Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thời sự xã hội

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Thời sự xã hội
Chủ Nhật, Ngày 15/03/2020, 22:00
Phỏng vấn trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
15/03/2020 | Đảng Cộng sản VN

(ĐCSVN) – Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua, Toà soạn đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc xuay quanh vấn đề này. Nhóm Phóng viên Ban Thời sự- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến các chuyên gia đầu ngành nhằm giải đáp các câu hỏi của bạn đọc xuay quanh các nội dung, chủ đề đang rất nóng hiện nay.

Các chuyên gia, bác sĩ tham gia trả lời trực tuyến gồm:

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19

TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

ThS.BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) 

TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế)

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Dưới đây là nội dung các câu hỏi của bạn đọc và câu trả lời của các chuyên gia, bác sĩ:

I, NHẬN THỨC ĐÚNG ĐỂ PHÒNG DỊCH HIỆU QUẢ

Bạn đọc Nguyễn Minh Trí ở Gia Lai hỏi: xin ông cho biết những nét khái quát nhất về diễn biến dịch COVID -19 hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam?

 

ThS.BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế)

THS.BS Nguyễn Đình Anh:

 Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 14h00 ngày 14-03-2020, thế giới đã ghi nhận 145.211 trường hợp mắc bệnh COVID - 19 tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5.409  trường hợp tử vong (Trung Quốc: 3.176 và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác: 2.233).

Tại Việt Nam, tính đến 17h ngày 14/3/2020 ghi nhận 53 trường hợp mắc, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện. Các trường hợp còn lại đang được điều trị tại bệnh viện với tình trạng ổn định.

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (07); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (09); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (05); Lào Cai (02); Đà Nẵng (03); Huế (02); Quảng Nam (02); Bình Thuận (09).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp: Họp trực tuyến cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ để cung cấp, trao đổi thông tin, các biện pháp ứng phó, phòng chống dịch bệnh COVID -19; ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn; sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 (Quyết định 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020); sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19 (Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020); chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương điều tra dịch tễ các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, xác minh người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, khoanh vùng xử lý ổ dịch và cách ly theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần; tiếp tục triển khai khai báo y tế điện tử với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế (moh.gov.vn và ncov.moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn).

Bạn đọc ở địa chỉ: kimgiang1982@gmail.com có gửi thư về Tòa soạn hỏi hỏi PGS.TS. Vũ Xuân Phú: Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi rất thắc mắc về tên gọi của dịch Covid-19, vậy dịch bệnh Covid-19 là bệnh gì và tại sao lúc thì có tên gọi là Covid-19 lúc thì tên là SARS-CoV-2?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:

Đại dịch COVID-19, còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona là một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus SARS-CoV-2 đang ảnh hưởng đến Trung Quốc đại lục, cùng với nhiều trường hợp ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, đã tiếp xúc chủ yếu với những người buôn bán làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nơi bán động vật sống và được cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên – điều này vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã phân lập được một loại coronavirus mới. Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỉ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1/2020. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày. Triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm sốtho và khó thở, có thể gây thiệt mạng trong trường hợp nghiêm trọng. 

Trong thời gian bùng phát dịch virus corona 2019Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu đề nghị sử dụng tên chỉ định tạm thời "2019-nCoV" (tiếng Anh: 2019 novel coronavirus – virus corona mới 2019) để gọi cho chủng virus này. Theo hướng dẫn của WHO năm 2015 về việc đặt tên virus và bệnh, Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) thông báo rằng họ sẽ là cơ quan đặt tên chính thức cho các virus mới.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) đã công bố tên "severe acute respiratory syndrome coronavirus 2" (tạm dịch "virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2") và ký hiệu viết tắt là SARS-CoV-2 để ám chỉ chủng virus trước đây gọi là 2019-nCoV. Trước đó cùng ngày, WHO đã chính thức đổi tên căn bệnh do chủng virus gây ra từ "bệnh hô hấp cấp do 2019-nCoV" thành bệnh virus corona 2019 (COVID-19) (coronavirus disease 2019).

Như vậy có thể hiểu COVID-19 là tên bệnh, còn tên virus là SARS-CoV-2.

Bạn đọc Nguyễn Lan (Đông Triều- Quảng Ninh) hỏi: Mùa này, tôi và người thân trong gia đình rất hay bị cảm lạnh, cảm cúm. Tôi rất lo lắng, làm thế nào để phân biệt được giữa bệnh cảm lạnh, cúm thông thường với triệu chứng của bệnh Covid-19. Người bị nhiễm virus Covid-19 có biểu hiện gì và virus này tấn công cơ thể con người như thế nào, thưa BS Nguyễn Trung Cấp?

 

 

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp:

Virus gây bệnh covid-19 cũng thuộc nhóm coronavirus là họ virus có những chủng gây cảm lạnh thông thường. Người bị nhiễm Covid-19 khi phát bệnh thường có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể tiêu chảy. Các biểu hiện này không đặc hiệu nên người bệnh không thể phân biệt được Covid-19 hay cảm cúm thông thường. Đa số những người nhiễm Covid-19 có biểu hiện bệnh nhẹ nhưng một số người có thể có viêm phổi nặng, tổn thương nhiều phủ tạng khác và thậm chí tử vong.

Bạn đọc Hồ Trường Quân (Thái Thụy - Thái Bình) gửi câu hỏi tới PGS.TS Vũ Xuân Phú: Xin bác sĩ cho biết, thời gian ủ bệnh của Covid-19 là bao lâu và việc cách ly người nghi ngờ 14 ngày có đủ để an toàn cho cộng đồng?

 

 

PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:      

Quan sát các ca bệnh từ đầu vụ dịch, thời gian ủ bệnh thường từ 2 - 14 ngày. Các thông tin mới đây từ tâm dịch đã quan sát thấy có ca bệnh thời gian ủ bệnh dài hơn rất nhiều, thậm chí hàng tháng.

Do vậy, đây cũng là khó khăn cho công tác phòng chống dịch, phát hiện, cách ly và điều trị. Vậy có thể thấy, có những ca dương tính đã được điều trị, ra viện mà mắc lại, thực chất là chưa khỏi. Do vậy, cần xét nghiệm nhiều lần để xác định trước khi xuất viện. Theo phương án hiện nay, quy định cách ly 14  – 21 ngày, ở những diễn biến cụ thể sẽ có những xử lý phù hợp.

Tùy thuộc vào từng trường hợp nhiễm bệnh nặng hay nhẹ, tiêu chuẩn xuất viện: Hết sốt ít nhất 3 ngày; dấu hiệu sinh tồn ổn định; chức năng các cơ quan tổn thương về bình thường và quan trọng là xét nghiệm R-PCR âm tính.

Vì vậy, những người đã được xuất viện không còn khả năng lây nhiễm cho người khác. Tất cả những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ngay sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch với bệnh đó. Tuy nhiên thời gian miễn dịch tùy theo từng loại bệnh. Đối với bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra, hiện nay chưa có báo cáo chính thức về khả năng miễn dịch.

Bạn đọc Nguyễn Thúy Hà (Nghi Tàm, Hà Nội): Tôi thấy gần nhà tôi có một số trường hợp phải cách ly tại nhà. Việc tự cách ly như vậy có đảm bảo không và có quy định gì về việc cách ly hay không?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú: Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc tự cách ly tại nhà và nơi cư trú, chị và độc giả có thể truy cập vào trang www.genco3.com

Ở đó có hướng dẫn cụ thể việc cách ly thế nào đạt hiệu quả tốt nhất.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương chúng tôi cũng đã xây dựng hướng dẫn cách ly tại nhà cho người dân độc giả có thể truy cập vào Fanpage của Bệnh viên Phổi Trung ương để tải về có thể in ra để tất cả thành viên trong gia đình áp dụng những thông tin rất hữu ích như: Những ai cần cách ly, thời gian cách ly là bao nhiêu ngày, công tác chuẩn bị cách ly như thế nào (vị trí phòng cách ly, đồ đạc cho phòng cách ly...), người cách ly cần làm gì, người chăm sóc cần làm gì, các thành viên trong gia đình cần làm gì, và làm gì khi người nhà xuất hiện triệu chứng gây bệnh.

