Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 4, Ngày 06/01/2021, 17:00
75 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1945-06/01/2021)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
06/01/2021 | TTCTTT

(TUAG)- Ngày 16/8/1945, trong cao trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) - một đại hội mang tầm vóc của một Quốc hội lâm thời tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch để lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội khóa I, ngày 6-1-1946. Ảnh: Tư liệu

Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là "... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống".

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội đã trúng cử với số phiếu rất cao (98,4%).

Trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng Tổng tuyển cử vẫn diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tại Sài Gòn và Nam bộ, mặc dù thực dân Pháp tiến hành gây chiến, song nhân dân Sài Gòn - Gia Định và cả miền Nam đã bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù, thực hiện quyền công dân của mình để bầu ra Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ - Hiến pháp năm 1946.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một quốc hội, một chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ảnh: Tư liệu.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng trong tình hình nước nhà vừa tuyên bố độc lập. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Cùng với lịch sử 75 năm xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa; Nhân dân cả nước đã trực tiếp bầu 6.397 đại biểu và có 70 đại biểu không thông qua bầu cử. Do điều kiện lịch sử của đất nước, trong 14 khóa Quốc hội đã qua, nhiệm kỳ Quốc hội khóa I kéo dài nhất, hơn 14 năm (từ năm 1946 đến năm 1960) và nhiệm kỳ Quốc hội khóa V ngắn nhất (1975-1976). Vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Từ khi ra đời đến nay, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Với hoàn cảnh đặc thù của đất nước, 30 năm đầu (1946- 1975) cùng với việc xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đề ra các chủ trương chính sách, tổ chức và động viên toàn dân "kháng chiến, kiến quốc" giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Chế độ dân chủ đã được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Trên nền tảng tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp năm 1946 "Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân", Quốc hội đã thông qua các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 kế thừa và hoàn thiện Nhà nước do dân, vì dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.

Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, quyết định về ngân sách quốc gia, về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, về chính sách dân tộc, an ninh quốc phòng, về chính sách đối ngoại. Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và luật, kiểm tra sự chỉ đạo điều hành của bộ máy Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam; tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Quốc hội đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV./.

TRÌNH LAM SINH

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Lượt người xem:  Views:   805
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by