Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh Tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Kinh Tế
Thứ 3, Ngày 03/01/2023, 06:15
Một số định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang năm 2023
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
03/01/2023 | TTCTTT

(TUAG)- Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kéo dài trong năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, xung đột chính trị sâu sắc ở châu Âu tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.


Trong bối cảnh đó, dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự ủng hộ của Hội đồng nhân dân tỉnh, toàn hệ thống chính trị tỉnh An Giang đã vào cuộc mạnh mẽ, tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang đã có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 ước đạt 6,87%, vượt kế hoạch mà tỉnh đề ra (5,20%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,90%; khu vực thương mại và dịch vụ tăng 8,66%; thuế trừ trợ cấp tăng 6,27%. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt khoảng 101.058 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 53,034 triệu đồng/năm (tương đương 2.241 USD).

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội mới mở ra. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lan tỏa tác động tích cực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh mặt thuận lợi, dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại với những biến chủng mới. Cùng với đó là dịch bệnh Đậu mùa khỉ và các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có nguy cơ lây lan trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc; vẫn còn nhiều biến động do hậu quả của xung đột chính trị tại châu Âu như: Biến động về tỷ giá, rủi ro lạm phát do giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao.

Trước những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, năm 2023, tỉnh An Giang đề ra mục tiêu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 7,0 - 7,5%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2 - 3,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,75 - 12,1%; khu vực thương mại và dịch vụ tăng 8,6 - 9,3%; GRDP bình quân đầu người từ 60,52 - 62,03 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu là 1.170 triệu USD; thu ngân sách đạt 6.638 tỷ đồng…


Để đạt được mục tiêu đó, An Giang đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 như sau:

Về phát triển kinh tế, chủ động triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kết nối tiêu thụ nông sản. Phát triển nhà ở xã hội tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nơi cư trú và phát triển ổn định. Triển khai kế hoạch đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước. Duy trì, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quản lý, huy động và sử dụng ngân sách có hiệu quả. Triển khai các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố đã thực hiện ký kết như: Đồng Tháp, Tuyên Quang; thúc đẩy hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ,…

Tỉnh An Giang luôn xem việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân, là đối tượng cần phải được đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Do đó, trong năm 2023 tỉnh An Giang dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô lớn, trong đó đặt mục tiêu sẽ xúc tiến mời gọi và thu hút đầu tư những dự án trọng điểm trên 06 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên của tỉnh như: Kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng; đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế; phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, tạo ra các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, phát triển mạnh mẽ hạ tầng phục vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng nhằm tận dụng ưu thế về địa hình độc đáo của tỉnh, tăng cường xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và kinh tế số. Tại Hội nghị, tỉnh An Giang phấn đấu hoàn thành các thủ tục để trao quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án với tổng số vốn khoảng từ 30.000 tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng.

Đây cũng là dịp để tỉnh An Giang tiếp tục xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như: WorldBank, JETRO, GIZ, EuroCham, AmCham, KORCHAM hướng đến nâng cao chất lượng thu hút đầu tư các dự án FDI, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương, hạn chế ảnh hưởng môi trường để hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, thông minh và bền vững.

Ngoài ra, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch số 366/KH-UBND, ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, phục hồi và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, đặc biệt là triển khai có hiệu quả và thực chất Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2025 được phê duyệt. Kịp thời tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đồng hành, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Về phát triển văn hóa - xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học. Triển khai và thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; rà soát, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế ở các cơ sở.

Truyền thông, quảng bá về hình ảnh và con người An Giang. Tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao thiết thực, có ý nghĩa. Chăm lo cho các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo. Tiếp tục phát huy công tác giới thiệu việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Về quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm giảm các loại tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt tuyến biên giới, hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Với những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, kinh tế - xã hội tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển vượt bậc trong năm 2023 và các năm tiếp theo.


TS. NGUYỄN THANH BÌNH

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Lượt người xem:  Views:   2615
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

TinNoiBat

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by