Chúng tôi nhận được câu hỏi của bạn đọc ở địa chỉ: vulanchi2004@gmail.com: thưa bác sĩ, để khẳng định chắc chắn bị bệnh do Covid-19 thì cần làm những xét nghiệm gì? Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Covid-19 chưa?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp:

Người nghi ngờ nhiễm Covid -19 ngoài việc theo dõi các triệu chứng lâm sàng cần làm các xét nghiệm để khẳng định chắc chắn bệnh Covid-19. Hiện có 2 xét nghiệm được xử dụng để khẳng định virus là xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm giải trình tự gen, nhằm xác định ARN của virus trong các bệnh phẩm dịch tiết đường hô hấp hoặc phân của bệnh nhân. Hiện có một số loại xét nghiệm khác để chẩn đoán nhiễm covid-19 đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển tiếp.

Một độc giả gửi câu hỏi từ địa chỉ: Huechi1012@gmail.com: Cháu nghe thông tin được biết, virus SARS-CoV-2 thường tấn công người khoảng 50 tuổi và hầu như là nam giới. Bác sĩ Cấp có thể cho biết vì sao đối tượng này dễ mắc và với trẻ em, khả năng mắc Covid-19 có cao hay không ạ? Các biện pháp chính để điều trị bệnh Covid-19 là gì?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp:

Bệnh covid-19 có thể tấn công tất cả các đối tượng, từ trẻ rất nhỏ đến người cao tuổi. Tuy nhiên theo thống kê tại Vũ Hán, Trung Quốc thì tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh ít hơn người lớn. Những người cao tuổi và có nhiều bệnh mạn tính thì có nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn so với người trẻ tuổi và không có bệnh nền. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh covid-19. Người mắc bệnh sẽ được điều trị triệu chứng, tăng cường thể trạng và hồi sức hỗ trợ nếu có tình trạng suy hô hấp hoặc suy các tạng khác. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tiếp các phương pháp điều trị và phòng bệnh.

Bạn đọc Phạm Thị Liên (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Cháu đang làm công nhân lắp ráp tại một khu công nghiệp, ở đây số lượng người lao động đến hàng nghìn người. Cháu rất lo lắng nơi đây có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao. Xin cho cháu hỏi, người lao động làm nghề, công việc nào có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao? BS có lời khuyên nào cho người lao động như chúng cháu?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:  Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc cao thường ở nơi công cộng: nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng (người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và sử dụng ứng dụng kết nối); người lao động làm việc tại các khu dịch vụ, nhân viên môi trường đô thị,...

Cán bộ y tế bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm vi-rút.

Cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu (Hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu).

Để phòng chống dịch, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng.

Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.  Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2m (nếu có thể),…

Bạn đọc Trần Ngọc Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi ông Nguyễn Đình Anh: Thưa ông, con trai tôi là học sinh tiểu học, mặc dù hiện nay cháu đang được nghỉ học ở nhà nhưng sắp tới cháu cũng sẽ đến trường. Tôi muốn xin ông lời khuyên của bác sĩ là học sinh cần làm gì để phòng chống COVID-19?

 

 


 

 


THS.BS Nguyễn Đình Anh: Hiện nay, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Bộ Y tế đã ban hành nhiều nội dung Khuyến cáo, Hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đối với học sinh, chúng tôi cũng đã có các khuyến cáo cụ thể như sau:

NHỮNG VIỆC HỌC SINH CẦN LÀM TẠI NHÀ HÀNG NGÀY

1.Súc miệng, họng bằng nước muối/nước súc miệng thường xuyên

2.Giữ ấm cơ thể. Tập thể dục. Ăn chín, uống chín.

3.Rửa tay với nước sạch và xà phòng thường xuyên (trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn, sau khi đi chơi, đi học về nhà, sau khi tiếp xúc với vật nuôi)

4.Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy   lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy   che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.

5.Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng

6.Không khạc, nhổ bừa bãi

7.Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa

8.Tự theo dõi sức khỏe. Nếu có sốt, ho, khó thở thì:

+ Báo cho nhà trường.

+ Nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe.

+ Gọi điện cho đường dây nóng 1900.9095; 19003228 để được tư vấn. Đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.

9.Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, khó thở. Giữ khoảng cách trên 2 mét và đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc.

10.Tránh chỗ tập trung đông người, không tụ tập đông người.

Chúng tôi xin lưu ý: Cha mẹ học sinh nên hướng dẫn, giúp đỡ và nhắc nhở học sinh thực hiện đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

NHỮNG VIỆC HỌC SINH CẦN LÀM TẠI TRƯỜNG HÀNG NGÀY

1.Rửa tay với nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay khô) thường xuyên vào các thời điểm:

+ Trước khi vào lớp.

+ Trước và sau khi ăn.

+ Sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ.

+ Sau khi đi vệ sinh.

+ Khi tay bẩn.

2.Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.

3.Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

4.Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn…

5.Không khạc, nhổ bừa bãi,

6.Bỏ rác đúng nơi quy định,

7.Nếu bản thân hoặc thấy học sinh khác có sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.

* Lưu ý: Giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh thực hiện đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học.

Bạn đọc phuonganh088@gmail.com hỏi: Qua theo dõi các thông tin truyền hình, báo chí, tôi thấy hiện chuyến bay VN0054 đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tôi rất lo lắng vì sắp tới có công việc gia đình buộc phải di chuyển bằng đường hàng không. Xin BS cho hỏi, có phải môi trường không khí trên máy bay rất dễ lây lan virut hay không?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú: Covid-19 cũng có điểm đặc trưng là dễ lây nhưng rất khó phòng tránh vì con đường lây không chỉ qua giọt bắn trong không khí mà còn lây qua những bề mặt mà virus bám dính mà tay người buộc phải tiếp xúc.

Các chuyên gia nhận định, khả năng các bệnh nhân bị lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đầu tiên – bệnh nhân 17 tại Trúc Bạch, Hà Nội trên chuyến bay này không nhiều mà cơ chế lây nhiễm cao hơn ở việc nhiều người phải tiếp xúc với những bề mặt tay ghế, tựa đầu, tay nắm cửa, vòi nước phòng vệ sinh,… trên máy bay khi người bệnh ho, hắt hơi làm đào thải virus ra môi trường.

Chính những giọt bắn phát tán từ người mắc bệnh rơi xuống, bám dính trên các bề mặt như vậy, người chạm vào tay ghế, sử dụng phòng vệ sinh sau bị nhiễm phải. Trong khi đó, số lượng phòng vệ sinh trên máy bay hạn chế, trong những chuyến bay dài, đây là nơi có nguy cơ cao nhất dẫn đến lây nhiễm virus.

Vì vậy, nếu không có việc gì thực sự thật cần thiết thì trong thời điểm hiện nay, bạn nên hạn chế di chuyển bằng các phương tiện công cộng, đặc biệt là máy bay.

II, SẴN SÀNG TRƯỚC MỌI KỊCH BẢN ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 THÀNH CÔNG

Bạn đọc Đinh Thu Phương ở Giồng Trôm, Bến Tre gửi thư về Tòa soạn: Chúng ta đã thấy những hành động toàn diện, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất “bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân. Xin ông Đặng Quang Tấn chia sẻ thêm về những nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua?

 

 

TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế)

TS. Đặng Quang Tấn: Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã có những chỉ đạo tích cực và quyết liệt, thường xuyên họp các thành viên Ban chỉ đạo để phân tích tình hình, đưa ra các chỉ đạo phòng, chống dịch cho phù hợp.

Về văn bản chỉ đạo, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn chỉ đạo toàn hệ thống chính trị; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện, Văn bản chỉ đạo, gần đây nhất là Chỉ thị 13, trong đó chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các biện pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, kiểm soát lây lan trong cộng đồng.

Như vậy có thể khẳng định, các biện pháp triển khai trong thời gian vừa qua là hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt là trường hợp 16 bệnh nhân đầu tiên đã được điều trị khỏi và ra viện. Đây là một trong những thành công quan trọng của ngành Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định trong thời gian tới vẫn còn nhiều nguy cơ, có thể ghi nhận thêmnhững trường hợp mắc mới. 

Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai tích cực, quyết liệt việc giám sát, phát hiện trường hợp mắc mới, cách ly các đối tượng trở về từ vùng có dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, châu Âu…). Cách ly tập trung theo các quy định phù hợp để không lây lan bệnh nếu có. Chúng ta đã có những biện pháp khoanh vùng dập dịch tại Sơn Lôi (Bình Xuyên,Vĩnh Phúc) và sau 20 ngày không có trường hợp mới, Sơn Lôi đã được giải tỏa. Đây là bài học rất tốt cho các địa phương khác.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động mang tính chuyên môn, hướng dẫn các đối tượng cách ly. Có nhiều đối tượng cách ly, người Việt Nam trở về từ nước ngoài có thể cách ly tập trung hoặc ở gia đình đều được hướng dẫn cụ thể. Những hướng dẫn về chuyên môn đã được triển khai để phòng tránh lây nhiễm. Tiếp tục lấy mẫu của các trường hợp trở về từ vùng có dịch để làm sao có thể xét nghiệm sớm và trả kết quả cho họ. Các trường hợp tiếp xúc với những người dương tính đều được cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định sớm. Tất cả các hoạt động đó đã được triển khai tích cực trong thời gian vừa qua.

