Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xây dựng Đảng
Thứ 7, Ngày 11/03/2023, 14:00
Học theo gương Bác: Lập nghiệp từ nghề nhiếp ảnh
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
11/03/2023

(TUAG)- Thời gian qua, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành một đợt sinh hoạt lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng - “lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tác phẩm “nghệ thuật phải gần với cuộc sống”, phải phản ánh hùng hồn cuộc sống và con người Việt Nam, phải “ca tụng chân thực những tấm gương của đời sống”; ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam để “quần chúng noi theo”.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, từ một người tập tành bước vào nghề, với sự kiên trì và cống hiến, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Hoàng Nam đã tạo nên một kho tác phẩm ảnh hết sức phong phú và giàu tính nghệ thuật, nhân văn. Vừa qua, bức ảnh “Vui ngày hội té nước Khmer Nam Bộ” của NSNA Nguyễn Hoàng Nam thuộc đơn vị tỉnh An Giang đã vượt qua hơn 10.000 tác phẩm để xuất sắc giành giải Vàng Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia “Tự hào một dải biên cương”. Bức ảnh không chỉ hàm chứa giá trị nghệ thuật, mà còn toát lên vẻ đẹp cuộc sống, lan tỏa tình yêu thương gắn bó giữa quân và dân miền biên giới An Giang, làm cho người xem phấn khởi, đúng như lời Bác Hồ nói về một tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị, “khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.

Nhiep-anh-Hoang-Nam.jpg 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hoàng Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sinh ra và lớn lên tại thành phố biên giới Châu Đốc (An Giang), mảnh đất có nhiều danh lam thắng cảnh, với sự mẫn cảm trước cái đẹp và tài năng, nhiệt huyết, những năm qua, NSNA Nguyễn Hoàng Nam đã cống hiến cho nhiếp ảnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung những bức ảnh mang giá trị nghệ thuật cao.

Thật bất ngờ khi chúng tôi biết được người nghệ sĩ tài hoa này xuất thân từ nghề thợ nhôm và từng là chủ một cửa hiệu gia công nhôm kính. Gia đình anh trước đây không có truyền thống nghệ thuật và cũng chưa có ai theo nghề chụp ảnh. Tuy nhiên, trong những lần xem triển lãm ảnh nghệ thuật tại quê nhà Châu Đốc, anh bị cuốn hút và dần nhen nhóm trong mình một niềm đam mê. Anh bắt đầu mua máy và tự học cách chụp ảnh. Tác phẩm đầu tay “Châu Đốc ngày nay” đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh về Châu Đốc năm 2003 đã tiếp thêm động lực để anh đến với nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Quê hương Châu Đốc được thiên nhiên ưu ái tạo nên mảnh đất trù phú với đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, có đồi núi xen lẫn những cánh đồng thốt nốt, cùng cộng đồng văn hóa các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer, có mùa nước nổi, làng bè và rừng tràm xanh ngắt... Những điều ấy đã tạo cho anh một nguồn sáng tạo phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, con đường khởi đầu đến với đam mê của anh lại lắm chông gai. Bởi để có những bức ảnh đẹp, anh Nam phải bỏ lại cửa hàng nhôm kính, lặn lội dọc theo biên giới để bắt được khoảnh khắc hoàng hôn trên đồng nước nổi, hay trầm mình nhiều ngày trong rừng tràm để có được cảnh sếu mớm mồi cho con...

Người thân trong gia đình cho rằng nhiếp ảnh là điều phù phiếm và không ủng hộ đam mê của anh. Tuy nhiên, anh không bỏ cuộc! Anh Nam bỏ qua nỗi buồn, lăn lộn với hiện thực cuộc sống ở các nhà máy, công trường, cánh đồng… rồi gặp gỡ, học hỏi từ các NSNA lão thành, bạn bè cùng trang lứa cho đến những thợ thầy chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Công sức vun đắp cho đam mê đã góp phần giúp tài năng rộ nở khi những tác phẩm của anh giành được nhiều giải thưởng cao trong tỉnh và khu vực như giải Nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh An Giang năm 2008 và Huy chương đồng cuộc thi ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2008.

