Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 6, Ngày 12/08/2022, 17:00
Phong trào yêu nước ở An Giang trước khi có Đảng (1867 - 1930)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
12/08/2022 | P.N

(TUAG)- Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu quá trình xâm lược nước ta. Sau đó, chúng đánh vào Gia Định. Đại đồn Chí Hòa thất thủ, quân Pháp chiếm Gia Định (1861), Biên Hòa, Định Tường (1862). Nhằm nhanh chóng đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp tìm cách gây rối loạn ba tỉnh miền Tây. Ở An Giang, quân triều đình xúc tiến đắp đồn Tráng Biên (Tịnh Biên) phòng thủ. Tháng 2 năm 1860, quân Pháp xúi giục bọn thổ phỉ do tên Hoàng Quốc Lập cầm đầu gây rối và cướp bóc ở An Giang, Hà Tiên. Tháng 7 năm ấy "quan quân An Giang đánh tan quân Cao Man (Khmer) ở Thất Sơn, chém được giặc, bắn chết bọn giặc 133 đứa"([1]).

Phongtraoyeunuoc-1.jpg

Quân Pháp làm chủ Gia Định, Tự Đức lo lắng cho các tỉnh còn lại, xuống dụ cho Tổng đốc An Hà Trương Văn Uyển và Tuần phủ Nguyễn Khắc Thân "chiêu mộ nghĩa dõng". Triều đình cho người tuyển mộ các thợ đúc và làm súng, thợ máy bắn đá, thành lập "cục các thợ". Tỉnh An Giang phải cung cấp cho triều đình mỗi hạng 15 người và cử viên quan Tượng mục ở Vũ Khố đến hướng dẫn đào tạo([2]).

Trước sức tiến công của Pháp, triều đình Huế bất lực. Từ thế "thủ để hòa" chuyển sang "chủ động giảng hòa". Hòa ước ngày 5/6/1862 được ký kết, triều Nguyễn giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho quân Pháp.

Khắp Nam Kỳ lục tỉnh thành lập các đội quân "ứng nghĩa", dấy động phong trào chống Pháp. Cần Giuộc có Quản Là, Đồng Tháp Mười có Võ Duy Dương; Nguyễn Trung Trực đánh chìm tàu L'Espérance trên vàm Nhật Tảo (Tân An), Trương Định chọn Gò Công làm trung tâm kháng chiến. Nhưng vua Tự Đức chủ động cầu hòa với giặc, ra lệnh giải tán các lực lượng dân binh chống Pháp.

Tháng 9/1862, Đô đốc Bonard sang Campuchia để bàn kế hoạch chống Việt Nam. Cuối cùng, Hiệp ước Pháp-Campuchia được ký kết (18/11/1863), Campuchia chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp. Ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ: An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên bị cô lập.

Sau hòa ước 1862, nhân sĩ Nam Kỳ bị phân hoá; có kẻ theo giặc như Tôn Thọ Tường, Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc; một bộ phận lại ủng hộ hòa nghị của triều đình Huế; nhưng xu hướng chủ yếu là đứng lên chống xâm lược "Tỵ địa": đem cả gia đình, mồ mả cha ông sang ba tỉnh miền Tây hoặc miền Nam Trung kỳ. An Giang là nơi trú ngụ của nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân. Đặc biệt là căn cứ Thất Sơn trở thành nơi hoạt động của Hoàng thân A-Soa- thể hiện mối quan hệ liên minh chiến đấu của nhân dân Việt - Khmer, mở đầu cho tình đoàn kết chiến đấu giải phóng dân tộc.

Hoạt động chống Pháp của Nguyễn Hữu Huân ở An Giang và khởi nghĩa A-Soa ở Thất Sơn (1864 - 1866)

Trong thời gian này, Nguyễn Hữu Huân đến An Giang liên kết với Hoàng thân A-Soa ở Thất Sơn và tiếp tục hoạt động ở Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Vĩnh Tế. Chính quyền thực dân ở Sài Gòn yêu cầu triều đình Huế bắt Nguyễn Hữu Huân giao cho chúng. Lúc đầu, triều đình Huế làm ngơ vì muốn duy trì thực lực chống Pháp, nhưng về sau, do ảo tưởng "chuộc đất" nên tháng 1/1864, Tự Đức chỉ dụ cho các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên "Có ai mượn tiếng mộ nghĩa, thì không được đưa vào địa giới, mà các quan Phủ, Huyện trông thấy tức thời bắt ngay đem giải"([3]). Do chính sách thỏa hiệp của triều Nguyễn, cùng năm ấy, Nguyễn Hữu Huân bị bắt tại Châu Đốc giao cho Pháp.