Những thông tin về dịch bệnh được công khai minh bạch, kịp thời cho toàn thể người dân. Những khuyến cáo về dịch bệnh được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau để người dân có được những thông tin chính xác, không hoang mang lo sợ. Có thể nói, trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động đã được triển khai.

Quan tâm đến vấn công tác dự phòng, bạn đọc có địa chỉ email: thyan08@gmail.com hỏi: Với vai trò là đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực y tế dự phòng, vậy trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Y tế dự phòng đã gia tham gia vào công tác phòng chống dịch tại Việt Nam như thế nào?  

 

 

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng dịch bệnh CoVid-19 tại Trường Quân sự tỉnh Hà Giang.

TS. Đặng Quang Tấn: Ngay từ khi ghi nhận trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc), với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước giúp tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng đã thường xuyên cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nguồn tin tin cậy khác để xem diễn biến như thế nào. Qua đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên thế giới như thế nào, từ Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang quốc gia khác hay không rồi nguy cơ lây lan vào Việt Nam như thế nào. Để từ đó, chúng tôi có thể phân tích, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan đưa ra các kịch bản, dự báo.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch tình huống đáp ứng dịch bệnh khác nhau và thường xuyên cập nhật các kế hoạch đó. 

Hiện tại Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch với 5 tình huống kịch bản khác nhau, từ kịch bản nhẹ đến kịch bản xấu để lường trước những tình huống xấu nhất, và mong rằng không có tình huống xấu xảy ra. Những hoạt động đã và đang triển khai để đáp ứng với dịch bệnh thường là đáp ứng cao hơn 1 mức so với yêu cầu để có thể kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh. 

Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của  Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng sự tham gia của các bộ, ngành, các hoạt động đó đã được triển khai hiệu quả.

Bạn đọc ở hòm thư: letatthang@yahoo.com hỏi: Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam với nhiều ca nhiễm mới và có nguy cơ lây lan rộng, vậy liệu khi dịch xảy ra như Hàn Quốc, Ý, Iran… với ca bệnh nhiều hơn thì chúng ta có “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh, thưa ông?

 

 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban

Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Chúng ta không nên dùng từ “vỡ trận” khi toàn Đảng, toàn dân đang cùng Chính phủ quyết liệt chống dịch.  Bên cạnh công tác kiểm soát bệnh dịch tại cộng đồng, trong công tác khám chữa bệnh, hiện chúng tôi đã lên phương án và chuẩn bị hậu cần, nhân lực và các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị cho 10.000 người bệnh mắc Covid-19.

Hiện nay, điều trị cho bệnh nhân dương tính với Covid-19 chủ yếu dựa vào triệu chứng vì chúng ta chưa có thuốc đặc hiệu. Nhưng đối với những bệnh nhân có bệnh nền thì phải đặc biệt quan tâm và theo dõi sát.

Hiện chúng ta bước vào giai đoạn 2 của phòng chống dịch với những kịch bản đã được xây dựng trước đó. Tuy nhiên chúng ta không được lơ là và chủ quan.

Hiện nay chúng ta có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 200 bệnh viện ngoài công lập và 11.000 TYT. Chúng ta cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 -19 được điều trị tại trung tâm y tế; BV Đa khoa tỉnh; BV Chuyên khoa…..

Điều quan trọng lúc này là người dân bình tĩnh, sát cánh cùng Chính phủ, nhân viên y tế trong cuộc chiến này.

Bạn đọc ở địa chỉ: hoangphuong767@gmail.com hỏi: Phác đồ điều trị Covid -19 của Việt Nam cho tới giờ được đánh giá là hiệu quả. Ông có thể cho biết, phác đồ này của Việt Nam có điểm tương đồng và khác biệt gì so với các nước khác trên thế giới?  

 

 

Nguồn ảnh: Cục Quản lý khám chữa bệnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch Covid-19. Trong hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế chúng tôi đã họp ngay hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc và Nga.

Với căn bệnh này, chúng tôi thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay, nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết.

Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Ngay sau khi điều trị khỏi cho ba bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hiện chúng tôi đã tập huấn cho tất cả các  nhân viên y tế ở các tuyến để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.

Bạn đọc Hồng Ngọc (Bát Xát – Lào Cai) gửi câu hỏi tới PGS.TS Vũ Xuân Phú: Việt Nam đã điều trị khỏi 16 ca bệnh nhiễm Covid-19, trong đó có ca rất nặng là bệnh nhân người Trung Quốc từng phẫu thuật ung thư phổi. Ông đánh giá thế nào về công tác dự phòng và điều trị của Việt Nam trước dịch Covid-19?

PGS. Vũ Xuân Phú:

Từ kinh nghiệm những đợt chống dịch trước như đại dịch Sars-CoV năm 2003 đến đại dịch cúm H1N1 năm 2009…, ngành Y tế Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã có nhiều kinh nghiệm và bài học để chuẩn bị, ứng phó và xử lý cụ thể với từng tình huống diễn biến của dịch.

Tôi ví dụ như việc xác định cấp độ, mức độ nghiêm trọng của dịch. Từ đó đề ra những chiến lược để ứng phó, chuẩn bị những quy trình, điều kiện cơ sở vật chất phương tiện, cơ chế chính sách, chế độ thông tin báo cáo. Đồng thời, có một hành lang pháp lý đủ mạnh (Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quyết định tuyên bố dịch…) và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cơ quan trực thuộc Chính phủ; đặc biệt, vai trò và sự chủ động trong ngành Y tế.

Quốc tế hay Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đánh giá cao về công tác đối phó, phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân trong vụ dịch này là rất thành công, hiệu quả và giảm thiểu rất nhiều tổn thất. Tuy nhiên chúng ta vẫn không chủ quan, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bạn đọc Lê Hải Dương (Giao Thủy, Nam Định) hỏi PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Dịch bệnh đã lan ra hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, vậy điều ngành y tế lo lắng nhất hiện nay là gì khi dịch trong nước diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Trong tình huống xuất hiện nhiều ca nhiễm mới thì các cơ sở y tế tuyến dưới có đủ khả năng điều trị và đối phó với dịch?

 

 

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ra mắt Trung tâm quản lý,

điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trịCovid-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện chúng ta đã có phân tuyến điều trị rõ ràng, với hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng đáp ứng bệnh nhân truyền nhiễm. Bên cạnh đó chúng ta còn có hệ thống quân y hỗ trợ.

Tiểu ban Điều trị đã có Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 từ xa luôn sẵn sàng với đội ngũ các chuyên gia 28 chuyên ngành hỗ trợ tuyến dưới.

TS. Đặng Quang Tấn: Đến thời điểm này, dịch ghi nhận tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như vậy có thể thấy dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan vào Việt Nam vẫn còn nhiều. 

Trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế những chuyến bay đến từ vùng có dịch, hạn chế người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, triển khai những hoạt động nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức cách ly những trường hợp du khách nước ngoài vào Việt Nam để có thể theo dõi trong vòng 14 ngày. Như vậy có thể thấy, những đối tượng trở về từ vùng có dịch đều được cách ly, theo dõi một cách phù hợp trong vòng 14 ngày.Rất nhiều trường hợp về Việt Nam được bố trí đầy đủ cơ sở để cách ly những trường hợp này. 

Ngành y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố để tổ chức các cơ sở cách ly tập trung. Tính đến thời điểm này, chúng ta đủ các cơ sở để cách ly những trường hợp người Việt Nam hoặc người nước ngoài trở về từ vùng có dịch. Với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) chúng ta đã triển khai tốt những hoạt động cách ly tại chính những địa phương, cửa khẩu mà hành khách lưu trú.

Nếu trong thời gian tới mà có thêm nhiều người trở về từ vùng có dịch hoặc những lao động, du học sinh trở về Việt Nam thì chúng ta đã tính trước các tình huống, phương án, dự kiến số lượng người trở về để bố trí cơ sở cách ly tập trung cho phù hợp. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch huy động những cơ sở để có thể sử dụng làm cơ sở cách ly, ví dụ như: Ký túc xá, doanh trại quân đội, xí nghiệp, thậm chí huy động khách sạn, những nhà đã xây đúng tiêu chuẩn nhưng chưa đưa vào sử dụng... để cách ly khi cần thiết.

