(TUAG)- Mỗi một ngành nghề trong xã hội đều giữ vai trò, vị trí quan trọng và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải có “đạo đức nghề nghiệp”, lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề. Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”, vì nghề y là một nghề đặc thù, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người nên đòi hỏi thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp mà xã hội gọi là Y đức.
TS, BS. Trần Quang Hiền - TUV, Giám đốc Sở Y tế An Giang
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp truyền thống đạo đức dân tộc với đạo đức cách mạng, gắn y đức của người thầy thuốc với bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, nâng y đức Việt Nam lên một tầm cao mới. Theo Bác, người thầy thuốc cách mạng “muốn hồng phải chuyên sâu”, muốn y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình. Lời dạy của Người đã trở thành phương châm và khẩu hiệu của ngành Y tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nền y học nước ta. Ngày 06/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ quy định về y đức tức là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, gồm có 12 điều. Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám, chữa bệnh, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo, không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, trong điều trị bệnh phải tận tình, chu đáo, luôn có mặt ở vị trí công tác, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống.
Hiện thực vừa qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta đã trải qua muôn vàng khó khăn tưởng chừng như không thể kiểm soát được, và rồi với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua, dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Tiêu chuẩn đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những chuẩn mực đạo đức vẫn không thay đổi và 12 điều y đức nước ta cơ bản cũng phù hợp với qui ước y đức của Tổ chức Y khoa Thế giới (World Medical Association). Song, để duy trì, phát triển y đức Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hiện nay là một thách thức. Người thầy thuốc đứng trước vấn đề về kinh tế, về đời sống vật chất, sẽ phải đấu tranh để giữ vững bản chất, bảo vệ trong sáng cho y đức trước những cám dỗ của đồng tiền, của thị trường tự do, đồng thời còn phải thực hành nghề nghiệp của mình sao cho phù hợp với một xã hội đang tiến dần lên công nghiệp và hiện đại, trong từng mặt khoa học công nghệ, khoa học y học đều mang tính kinh tế.
Để hình thành cho mình những phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc thời kỳ công nghiệp hiện đại, bên cạnh 12 điều y đức là tiêu chuẩn nòng cốt mà người thầy thuốc phải tu dưỡng, rèn luyện thì việc rèn luyện và thực hành văn hóa ứng xử của người thầy thuốc cũng là một phần thước đo đạo đức trong ngành y. Mỗi thầy thuốc phải có một trái tim nhân hậu của người mẹ hiền, một bộ não của nhà khoa học, một đôi tay khéo léo, một tâm hồn trong sáng chân thành. Khéo léo, lịch thiệp, tôn trọng, thấu cảm, chân thành là những nét văn hóa ứng xử trong ngành Y tế, để tăng niềm tin, gắn kết các mối quan hệ với người bệnh, với đồng nghiệp, với những người xung quanh và có một môi trường làm việc thân thiện hơn. Người thầy thuốc phải tự nhận thức và rèn luyện không ngừng để hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bản thân mỗi con người trong ngành Y tế.
Giải pháp nâng cao y đức trong xã hội hiện nay
Trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhiều thời cơ rất tích cực cho nước ta, trong đó ngành Y có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng những thách thức và tác động tiêu cực cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có những ảnh hưởng đến việc giữ gìn y đức của người thầy thuốc. Việc nâng cao y đức trong các cơ sở y tế vừa góp phần giữ vững truyền thống đạo đức, làm đẹp thêm hình ảnh và sự tôn vinh của xã hội, cộng đồng đối với thầy thuốc, vừa góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng và tập thể lãnh đạo các cơ sở y tế phải tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng nâng cao tính tự giác rèn luyện của thầy thuốc trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay nhằm nâng cao nhận thức, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể; giữa nhu cầu cá nhân với thực tiễn khả năng đáp ứng của đơn vị. Nếu không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên thì người thầy thuốc rất dễ gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền và nảy sinh tâm lý hưởng thụ.
Xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về y tế, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về y đức. Chống mọi hiện tượng thiếu mẫu mực, những hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật, buông thả về đạo đức lối sống. Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ thầy thuốc trong từng các cơ sở y tế.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác quản lý kinh tế y tế, tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp với thực tiễn đơn vị mình để vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa có điều kiện tăng nguồn thu của đơn vị, cải thiện điều kiện vật chất một cách chính đáng cho cán bộ, nhân viên, tạo động lực, động viên họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
TS, BS. TRẦN QUANG HIỀN
TUV, Giám đốc Sở Y tế An Giang