Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 7, Ngày 20/11/2021, 20:00
“Tinh thần Lý Tự Trọng - khát vọng của thanh niên”
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/11/2021 | Quốc Hùng

(TUAG)- Cách đây tròn 90 năm, ngày 21/11/1931, đồng chí Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên tuyên bố trước tòa án thực dân: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác" và anh dũng hy sinh. Câu nói nổi tiếng của đồng chí Lý Tự Trọng đã thắp lên ngọn lửa thôi thúc để bao thế hệ thanh niên nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình.

 ly-tu-trong.png

Anh hùng Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con ông Lê Hữu Đạt (còn gọi là Lê Khoan), là một gia đình yêu nước thương dân, nuôi chí phục thù, quê nhà ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Sống trong cảnh "nước mất nhà tan", gia đình ông Lê Hữu Đạt sớm phiêu bạt sang Thái Lan, sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon, Thái Lan từ đầu thế kỷ XIX. Năm 1914, Hữu Trọng chào đời ở nơi đất khách quê người, mang nỗi niềm thương nhớ quê cha đất tổ đang bị kẻ thù xâm lược, dân làng cơ cực lầm than. Từ nhỏ, Hữu Trọng đã chăm chỉ, ham học hỏi và sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến.

Lên 10 tuổi, Hữu Trọng được Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Quốc sang Thái Lan chọn đưa về Quảng Châu ăn học. Tại đây, Lê Hữu Trọng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy - tên gọi bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ) và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại cấp tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Vốn có tính hiếu học, Lý Tự Trọng đã nhanh chóng thông thạo chữ Trung Quốc và học thêm tiếng Anh, giúp cho kiến thức văn hóa của mình ngày càng rộng mở. Thời gian sau đó, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ làm liên lạc, giúp việc tại cơ quan Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. Với tài trí thông minh, hoạt bát, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ và cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đang hoạt động ở Trung Quốc, chuyển thư từ tài liệu cách mạng.

Năm 1929, đồng chí Ung Văn Khiêm từ Trung Quốc được phân công về nước và Lý Tự Trọng cùng đi về trong chuyến tàu biển. Đồng chí Ung Văn Khiêm kể lại: "Náu mình dưới hầm chứa than của tàu biển Trung Quốc ngót 15 tiếng đồng hồ, tôi và Lý Tự Trọng vượt qua mọi sự khám xét gắt gao của bọn mật thám, về đến bến Sài Gòn lúc đêm khuya".

Về tới Sài Gòn, Lý Tự Trọng đổi tên là Nguyễn Huy để dễ bề tiếp xúc với quần chúng và hoạt động. Với nhiệm vụ được giao, Huy càng hăng hái hoạt động và xông xáo hơn, đi sâu vào tận công xưởng, trường học vận động công nhân, thanh niên và học sinh tham gia phong trào yêu nước. Bên cạnh công tác quần chúng, Huy còn làm một số việc cụ thể khác như phiên dịch tiếng Trung và tiếng Anh, làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy…

Sau ngày thành lập Đảng 03/02/1930, cao trào cách mạng dấy lên mạnh mẽ trên toàn quốc. Để biểu dương tinh thần quật khởi, ý chí bất khuất, bản lĩnh cách mạng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phát động quần chúng đấu tranh đòi quyền sống, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tổ chức cuộc mít-tinh kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn, vào chiều ngày 08/02/1931. Cuộc mít tinh đã quy tụ đông đảo các tầng lớp xã hội, nhất là công nhân lao động, thanh niên và học sinh thành phố đến dự. Người diễn thuyết đã được chuẩn bị trước, nhưng đến lúc đó chưa có mặt, đồng chí Phan Bôi (phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy) đã đứng ra thay thế, diễn thuyết trước công chúng. Cuộc mít-tinh chớp nhoáng vừa kết thúc, bọn cảnh sát và mật thám ập tới. Tên mật thám Pháp Lơ-gơ-răng nhảy vào bắt đồng chí Quảng mới diễn thuyết xong. Lập tức, Lý Tự Trọng có sẵn súng lục trong tay, bắn liền hai phát, Lơ-gơ-răng gục xuống chết ngay tại chỗ.

Bị địch bao vây, Lý Tự Trọng và Phan Bôi bị chúng bắt đưa về bót Catinat, giam cầm và tra tấn dã man, nhưng kẻ thù không khuất phục được dũng khí cách mạng của hai chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Tại Khám Lớn Sài Gòn, bọn cai ngục và mật thám dùng mọi cách dụ dỗ mua chuộc nhưng đều vô hiệu, họ kính nể Huy (tức Lý Tự Trọng) và gọi Trọng là "Ông Nhỏ".

Ngày 18/4/1931, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã đưa ra xét xử và kết án tử hình Lý Tự Trọng và 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo đối với Phan Bôi. Tại phiên tòa, Lý Tự Trọng đã biểu thị dũng khí đấu tranh, lên án kẻ thù xâm lược và nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn. Từ ý kiến của một luật sư tại phiên tòa có ý "bênh vực" cho anh, đã nói: "Bị can chưa đến tuổi thành niên, nên hoạt động không có suy nghĩ", Lý Tự Trọng đã đứng phắt dậy, nói lời đanh thép: "Tôi hành động không phải là không có suy nghĩ. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường của cách mạng, không thể có con đường nào khác".

Mặc dù bản án của thực dân Pháp đang đe dọa mạng sống của anh, trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan, ngày ngày tập thể dục, đọc sách báo, ca hát và xem Truyện Kiều nơi bốn vách tường loang lổ tối tăm ghê rợn của nhà tù đế quốc ở Sài Gòn, anh luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng luôn được lưu truyền.

Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng hát bài Quốc tế ca bằng câu mở đầu đầy khí phách, vang lên dưới vòm trời Tổ quốc và sâu lắng vào lòng người đang sống: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...!", và những tiếng hô vang: "Đả đảo thực dân Pháp", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm", "Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm" đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân trong khám lớn Sài Gòn.

Cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng công lao đóng góp to lớn, đặc biệt là tấm gương sáng ngời của người anh hùng Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác" đã trở thành lý tưởng sống để thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, bản lĩnh, tích cực học tập, lao động, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Noi gương tinh thần cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, để mỗi đoàn viên thanh niên xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng chuẩn bị tổ chức đại hội đoàn các cấp; triển khai thực hiện Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030",… tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Quốc Hùng

Lượt người xem:  Views:   28785
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by