Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xây dựng Đảng
Thứ 5, Ngày 27/10/2022, 15:00
Đúng vai, thuộc bài
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
27/10/2022 | An Bình

(TUAG)- Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã nêu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”.


Yêu cầu cán bộ phải “đúng vai, thuộc bài” đã không ít lần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong các bài phát biểu, bài viết quan trọng.

Ngày 27/8/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp 27 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2016 - 2019. Nói chuyện thân mật với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư căn dặn, gửi gắm 10 chữ: “Đúng vai, thuộc bài, bản lĩnh, trí tuệ, khôn khéo”. Đó là, mỗi vị đại sứ phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, làm đúng chức năng, quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào, cũng không lấn sân, chồng chéo. Để làm “đúng vai”, mỗi đại sứ cần “thuộc bài” nghĩa là phải biết việc, có kiến thức hiểu biết, nắm chắc đường lối, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước một cách toàn diện, đặc biệt là về ngoại giao, phải nhuần nhuyễn cả ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng an ninh…

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Văn phòng Chủ tịch nước, ngày 17/1/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước cần nắm vững và tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; làm cái gì và làm như thế nào cho hiệu quả, phải “đúng vai, thuộc bài”. Muốn vậy phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, rèn luyện tác phong công tác, gìn giữ phẩm chất đạo đức, đặc biệt là phải phối hợp cho thật tốt, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa 4 văn phòng Trung ương…

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 30/12/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “đúng vai” tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ; “thuộc bài” là nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết, bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp…

Trong bài “Tạp chí Cộng sản phấn đấu mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 947 (tháng 8/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, “đúng vai, thuộc bài” chính là mỗi cá nhân, tập thể khi thực hiện nhiệm vụ chính trị cần làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình; nắm vững và thực hiện đúng những nguyên tắc, quy chế hoạt động thuộc lĩnh vực của mình; không làm việc “lấn sang sân” của người khác, trong khi việc chính của mình lại không làm hoặc làm chưa tốt…

Từ những đề cập, phân tích, lý giải trên, chúng ta có thể hiểu “đúng vai, thuộc bài” là làm đúng chức năng, nhiệm vụ, chức trách, đúng quyền hạn, vị trí, vai trò, không làm thay việc của người khác, không “lấn sân” sang lĩnh vực của người khác, cơ quan khác; đồng thời, phải nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, phải hiểu biết lĩnh vực mình được phân công… Nhìn rộng hơn, “đúng vai, thuộc bài” còn phải giữ vững các nguyên tắc và thực hiện một cách đúng đắn, không được “vận dụng” tùy tiện; trong đó, yêu cầu về tính tập trung và dân chủ hay tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải đồng bộ, đúng quy định.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Xét về nội hàm, yêu cầu này cũng tương tự như “đúng vai, thuộc bài”, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ.

Trên thực tế, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm xuất phát từ việc không “đúng vai”, nhất là cá nhân vượt quyền của tập thể. Thí dụ, vấn đề đó cần đưa ra tập thể ban chấp hành hoặc ban thường vụ cấp ủy thảo luận, cho ý kiến thì cá nhân bí thư hoặc thường trực cấp ủy chủ quan, nóng vội, có khi lạm quyền, đã tự quyết. Điều đó, nếu cố ý, lặp lại nhiều lần, xử lý cả các vấn đề lớn, hệ trọng thì có dấu hiệu của sự độc đoán, chuyên quyền. Hoặc người đứng đầu lẽ ra nên phát huy dân chủ nhưng lại vì động cơ cá nhân đã tự định đoạt và dẫn đến sai lầm. Đó các biểu hiện không “đúng vai”, cụ thể là cá nhân đứng trên tập thể.

Trường hợp khác, trong các khía cạnh lãnh đạo, quản lý, điều hành, dù có các biên độ và nội hàm khác nhau, nhưng trong một đơn vị, các cá nhân lãnh đạo lại thực hiện “chồng vai” nhau hoặc nhầm vai. Chẳng hạn, thủ trưởng đơn vị với cấp phó nhưng đồng thời là người đứng đầu tổ chức đảng có khi không tìm được tiếng nói đồng thuận và phối hợp hợp lý để các vai bị lẫn lộn. Đã không “đúng vai” thì rất dễ dẫn đến không “thuộc bài” vì bản thân từng người không biết mình “đứng ở đâu” để “học thuộc bài” của mình.

Hay trường hợp dù đã đứng “đúng vai” nhưng vì chủ quan, vì hạn chế năng lực, vì bất cẩn… mà đã không “thuộc bài” dẫn đến các sai lầm, hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý hoặc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Có thể nói, “Đúng vai, thuộc bài” là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân, tập thể. Vì vậy, để cán bộ, đảng viên luôn “đúng vai, thuộc bài”, việc đầu tiên là từng cá nhân phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, của cơ quan, tổ chức mà mình đang quản lý, lãnh đạo, điều hành. Đồng thời phải hiểu đúng về các nguyên tắc hoạt động, như chế độ thủ trưởng thì thực hiện như thế nào, chế độ tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách thực hiện ra sao, khi nào thì cần đề cao vai trò của tập thể, khi nào phát huy vai trò cá nhân…Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, phải có đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở lĩnh vực mà mình phụ trách. Ở đây, có trách nhiệm cá nhân của mỗi người trong việc không ngừng nâng cao trình độ bằng việc tự học, đồng thời có trách nhiệm của bộ phận tổ chức cán bộ thể hiện ở việc phải chọn lựa người có năng lực phù hợp với vị trí, chức vụ chứ không bổ nhiệm, đề bạt theo cảm tính hoặc các lý do khác./.

An Bình


Lượt người xem:  Views:   334
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (cick)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by