Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tư liệu - Văn kiện

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Tư liệu - Văn kiện
Thứ 4, Ngày 13/12/2017, 09:00
Kỷ niệm 193 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2011): Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/12/2017

​Với tư cách là nhà khoa học thiên tài, Mác đã có những cống hiến kiệt xuất tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới

PGS, TS Nguyễn Hoàng Giáp 

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Trước hết, cần khẳng định, giá trị lớn lao và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác không phải ở chỗ nó cung cấp những lời giải đáp cho mọi vấn đề của thực tiễn thế giới, mà ở chỗ nó chỉ ra quy luật vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng các giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người và xã hội loài người khỏi mọi sự tha hóa, xây dựng một xã hội "Trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự  do của  tất cả  mọi  người" 1.

Sự khẳng định này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác, cũng như đánh giá đúng đắn những cống hiến của Mác đối với nhân loại.        

Với tư cách là nhà khoa học thiên tài, Mác đã có những cống hiến kiệt xuất tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Trên cơ sở tổng kết lịch sử thế giới, đặc biệt là sự nghiên cứu công phu về chủ nghĩa tư bản và thực tiễn phong trào công nhân quốc tế, đồng thời kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học và tư tưởng, Mác cùng với Ăng-ghen đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Ðây là những cống hiến có ý nghĩa thời đại, hình thành một thế giới quan và một phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại và cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới.

Mác là người đầu tiên đã áp dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, từ đó đưa ra quan điểm duy vật về lịch sử và xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Theo Mác, sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội, chính sản xuất vật chất là nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên sự biến đổi và phát triển các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, tinh thần, pháp luật, đạo đức..., chứ không phải ngược lại. Cái thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của con người, của các vĩ nhân, mà chính là sản xuất vật chất.

Với học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, Mác chỉ ra quy luật phát triển của xã hội thực chất là sự thay thế lẫn nhau như một quá trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội. Sự thay thế đó là một quá trình lâu dài và được quyết định bởi sự vận động của những mâu thuẫn bên trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, trước hết là mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Do đó, trong khi khẳng định hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, sớm hay muộn, tất yếu sẽ bị thay thế bằng một phương thức sản xuất tiên tiến hơn, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa, thì chính Mác, ngay trong Lời tựa viết cho lần xuất bản đầu tiên tập I Bộ Tư bản, đã nhấn mạnh rằng, xã hội tư bản 'là một cơ thể có khả năng biến đổi và luôn luôn ở trong quá trình biến đổi'. Sự tồn tại và tiềm năng phát triển của chủ nghĩa tư bản ngày nay cho thấy rõ tính chất lâu dài của sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đặt ra vấn đề cần nhận thức sâu sắc hơn nhận định của Mác rằng, 'không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ'.

Học thuyết về giá trị thặng dư là một trong ba phát kiến vĩ đại của Mác, là 'hòn đá tảng' trong học thuyết Mác. Với phát kiến này, Mác đã bóc trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, lý giải nguồn gốc dẫn tới sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội tư bản. Ngày nay, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, quy luật giá trị thặng dư vẫn phát huy tác dụng. Lao động trí tuệ hóa với máy móc hiện đại càng tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn cho nhà tư bản. Mặc dù đội ngũ giai cấp công nhân rất đa dạng về nghề nghiệp, với sự xuất hiện hàng loạt lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mới hiện đại, nhưng xét về địa vị của họ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì họ vẫn đều là những người lao động làm thuê bị cột chặt vào tư bản và họ chỉ được thuê khi có thể làm gia tăng khối lượng giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

Một cống hiến kiệt xuất khác của Mác là đã xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội, trong đó ông chỉ ra những nguyên tắc chung nhất, cơ bản nhất của xã hội tương lai sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Mác đã luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, về khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản ở các nước lạc hậu... Từ đây, Người đã vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng, phương thức giành chính quyền về tay giai cấp công nhân,v.v.

Mác là một nhà khoa học có bản lĩnh, sức sáng tạo phi thường và khả năng làm việc hiếm thấy. Một khối lượng đồ sộ hàng nghìn công trình khoa học của riêng Mác và cùng viết với Ăng-ghen đã được công bố, là kết quả của cả cuộc đời nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, gắn với những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Với Mác, bản chất của lý luận không bao giờ là hoàn chỉnh trọn vẹn cả, do đó Người đã không ngần ngại sửa đổi những quan điểm lý luận của mình không còn phù hợp với điều kiện mới của thực tiễn cuộc sống.

Không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, Mác đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại. Sinh thành tại nước Ðức giàu truyền thống cách mạng và bôn ba hoạt động ở nhiều nước Tây Âu, Mác từng chứng kiến sự bần cùng của những người lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản. Với trái tim nhân hậu thấm đượm tinh thần nhân văn cộng sản và bầu nhiệt huyết cách mạng, Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, Mác đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Kiên định một cách nhất quán lập trường cách mạng, Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của chính quyền tư sản, đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân. Người chỉ rõ, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về phương pháp và linh hoạt về hình thức đấu tranh...

Bất chấp những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến khoa học lý luận kiệt xuất cùng với nhân cách sống bình dị mà cao thượng của Mác vẫn tràn đầy sức sống, tiếp tục tỏa sáng, định hướng cho hành động cách mạng của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, trong đó có Ðảng ta. Có thể nói, thực tiễn cách mạng Việt Nam là một biểu hiện sinh động, đầy sức thuyết phục về sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Nắm vững phương pháp luận mác-xít, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tổng kết thực tiễn hơn 80 năm qua Ðảng ta lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là thực tiễn 25 năm đổi mới, Ðảng không ngừng làm giàu trí tuệ, góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một trong những biểu hiện rõ nét về điều này là sự phát triển và hoàn thiện nhận thức của Ðảng về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: 'Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới' 2.

Nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng vào cuộc sống thành công, đối với toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta, chính là biểu hiện sinh động nhất của sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời là cách thức thiết thực nhất để kỷ niệm Ngày sinh C.Mác - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.

__________________________

1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, t.4, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr.628.

2. Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.70. 

Lượt người xem:  Views:   17446
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by