Sau hiệp ước 1863, vương triều Nôrôđom (Campuchia) phụ thuộc hoàn toàn vào thực dân Pháp. Nội bộ vương triều chia rẽ sâu sắc. Hoàng thân Sivotha, A-Soa đứng về phía nhân dân chống thực dân Pháp. Hoàng thân A-Soa([4]) bí mật xây dựng căn cứ Thất Sơn (An Giang) mở rộng địa bàn chống Pháp vùng Đông Nam Campuchia. Thực dân Pháp thừa nhận "A-Soa được những kẻ thù địch Pháp (ý chỉ triều Nguyễn) bí mật ủng hộ và những ý nguyện của ông là một điều trở ngại cho sự bình định Khmer"([5]). Chúng tìm cách tiêu diệt lực lượng A-Soa. Tháng 7/1865, Đô đốc hải quân De la Grandière gởi thư đến Tuần phủ An Giang là Phan Khắc Thân với lời lẽ trách móc "Lề mề, thờ ơ, không chịu dẹp quân phiến loạn Cao Miên (ý chỉ A-Soa) đang quấy rối phía Nam Campuchia. Bọn này luôn đột nhập vào, quan quân thành An Giang lại lơ là, mặc cả"([6]). Trước sự kiện tàu chiến Pháp uy hiếp thành Châu Đốc, Tự Đức chỉ dụ cho Tổng đốc An Hà "Phải nghiêm nhặt bọn Man tù Ong - Bướm chớ cho vào trông cõi. Tên Bướm mộ dân dựng đồn, cùng với Ong Lẳn đánh nhau, Lẳn cầu cứu chủ súy Pháp, chủ súy Pháp yêu cầu ta bắt giao cho, nếu trước cho tên Bướm đến nương tựa, mà nay thì nghiêm nhặt cự tuyệt"([7]). Tháng 4/1866, Phan Thanh Giản báo cáo hoạt động A-Soa ở Thất Sơn. Tự Đức cách chức Phan Khắc Thân và án sát Nguyễn Ích Nhượng, rồi bất ngờ đánh úp quân A-Soa ở núi Tốn (núi Tô).

Thực dân Pháp chiếm An Giang, xây dựng bộ máy cai trị

Sau khi thực dân Pháp ổn định việc cai trị ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chúng xúc tiến công việc chuẩn bị đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Chúng đổ lỗi cho triều đình Huế ủng hộ phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ. Trước tình hình trên Tự Đức chỉ còn hy vọng Phan Thanh Giản cầu hòa. Phan Thanh Giản đến nhận chức Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.

Nắm chắc tình thế và chủ động, Đô đốc Hải quân De la Grandière vạch kế hoạch đánh chiếm Vĩnh - An – Hà (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) Pháp kéo tàu chiến đến Vĩnh Long. Phan Thanh Giản giao thành cho Pháp ([8]).

Sau khi chiếm Vĩnh Long, quân Pháp huy động lực lượng gồm: Trung tá Hải quân Galey (Giám đốc Nội vụ), Thiếu tá Paul Vial (pháo binh), thiếu tá Guicfe Boverany (công binh), thiếu tá Domange (lính thủy đánh bộ) với tàu chiến Le Bien Hoa (Aviso), pháo hạm Le Bourdais, La Fusée, L'Alarme cùng 1.000 quân. Quân Pháp đến thành Châu Đốc, các viên chức triều đình hoang mang cực độ. Quân Pháp đòi Tuần vũ Nguyễn Hữu Cơ xuống tàu nhận thư của Phan Thanh Giản. Sau một thời gian lưỡng lự, cuối cùng, lúc 23 giờ, Nguyễn Hữu Cơ đích thân xuống tàu Pháp. "Galey trao cho ông bức thư đóng dấu đỏ. Ông mở ra, tay ngập ngừng, đọc thầm rồi cuối cùng hắt ra hai, ba hơi thở"([9]). Đúng 12 giờ đêm ngày 22/6/1867, quân Pháp đem 1.000 quân tiến vào thành Châu Đốc, giải giáp khí giới quân triều đình. Chúng đốt kho lúa gạo và tịch thu 12 súng bắn đá đổ muối vào họng súng rồi đẩy xuống sông. An Giang thất thủ([10]).

Ngày 24/6/1867, quân Pháp chiếm Hà Tiên. Thế là chưa đầy một tuần lễ, quân Pháp chiếm trọn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Ngày 26/6/1867 Đô đốc De La Grandière tuyên bố ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ thuộc Pháp.

