Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 3, Ngày 25/10/2022, 11:00
Các phong trào yêu nước ở An Giang trước khi Đảng ra đời
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
25/10/2022 | P.N

(TUAG)- Ngay sau khi thực dân Pháp chiếm tỉnh An Giang (ngày 22/6/1867), người dân với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" đã đứng dậy đấu tranh bằng mọi hình thức với nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Ngô Tự Lợi, phong trào "Hội kín" của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí... nhưng tất cả đều bị thực dân Pháp đàn áp và tan rã vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một giai cấp lãnh đạo phù hợp với cách mạng đương thời.


Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc. Nhân dân An Giang liên tiếp đấu tranh để giành lại quê hương ngay từ những ngày đầu mất đất. Người dân tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương (Đồng Tháp), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá)…

Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn có khởi nghĩa Bảy Thưa do Trần Văn Thành lãnh đạo (1867 - 1873); khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Ngô Lợi; khởi nghĩa của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, mang màu sắc thần bí của Thiên Địa Hội với các hình thức biến tướng như "kèo xanh, kèo vàng"; ở núi Cấm đã có cuộc khởi nghĩa lớn của người Việt và Khmer, tháng 3/1917, thực dân Pháp triệt hạ chùa Phật Lớn, bắt được "ông thầy núi Cấm" mà chúng cho là người cầm đầu…

Đến những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của giai cấp phong kiến hoặc mang màu sắc tôn giáo đều bị thực dân Pháp đàn áp, tan rã. Xã hội bị phân hóa sâu sắc, người dân bị bóc lột, bần cùng.

Con đường đấu tranh bế tắc, cuộc sống người dân An Giang càng lâm vào cảnh khốn cùng, đời sống bị đảo lộn dữ dội trong cơn lốc "thực dân hóa" của Pháp. Trong cơn khủng hoảng của xã hội đương thời, lịch sử lại sản sinh ra những anh hùng cho Tổ quốc. Năm 1911, bến cảng Nhà Rồng tiễn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đến năm 1916, người con ưu tú của quê hương An Giang, người thợ máy Tôn Đức Thắng xuống tàu đi Pháp, để đến 1919, Tôn Đức Thắng giương cao lá cờ phản chiến trên Biển Đen. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa. Bởi vì Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên biểu thị tinh thần yêu nước bằng hành động dũng cảm của mình cùng đồng đội trực tiếp tham gia bảo vệ nước Nga Xôviết, con đẻ của Cách mạng Tháng Mười vào thời điểm rất quan trọng, làm thất bại âm mưu xóa bỏ nước Nga Xôviết của bọn đế quốc hiếu chiến.

Năm 1927, Nguyễn Ngọc Ba về tỉnh Long Xuyên hoạt động, tìm những thanh niên tích cực trong phong trào yêu nước như: Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm… để tuyên truyền đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm, Nguyễn Ngọc Ba đã kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào Hội. Cũng trong năm này, Châu Văn Liêm kết nạp thêm hai hội viên mới là Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn và lập ra Chi bộ hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Long Điền. Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Sau hơn 60 năm chống đế quốc và tay sai, giờ đây mới có một tổ chức cách mạng có đường lối cứu nước và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu lịch sử lúc bấy giờ. Từ Long Điền, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên phát triển khắp các xã trong vùng Chợ Mới, Tân Châu, Lấp Vò…

Tháng 02/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, Châu Văn Liêm được chỉ định làm Bí thư. Hạt giống cách mạng đã nhanh chóng nảy mầm và phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn). Các đồng chí đã tuyên truyền, vận động, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho người dân hiểu nguyên nhân nghèo đói và chỉ rõ con đường cho họ tự giải thoát là phải đứng lên làm cách mạng như Cách mạng Tháng Mười Nga.

Can-cu-quan-su-O-Ta-Soc.jpg

Căn cứ cách mạng O Tà Sóc.

Hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1925 đến 1929 đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào quần chúng và trở thành đường lối của phong trào yêu nước. Với phong trào yêu nước và phong trào công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Trước tình hình đó, các tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lần lượt ra đời. Tuy nhiên, các tổ chức cộng sản hoạt động riêng lẻ, không tập hợp được sức mạnh, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng cả nước. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị từ ngày 6/01 đến ngày 03/02/1930 hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3/1930, các đồng chí lãnh đạo Hội Thanh niên ở Long Xuyên như Nguyễn Văn Cưng, Bảy Xuyến… được kết vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Lưu Kim Phong (cán bộ Đặc ủy) hình thành Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên do đồng chí Nguyễn Văn Cưng làm Bí thư. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng các chi bộ Đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức với lý do: Chợ Mới đất hẹp, người đông, tập trung nhiều mâu thuẫn đối kháng gay gắt: mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân với thực dân Pháp, giữa nông dân với địa chủ, giữa thợ thủ công và chủ xưởng. Chợ Mới còn là nơi có truyền thống đấu tranh lâu đời và đội ngũ trí thức ở đây sớm có điều kiện tiếp thu những tư tưởng tiến bộ trong phong trào dân chủ. Việc đi lại nơi đây tương đối thuận tiện, nhất là bằng đường bộ, đường thủy, làm cho tổ chức cách mạng dễ dàng lan rộng ra các nơi khác.

Di-tich-cot-day-thep-CM.jpg

Cột dây thép - Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng ở Long Điền (Chợ Mới) được thành lập gồm có 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang. Để chào mừng sự kiện lịch sử đó, Chi bộ Đảng giao cho Lê Văn Đỏ - một quần chúng trung kiên treo lá cờ Đảng trên Cột dây thép xã Long Điền. Cuối tháng 4/1930, các Chi bộ Kiến An, Bình Thành, An Phong... (Chợ Mới); Tân Huề, Long Thuận, Long Sơn... (Tân Châu - Hồng Ngự); Long Xuyên, Lấp Vò... lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển tất yếu của phong trào cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Tuy mới ra đời nhưng các chi bộ đã chứng minh được sự trỗi dậy của một tổ chức cách mạng dù còn non trẻ. Đêm 28 rạng 29/4/1930, trên đường phố tỉnh lỵ Long Xuyên, lần đầu tiên xuất hiện nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy chống chính quyền thực dân.

Sự ra đời Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên và Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng An Giang tiến lên một bước mới, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước; góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn đối với quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam./.

P.N

Lượt người xem:  Views:   945
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by