Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thời sự xã hội

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Thời sự xã hội
Thứ 4, Ngày 25/11/2020, 14:00
ĐBQH Chau Chắc chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp xây dựng thương hiệu gạo
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/11/2020 | H.T

(TUAG)- Nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, đại biểu Chau Chắc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã thông qua chính sách mới nhằm tái cơ cấu ngành lúa gạo, chuyển trọng tâm của chính phủ từ số lượng sang chất lượng, từ an ninh lương thực tới an toàn thực phẩm, từ một ngành cung cấp theo định hướng thành cung cấp theo nhu cầu thị trường, do đó đóng góp vào môi trường thuận lợi hơn cho lúa gạo bền vững. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, gạo Việt Nam ở các thị trường nước ngoài còn ít, chưa phát huy được thương hiệu gạo ngon chất lượng cao vốn có. Song nhìn sang Campuchia, với bước đi bài bản nhiều năm qua gạo Campuchia có thương hiệu có chỗ đứng, chất lượng đạt sự đồng nhất cao, tạo niềm tin lớn của người tiêu dùng, nhất là khi chinh phục được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Một sự tiềm tàng khác cũng được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh với gạo Việt ngay tại thị trường Trung Quốc đó là gạo Lào. Số lượng tuy không nhiều nhưng cách làm của Lào cũng tương tự Campuchia. Theo đại biểu Chau Chắc, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc nâng tầm thương hiệu gạo Việt đang là vấn đề cần được các bộ ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân phải thực sự đặc biệt quan tâm. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này.

Daibieu-Chau-Chac.png

Đại biểu Chau Chắc: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo để phát triển thương hiệu gạo Việt

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thương hiệu gạo của nước ta?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Năm 2012 đã có thời điểm Việt Nam vượt lên Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu - tiệm cận tới vị trí số 1 thế giới, nhưng năm 2014 lại rơi xuống vị trí thứ ba, sau Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2015, gạo Việt không chỉ để tuột mất vị trí thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu, mà chất lượng gạo của Việt Nam cũng khó cạnh tranh ngay cả với nước kém lợi thế về sản xuất lúa gạo như Campuchia. Những bấp bênh này đã buộc ngành hàng lúa gạo nước ta có những giải pháp xây dựng thương hiệu gạo đơn cử như vào tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lựa chọn được biểu trưng chính thức cho thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Dù đã có những bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, song trên thực tế thương hiệu gạo của Việt Nam còn rất mờ nhạt trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thương hiệu gạo Việt chưa được khẳng định rộng rãi nên tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa mất cả giá vẫn thường xuyên xảy ra, bởi lẽ khi chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín nên doanh nghiệp xuất bán với giá thấp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mua của dân cũng thấp, giá cả bấp bênh.

Người nông dân gắn với đồng ruộng chiếm tỷ lệ lớn tới gần 70% lao động, lại là nước có tiềm năng phát triển lúa gạo lâu đời, xuất khẩu gạo cũng được 30 năm với sản lượng đứng thứ 2 trên thế giới, song chưa tạo được chỗ đứng bền vững trên thị trường thì đây là hạn chế rất lớn khi chúng ta chưa tận dụng tối ưu, chưa phát huy được thế mạnh của ngành lúa gạo Việt.

Do vậy, trước những thực trạng này, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của nước ta.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Với thời gian có hạn, song Bộ trưởng trả lời đã khái quát được những hạn chế của ngành lúa gạo nước ta và đưa ra những giải pháp cho vấn đề này, do vậy tôi đánh giá cao nội dung trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của trưởng ngành nông nghiệp đối với vấn đề tôi chất vấn, qua đó cũng giải đáp phần nào đó vấn đề mà cử tri quan tâm.

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 1 năm chất vấn, vấn đề đại biểu trăn trở về thương hiệu gạo nước ta tại kỳ họp thứ 8 đến nay đã có sự chuyển biến như thế nào trên thị trường?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Sau một năm chất vấn, những tín hiệu vui về ngành lúa gạo của nước ta thể hiện khá rõ. Đó là sự bứt phá trong xuất khẩu gạo của nước ta từ đầu năm đến nay, đặc biệt có những thời điểm giá gạo của nước ta lên cao và vượt qua cả Thái Lan, điều nay thể hiện thương hiệu gạo của Việt Nam đang ngày càng rõ nét trên thị trường thế giới.

Ðặc biệt, gạo ST 25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới đã góp thêm một "tín chỉ" về chất lượng và giá trị của thương hiệu gạo Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vào tháng 9 vừa qua, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NÐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu. Với Nghị định này, các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang châu Âu với mức thuế ưu đãi, qua đó thương hiệu gạo dần dần chinh phục và khẳng định rõ nét hơn ở thị trường khó tính này và triển vọng tạo dần uy tín gạo Việt trên thị trường thế giới.

Trong sản xuất, tôi cũng thấy rằng các Bộ ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng đề cao, chú trọng phát triển gạo theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm. Theo tôi, đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng của người tiêu dùng trong nước mà đáp ứng cả người tiêu dùng trên thế giới, là bước đệm cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam trong tương lại.

Tuy nhiên, thực tiễn đến thời điểm này, việc xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở góc độ xuất khẩu còn rất hạn chế và thua các nước. Với nhiều nước, làm tốt thương hiệu để khai thác mọi thị trường, các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng trên nền tảng thương hiệu quốc gia. Còn ở nước ta, doanh nghiệp chưa làm được điều này. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc xác định chuỗi một sản phẩm đặc thù còn khó khăn, chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và cơ chế liên kết sản xuất hiệu quả còn thấp.

Phóng viên: Xu hướng tự lực sản xuất của nhiều quốc gia châu Phi và Đông Nam Á khiến cạnh tranh xuất khẩu gạo của nước ta ngày càng gay gắt. Đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để gạo của nước ta tiếp tục tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường?

Đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị kinh tế. Nhưng để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo. Trước hết tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học. Chuỗi giá trị không chỉ có sự vào cuộc từ phía doanh nghiệp và người nông dân mà nhất định phải có sự tham gia của khối ngân hàng mới tạo nên chuỗi bền vững. Ví dụ, lúa gạo thu hoạch theo mùa vụ với số lượng lớn nghĩa là doanh nghiệp cần có số tiền lớn để thu mua dự trữ lúa gạo. Và để để doanh nghiệp có tiền mua gạo dự trữ đòi hỏi sự vào cuộc từ phía ngân hàng. Song thực tế hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay ngắn hạn để xuất khẩu gạo còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì còn hạn chế. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi là yếu tố hết sức cần thiết nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngoài ra, ccác doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với nông dân thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để từ đó xây dựng được những vùng nguyên liệu rộng lớn, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, áp dụng quy trình sản xuất chất lượng an toàn cho chuỗi cung ứng nguyên liệu đảm bảo sản phẩm an toàn, đồng nhất có chất lượng cao, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp gắn với thương hiệu gạo quốc gia.

Thị trường cũng ngày càng ưa chuộng các loại gạo thơm, chất lượng cao. Do vậy, chú trọng vào phân khúc thị trường này, có quy hoạch cụ thể cho từng chủng loại gạo, đảm bảo tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, đóng gói. Có như vậy, sản phẩm gạo của Việt Nam, thương hiệu gạo Việt mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Chau Chắc, gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng tầm cho lúa gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Trên hết với người dân phải thay đổi tư duy canh tác kiểu cũ, tránh lạm dụng phân, thuốc hóa học, chuyển sang canh tác hữu cơ, theo quy trình nông nghiệp an toàn./.

Nguồn: THQH

Lượt người xem:  Views:   171
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (Click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by