Ngoài ra, trong bệnh viện, chúng tôi bố trí khu cách ly tập trung cho bệnh nhân lây nhiễm, bệnh nhân mắc Covid-19. Tất cả các cơ sở từ tuyến Trung ương, tỉnh, huyện đều có thể tổ chức tốt những vấn đề cách ly như vậy.

Đối với trạm y tế xã có thể tiếp nhận những trường hợp cách ly ban đầu, như nhiều tỉnh biên giới phía bắc cóbiên giới với một số nước đã có thể cách ly ngay tại trạm y tế, sau đó hết 14 ngày có thể đưa người cách ly trở về địa phương, gia đình.

Còn trong vấn đề điều trị, với nguyên tắc 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống Covid-19, chúng ta có thể tiếp nhận, cách ly bệnh nhân từ tuyến dưới. Trong trường hợp ghi nhận bệnh, chúng ta có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại tuyến huyện, hạn chế tối đa chuyển lên tuyến trên để phòng, chống lây nhiễm trong quá trình di chuyển. 

Thực tế trong thời gian qua, chúng ta có 16 trường hợp bệnh điều trị tại tuyến huyện thành công, khỏi bệnh. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hết sức lưu ý là với những bệnh nhân có bệnh nền, mãn tính, trên cơ địa già thì phải lưu ý để chăm sóc, theo dõi cho phù hợp.

Có thể khẳng định, với phương châm 4 tại chỗ là: cơ vật chất tại chỗ, con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, dịch vụ tại chỗ thì chúng ta đã và đang triển khai tốt trong thời gian qua, và chúng ta sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Ngoài áp dụng theo những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta có những kinh nghiệm riêng nào từ kiểm soát các dịch bệnh lây nhiễm trước đó như SARS, MERs,… để áp dụng vào phòng, chống dịch Covid-19 này?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê:  Kinh nghiệm "vàng" trong điều trị "đại dịch" SARS tại bệnh viện là phải  thông thoáng và khử khuẩn, điều này vẫn có tác dụng khi điều trị khỏi cho bệnh nhân mắc Covid-19

Chúng ta để phòng bệnh thông thoáng, mở cửa đón không khí ngoài trời, đón nắng. Bệnh nhân tập thể dục trong điều kiện được cách ly và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Bản thân tôi năm đó đã tới thăm các bệnh nhân mắc SARS tại Bệnh viện Việt Pháp. Sau khi thăm các bệnh nhân xong tôi quay lên phòng họp và tuyên bố đóng cửa bệnh viện. Thực sự lúc đó, chúng ta chưa biết virus SARS lây như thế nào.

Sau nhiều trường hợp y bác sĩ tử vong do nhiễm SARS, Bệnh viện Việt Pháp đóng cửa, các bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Với phác đồ điều trị không quá "cao siêu", điều trị triệu chứng, theo dõi sát bệnh nhân và mở tung cửa phòng bệnh.

Cuối cùng Việt Nam đã chiến thắng được "đại dịch". Chúng ta đã chữa khỏi được bệnh nhân SARS đầu tiên trên thế giới. Thời điểm đó cả thế giới ghi nhận Việt Nam.

 

 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân mắc Covid-19

Ths. BS Nguyễn Trung Cấp: Việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do virus corona mới do Bộ Y tế ban hành. Nhìn chung, phác đồ điều trị của Việt Nam xây dựng trên cơ sở những kiến thức sẵn có về virus Corona và những nghiên cứu mới nhất trên những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc. Bởi vậy phác đồ của Việt Nam cũng thống nhất với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên do đặc thù của Việt Nam về thời tiết, khí hậu và khả năng trang bị, cơ sở vật chất và hệ thống nhân lực nên chúng ta đã có những vận dụng phù hợp như phương châm chống dịch 4 tại chỗ, phương án kiểm soát nhiễm khuẩn bằng biện pháp mở cửa sổ và tăng cường thông khí tự nhiên kết hợp với việc đảm bảo khoảng cách cách ly.

Bạn đọc Mai Phương (Thanh Hà, Hải Dương) hỏi: Trong bối cảnh chưa có vắcxin ngừa Covid-19 thì cách ly được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch, giúp hạn chế lây lan rộng ra cộng động. Xin ông nói rõ hơn về các biện pháp cách ly và những kết quả đã đạt được từ áp dụng biện pháp này trong thời gian qua?

 

 

Cách ly tại nhà để phòng dịch COVID-19

TS.Đặng Quang Tấn: Phải nói rằng trong công tác phòng, chống và ngăn chặn dịch Covid-19 này thì hoạt động cách ly giữ vai trò rất quan trọng. Chúng ta phát hiện sớm thì cách ly sớm, chúng ta điều trị sớm, cách ly tốt mới hạn chế được dịch bệnh lây lan ra bên ngoài.

Có nhiều hình thức cách ly: cách ly trong bệnh viện đối với những trường hợp dương tính đã phát hiện; cách ly tập trung đối với những người trở về từ vùng có dịch; cách ly tại gia đình và nơi lưu trú.

Việc cách ly đảm bảo theo đúng nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của ngành y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn về cách ly.

Tôi cho rằng, một trong điểm quan trọng trong cách ly là chúng ta phải đảm bảo việc tuân thủ theo nguyên tắc, kỹ thuật, quy trình cách ly, nếu không sẽ làm cho hiệu quả cách ly giảm đi. Ví dụ như khi cách ly tại nhà hay nơi lưu trú, nếu chúng ta không quản lý tốt được đối tượng, để đối tượng đi lại tự do không kiểm soát được hành trình thì làm cho hiệu quả cách ly kém đi. Chính vì vậy mà sự giám sát các trường hợp cách ly tại hộ gia đình hay nơi lưu trú rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự giám sát của chính quyền, tổ dân phố, cán bộ y tế, tất cả ban, ngành, đoàn thể cần tham gia vào công tác giám sát, kiểm tra.

Đối với cách ly tập trung, nếu chúng ta làm không tốt thì cũng dẫn đến nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là là lây chéo trong cơ sở tập trung, do đó trong các cơ sở cách ly tập trung phải đảm bảo đượckhoảng cách tối thiểu giữa các giường là 2 mét, trong trường hợp không được 2 mét thì chúng ta phải có tấmvách ngăn để bảo đảm không lây nhiễm chéo, khôngtập trung đông người; không tổ chức ăn chung và phải đảm bảo những quy định về phòng chống nhiễm khuẩn trong khu cách ly như: bố trí khu rửa tay bằng xàphòng, biển hiệu, khuyến cáo…

Mặt khác, tôi cho rằng cần tăng cường các buổi tập huấn đối với cán bộ y tế, các cán bộ tham gia vào công tác cách ly.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai tổ chức tập huấn cho tất cả các đầu cầu tuyến tỉnh, huyện, xã về công tác cách ly và chúng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức các Đoàn đi kiểm tra một số đơn vị trọng điểm về cách ly tập trung, để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hoạt động chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các Đoàn đi kiểm tra để bảo đảm giám sát thực hiện công tác cách ly chặt chẽ, hiệu quả.

Tại Trung Quốc, không ít nhân viên y tế đã nhiễm bệnh khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19. Đây cũng là vấn đề đặt ra vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của các nhân viên y tế trực tiếp làm công tác chống dịch. Vậy xin hỏi ông chúng ta đã có những biện pháp gì để bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế này? Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện được thực hiện thế nào, thưa ông?

PGS.TS: Lương Ngọc Khuê: Ngày 17/1, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có Công văn số 62/KCB-NV về phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do Corona virut mới.  Việc phát hiện sớm, cách ly, phân loại kịp thời sẽ hạn chế nguồn lây lan trong bệnh viện. Trong đó, phải tách riêng đối tượng nghi ngờ để khám riêng. Bên cạnh đó, hướng dẫn phòng hộ cho cán bộ y tế (CBYT) và giao trách nhiệm cho lãnh đạo BV phải bảo đảm tối đa phòng hộ cho các CBYT không để lây nhiễm chéo từ người bệnh. Bên cạnh đó, cùng với Hội đồng chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục đã xây dựng và ban hành Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/2 hướng dẫn phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn  do vi rút  SARS-Cov2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là tài liệu quan trọng giúp các nhân viên y tế bảo vệ chính mình, bảo vệ người bệnh, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho 2 miền Bắc Nam, và qua 700 điểm cầu của cả nước tới các trung tâm y tế tuyến huyện…

Việc hơn 3.000 cán bộ y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm hay tình trạng lây nhiễm tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc là bài học cho Việt Nam.

