Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 4, Ngày 02/11/2022, 16:00
An Giang trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
02/11/2022 | Trúc Quỳnh

(TUAG)- Sau khi nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Cả miền Nam nước ta, trong đó có tỉnh An Giang chìm trong khói lửa chiến tranh. Mặc dù bị quân thù đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng ở An Giang gặp nhiều khó khăn nhưng với truyền thống yêu nước, trung thành với Đảng, với dân tộc, quân và dân An Giang đã kiên cường vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công oanh liệt, cùng quân dân cả nước làm thất bại hoàn toàn các chiến lược: "Chiến tranh đơn phương", "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" và chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân An Giang đã cùng quân dân cả nước đánh đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh. Kết quả thắng lợi quân sự của quân và dân ta trên chiến trường buộc đế quốc Mỹ phải ký "Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam", khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược của Mỹ - ngụy. 

Nam-bo-danh-dq-My.jpg

Dân quân tải đạn, phục vụ chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, các cấp ủy Đảng tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa tiến hành khẩn trương và bí mật sắp xếp tổ chức, phân công cán bộ. Năm 1954, Xứ ủy Nam Bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc.

Trong lúc ta chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn, chuyển quân về các vị trí tập kết thì địch ngoan cố phá hoại Hiệp định, khủng bố nhân dân,…

Từ đầu năm 1955, phong trào đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève, đòi dân sinh, dân chủ diễn ra liên tục rộng khắp tỉnh như cuộc biểu tình của đồng bào Khmer đòi "trả lại Việt Minh" tại tỉnh lỵ Châu Đốc (đầu năm 1955); các cuộc đấu tranh đòi đổi bạc "xé hai" (tháng 7/1955), chống địch bắt lính, cướp đất làm căn cứ quân sự (năm 1957)… Nổi nhất là hai cuộc biểu tình của hàng ngàn đồng bào kéo đến trụ sở Ủy hội quốc tế ở Tân Châu ngày 20/7/1955 và 02/9/1955, đưa kiến nghị tạo tiếng vang cả nước.

Để tập trung quản lý, cuối năm 1956 địch nhập Long Xuyên, Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Giữa năm 1957, ta cũng lập tỉnh An Giang. Căn cứ Tỉnh ủy, Huyện ủy đều ở trong vùng địch tạm chiếm trước đây, cán bộ lãnh đạo được nhân dân nuôi chứa, bảo vệ an toàn.

Trước tình hình địch liên tiếp mở các cuộc bố ráp, đánh điểm làm cho phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, tổn thất... và đường lối đấu tranh chính trị đơn thuần không còn phù hợp. Tư tưởng bạo lực vũ trang nổi dậy mạnh mẽ. Đúng lúc đó, Trung ương ra Nghị quyết 15 (tháng 01/1959) hợp thức hóa việc vũ trang tự vệ. Cách mạng An Giang cùng cả miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Ngày 09/9/1960, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tổ chức tại Gò Ổi Sáu Bền (Núi Tô - Tri Tôn) bàn kế hoạch thực hiện đợt Đồng khởi toàn Miền theo chỉ đạo của Xứ ủy. Vùng Bảy Núi là trọng điểm, Tân Châu và An Phú là điểm phụ, các nơi khác là diện căng kéo địch. Phương thức khởi nghĩa là dùng áp lực quân sự kết hợp nội tuyến, binh vận gỡ đồn bót hoặc hỗ trợ quần chúng, gia đình binh sĩ bao vây, gọi hàng. Thời điểm khởi nghĩa của tỉnh là ngày kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến 23/9/1960.

Đêm 23/9/1960, quân dân An Giang chính thức tiến hành Đồng khởi và cho đến đầu tháng 10/1960 đã giành được quyền làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở Bảy Núi, Châu Thành, Châu Phú, Núi Sập, Tân Châu, An Phú.

Cuối năm 1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh An Giang được thành lập tại núi Tô và ra mắt đồng bào vào tháng 02/1961.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, đêm 18/3/1961 đồng bào xã Hội An (Chợ Mới) nổi dậy giải phóng gần hết xã. Cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ từng phần của nhân dân Hội An là sự kiện kết thúc phong trào Đồng khởi ở An Giang kể từ tháng 9/1960 đến tháng 3/1961 trên cả hai vùng "chiến lược" của tỉnh là vùng biên giới, đồi núi và vùng đồng bằng nông thôn, tôn giáo. Các vùng "giải phóng", "tranh chấp", "quốc gia" đan xen nhau, tạo thế cho hình thái "chiến tranh nhân dân" hình thành và phát triển trên phạm vi toàn tỉnh. Các lực lượng vũ trang An Giang cùng quân giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn đấu tranh chống các chiến lược "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ" Mỹ - ngụy.

