Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Quốc tế
Chủ Nhật, Ngày 13/11/2022, 09:00
Những quyết định bước ngoặt trong tuần qua
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/11/2022 | H.T

(TUAG)- Trong tuần qua (7-13/11), thế giới hướng tâm điểm chú ý đến những diễn biến kịch tính của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Hội nghị COP27 diễn ra ở Ai Cập và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40,41 với kỳ vọng sẽ mang lại những quyết định bước ngoặt cho các vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu "nóng lên" tại nhiều nước trên thế giới, tiếp tục gióng lên lời cảnh báo thận trọng khi con người chung sống hòa bình với dịch bệnh.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Kết quả đang dần ngã ngũ

Cử tri bỏ phiếu sớm tại Las Cruces, bang New Mexico ngày 24/10 . (Ảnh: Reuters) 

Ngày 8/11, các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để xác định đảng nào kiểm soát Quốc hội lưỡng viện trong nửa cuối nhiệm kỳ của ông J.Biden. Trong cuộc bầu cử này, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 1/3 số ghế tại Thượng viện, cùng nhiều vị trí trong chính quyền địa phương sẽ được bầu lại.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát, giá xăng tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, một số vấn đề như bảo vệ quyền phá thai, tội phạm, chính sách súng đạn và nhập cư… cũng đang được các cử tri Mỹ hết sức quan tâm. Chính vì thế, cuộc bầu cử lần này không chỉ được coi là một đợt sát hạch đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông J.Biden mà còn đối với vai trò lãnh đạo của đảng Dân chủ trong gần hai năm qua. Kết quả bầu cử cũng giúp định hình những chính sách tương lai của nước Mỹ, mà trực tiếp hơn cả là ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), các phương tiện truyền thông đưa tin đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden duy trì quyền kiểm soát Thượng viện. Theo đó, chiến thắng của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Catherine Cortez Masto ở bang chiến địa Nevada đã giúp đảng này giành được 50 ghế cần thiết để chiếm thế đa số tại Thượng viện. Kết quả này phần nào "phủ bóng đen" lên kỳ vọng của đảng Cộng hòa tạo nên một "làn sóng đỏ" tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

 Trong khi đó, cuộc đua tại Hạ viện tới ngày 13/11 vẫn đang bất phân thắng bại, dù phe Cộng hoà đang dẫn trước với 211 phiếu so với 191 phiếu của đảng Dân chủ. Phe Cộng hoà cần thêm 7 phiếu nữa để hội đủ 218 phiếu và giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Hội nghị COP27 và kết quả bước đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hội nghị COP27 diễn ra tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6-18/11. (Ảnh: EU2022.cz - European Union) 

Trong tuần qua, các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) tiếp tục diễn ra sôi nổi, mang lại nhiều kết quả đáng chú ý trong nỗ lực nhằm đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong ngày 9/11, các chuyên gia của Liên hợp quốc tham dự Hội nghị COP27 đã công bố danh sách các dự án trị giá 120 tỷ USD mà các nhà đầu tư có thể tham gia để góp phần giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải và thích ứng với các tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên. 

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị COP27, ngày 11/11, các nước chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới đã đề ra các bước cụ thể mà họ sẽ thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giảm khí thải trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Thông qua việc nhất trí một loạt biện pháp giảm khí thải, những nền kinh tế hàng đầu như Đức, Nhật Bản và Canada …hy vọng có thể phát đi tín hiệu rõ ràng về định hướng chính sách để thúc đẩy các nhà đầu tư và công ty hành động.

Dù chỉ là những kết quả khiêm tốn bước đầu, song đây chính là những nỗ lực cụ thể, đáng ghi nhận của cộng đồng thế giới nhằm chung tay đẩy lùi biến đổi khí hậu. Như cách nói  của nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập đồng thời là Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin “Hội nghị COP27 đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, có thể là hy vọng cuối cùng để bắt đầu triển khai hành động khí hậu trên thực tế”. Ông Mohieldin cho rằng việc đạt được các mục tiêu khí hậu cần có sự thay đổi hành vi xã hội, nguồn tài chính công bằng và thỏa đáng, cũng như các giải pháp khoa học, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề và giải pháp khí hậu.