Ở đây xin lưu ý, không có chuyện ca bệnh nặng hay ca bệnh nhẹ, hay virus truyền bệnh nặng, truyền bệnh nhẹ. Tất cả cán bộ y tế không được chủ quan và lơ là trong phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong điều trị SAR, Mer-Cov; Cúm A H1N1, H5N1…và đã điều trị khỏi 16 bệnh nhân ca mắc Covid-19, song chúng ta mới chỉ thắng lợi bước đầu, chặng đường trước mắt chúng ta còn dài” vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thưa ông, chúng ta đã có chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu mọi cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cách ly người bệnh ngay từ khi đến khám nếu có các biểu hiện như sốt, ho nhưng rõ ràng mấy ngày qua đã có bệnh viện không thực hiện nghiêm túc. Vậy xin ông chia sẻ về vấn đề này?

 

 

Nguồn ảnh: Cục Quản lý khám chữa bệnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Sau rất nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành y tế, ngày  9/3/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ quốc gia) đã kí văn bản số 1138/BCĐQG gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường sàng lọc, phân luồng, cách ly ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB). 

Trong đó nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước và đặc biệt tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện những nguồn lây và nhiều ca bệnh mới. Dự báo thời gian tới sẽ có các ca bệnh nghi ngờ sẽ đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

 Để bảo đảm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý ca bệnh, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên một số cơ sở đã không thực hiện nghiêm, để lọt ca bệnh không được cách ly và quản lý kịp thời. 

 Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn) tổ chức thực hiện sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý điều trị ca bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện và tương đương trở lên bố trí khu vực riêng để tiếp nhận, quản lý, điều trị ca bệnh nghi ngờ/ có thể/ xác định COVID-19.

Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa nhà nước, tư nhân ngay sau khi phát hiện có ca bệnh nghi ngờ cần ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh và báo ngay cho Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc sàng lọc, phân loại và cách ly người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đáng chú ý, trong văn bản này đã nêu rõ, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân không thực hiện theo đúng các quy định trên, đình chỉ hoặc đình chỉ tạm thời, rút giấy phép hoạt động/chứng chỉ hành nghề đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân vi phạm…

III, DINH DƯỠNG NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG TRONG MÙA DỊCH

Bạn đọc Nguyễn Mai Lan ( Nam Đàn, Nghệ An) hỏi: Thưa GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bên cạnh công tác dự phòng, điều trị, hiện nay có nhiều ý kiến các chuyên gia dịch tễ nhận định, việc quan trọng nhất của mỗi người dân là phải tăng sức đề kháng cho mình. Vậy, Viện Dinh dưỡng quốc gia tham gia vào công tác phòng chống dịch hiện nay như thế nào? 

 

 

GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Viện Dinh dưỡng Quốc gia được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực và làm đầu mối triển khai các Dự án từng ngành và liên ngành trong Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng. Mục tiêu của Chiến lược Dinh dưỡng là đảm bảo tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn uống để làm nền tảng cho sức khỏe tốt. Khi có tình trạng dinh dưỡng tốt sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sức đề kháng của cơ thể con người. Trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai và dịch bệnh… ngành dinh dưỡng phải xây dựng các lời khuyên về dinh dưỡng, hướng dẫn ăn uống hợp lý và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các hướng dẫn này đã được Bộ Y tế đăng trên chuyên trang hướng dẫn phòng dịch, đăng trên báo Nhân Dân, Báo Sức khỏe và Đời sống, trang web của Viện Dinh dưỡng…Tại các bệnh viện thì hệ thống nhân lực đảm nhận công tác tiết chế dinh dưỡng có nhiệm vụ cung cấp chế độ dinh dưỡng đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại bệnh nhân nhằm hỗ trợ cho công tác điều trị.

Chúng tôi nhận được câu hỏi của bạn đọc ở địa chỉ: thuvando@gmail.com gửi GS, TS Lê Danh Tuyên: Để đối phó với bệnh Covid-19, trẻ nhỏ, bà mẹ đang mang thai và người già cần phải làm gì bổ sung dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa tốt nhất trước dịch bệnh? Nên duy trì chế độ ăn như thế nào để tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh Covid-19? 

 

 

Tháp dinh dưỡng dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Nguồn: Viện Dinh dưỡng

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Để phòng chống dịch bệnh Covid- 19 thì quan trọng nhất là chúng ta cần có một cơ thể khỏe mạnh và một hệ miễn dịch hoạt động tốt. Chế độ dinh dưỡng phải đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị hàng ngày về mặt năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Thông thường mọi người thường ăn theo thói quen và sở thích của mình, với những người có thói quen ăn uống không lành mạnh và ít hoạt động thể chất lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính không lây.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi có mắc các bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư, tim mạch thì khi mắc bệnh thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn, vì vậy với những người cao tuổi nếu có mắc bệnh mạn tính không lây, ở giai đoạn này cần quan tâm đặc biệt tới chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Tôi xin lưu ý, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính không lây nên được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý và cũng có thể sử dụng tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành để ước tính lượng thực phẩm nên ăn của từng tầng của tháp dinh dưỡng trong 1 ngày. Để cung cấp vitamin và chất khoáng cho cơ thể, một ngày nên sử dụng khoảng 3-4 đơn vị rau (tương đương 3-4 lưng bát rau và 3 đơn vị quả chín tương đương 300g quả chín). Ngoài ra cũng cần chia nhỏ bữa ăn và sử dụng các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt để hạn chế rối loạn đường máu và mỡ máu.

Với trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, những đối tượng dễ bị tổn thương cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chia nhỏ bữa trong ngày, cách chế biến sao cho mềm và dễ hấp thu. Ngoài ra, cần có chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước và đi ngủ sớm. Phụ nữ có thai và bà mẹ có con nhỏ có thể vào trang web của Viện Dinh dưỡng để tham khảo tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-5 tuổi và tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và nuôi con bú để có thể ước lượng được số lượng thực phẩm cần sử dụng trong 1 ngày theo từng tầng của tháp. Tháp dinh dưỡng cũng đã được phân phối đến các Trạm Y tế xã.

Bạn đọc  Doãn Thu Hiền (Mỹ Hào, Hưng  Yên) gửi câu hỏi đến hòm thư của Tòa soạn với nội dung: xin GS Lê Danh Tuyên cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, chúng ta cần bổ sung các thức ăn như thế nào để bữa ăn đủ vi chất dinh dưỡng? BS có khuyến cáo gì cho người dân về việc có nên bổ sung thực phẩm chức năng hay không? 

 

 

Tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành. Nguồn: Viện Dinh dưỡng

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Một bữa ăn được coi là cung cấp đủ dinh dưỡng và vi chất cho cơ thể thì đầu tiên chúng ta cần phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Thứ nhất, chúng ta nên thực hiện ăn uống theo cơ cấu dinh dưỡng hợp lý giữa thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid và glucid) đã được cụ thể hóa theo lượng từng loại thực phẩm trong Tháp dinh dưỡng hợp lý dành cho các lứa tuổi và đối tượng khác nhau. Viện Dinh dưỡng xây dựng Tháp dinh dưỡng cho các nhóm tuổi và tình trạng sinh lý nhằm hướng dẫn cho người dân lượng thực phẩm cần sử dụng trong một ngày để có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tháp dinh dưỡng có 6 tầng tử đỉnh tháp xuống đáy tháp, mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm từ các tầng của tháp. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu khuyến nghị, cần áp dụng theo đúng số lượng đơn vị ăn tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm được thể hiện trên Tháp dinh dưỡng. Đi kèm với Tháp dinh dưỡng là hình ảnh minh họa kích cỡ đơn vị ăn của một số thực phẩm. (mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm).

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng và đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là nhóm tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Các loại rau, củ, quả cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Đồng thời cần sử dụng các thực phẩm mà Chính phủ đã quy định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (muối bổ sung iod, bột mỳ bổ sung sắt và kẽm, dầu ăn bổ sung vitamin A). Các vi chất dinh dưỡng này (vitamin A, sắt, kẽm, iod) hiện nay còn đang thiếu ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng trong khi thực phẩm từ bữa ăn hàng ngày chưa cung cấp đủ. Mỗi loại thực phẩm có một số chất dinh dưỡng đặc hiệu. Chúng ta nên ăn hợp lý và đa dạng các các loại thực phẩmtrong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe. Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.

Thứ hai, trong thời gian xảy ra vụ dịch, người dân có thể sử dụng thêm các viên đa vi chất dinh dưỡng nếu như ăn uống không đầy đủ theo Tháp dinh dưỡng đưa ra, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không nên tùy tiện mua sử dụng.