Để thực hiện chiến lược chiến tranh mới, ngụy quyền ở An Giang tập trung nhiều tiền của, công sức với quyết tâm chỉ trong năm 1962 sẽ lùa hết dân nông thôn vào các ấp chiến lược. Ở các ấp chiến lược kiểu mẫu, còn gọi là ấp trù mật, địch chú trọng phần xây dựng hình thức như trạm xá, trường học, mở rộng nông tín cuộc cho vay vốn, đưa giống mới, máy móc phục vụ nông nghiệp… tạo cảnh phồn vinh giả tạo để lôi kéo quần chúng.

Giữa năm 1962, Đảng bộ An Giang có chủ trương cụ thể về phát triển chiến tranh du kích; tăng cường mũi vũ trang, binh vận tập trung phá ấp chiến lược. Đồng thời, mở rộng hoạt động đánh vào các trung tâm, tiêu diệt sinh lực địch để chúng bị động đối phó, giảm tập trung vào ấp chiến lược.

Bộ đội tỉnh cùng lực lượng vũ trang huyện và xã lập nhiều chiến công như: hỗ trợ nhân dân phá tan hàng trăm ấp chiến lược (1962 - 1964); đánh chìm tàu địch ở thị xã Long Xuyên (ngày 06/12/1962), tập kích thị xã Châu Đốc (ngày 21/7/1963 và ngày 12/10/1967), diệt viện ở Lê Trì, Tri Tôn (ngày 18/9/1964), đánh tiêu diệt Chi khu Kiên Lương, Hà Tiên (ngày 06/10/1964), đánh trả những trận bom pháo ác liệt của địch tấn công vào căn cứ Ô Tà Sóc (tháng 9/1969), đánh tan 1 tiểu đoàn chủ lực ngụy ở Hội An, Chợ Mới (ngày 12/12/1964) diệt 3 cố vấn Mỹ,… Lực lượng vũ trang và nhân dân bám trụ giữ vững căn cứ Bảy Núi trước hàng chục cuộc hành quân cấp sư đoàn và bom pháo ác liệt của địch trong cuộc "chiến tranh cục bộ".


Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc[1]

Trên lĩnh vực đấu tranh chính trị, phong trào chống, phá ấp chiến lược ở An Giang quyết liệt hơn khi địch thay đổi chủ trương gom dân từ diện rộng sang có trọng điểm.

Từ giữa năm 1962, phong trào đấu tranh chính trị đã diễn ra với nhiều hình thức, từ những hình thức đấu tranh đơn lẻ cho đến những cuộc biểu tình hàng trăm người đòi dân sinh, dân chủ... Tiêu biểu nhất là các cuộc đấu tranh liên tục của đồng bào Bảy Núi khiêng người chết, người bị thương kéo ra quận lỵ buộc địch chấm dứt càn quét, bắn phá, bồi thường nhân mạng. Ngày 25/8/1964, hơn 2.000 đồng bào kéo đến trại Đống Đa tỉnh lỵ Long Xuyên giành lại được 100 thanh niên bị bắt lính. Từ ngày 17 đến 21/7/1965 đám tang anh Bảo bị cảnh sát Tân Châu đánh chết trở thành cuộc đấu tranh của 3.000 đồng bào khiến ngụy quyền hoang mang, bối rối… Nhiều tổ chức, phong trào công khai phát triển ở đô thị như: Hội bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm phụ nữ (tháng 12/1965), Hội Ái hữu cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu, Học sinh Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) treo biểu ngữ kỷ niệm Trần Văn Ơn, bãi khóa chống hiệu trưởng tay sai CIA (tháng 01/1966), chống bắt lính ở trường Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), Huỳnh Văn Nhất (Long Xuyên).

