Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh Tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Kinh Tế
Thứ 6, Ngày 25/06/2021, 09:00
Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020: An Giang xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/06/2021 | Hạnh Châu
(TUAG)- Chiều 24/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)  năm 2020 và Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương là Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Tại điểm cầu An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC tỉnh An Giang, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tham dự.

Kết quả năm 2020 các bộ cho thấy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp tiếp tục là 3 đơn vị đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 90%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số PAR INDEX năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số PAR INDEX thấp nhất với giá trị 83,24%.

Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019; đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Chỉ số PAR INDEX năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính.

So sánh kết quả giữa năm 2019 và 2020 thì có 15/17 bộ đạt Chỉ số PAR INDEX tăng cao hơn so với năm 2019. Trong đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải (+5.40%). Hai bộ có kết quả Chỉ số PAR INDEX giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (-2,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (- 1%).

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%.

Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 với kết quả đạt 91,04 điểm, cao hơn 0,53 điểm so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90,51 điểm.

Kết quả Chỉ số CCHC tỉnh An Giang năm 2020 đạt 84,67 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 15 bậc so năm 2019) và xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (giảm 1 bậc so năm 2019).

Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020, tỉnh An Giang có tổng số điểm 83,25 điểm, đứng 45/63; xếp hạng thứ 10/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Năm 2020 là năm thứ 9 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR Index của các bộ, các tỉnh, thành phố; là năm thứ 4 triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn tại địa phương, giúp kết quả CCHC trong năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét. Kết quả Chỉ số CCHC trở thành công cụ quản lý quan trọng, phục vụ có hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị; giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; thông qua kết quả đánh giá đã chỉ rõ được trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức đối với từng nhiệm vụ CCHC, làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và mức độ, hiệu quả thực thi công vụ của công chức, viên chức.

CCHC đã đạt được kết quả tích cực  tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển đất nước, đặc biệt từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực hiện quả phục vụ nhân dân theo chủ trương đường lối của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và đặc biệt là Bộ Nội vụ trong việc triển khai xác định Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index năm 2020, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển xã hội của đất nước, đặc biệt, với một năm 2020 có nhiều biến động trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng.

Phó Thủ tướng khẳng định; Các chỉ số này đã trở thành công cụ quản lý hiệu quả kết quả CCHC, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC hàng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực tại nhiều bộ, ngành và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh phải chống chọi với dịch bệnh như hiện nay.

Công tác hiện đại hóa hành chính với việc vận hành hiệu quả Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia như đã nói trên đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa cơ các cơ quan hành chính Nhà nước và giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, tạo hiệu ứng tích cực trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để bảo đảm tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động quản lý Nhà nước, là đòn bẩy cho phát triển KT-XH. vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tại một số nội dung cải cách thể chế chưa được xử lý, tháo gỡ.

Các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn những hạn chế nhất định; giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn tồn tại. Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm. Triển khai xây dựng và duy trì cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích kết quả, hiệu quả chưa cao.

Tại địa phương, kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt tỷ lệ 34,2%. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 chỉ đạt bình quân 23,03% so với tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận (trực tiếp và trực tuyến) của các TTHC thuộc phạm vi đánh giá.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Qua phân tích một số tồn tại, để nâng cao chất lượng CCHC thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị:

Một là, căn cứ kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020 và Chỉ số PAR Index năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả CCHC thuộc phạm vi quản lý.

Nghiên cứu các giải pháp, triển khai thực hiện kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Báo cáo số 334/BC-MTTW-BTT ngày 17/5/2021 về kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020.

Tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 468/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo quy định.

Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; việc họp trực tuyến và xử lý công việc trên môi trường điện tử; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương tích hợp với tích hợp với Hệ thống báo cáo Chính phủ; tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Sáu là, Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phương pháp, nội dung, có cách làm mới trong đánh giá Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index cho phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh..., góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

HẠNH CHÂU
Lượt người xem:  Views:   486
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

TinNoiBat

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by