Thứ ba, cần uống đủ nước từ 2-2,5 lít mỗi ngày tùy theo mức độ luyện tập thể thao. Không nên chờ đến lúc khát mới uống , mỗi lần chỉ uống lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều nước một lúc. Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đun sôi đã để quá 2 ngày. Các loại nước như nước ngọt có ga, các loại đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.

Điều rất quan trọng là các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như  Flavonoid. Các vitamin và khoáng chất này có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau:

+   Vitamin A và Beta-caroten: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng/ màu đỏ…

+   Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…

+   Vitamin E: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin E có thể làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.

+   Vitamin D:  Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.

+   Selen:  Nguyên tố khoáng chất vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển…

+   Sắt và Kẽm: Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.

Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi và nhiều cuộc điện thoại của độc giả gửi về Tòa soạn quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng: Thưa GS, TS Lê Danh Tuyên,  những phụ nữ nội trợ ở nhà rất muốn giúp gia đình có cách phòng chống dịch tốt. Đọc trên mạng thấy nhiều người chia sẻ thông tin là cần sử dụng nhiều thực phẩm có tính kháng khuẩn cao như: hành, tỏi, gừng, sả, chanh, ớt… để bổ sung vào bữa ăn. Vậy, việc bổ sung này như thế nào là hợp lý và nó có tác dụng như thế nào với sức khỏe? 

 

 

Các loại thực phẩm hành, tỏi, gừng, sả, chanh, ớt…là thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Trong ẩm thực Việt Nam thì gia vị có nguồn gốc thực vật là những thực phẩm thân thuộc có lợi cho sức khỏe như tỏi, củ cải trắng, gừng, nghệ, hành, tía tô, thì là, diếp cá…là những loại rau quen thuộc trong nhiều món ăn. Những loại rau này có tên gọi chung là “rau gia vị” vì mùi thơm, hương vị của chúng giúp món ăn hài hòa, ngon miệng hơn. Không dừng lại ở đó, các loại rau gia vị còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe do chúng chứa các chất chống oxy hóa, các kháng sinh tự nhiên, thậm chí có loại gia vị có tác dụng điều hòa huyết áp như quế, nghệ, gừng…

Với một bữa ăn khoa học và hợp lý thì cần phối hợp nhiều loại thực phẩm trong chế biến món ăn, giúp cho món ăn vừa ngon hấp dẫn và giúp cơ thể phòng bệnh. Ví dụ món món rau muống xào tỏi, món canh cá, món cá hay thịt kho… đều cần sử dụng thêm các loại gia vị như gừng tỏi, hành, thì là, rau mùi… Các món rau xào hoặc canh phối hợp nhiều loại thực phẩm vừa ngon miệng mà vừa sử dụng được thêm các loại rau gia vị.  Các loại rau như tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… còn giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…

Một điểm lưu ý là chỉ nên sử dụng với số lượng bình thường hàng ngày ta vẫn sử dụng để thêm hương vị cho món ăn, hoặc trong chế biến món ăn ví dụ như người ta dùng riềng kho cá, dùng tỏi xào thịt bò... Nếu sử dụng với số lượng quá nhiều sẽ có tác hại như có trường hợp ăn quá nhiều tỏi sống gây dị ứng, tiêu chảy… có trường hợp ăn quá nhiều cà rốt để chữa đau dạ dày dẫn đến hội chứng thừa carotene…

 Bạn đọc ở địa chỉ email: phamcongkhanh81@gmail.com hỏi: Làm sao để các bà nội trợ như chúng cháu có thể đảm bảo an toàn thực phẩm trong khi mua, chế biến thực phẩm tại gia đình khi dịch còn kéo dài? 

 

 

Cần đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng tránh dịch bệnh

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Chúng ta rất cần phải thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ trong vụ dịch này mà còn để tránh nhiều bệnh khác. Hơn nữa nếu bị ngộ độc thực phẩm sẽ làm cơ thể yếu, sức đề kháng giảm. Các bệnh mắc trùng nhau sẽ tăng gánh nặng cho việc điều trị, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn.

Khi đi mua thực phẩm cần lưu ý:

-         Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; Không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; Tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.

-         Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

Chế biến thực phẩm tại nhà:

-         Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

-         Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín.

-         Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.

-         Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).

Ăn uống đảm bảo vệ sinh:

-         Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm;

-         Tuyệt đối không ăn tiết canh để tránh bệnh do liên cầu lợn gây ra

-         Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống; trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa/muỗng/đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.

Bạn đọc Đào Thúy (Hoàng Mai - Hà Nội) gửi câu hỏi tới PGS.TS Vũ Xuân Phú: Tôi thấy có nhiều thông tin cũng chưa được hiểu đúng để phòng chống dịch Covid-19. Có người bảo hút thuốc, uống rượu có cồn sẽ tăng miễn dịch cho cơ thể; có người đeo liền lúc 2-3 cái khẩu trang… Xin PGS.TS Phú giải thích về mặt khoa học những điều này?

 

 

Đeo khẩu trang đúng loại, đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ là cần thiết

PGS.TS Vũ Xuân Phú:

Việc tăng miễn dịch, sức đề kháng thì đúng. Tuy nhiên, không phải là những biện pháp như bạn nêu trên, mà là rèn luyện tăng cường thể lực, bỏ các thói quen xấu có hại cho sức khỏe, còn chế độ dịnh dưỡng các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho phù hợp.

Tất cả những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ngay sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch với bệnh đó. Tuy nhiên thời gian miễn dịch tùy theo từng loại bệnh. Đối với bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra, hiện nay chưa có báo cáo chính thức về khả năng miễn dịch.

Phương tiện nhằm bảo vệ cá nhân phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay được người dân tăng cường sử dụng là khẩu trang y tế. Do kích thước của virus này lớn hơn virus trực khuẩn khác (như vi khuẩn lao), nên người khỏe mạnh và người bệnh có thể sử dụng khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải được vệ sinh và giặt sạch sẽ, đảm bảo khử khuẩn hàng ngày là có thể phòng ngừa bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần kết hợp với các biện pháp khác như rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng…

Đeo khẩu trang đúng loại, đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ là cần thiết, nhưng không theo các trào lưu tin đồn hay những khuyến cáo chưa đúng ở trên.

 

IV, TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN CHÍNH THỐNG, NGĂN CHẶN TIN GIẢ ĐỂ NGƯỜI DÂN TIN TƯỞNG, YÊN  TÂM

Bạn đọc ở địa chỉ: chikeo149@gmail.com hỏi: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh những thông tin chính thống từ Bộ Y tế, rất nhiều thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Điều này có gây khó khăn cho Bộ Y tế, thưa ông Đình Anh?

 

 

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng

liên tục phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc.

ThS.BS Nguyễn Đình Anh: Rất khó khăn thưa các bạn, bởi lẽ trong lúc chúng ta đang nỗ lực để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng và bảo vệ tốt nhất sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân thì  có một số đối tượng đã đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Khi phát hiện những thông tin không chính xác, thiếu căn cứ hoặc tin giả, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin và kịp thời xử lý; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường đăng tải và phát sóng các thông tin chính xác, các thông điệp truyền thông để cung cấp cho người dân kịp thời, tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo thông tin mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho chủ trương, cơ quan công an đã và sẽ xử lý nghiêm, thậm chí là xem xét hình sự những hành vi  tung tin  bịa đặt,  thiếu căn cứ hoặc tin giả.

Tôi mong muốn mọi người hãy tỉnh táo kiểm chứng thông tin, đừng vội chia sẻ. Và hãy nghe lời khuyên của các nhà chuyên môn.

Bạn đọc Nguyễn Tuân (Đông Anh – Hà Nội) gửi câu hỏi tới PGS.TS Vũ Xuân Phú: Trong khi hàng nghìn bác sỹ chung tay với các lực lượng chức năng đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 thì nhiều người lợi dụng mạng xã hội tung tin giả, sai sự thật về dịch bệnh. Thực tế này không chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng kịp thời mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ cơ quan báo chí cung cấp thông tin chính thống tới bạn đọc. Xin PGS.TS. Vũ Xuân Phú chia sẻ ý kiến về vấn đề này?

PGS. TS. Vũ Xuân Phú:

Trong phòng chống dịch thì công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ rất quan trọng. Các thông tin cần kịp thời, nhanh, đúng, đủ, và phù hợp số đông dân chúng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay và cộng đồng mạng rất đa dạng về tính cách, nhân cách, tồn tại và phát tán với tốc độ nhanh, rộng các tin giả, sai sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng đến phát hiện ca bệnh, quản lý và điều trị, đến uy tín của thầy thuốc, đến ngành y tế, hậu quả mang lại với xã hội rất lớn.