Lực lượng binh vận, nội tuyến phục vụ đắc lực cho đấu tranh chính trị, vũ trang. Hội gia đình binh sĩ yêu nước Châu Thành - Huệ Đức nhiều lần dẫn đầu đoàn đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng ở Vĩnh Hanh, Vọng Thê; binh lính nhiều đồn bót Bảy Núi đi theo đoàn biểu tình đòi bồi thường nhân mạng, lên án bom pháo Mỹ giết dân Việt Nam; ngày 03/5/1962, nội tuyến đồn Cản Dừa phối hợp lực lượng bên ngoài phá hủy đồn, thu 24 súng; ngày 08/6/1962, quân giải phóng diệt gọn trung đội dân vệ biệt kích tại kinh Bốn Tổng do nội tuyến cung cấp tình hình địch; ngày 06/7/1966, nội tuyến trong C.52 lãnh đạo anh em tân binh khởi nghĩa ở trung tâm huấn luyện Chi Lăng, rút ra 175 người và 40 súng; ngày 19/6/1968, Trung úy Quang khởi nghĩa tiêu diệt căn cứ biệt kích Phổ Đà (Ba Chúc)…

Năm 1968, hưởng ứng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, quân và dân An Giang đã tích cực chuẩn bị lực lượng. Thị xã Châu Đốc được chọn là mục tiêu chính, Châu Thành - Long Xuyên là mục tiêu phụ, thị trấn Tri Tôn, Tân Châu là diện căng kéo địch.

Chiều 30 Tết, lễ xuất quân được tổ chức trọng thể tại núi Dài lớn. Tối mùng 1 Tết, toàn bộ lực lượng hơn 2.000 người vượt kinh Trà Sư, hành quân thần tốc vòng qua núi Sam đến điểm tập kết "chòm gáo cò kêu" cách thị xã Châu Đốc khoảng 2 km.

Hai giờ sáng ngày 31/01/1968 (mùng 2 Tết), quân giải phóng nổ súng tấn công vào thị xã Châu Đốc. Đến sáng cùng ngày, địch chỉ còn giữ được dinh Tỉnh trưởng, thành PC và nhà Phủ Vị (nơi đóng quân của Đại đội bảo an 686) chờ viện binh tiếp cứu.

Ngày mùng 2 Tết, quân giải phóng tiếp tục củng cố các vị trí chiếm được trong đêm, đánh tan 3 đợt phản kích của địch ở khu vực Ty cảnh sát.

Trên mặt trận Châu Thành - Long Xuyên, đêm 30/01/1968, lực lượng ta pháo kích tấn công đồn Trà Kiết (Vĩnh Hanh), phát loa gọi hàng, đồng thời huy động trên 10 gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con, em họ trong đồn đầu hàng. Nhưng bọn chỉ huy ác ôn khống chế, ra lệnh binh sĩ trong đồn bắn trả lại ta. Gần sáng, lực lượng ta rút về cánh đồng Năm Xã. Cùng đêm, các bộ phận khác vũ trang tuyên truyền, giáo dục quần chúng ở các xã trong huyện Châu Thành và thị xã Long Xuyên.

 Ở Tri Tôn, ta đánh chiếm quận lỵ chỉ còn dinh quận và chi khu quân sự, cắt đứt lộ tẻ ở cầu kinh 13.

Tổng kết mặt trận Châu Đốc và Tri Tôn, quân giải phóng đã phá hủy, đánh chiếm 21 địa điểm, căn cứ địch, loại hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ cả Đại đội 810 bảo an Châu Đốc. Theo báo cáo của địch: 70 người chết, 116 bị thương, mất 99 súng, cháy 10 xe.

Ngày 05/5/1968, quân dân An Giang mở đợt II cuộc tổng tiến công và nổi dậy với mục tiêu chính là vùng ven Châu Đốc. Vài ngày sau, ta phải rút quân.

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân An Giang đã giáng một đòn bất ngờ vào quân ngụy An Giang, Châu Đốc với phạm vi của chiến dịch trải rộng trên 1 thị xã, 5 thị trấn, 50 xã, khiến địch phải bị động đối phó. Châu Đốc trở thành một trong hai nơi bị thiệt hại nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đợt I đánh vào Châu Đốc ta đã giành được thắng lợi lớn mà thương vong rất thấp. Nhưng khi tiến hành đợt II không còn yếu tố bất ngờ, mục tiêu không quan trọng mà thương vong rất lớn. Đó cũng là một bài học quý báu của Đảng bộ về chỉ đạo chiến lược.

