động của mình trên mảnh đất vừa khai phá.

Năm 1842, quân Xiêm do tướng Phi Nhã Chất Tri cầm đầu lại gây hấn biên giới An Giang, xâm chiếm vùng kênh Vĩnh Tế, Bảy Núi. Quân triều đình do Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương chỉ huy kết hợp cùng nhân dân An Giang đã đánh tan địch ở Bảy Núi, đuổi chúng ra khỏi biên giới.


(Trích: Địa chí An Giang, năm 2013)

____________

([1]) Gia Định Thành Thông chí, tập trung, quyển 3, sđd, tr.16.

([2]) Nguyễn Văn Hầu, Sự thôn thuộc và khai phát đất Tầm Phong Long. Sử Địa – Sài Gòn, số 19, 20. 1970, tr12

([3]) Đại Nam Thực lục, tập 2, tr.57.

([4]) Gia Định Thành Thông chí, tập thượng, sđd, tr.100.

([5]) Gia Định Thành Thông chí, tập thượng, sđd, tr. 76.

([6]) Gia Định Thành Thông chí, tập thượng, sđd, tr. 90.

([7]) Gia Định Thành Thông chí, tập thượng, sđd, tr. 90.

([8]) Minh Mệnh chính yếu (tập 2) Q5,6,7. Sài Gòn, 1972, tr52

([9]) Đại Nam nhất Thống chí, tập hạ, tr. 37

([10]) Bia Tân Lộ Kiều Lương nay không còn. Trước năm 1972, ông Nguyễn Văn Hầu và nhân dân xã Vĩnh Tế tìm thấy một gốc bia. Hiện còn lưu giữ tại lăng Thoại Ngọc Hầu (Núi Sam).

([11]) Đại Nam Thực lục, tập 16, tr. 285.

([12]) Nghề nông cổ truyền Việt Nam, tập I, Ban Hán Nôm, 1978.

([13]) Địa phương chí xã Châu Giang (1961 - 1963), Cục lưu trữ TW.2/Tp.HCM.

([14]) Sơn Nam, Lịch sử An Giang, trang 40 – 41.

([15]) Đại Nam thực lục, tập 22, trang 115.

([16]) Đại Nam thực lục, tập 27, trang 331, 332.

([17]) Đại Nam thực lục, tập 27, trang 248

([18]) Trịnh Hoài Đức, GĐTTC, tập hạ, sđd, trang 124 (các số liệu được ghi trong ngoặc do tác giả tính toán theo số liệu và cách tính như trình bày ở phần trước)

([19]) Đại nam nhất thống chí, tập hạ, sđd, tr. 110.

([20]) Đại Nam Thực lục, tập 22, sđd, tr 129 và 205.  

([21]) Đại Nam Thực lục, tập 22, sđd, tr 129 và 205.  

Lượt người xem:  Views:   13030
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by