Do vậy, vai trò của các kênh truyền thông chính thống là rất quan trọng, nguyên tắc như tôi đã đề cập ở trên, sẽ giảm thiểu rất nhiều tổn thất cho xã hội.

Bạn đọc ở địa chỉ: hoanghai1979@gmail.com đặt câu hỏi: Trong thời đại bùng nổ thông tin, rất nhiều tin giả, tin độc khiến dư luận hoang mang, thậm chí dẫn dắt cả các Báo. Xin hỏi ông Đình Anh, thông tin chính thống từ các Bộ, ngành có cần nhanh hơn để những tin fake news không còn đất sống?

 

 


ThS.BS Nguyễn Đình Anh: Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế, những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh.

Do vậy, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, chúng tôi cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người.

Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ai cũng muốn có thông tin nhanh, chúng tôi biết điều đó. Nhưng, việc để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Mính, do vậy:

- Nếu các mẫu từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh COVID-19.

- Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh COVID-19.

Có những việc cần làm ngay và luôn, nhưng có những việc cần chậm một tý, yêu thương nhiều hơn, cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID -19 này, bạn, tôi và tất cả mọi người đều ngồi trên một con thuyền. Chúng ta hãy cùng nhau ĐỒNG HÀNH, ĐỒNG LÒNG, ĐỒNG SỨC với Chính phủ, với chính quyền địa phương ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.

Vài ngày qua, sau khi Việt Nam có thêm những ca mắc Covid-19, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và danh sách những người tiếp xúc với họ, thậm chí tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới do gieo rắc tâm lý sợ bị kỳ thị, xa lánh trong cộng đồng. Xin  Bs Vũ Xuân Phú chia sẻ ý kiến về vấn đề này?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:

Với tất cả các bệnh xã hội, người bệnh và gia đình thường phải chịu đựng sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Điều này làm cho tăng sự tự ti, giấu bệnh, không khai báo, không thực hiện đầy đủ phác đồ điều trị, bệnh có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát.

Đây là hiểm họa của đạo đức trong phòng chống dịch, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe một cách rõ rệt về bệnh tật, đường lây, mức độ nghiêm trọng, cũng như tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, chủ yếu cho người lành để cảm thông và nhận thức rõ về bệnh đúng mức độ, cũng như cho người bệnh không tự ti, giấu bệnh, giấu dịch. Hiệu quả của truyền thông là rất quan trọng.

V. TOÀN DÂN CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Một bạn đọc ở Đông Anh, TP Hà Nội hỏi: Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên có một số cá nhân đi từ vùng dịch về trốn khai báo y tế và khai báo không chính xác trong thời gian vừa qua. Ông nhận định gì về vấn đề này?

 

 


ThS.BS Nguyễn Đình Anh: Việt Nam đã áp dụng khai báo y tế từ đầu mùa dịch COVID-19.

Theo mẫu tờ khai y tế được Bộ Y tế công bố, hiện người nhập cảnh có thể áp dụng cả hai hình thức khai báo: khai tờ khai giấy được phát trên máy bay, hoặc khai báo y tế vào tờ khai y tế điện tử, có mã QR và thông tin sau khi khách nhập cảnh, quét mã QR sẽ được gửi về các trung tâm phòng chống dịch, mỗi tờ khai đều bao gồm địa điểm khởi hành, nơi đến, thông tin 14 ngày qua có đến quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác, cùng địa chỉ liên lạc tại Việt Nam, các triệu chứng sức khỏe, loại văcxin đã sử dụng và lịch sử bệnh lý trong 14 ngày gần đây...

Trong tờ khai cũng nêu rõ một chú thích đáng chú ý: Vì sức khỏe của anh/chị và cộng đồng, nếu anh/chị thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy liên hệ với các cơ quan y tế gần nhất. Hành khách sẽ mang theo phần chú thích này và thông tin hành khách có dấu xác nhận của kiểm dịch viên y tế để làm các thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Thông tin như vậy là đầy đủ để có thể theo dõi hành trình trước khi nhập cảnh của hành khách. Tuy nhiên, việc khách có khai báo trung thực về những điểm đã đi/đến hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách.

Việc có một số cá nhân đi từ vùng dịch về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực thời gian sinh sống và lịch trình đi lại trong những ngày gần đây là hành vi cần phải lên án.

Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh thì một vài cá nhân lại thiếu ý thức, trách nhiệm trong khai báo y tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tôi hy vọng mỗi người Việt Nam hãy thể hiện tình yêu nước và trách nhiệm công dân bằng những việc làm thiết thực. Mọi người hãy cùng tham gia sử dụng và khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI. Điều này sẽ giúp cho công tác chống dịch tốt hơn. Đây là sự đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc chống dịch.

Bạn đọc Vũ Anh ở Quận 3, TP.Hồ Chí Minh hỏi: Từ sự việc một số bệnh nhân nhập cảnh vào Việt Nam gần đây nhưng không trung thực trong khai báo y tế gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng những ngày qua, đã cho thấy “lỗ hổng” trong kiểm soát dịch bệnh. Quan điểm của ông Đặng Quang Tấn về vấn đề này như thế nào? Theo ông trong thời gian tới cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

 

 

TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế)

TS: Đặng Quang Tấn: Trước tiên để làm tốt điều đó, tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân mình và cộng đồng. Điều thứ hai là chúng ta phải chú trọng tập trung vào vấn đề tuyên truyền cho người dân, toàn thể cộng đồng về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng để họ trung thực, khi nhập cảnh về Việt Nam khai báo đúng những nội dung, lịch trình của bản thân trong tờ khai báo.

Một điều nữa là sự tuân thủ đúng pháp luật. Đối với trường hợp nào khai báo không trung thực, không đúng làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì cần phải có chế tài hoặc có những biện pháp đủ mạnh để răn đe, làm gương cho người khác. Để làm tốt điều đó, chúng tôi nghĩ rằng cần phải áp dụng vấn đề xử phạt trong thời điểm hiện nay. 

Chúng ta xử phạt, áp dụng đúng như Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì người

Bạn đọc ở hòm thư: hungphong1979@gmail.com nêu vấn đề: Qua các phương tiện truyền thông tôi thấy, còn có những người không chủ động cách ly khi đi từ vùng dịch về hoặc trốn tránh khai báo y tế. Trong trường hợp này, cần xử lý thế nào thưa ông Đặng Quang Tấn?

 

 

Chăm sóc bệnh nhân điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Ảnh: Giang Huy

TS: Đặng Quang Tấn: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì tất cả những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh về từ vùng có dịch và gần đây Bộ Y tế cũng đã triển khai y tế điện tử với 100% hành khách nhập cảnh từ nước ngoài.

Phải nói rằng qua khai báo y tế chúng ta có thể biết được tình trạng sức khoẻ của người nhập cảnh vào Việt Nam thông qua máy đo thân nhiệt, tờ khai, thông tin người nhập cảnh phải khai báo. Về cơ bản, hầu hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam khai báo trung thực, có trách nhiệm. Tuy vậy, vẫn còn một số ít trường hợp cố tình khai báo không trung thực để đi qua được trạm kiểm soát vào Việt Nam.

Đây là những trường hợp đáng phải lên án vì những hành vi thiếu suy nghĩ, không trung thực của họ có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ cần phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi gian dối, không trung thực của mình. Chúng ta cũng đã có Bộ Luật hình sự 2015 và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hết sức cụ thể các chế tài xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Đối với những trường hợp vừa đề cập ở trên, tôi cho rằng cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật, xử lý nghiêm khắc để làm gương, bảo đảm tính răn đe cho những trường hợp khác không tái diễn. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được công tác phòng, chống dịch một cách chặt chẽ và toàn diện!.

dân hoặc những hành khách mới sợ và tuân thủ đúng quy định.

Bạn đọc Phạm Khánh Toàn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng gửi thư về Tòa soạn viết: Điều lo lắng của người dân hiện nay là những ca bệnh đi theo đường hàng không nhập cảnh vào Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không phát hiện ra họ đang mang mầm bệnh và để “lọt lưới”. Ví dụ trường hợp bệnh nhân số 17 có hai hộ chiếu Anh và Việt Nam, vậy có cách nào quản lý được lịch trình đi lại của họ không thưa ôngĐặng Quang Tấn?: 

 

 


TS: Đặng Quang Tấn:

Khi nhập cảnh có rất nhiều cơ quan chức năng tại cửa khẩu phối hợp để kiểm tra. Thứ nhất là kiểm tra trên hộ chiếu xem nơi xuất phát từ đâu. Thứ hai là kiểm tra qua tờ khai báo y tế. Tuy nhiên vẫn có những mặt khó khăn cho cơ quan kiểm tra. Ví dụ đối với tờ khai y tế, có những người trung thực họ khai trung thực, còn với những người không trung thực thì họ sẽ cố tình khai khác, lệch đi để không phải chịu sự quản lý. 