Thất bại trong chiến lược "chiến tranh cục bộ", Mỹ - ngụy quyết tâm bình định để chiếm đoạt, khai thác sức người, sức của phục vụ cho chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Địch ra sức tiến hành âm mưu bình định cấp tốc, bình định đặc biệt trong năm l968, 1969 nhằm chiếm lại những vùng đã mất.

Ngày 17/11/1968, địch mở cuộc hành quân tổng lực, huy động khoảng 18.000 quân các loại thay phiên nhau đánh vào núi Tô, Tức Dụp.

Doi-tuc-dup-ag.jpg

Di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp[2]

Ngày 26/3/1969, địch loan tin chiến thắng và tất nhiên chúng phải lờ đi con số hàng ngàn sinh linh địch bị tiêu hao, tiêu diệt với nhiều triệu đô la chiến phí. Quân dân Tri Tôn đã giam chân lực lượng địch đông gấp 50 - 70 lần bằng tinh thần chiến đấu kiên cường trong suốt 128 ngày đêm, làm nên 8 chữ vàng "Kiên cường bám trụ giữ vững núi Tô".

 Chiến trường Tức Dụp gây thối động lớn trong hàng ngũ địch, là nơi vang dậy chiến công tiêu biểu của An Giang cũng như trên toàn miền Tây lúc bấy giờ. Quân dân Tri Tôn góp phần tạo nên tám chữ vàng "Kiên cường bất khuất giữ vững Thất Sơn" cho các lực lượng đứng chân ở vùng Bảy Núi.

Song song với chiến trường Bảy Núi, chiến trường vùng địch hậu cũng đầy sôi động. Từ sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch.

Phong trào chống bình định gom dân, đuổi nhà, bắn giết đồng bào ngày càng sôi nổi và quyết liệt hơn với khẩu hiệu "một tấc không đi, một ly không rời" với nhiều hình thức phong phú.

Năm 1971, Trung ương Cục quyết định lập tỉnh mới là Châu Hà và tỉnh An Giang.

Phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào sinh viên học sinh ở thị xã, thị trấn liên tục đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống thảm sát… buộc địch luôn bị động đối phó ngay trung tâm đầu não của chúng.

Phong trào sinh viên, học sinh đã thể hiện vai trò xung kích trong đấu tranh, làm nòng cốt nâng khẩu hiệu, hình thức đấu tranh chung với quy mô lớn và sáng tạo, đồng thời chủ động tổ chức các hình thức đấu tranh riêng quyết liệt của giới mình (đêm không ngủ, hội lửa trại...). Cuộc đấu tranh đã tôi luyện và biểu hiện sự trưởng thành của cán bộ chỉ đạo trực tiếp cơ sở và lực lượng nòng cốt công khai: chủ động tổ chức đội ngũ tham gia, chủ động chi phối từ tổ chức điều khiển đến khẩu hiệu và hình thức đấu tranh, xoay hướng cuộc đấu tranh từ mục đích cục bộ sang liên kết rộng rãi để đạt đến những thắng lợi cao hơn, triệt để hơn.

Tháng 3/1972, hưởng ứng cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972 toàn Miền, quân dân hai tỉnh đã phá vỡ tuyến phòng thủ biên giới của địch, làm tuyến bên trong suy yếu, lỏng lẻo không đủ sức giữ đất, đóng đồn, đã tạo điều kiện cho lực lượng cán bộ bất hợp pháp, bán hợp pháp bám dân, khôi phục lại cơ sở vùng yếu, phát triển thêm đội ngũ nòng cốt công khai. Phong trào sinh viên, học sinh tiếp tục sôi nổi cổ vũ phong trào chống bình định ở nông thôn, lôi cuốn quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo, binh tề ngụy ở cơ sở đồng tình ủng hộ hoặc tham gia cuộc đấu tranh phá kiềm, bao vây đồn bót, phá rã nhiều toán phòng vệ dân sự; chống đôn quân, giành lại hàng ngàn thanh niên bị bắt lính, đòi các quyền dân sinh dân chủ.

Giữa năm 1974, diễn biến chiến trường xuất hiện nhiều khả năng mới. Trung ương Đảng nhận định: "thế ta mạnh hơn hẳn địch". Bộ Chính trị chủ trương động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả 2 miền trong thời gian 1974 - 1975 bằng mọi hình thức hoạt động giải phóng miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh công tác giành dân, giành quyền làm chủ ở phía trước, đặc biệt, trong những vùng có đồng bào theo đạo Hòa Hảo, Hội nghị đại diện Trung ương Cục với đại biểu các tỉnh Châu Hà, Vĩnh Long, An Giang, Kiến Phong họp từ ngày 25 đến 27/5/1974 bàn về việc điều chỉnh địa dư và thành lập tỉnh Long Châu Tiền và tỉnh Long Châu Hà.

