Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 7, Ngày 21/01/2023, 13:05
Gìn giữ nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
21/01/2023 | Ngọc Hân

(TUAG)- Trong các lễ, Tết của một năm âm lịch, Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân và với toàn thể dân tộc bởi những giá trị, triết lý nhân văn, nhân bản cao đẹp mà ông cha đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ, trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp cá nhân, cộng đồng, dân tộc vượt qua những cam go, thử thách, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Xuan-ve-23.jpg

Xuân về. Ảnh Thanh Hùng

Giá trị nhân văn
Tết Nguyên đán còn được gọi là “Tết cả” - Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa Xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.
Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các phong tục, tập quán tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cũng chính vì thế mà mọi gia đình dù có khó khăn đến mấy nhưng Tết đến cũng cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt trở thành phong tục, nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt.
Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, mà phong tục tập quán Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Tống cựu nghinh tân; đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; gói bánh chưng, bánh tét; chưng hoa ngày Tết (đào, mai, quất…); chưng mâm ngũ quả; thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; cúng giao thừa; xông đất; chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; xuất hành đầu năm; đi lễ chùa đầu năm; hái lộc đầu Xuân. Những phong tục mang tính linh thiêng này đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới.
Tết Nguyên Đán cũng là dịp “làm mới” lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ của mỗi người với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn... Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cùng vui vẻ với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp. Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau. Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.
Có thể nói, Tết Nguyên Đán là một sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Nồi bánh tét Tết Quân - Dân, ảnh Đăng Hải.

Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền
Đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được uyển chuyển để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi... vẫn là nét đẹp trường tồn trong Tết cổ truyền của người Việt. Và nó là giá trị thiêng liêng, in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở bất kỳ nơi đâu, mỗi khi Tết đến Xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển để làm phong phú hơn.
Tết đến Xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân đều trào dâng trong tim những cảm xúc mãnh liệt với nỗi nhớ, niềm mong được trở về quê hương, làng xóm, với đất nước, Tổ quốc thân yêu để biết ơn tổ tiên, nguồn cội; để tìm lại những kí ức đẹp đẽ tuổi thiếu thời, để được đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ; để gặp lại những người thân yêu nhất; để nghe tiếng quê hương; thưởng thức hương vị Tết quê nhà. Trở về với Tết là để trải nghiệm không khí Xuân với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp để sống và cống hiến ngày càng tốt hơn cho dân tộc, đất nước.
Trong thời buổi hiện đại, Tết còn là dịp tạo mỹ tục mới, đó là nghĩ tới người nghèo, người khuyết tật, người có công với nước với dân và chia sẻ niềm vui vật chất và tinh thần để không khí Tết lan tỏa toàn xã hội, đỡ đi những hình ảnh đối kháng giữa giàu - nghèo, sang - hèn…, để “ai cũng có Tết”. Và đó chính là “hoàn thiện cuộc sống” nhìn trên toàn cảnh vào một thời điểm cụ thể là “Tết Nguyên đán”.
Ý nghĩa nhân văn của Tết là vậy, đâu cần phải mâm cao cỗ đầy, xe sang, áo mới, trang hoàng rực rỡ, Tết là khi ở đó có đủ gia đình, có thể nhìn thấy ông bà, bố mẹ và anh chị vẫn khoẻ mạnh, có thể cụng ly chúc sức khỏe mọi người, có thể chờ đón khoảnh khắc pháo hoa giao thừa rực rỡ, có thể cùng cả nhà đi chơi đầu năm.
Chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết...
Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai của mỗi con người./.

Ngọc Hân

Lượt người xem:  Views:   552
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by