Bởi vậy, cơ quan công an, đặc biệt bộ phận kiểm tra xuất nhập cảnh phải kiểm tra kỹ nơi xuất phát của họ, xem hộ chiếu của họ xuất phát từ đâu, đóng dấu từ đâu? Như vậy, mới biết được đối tượng đó xuất phát từ vùng có dịch hay không có dịch. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp khó kiểm tra, như các quốc gia châu Âu. Những người sống ở cộng đồng châu Âu, họ đi từ nước này sang nước kia mà không cần hộ chiếu hay đóng dấu passport, hay tại những quốc gia đang có dịch như Ý, Đức, Pháp…, người dân có thể đi ra sân bay khác để bay về.

Thực tế cũng có nhiều trường hợp muốn vào Việt Nam, họ có thể bay vòng qua các quốc gia khác sang Singapore, Thái Lan… sau đó mới bay về Việt Nam. Những trường hợp này đòi hỏi cơ quan chức năng tại cửa khẩu phải kiểm tra hết sức chặt chẽ xem họ xuất phát từ đâu. Khi kiểm tra nếu thực sự thấy họ xuất phát từ vùng có dịch thì phải đưa vào khu cách ly để đảm bảo tránh lây nhiễm dịch bệnh vào Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng đang công tác tại cửa khẩu cũng như cán bộ kiểm dịch y tế, công an, thậm chí là những cơ quan hàng không nữa.

 

Thưa BS Vũ Xuân Phú, vẫn có nhiều người cho rằng dịch bệnh là chuyện của xã hội, mà chưa nhận thức được rằng nếu không chủ động, tự giác phòng chống dịch thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và gia đình trước tiên. Vậy theo ông, làm gì để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch Covid-19?

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:

Đối với việc phòng chống dịch, vai trò cá nhân rất quan trọng, là vai trò, trách nhiệm đối với toàn dân, toàn xã hội. Tất nhiên có vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân không chỉ được đề cập trong một vụ dịch, mà ngay trong cả cuộc sống hàng ngày, trong đó có vai trò rất lớn và thường xuyên của gia đình, nhà trường và xã hội khi một công dân hình thành nhân cách. Bởi vậy, việc nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi cá nhân là rất quan trọng và nếu chỉ chờ đến khi dịch xảy ra mới đề cập và tuyên truyền thì không kịp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2 của phòng, chống dịch Covid-19. Xin các chuyên gia, bác sĩ có lời khuyên gì với người dân lúc này để không hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan?

 

 

Nhiều cơ quan thực hiện phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

PGS.TS: Lương Ngọc Khuê: Như tôi đã trả lời ở trên, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới chống dịch Covid-19 với việc ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới. Vì thế, điều quan trọng lúc này là mọi người dân cần phải bình tĩnh cùng hợp tác, cùng chung tay với Chính phủ, với ý thức cao nhất về sức khỏe chung của cộng đồng. Do đó, mọi người cần tự giác mình vì mọi người, mọi người vì mình để có những hành động thiết thực nhất phòng chống dịch Covid-19.

GS.TS Lê Danh Tuyên:

Các dịch bệnh mới có thể xuất hiện và lây lan càng khiến chúng ta có những hành động mạnh mẽ hơn để chống lại chúng, mà bản thân dịch cũng là một phần khó có thể tránh khỏi trong tương lai của chúng ta. Ví dụ như một thế kỷ trước đây, dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỷ người và giết chết gần 100 triệu người trên toàn thế giới. Ngày nay, tiến bộ khoa học và việc đầu tư lớn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu đồng nghĩa với việc những dịch bệnh như vậy sẽ được quản lý tốt hơn. Đến giữa thế kỷ trước, một số người ở phương Tây vẫn tuyên bố là có thể chiến thắng các bệnh truyền nhiễm.

Nhưng khi tiến trình đô thị hóa và bất bình đẳng gia tăng, rồi biến đổi khí hậu làm xáo trộn hệ sinh thái, chúng ta phải công nhận rằng, nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới vẫn luôn hiện hữu.

 

Lúc này, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia cũng đã đề ra các tình huống khác nhau có thể xảy ra để tránh bị động như một số nước khác đã mắc phải. Do đó, mọi người cần phải bình tĩnh tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, từ các nguồn tin chính thức như báo chí chính thống của Đảng ta, trên website của Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt nam, không bao giờ được phép chủ quan để bỏ qua các hướng dẫn liên tục được cập nhật hàng ngày….

Những việc cần làm hết sức nghiêm túc là khai báo y tế, tuân thủ cách ly tránh nguồn lây nhiễm, cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế. Bên cạnh việc đeo khẩu trang, tránh chỗ đông người, rửa tay bằng dung dịch rửa tay pha sẵn hoặc bằng xà phòng thường xuyên và đúng cách, hay sát khuẩn hầu họng theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc đảm bảo dinh dưỡng cân đối, hợp lý, đa dạng, uống đủ nước, nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng cần được hết sức quan tâm.

 

 

Nguồn: Bộ Y tế

PGS.TS. Vũ Xuân Phú:

Đúng, chúng ta không hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan. Hãy là một công dân thông thái, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống.

Nhà nước và ngành Y tế đã đánh giá đúng về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch. Về mức độ toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố vấn đề khẩn cấp toàn cầu, dựa trên những quy định của quốc tế về mức độ nghiêm trọng đối với vấn đề sức khỏe.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch bằng quyết định 173, ngày 1/2/2020, và xác định xu hướng của dịch đang lan rộng chưa khống chế được (Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua năm 2007). Mục đích của Chính phủ và ngành Y tế là khống chế và thanh toán dịch, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Để làm được việc này cần giảm mắc mới và giảm tỷ lệ tử vong, giảm lây lan trong cộng đồng, dự phòng bằng vắc xin (nếu có).

Chúng ta chủ động xây dựng chiến lược để ứng phó:

- Phòng bị từ đầu nguồn: Tạm thời đóng cửa biên giới, kiểm soát chặt chẽ qua các cửa khẩu.

- Sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị hỗ trợ sớm: Kiểm soát chặt chẽ từ các cửa khẩu; khuyến khích khai báo và tự khai báo khi phát hiện; cách ly cộng đồng (tại nhà hoặc tại bệnh viện); vệ sinh ho khạc (đeo khẩu trang, khăn che miệng, quản lý đờm); điều trị (hỗ trợ điều trị biến chứng, điều trị bệnh nền, nhất là bệnh phổi mãn tính); điều trị hỗ trợ cách ly để cắt giảm nguồn lây.

- Bảo vệ cá nhân, người lành để giảm mắc mới do virus SARS-CoV-2 (tuyên truyền giáo dục – tránh hoảng loạn và thực hành sai, hiểu biết bệnh và cách tự phòng tránh, vệ sinh ho khạc tại nơi công cộng, cung ứng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp từng môi trường, từng trường hợp, vắc xin hoặc thuốc dự phòng/khi có).

- Đảm bảo nguồn lực cho các giải pháp trên (hệ thống chính trị vào cuộc, như chỉ thị của Đảng, Thủ tướng và Bộ Y tế kịp thời; đủ nhân lực- vật lực – tài lực trong tình trạng khẩn cấp, huy động tổng lực các cơ quan truyền thông).

Ngành Y tế và các bệnh viện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, cập nhập và phân tích diễn biến tình hình dịch thường xuyên, xây dựng các quy trình chuẩn, chuẩn bị điều kiện đẩy đủ để tiếp nhận, phân loại cách ly bệnh nhân. Chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả việc khi công bố tình trạng khẩn cấp, sủ dụng các bệnh viện dã chiến.

- Đặc biệt, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của toàn  đảng, toàn dân, toàn quân chung tay phòng chống dịch. Các đoàn thể chính trị, xã  hội phát động phong trào chung tay phòng  chống  dịch nhằm khơi dậy các  đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng…

Toà soạn sẽ tiếp tục cập nhật câu hỏi và nội dung trả lời của các chuyên gia, bác sĩ tới quí độc giả!

Ban Thời sự, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lượt người xem:  Views:   103
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (Click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by