Thực hiện đợt tiến công chiến lược mùa khô 1974 - 1975, quân dân hai tỉnh đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn, diệt và làm tan rã trên 10.000 tên địch các loại, làm tư tưởng phản chiến của ngụy quân lên cao, ngụy quyền cơ sở rệu rã…

Tây Nguyên được giải phóng, cùng cả miền Nam, An Giang mở đợt Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa. Hưởng ứng chiến dịch Hồ Chí Minh, hai tỉnh giải phóng nhiều vùng nông thôn trong ngày 30/4/1975, đưa lực lượng về thị trấn, thị xã. Trong ngày 01/5/1975 ta giải phóng Tri Tôn, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, thị xã Long Xuyên, Châu Thành, Tịnh Biên, Huệ Đức (Thoại Sơn). Ngày 02/5/1975, ta giải phóng khu vực chợ Cái Dầu, Châu Phú, tiếp quản Trung tâm huấn luyện Chi Lăng. Ngày 03/5/1975, giải phóng trung tâm Phú Tân và ngày 06/5/1975 cứ điểm cuối cùng của địch ở Tây An cổ tự Chợ Mới buông súng đầu hàng cách mạng.

Ở vào một tình thế đặc biệt đầy khó khăn, phức tạp trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975, nhưng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền vẫn nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc…

Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân An Giang quyết tâm giữ đất, giữ làng kiên cường đánh bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù để cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ trên một địa bàn biên giới, dân tộc, tôn giáo rất phức tạp đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu mà qua đó, thể hiện đầy đủ và sinh động sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ cũng như tinh thần yêu nước cao độ của các tầng lớp nhân dân An Giang.

T.Q

____________

[1] Ô Tà Sóc (theo dân tộc Khmer có nghĩa là suối Ông Sóc) là tên con suối nước ngọt bắt nguồn từ đỉnh ngọn núi Dài (Ngọa Long Sơn cao 554 m), mang dòng nước chảy ngoằn ngèo theo triền núi, tạo thành nhiều rãnh nước nhỏ chảy qua các hốc đá xuống tận chân núi, tưới mát cây trái ruộng vườn. Ô Tà Sóc có vị trí địa thế chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở điểm cao chạy dọc trên sườn núi Dài, xung quanh là rừng cây um tùm che chắn, nhiều hang động, dốc đá, cheo leo gập ghềnh nguy hiểm. Địa hình tự nhiên hiểm trở nhưng rất thuận lợi để xây dựng căn cứ đảm bảo cho các tổ chức cách mạng dừng chân chiến đấu, chống đế quốc Mỹ và tay sai. Nơi đây từng là căn cứ của Tỉnh ủy, gồm có các cơ quan - đơn vị như: Văn phòng Tỉnh ủy, chốt tiền tiêu bảo vệ, đội Hỏa tốc, hang An ninh, Tuyên huấn, Quân y, Hậu Cần, Công binh xưởng, hang Tỉnh Đội, Huyện ủy… Sau năm 1967, Tỉnh ủy dời căn cứ khỏi Ô Tà Sóc. Ô Tà Sóc là điểm dừng chân, hợp đồng tác chiến của trung đoàn chủ lực Trung ương từ miền Đông chi viện vào các tỉnh miền Tây.

[2] Tức Dụp - tên một ngọn đồi của núi Tô nằm trong vùng Thất Sơn thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn. Người dân tộc Khmer gọi là Tức Chúp, nghĩa là đồi có nước chảy triền miên (nước thần). Tức Dụp có độ cao khoảng 300 m, chu vi chân đồi khoảng 2000 m, nhiều hang sâu, động lớn (dân địa phương gọi là Lò Ảng) ăn thông với nhau rất chằng chịt, tạo nên một địa thế rất hiểm trở, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ quân sự. Vì thế, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồi Tức Dụp là căn cứ địa cách mạng vững chắc của huyện Tri Tôn, An Giang.

 

Lượt người xem:  Views:   2623
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by