Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 5, Ngày 25/11/2021, 13:00
Cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh C.Mác!
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/11/2021 | TTCTTT

(TUAG)- ​Ngày 28/11/2021, những người cộng sản và công nhân trên khắp thế giới kỷ niệm lần thứ 201 ngày sinh của Ph.Ăng-ghen - Vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người bạn chí tình, chí nghĩa của C.Mác. Tuy có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp của C.Mác, nhưng ông chỉ khiêm nhường coi mình là “Cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh C.Mác”.

Ph.Ăng-ghen - Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Tuy xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp tư sản, nhưng Ph.Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.

Cuối năm 1842, trên đường sang Anh, Ph.Ăng-ghen ghé thăm trụ sở tờ Nhật báo tỉnh Ranh ở Koln và lần đầu tiên, Ph.Ăng-ghen có cuộc gặp gỡ với C.Mác, Tổng Biên tập tờ báo. Năm 1844, Ph.Ăng-ghen viết tác phẩm “Phê phán chính trị kinh tế học” được đăng trên tờ “Niên giám Pháp - Đức”. Đây được coi là tác phẩm mở đầu cho tư duy phê phán của Ph.Ăng-ghen khi xem xét những tư tưởng về chính trị, kinh tế của các nhà tư tưởng đương thời. Điều này được C.Mác, người chủ của tờ “Niên giám Pháp - Đức” lúc bấy giờ, đánh giá rất cao và coi đây là “một cuốn đại cương tài tình về khoa học chính trị của giai cấp vô sản”. Có thể nói, đây cũng chính là mối lương duyên cho cuộc gặp gỡ và tình bạn vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen sau này.

Sau cuộc gặp gỡ C.Mác năm 1844, Ph.Ăng-ghen đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của C.Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lê-nin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác với Ph. Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Ph.Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.

Tháng 2/1845, C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho ra đời cuốn sách “Gia đình thần thánh”, phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, đồng thời nêu lên luận điểm hết sức quan trọng về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Trong hai năm 1845, 1846, C.Mác và Ph.Ăng-ghen cùng viết công trình nổi tiếng “Hệ tư tưởng Đức”, phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm của Hêghen và phái Hêghen trẻ; đồng thời, phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Phoi-ơ-bắc, nêu ra những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Năm 1848, Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản đã uỷ nhiệm C.Mác và Ph.Ăng-ghen cùng viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - đó là Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bất công trong xã hội tư bản.

Ph.Ăng-ghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có với C.Mác. Từ năm 1849 cho đến năm 1883, gia đình C.Mác cực kỳ khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Ph.Ăng-ghen luôn là người chung lưng gánh vác cùng C.Mác. Tháng tháng, vào những ngày nhất định, Ph.Ăng-ghen lại gửi tiền về Luân Đôn cho gia đình C.Mác. Chính sự giúp đỡ tài chính thường xuyên của Ph.Ăng-ghen mới cho phép C.Mác chịu nổi gánh nặng của cuộc đấu tranh mệt nhọc chống lại sự thiếu thốn để hoàn thành các tác phẩm của mình. Ngay cả trước khi từ trần, trong di chúc, Ph.Ăng-ghen cũng không quên để lại một phần tài sản của mình cho những người thân trong gia đình C.Mác.

Ngày 14/3/1883, C.Mác qua đời khi công trình khoa học đồ sộ nhất của ông là bộ “Tư bản” mới xuất bản được quyển I, còn lại là hàng ngàn trang bản thảo với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc. Ph.Ăng-ghen đã gác những công trình nghiên cứu của mình, dành toàn bộ sức lực biên tập, hiệu đính, bổ sung và xuất bản hai tập cuối của bộ “Tư bản”. Hơn mười năm lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già, bệnh tật, bằng sự uyên bác và mẫn cảm khoa học, cùng với sự đồng điệu về tư tưởng và tâm hồn, ông đã cho xuất bản trọn vẹn quyển II (1885) và quyển III (1894) của bộ “Tư bản”.

Sau khi C.Mác qua đời, nhiều ý kiến đề xuất tên của hai người là tên của lý luận, nhưng Ph.Ăng-ghen đã rất khiêm nhường bày tỏ quan điểm của mình với nội dung là: "Tôi không hề phủ nhận công lao của tôi trong 40 năm cộng tác với C.Mác, nhưng những gì tôi đã làm thì không có tôi C.Mác vẫn có thể làm được, còn những gì C.Mác đã làm thì tôi và chúng ta chưa thể nào làm được, C.Mác đứng cao hơn tôi một cái đầu, nhìn xa hơn tôi một tầm, C.Mác là thiên tài còn chúng ta giỏi lắm chỉ là người có tài mà thôi, tôi chỉ xứng đáng là cây vĩ cầm thứ hai đứng bên cạnh C.Mác, bởi vậy học thuyết này xứng đáng được mang tên của C.Mác". V.I.Lê-nin viết: “Ph.Ăng-ghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ph.Ăng-ghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”.

Những năm tháng cuộc đời, Ph.Ăng-ghen dồn sức nghiên cứu, hoàn thành nhiều tác phẩm có giá trị rất sâu sắc như: “Biện chứng của tự nhiên”, “Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và Nhà nước”, “Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, “Phê phán cương lĩnh Ecphuốc”,v.v..

Cống hiến của Ph.Ăng-ghen đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, với học thuyết Mác nói riêng là rất to lớn, trường tồn. C.Mác cho rằng Ph.Ăng-ghen là một khối óc sắc sảo, một pho bách khoa toàn thư; còn V.I.Lê-nin lại khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của C.Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của C.Mác là Ph.Ăng-ghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen”.

Kỷ niệm 201 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen, mỗi chúng ta mãi trân trọng tất cả những gì ông đã cống hiến cho khoa học, cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì lương tri và phẩm giá con người, vì sự bình đẳng và tiến bộ xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chúng ta hết sức trân trọng và học tập ở ông tấm gương sáng ngời về nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, đức khiêm tốn, sống có nghĩa, có tình, trong sáng, thủy chung... Phải chăng cũng chính vì lẽ đó mà Bác Hồ đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”.

TS. NGUYỄN HỮU THỊNH

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

Lượt người xem:  Views:   2563
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by