Tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận có Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir và đại diện 95 nước, nhóm nước thành viên và quan sát viên của LHQ. Trong số này, có một số nước Hồi giáo cử đại diện ở cấp Bộ trưởng đến phát biểu trực tiếp tại Đại hội đồng LHQ.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận.
 (Ảnh:Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ).

Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng LHQ nêu quan ngại mạnh mẽ về tình trạng bạo lực tồi tệ nhất đang tiếp diễn trên thực địa. Các Lãnh đạo LHQ lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các địa điểm tôn giáo, bày tỏ bàng hoàng trước các vụ tấn do lực lượng Israel tiến hành ở Gaza và việc Hamas cùng các nhóm vũ trang khác bắn tên lửa vào các khu trung tâm của Israel.

Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng LHQ kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo cho người dân Palestine đang sinh sống trong hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy nỗ lực chấm dứt sự chiếm đóng, giải quyết các vấn đề về tình trạng cuối cùng của Jerusalem, hướng tới đạt giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine độc lập, có chủ quyền sinh sống song song trên cơ sở đường biên giới được công nhận trước năm 1967 với Jerusalem là thủ đô của cả hai Nhà nước.

Các nước thành viên LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bạo lực và xung đột nghiêm trọng đang diễn ra tại Israel và Palestine, dẫn đến số lượng thường dân bị thương vong, thiệt mạng ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em; theo đó, kêu gọi các bên ngừng bắn và chấm dứt các hành động bạo lực.

Một số nước lên án các hành động bắn rocket vào Israel và cho rằng, Israel có quyền tự vệ trong khi một số nước khác lên án mạnh mẽ các vụ tấn công bừa bãi và hành vi sử dụng bạo lực quá mức cần thiết của Israel nhằm vào dân thường Palestine.

Các nước kêu gọi các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, khu vực và song phương để thúc đẩy ngừng bắn, nối lại đàm phán, tìm kiếm giải pháp lâu dài và toàn diện trên cơ sở luật pháp quốc tế hướng tới giải pháp Hai Nhà nước với Jerusalem là thủ đô.

Chiều cùng ngày, với diễn biến mới về việc Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn sau 11 ngày leo thang căng thẳng, nhiều nước đã hoan nghênh thoả thuận này, tuy nhiên, cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời đối với xung đột trước mắt, vẫn cần thiết phải thúc đẩy thương lượng tìm kiếm giải pháp lâu dài.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ thể hiện quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng và bạo lực giữa người Israel và Palestine dẫn đến thương vong đối với người dân và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu của cả hai bên. Việt Nam lên án các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào dân thường, đặc biệt là trẻ em.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt ngay lập tức leo thang bạo lực và kiềm chế tối đa các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Đại diện Việt Nam tái khẳng định lời kêu gọi Israel ngừng sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và các hành động đơn phương, trong đó có định cư ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, phá huỷ nhà cửa của người Palestine và trục xuất họ khỏi nhà ở của mình.

Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh tuyên bố về thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được và mong muốn thỏa thuận sẽ được thực thi và kéo dài trên thực tế. Đại sứ hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, Tổng Thư ký LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ và các thành viên Hội đồng Bảo an, nhằm giảm căng thẳng. Đại sứ nêu quan ngại về tình hình nhân đạo nghiêm trọng của người Palestine và hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan cứu trợ nhân đạo trên thực địa.

Nhân dịp này, đại diện Việt Nam nhắc lại lập trường của Việt Nam, cho rằng con đường duy nhất bền vững cho vấn đề hoà bình Trung Đông là thực hiện giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình cùng với Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở ranh giới trước năm 1967 và thoả thuận do thương lượng, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết của LHQ có liên quan./.

PV