Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Quốc tế
Chủ Nhật, Ngày 29/01/2023, 10:00
Những diễn biến trái chiều trên thế giới tuần qua
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
29/01/2023
Tuần qua (23-29/1), thế giới ghi nhận thông tin tích cực khi số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm; kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại sau 6 tháng suy giảm; song cũng chứng kiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga cùng với đó là diễn biến từ vụ đắm tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản khiến nhiều người thiệt mạng…

Số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/1 cho biết sau mùa du lịch đi lại nhiều nhân dịp đầu Năm mới 2023, số ca mắc COVID-19 đã không tăng mạnh tại châu Phi. Tổng cộng 20.552 ca mắc mới được ghi nhận trong 3 tuần đầu tháng 1/2023, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết: “Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, tháng Một đầu năm không chứng kiến số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các biến thể tiếp tục lây lan, các nước cần cảnh giác và có biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời bất kỳ đợt bùng phát lây nhiễm mới."

Tại châu Á, báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cho biết, số ca mắc COVID-19 và số lượt khám bệnh tại các phòng khám sốt trên khắp nước này đã đạt đỉnh hồi cuối tháng 12/2022 và hiện đang giảm mạnh.  Theo CDC Trung Quốc, khoảng cuối tháng 12 năm ngoái, số ca nhiễm mới theo ngày là khoảng 7 triệu người. Dựa trên số trường hợp dương tính được báo cáo thông qua xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm mới đã giảm xuống 15.000 vào ngày 23/1. Từ ngày 8/12/2022, Trung Quốc đã ngừng xét nghiệm axit nucleic đại trà bắt buộc và tổng lượng xét nghiệm đã giảm dần từ 150 triệu mỗi ngày vào ngày 9/12/2022 xuống 7,54 triệu trong ngày đầu tiên của năm nay và tiếp tục giảm xuống 280.000 vào ngày 23/1.

Báo cáo  cũng cho thấy số lượt người đến các phòng khám sốt hằng ngày trên toàn Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 2,87 triệu lượt vào ngày 23/12/2022 và giảm xuống 63.000 lượt vào ngày 23/1.

Tương tự, Cục Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan ngày 25/1 cho biết, số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan đã giảm trong tuần thứ ba của tháng 1/2023.  Trong tuần lễ từ ngày 15-21/1, tổng cộng có 627 người phải nhập viện vì các triệu chứng COVID-19 nặng, trung bình là 90 ca/ngày. 

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga

Ngày 26/1, Mỹ đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể và cá nhân Nga.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) hiện đang thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các biện pháp hạn chế được cho là nhằm vào các cơ sở hỗ trợ chiến dịch này, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí, các doanh nghiệp sửa chữa tàu, những người liên quan đến việc quản lý các khu vực đã được sáp nhập vào Nga cùng các thực thể và cá nhân có liên quan đến công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga.

6 cá nhân và 12 thực thể nằm trong diện trừng phạt. Trong danh sách công bố có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov, cũng như người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov và phu nhân Gulsina Minnikhanova. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định công ty quân sự tư nhân Wagner là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng chiến lược quan trọng mà có thể được Moskva sử dụng để tăng cường năng lực quân sự, bao gồm thiết bị và linh kiện bán dẫn, robot, máy phát điện, chất nổ và vaccine.

Đắm tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản, nhiều người thiệt mạng

Một tàu chở hàng đăng ký ở Hong Kong (Trung Quốc) đã bị chìm ở ngoài khơi Nhật Bản rạng sáng 25/1. Đến nay, trong số 22 thuyền viên trên tàu đã có 8 người được xác định là thiệt mạng, trong đó có 6 người Trung Quốc.  

Thông tin trên cũng đã được Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Fukuoka Lu Guijun xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc CGTN trưa cùng ngày. Ông cho biết thêm, tính đến trưa 26/1, trong số 13 thuyền viên được tìm thấy, 5 người không bị nguy hiểm đến tính mạng, trong đó có 4 thuyền viên người Trung Quốc.

Tàu Jintian với trọng tải 6.651 tấn, được đăng ký tại Hong Kong (Trung Quốc), chở theo 22 thành viên thủy thủ đoàn người Trung Quốc và Myanmar tại thời điểm gặp nạn. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tàu Jintian phát tín hiệu khẩn cấp vào khoảng 23h15’ ngày 24/1 khi ở vị trí cách quần đảo Danjo khoảng 110 km về phía Tây. Sau đó, tàu bị chìm lúc 2h46 (giờ địa phương) ngày 25/1 ở vùng biển giữa tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) và đảo Jeju (Hàn Quốc).

Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến tàu gặp nạn. Người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tại thời điểm tàu chìm, có gió mạnh. Đầu tuần này, một số cơn bão đổ bộ vào các khu vực phía Tây Nhật Bản, gây ra gió mạnh và không khí lạnh. Hàng trăm chuyến bay tại đảo Jeju đã bị hủy ngày 24/1 do thời tiết xấu.

Kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại sau 6 tháng suy giảm

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Rome (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả một cuộc khảo sát của hãng S&P Global công bố ngày 24/1, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lần đầu tiên sau 6 tháng tăng trưởng trở lại trong tháng 1, từ đó làm dấy lên hy vọng rằng kinh tế châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong mùa Đông này. 

Cụ thể, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng 1 đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng 12/2022.  Chỉ số PMI ở mức trên 50 điểm biểu hiện sự tăng trưởng. 

Nền kinh tế châu Âu đã được hưởng lợi từ lạm phát thấp hơn, chuỗi cung ứng được cải thiện và việc Trung Quốc mới đây mở cửa trở lại nền kinh tế, làm dấy lên tinh thần lạc quan cho năm 2023.

Theo kết quả khảo sát, Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, cũng được hưởng lợi từ lực từ chuỗi cung ứng được nới lỏng, giúp ngành sản xuất của nước này. PMI tổng hợp tại Đức đã tăng từ 49 điểm trong tháng 12/2022 lên 49,7 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, sản lượng ở Pháp trong tháng 1 lại giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp do hoạt động dịch vụ giảm mạnh. 

Theo S&P, sản lượng của các nước thành viên còn lại trong Eurozone (gồm 20 quốc gia sau khi Croatia gia nhập vào tháng 1) cũng tăng trưởng trở lại. Tỷ lệ lạm phát tại khu vực này vẫn ở mức cao là 9,2%, song đã giảm trong 2 tháng liên tiếp nhờ tốc độ tăng giá năng lượng chậm lại.

Tổng thống Áo tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 26/1, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã tuyên thệ nhậm chức, bắt đầu nhiệm kỳ sáu năm lần thứ hai của ông.

Trong bài phát biểu nhậm chức tại Quốc hội, ông Van der Bellen cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ với tất cả sự hiểu biết và niềm tin.

Ông Van der Bellen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10/2022 với 56,7% phiếu bầu. Ông đã giữ chức Tổng thống Áo từ năm 2017.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer sau đó đã chúc mừng ông Van der Bellen trên mạng xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn "tiếp tục hợp tác tốt" với Tổng thống.

Theo truyền thống, Tổng thống Áo đóng vai trò nghi lễ. Tuy nhiên, theo hiến pháp Áo, Tổng thống có quyền giải tán Hội đồng Quốc gia (Hạ viện thuộc Quốc hội)./.

PV (Tổng hợp)
Lượt người xem:  Views:   274
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by