Từ những thành công bước đầu đã thôi thúc NSNA Nguyễn Hoàng Nam gắn bó sâu nặng với nghề và với mảnh đất biên giới Tây Nam Tổ quốc. Nhớ lời Bác dạy: “Nghề ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như những nghệ thuật khác, là phải phản ảnh chân thật cuộc sống của quân và dân ta. Muốn làm được điều đó phải đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân”. NSNA Nguyễn Hoàng Nam đã lặn lội đến từng đồn biên phòng xin cùng ăn, cùng ở, cùng làm để bắt được từng khoảnh khắc đậm màu biên cương, anh gần như hòa mình với từng chiến sĩ và người dân nơi đây. Những mùa nước nổi trắng đồng, ngư dân thức trắng đêm để canh lưới cá thì anh cũng thức ngần ấy giấc để canh khoảnh khắc những đợt cá linh về trắng bạc hay chỉ mấy giây ngắn ngủi khi mặt trời vừa ló rạng trên mặt nước đường biên. Anh bảo với chúng tôi rằng, nghề có nhọc nhằn, nhưng chính sự nhọc nhằn ấy toát lên niềm vui và khoảnh khắc mà mình chụp được chính là sự hưng phấn cao độ nhất của người nghệ sĩ.

Anh Nam hào hứng kể cho chúng tôi nghe bao chuyện đáng nhớ. Ví như chuyện có một gia đình người dân tộc Khmer ở ven cánh rừng tràm, những lần đầu anh ghé lại xin nghỉ chân, họ đều từ chối. Sau dần quen mới biết, họ thấy cái ống kính dài và to chẳng khác nào súng chỉ vào rừng, đôi khi anh lại mang theo ít thức ăn, nên sinh nghi đây là... kẻ săn trộm chim. Nhưng khi biết anh đúng là người thợ săn, nhưng là “săn ảnh”, họ vui mừng, hào hứng mời anh ghé lại nhà. Anh bảo rằng, anh ăn ở tại ngôi nhà đơn sơ ấy, gửi đồ đạc, đi đi về về đến năm mươi, sáu mươi lần... mà không biết rằng ông lão trong nhà ao ước được anh chụp cho một bức ảnh để... thờ. Sau mới biết, anh đã xúc động và bắt được một khoảnh khắc, chụp cho ông cụ một bức ảnh mà ai nhìn vào cũng không khỏi xúc động bởi sự chân thực đến từng nếp nhăn do thời gian để lại. Có khi là ảnh các chiến sĩ đổ mồ hôi nhưng vẫn bám trận địa diễn tập, mắt đâm chiêu về mục tiêu cao độ! Những lần xem ảnh của NSNA Nguyễn Hoàng Nam, tôi bỗng bồi hồi nhớ đến lời của Bác nói về tinh thần cao đẹp của một tác phẩm văn học nghệ thuật, là “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”…

Hai chục năm mày mò, sống kham khổ để học, để đi và để chụp ảnh, vừa cố gắng vừa dặn lòng về tấm gương của Bác Hồ, Bác cũng phải vất vả mưa sinh bao nghề, có cả nghề nhiếp ảnh để rồi Người tìm được con đường cứu nước cứu dân. Không có nỗi cực và cố gắng nào là vô bổ cả. Và bây giờ, anh đã có cả một cơ ngơi được làm nên chính từ nhuận ảnh. Có thể nói, NSNA Nguyễn Hoàng Nam là một trong số ít NSNA ở Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều giải thưởng và đặc biệt là sống được với nghề. Ảnh của anh, đặc biệt là ảnh chụp về biên giới, đã trở thành “thương hiệu” không chỉ vì được in và sử dụng trong tuyên truyền, thưởng lãm ở nhiều nơi mà còn bởi các giải thưởng lớn trao cho những tác phẩm xuất sắc của người nghệ sĩ lặng lẽ miền biên giới Tây Nam.

Kim Sơn

Lượt người xem:  Views:   668
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (cick)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by