Phấn đấu cho một tương lai đoàn kết, tự cường, bao trùm và dựa trên luật lệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 đã khai mạc vào sáng 11/11 tại Phnom Penh, đánh dấu khởi đầu chuỗi hơn 20 hoạt động của các lãnh đạo cấp cao. Lễ khai mạc được tổ chức tại khách sạn Sokha Phnom Penh vào lúc 8h ngày 11/11 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và nhiều đại diện đối tác, tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đề cao ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, đánh dấu chặng đường dài của liên kết và hợp tác khu vực, thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ASEAN vì mục tiêu chung là hòa bình, tự cường và phát triển.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan là dịp để các nước cùng nhìn lại và quyết tâm phấn đấu cho một tương lai đoàn kết, tự cường, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Dự kiến, nhiều tuyên bố quan trọng sẽ được thông qua như Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố ASEAN Hành động: Cùng ứng phó thách thức và Tuyên bố Nghị sự kết nối ASEAN sau 2025, là những định hướng chính sách để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phát triển đồng đều, kết nối xuyên suốt và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao, dự kiến có hơn 20 hoạt động, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS). Dịp này sẽ diễn ra Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á… để trao đổi về các nỗ lực phục hồi kinh tế ở toàn cầu và khu vực. ASEAN dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước cũng dự kiến thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Dịch bệnh COVID-19 gia tăng  tại nhiều nơi trên thế giới

Trong tuần qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới. Những cảnh báo mới được đưa ra như một lời nhắc nhở chúng ta trước sự biến đổi không ngừng của virus. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, chúng ta vẫn cần thận trọng khi “chung sống hòa bình” cùng COVID-19.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 17/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

*Theo số liệu thống kê, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày tại Hàn Quốc đã tăng hơn 7.000 ca so với tuần trước và nhiều hơn con số 21.000 ca so với cách đây 2 tuần, đồng thời duy trì xu hướng tăng dần đều.  Theo phỏng đoán của cơ quan chức năng, làn sóng lây nhiễm mới tại Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh sớm nhất là vào khoảng tháng 12 tới.  

Chính phủ Hàn Quốc hiện vẫn duy trì biện pháp đeo khẩu trang trong không gian kín và bắt buộc cách ly 7 ngày đối với các ca mắc COVID-19 mới. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine bổ sung ngừa COVID-19 trong mùa Đông này. Tuy nhiên, số liệu của KDCA cũng cho thấy tỷ lệ tiêm phòng vaccine ở Hàn Quốc hiện đang ở mức rất thấp là 3%.

*Cũng trong tuần qua, giới chức Australia mới đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do dòng phụ XBB của biến thể Omicron.  Số người nhiễm COVID-19 bắt đầu xu hướng tăng đột biến tại nhiều khu vực ở Australia, trong đó có New South Wales và Victoria, hai bang có số dân đông nhất trên cả nước.

Bắt đầu từ ngày 14/10, Chính phủ Australia đã chính thức gỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, bao gồm cả yêu cầu cách ly đối với người bị nhiễm virus, qua đó đưa cuộc sống của người dân trở về như giai đoạn trước đại dịch. Tuy vậy, quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì với một số đối tượng và khu vực. Các nhà chức trách khuyến cáo người dân cần đảm bảo cập nhật tiêm phòng vaccine đầy đủ, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, làm xét nghiệm ngay khi có cơ thể có biểu hiện bệnh.

*Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ cũng vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra 3 đại dịch cùng lúc tại Mỹ trong bối cảnh nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và bệnh COVID-19 gia tăng, đẩy các cơ sở y tế trên toàn quốc rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức y tế Mỹ đang đối mặt với khả năng số ca mắc COVID-19 nhập viện lại một lần nữa gia tăng. Điều này phụ thuộc vào loại biến thể nào là biến thể chủ đạo gây ra làn sóng dịch bệnh mới.

Theo dữ liệu mới nhất của CDC, các biến thể phụ mới của Omicron đã làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ, trong đó biến thể phụ BQ.1, BQ.1.1 chiếm trên 35% số ca mắc mới trong tuần trước. Số ca mắc hai biến thể phụ mới này đang tăng nhanh kể từ tháng 10./.

PV (tổng hợp)
Lượt người xem:  Views:   196
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by