Giai đoạn đầu, thực dân Pháp chủ yếu bình định, củng cố bộ máy cai trị, tạo điều kiện khai thác sau này. Nguồn ngân sách đầu tư của tư bản Pháp rút từ nguồn tài chính chính quốc. Ở An Giang, chúng xây dựng các ty, bệnh viện, cầu đường, nạo vét kênh mương v.v.. tạo cơ sở hạ tầng cho tư bản Pháp đầu tư khai thác.

Nông thôn An Giang cuối thế kỷ XIX đã diễn ra nạn chiếm đoạt ruộng đất của tư bản Pháp và điền chủ, nông dân bị bần cùng hóa vì nạn sưu thuế, lao dịch, lụt lội, hạn hán. Mâu thuẫn giữa thực dân, phong kiến với nông dân càng gay gắt. Rõ ràng, việc mất nước là mất luôn ruộng đất, mất quyền độc lập dân tộc, là mất quyền làm người. Chính vì vậy, ngay sau khi Pháp chiếm An Giang, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước ở đây liên tục diễn ra với nhiều mức độ, sắc thái khác nhau.

Các cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước ở An Giang cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

a- Hoạt động chống Pháp của quan lại và sĩ phu

Sau tháng 6/1867, nhân dân ba tỉnh miền Tây phất cao ngọn cờ kháng chiến chống xâm lược.

Các tổ chức chống Pháp từ Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng đến Châu Đốc như Phan Tôn, Phan Liêm (con Phan Thanh Giản). Năm 1868, Nguyễn Trung Trực đánh chiếm thành Kiên Giang, lập căn cứ Hòn Chông, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

                           Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

                           Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

                                                               (Huỳnh Mẫn Đạt)

Ở Châu Đốc có lãnh binh Lê Văn Sanh, Đỗ Đăng Tàu đứng về phía nhân dân chống Pháp. Hai ông bí mật tổ chức đội thuyền ở núi Sam hoạt động ở Mương Vệ Thủy (Mương Thủy, Vĩnh Mỹ, Châu Đốc) kéo dây ngang sông Hậu ngăn tàu giặc. Quân Pháp phản công. Hai ông rút vào Ô Long Vĩ nhận chìm thuyền rồi đi vào Bảy Thưa([11]). Khi người Pháp đặt chân đến Châu Đốc đã ghi nhận "Trong nhân dân, người ta mong chờ kháng chiến. Điều chắc là ở giáp biên cảnh, lúc này tinh thần thượng võ lúc nào cũng cao trong thành, người ta luôn luôn luyện tập nhân dân sử dụng vũ khí"([12]).

Cuối tháng 11 năm 1867, quân khởi nghĩa tập trung hoạt động mạnh ở ven sông Hậu từ Cần Thơ đến Châu Đốc. Quân của Galey dùng thuyền máy hành quân. Chúng chạy theo các con rạch bắn phá. Trong khi đó, thiếu tá Domange đem bộ binh đánh chiếm Thất Sơn, bắt và đày nhiều người ra Côn Đảo.

b- Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 - 1873)

Từ những biến cố lịch sử bi thảm của dân tộc, tai họa đã ập đến vùng đất An Giang. Người nông dân vừa tạo được những thành quả lao động, giờ thực dân Pháp đã đẩy nông dân vào vòng nô lệ. Nhân dân vẫn thiết tha với mảnh đất đã bao đời khai khẩn nay rơi vào tay giặc.

Giữa lúc công cuộc khai khẩn đất đai ở Bình Thạnh Đông và Láng Linh chưa đi đến đâu thì giặc Pháp kéo đến. Quân Pháp chiếm thành An Giang, Trần Văn Thành với lực lượng vũ trang đã tổ chức nhân dân lập bè cản ngăn tàu chiến của giặc tại Cồn Nhỏ (Phú Bình, Phú Tân), đánh phá các đồn lẻ của giặc, chuẩn bị lực lượng tấn công thành Châu Đốc nhưng không thành. Sau những lần giao chiến với quân Pháp, ông cùng gia đình và nghĩa quân rút vào rừng Bảy Thưa - Láng Linh xây dựng căn cứ kháng chiến.

Láng Linh là cánh đồng rộng, xưa kia gọi là vùng "nê địa", nhiều rừng rậm, bùn lầy, rắn độc. Phía bắc giáp núi Sam, phía đông nằm kề sông Hậu, phía Tây dựa vào Thất Sơn. (Ngày nay, Láng Linh thuộc phạm vi huyện Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn).

Quản cơ Trần Văn Thành quy tụ nhiều nông dân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Trong Láng Linh có đến 1.200 nghĩa quân.

Công cuộc xây dựng đồn lũy được xúc tiến. Căn cứ chính của ông đặt tại Hưng Trung (gần Nam Long Tự, xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú), xung quanh thiết lập các đồn "Hờ" làm tuyến ngăn giặc: Đồn Cái Môn (Cái Dầu), đồn Giồng Nghệ (Mặc Cần Dưng), trạm canh Ông Tà (Tri Tôn), đồn Hàng Tràm (Bình Thạnh Đông)... Mỗi đồn được trang bị súng thần công, súng điễu thương, hỏa hổ với 150 nghĩa quân phụ trách phòng thủ([13]). Trước tình hình trên chủ tỉnh Long Xuyên là Emille Puech gởi báo cáo về Sài Gòn: "Ông (tức Trần Văn Thành) lập ra một đạo gọi là "Đạo Lành" trong hầu hết các tỉnh ở Gia Định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi tới mật khu mang theo lúa gạo, sắt để rèn khí giới. Dân ở làng lân cận bảo vệ căn cứ, giữ mật, không ai đi lọt vào vùng cấm địa"([14]). Nghĩa quân tổ chức thành nhiều đội. Mỗi đội có người chỉ huy, đội Nhất: Nguyễn Văn Năng, Lê Văn Vang, đội Nhì: Nhiều (Lượng), đội Tư: Đinh Văn Hiệp... Trong lực lượng nghĩa quân còn có bà Nguyễn Thị Thạnh (vợ Trần Văn Thành) và các con: Trần Văn Nhu, Trần Văn Chái (tư Chái)...

Năm 1872, thực dân Pháp phát hiện kế hoạch khởi nghĩa. Chúng cho mật thám vào Láng Linh để điều tra hoạt động của Đạo Lành. Biết căn cứ bại lộ, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu "Binh Gia Nghị" tuyên bố đánh Pháp.

Tháng 6 năm 1872, quân Pháp mở cuộc tiến công vào căn cứ Bảy Thưa. Chúng dùng thuyền nhỏ từ Long Xuyên tiến vào rạch Mặc Cần Dưng đánh đồn Giồng Nghệ và chiếm được đồn này nửa tháng. Sau đó, quân Pháp rút lui vì không chịu nỗi kiểu đánh du kích của nghĩa quân. Tháng giêng năm 1873, tay sai Pháp là Tôn Thọ Tường ra lời dụ hàng, nhưng không thuyết phục được Trần Văn Thành. Chúng buộc phải đánh tiếp.

Tháng 3 năm 1873, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào Bảy Thưa. Tên  E.Puech và đại úy Gayen chỉ huy với sự giúp sức của Tri huyện Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) và Phó quản Hiếm. E.Puech được lính Pháp hộ tống hành quân vào Bảy Thưa. Giặc chiếm đồn Giồng Nghệ. Cánh quân Pháp từ Châu Đốc đánh xuống chiếm đồn Hàng Tràm (Phú Bình, Phú Tân). Sau đó chúng đẩy lùi nghĩa quân khỏi đồn Hờ ở Cái Dầu (Châu Phú).

Sau vài trận giao chiến, nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng. Cuối cùng, đồn Hưng Trung thất thủ, đội chín Văn tử trận, đội nhất Năng tự sát. Trần Văn Chái bị thương nơi đùi rồi sa vào tay giặc([15]).

Ngày 20/3/1873 (nhằm 21/2 - Âl), quân Pháp tấn công vào căn cứ chính Hưng Trung. Trần Văn Thành bình tĩnh đối phó. Tuy bị bao vây nhưng ông vẫn đứng sau phòng tuyến làm bằng ván với những bao gạo chồng chất, thách thức bọn Pháp, dùng ống loa chửi Pháp thậm tệ. Ông hướng về phía binh sĩ khích lệ tinh thần, quân sĩ hò reo vang rền, chửi rủa bọn Pháp, trống đánh liên hồi([16]). Cuộc chiến diễn ra ác liệt từ sáng đến tối. Trước hỏa lực của giặc, số nghĩa quân chết và bị thương khá nhiều. Đến tối, đồn Hưng Trung thất thủ, khi quân Pháp vào đồn thấy có 10 xác nghĩa quân, 5 người khác bị thương. Chúng bắt thêm 13 người chưa kịp rút lui. Quân Pháp thu được 16 đại bác bắn đá, 70 cây đao và một số giấy tờ xác nhận Trần Văn Thành có liên hệ nhiều nơi Nam Kỳ lục tỉnh. Chúng ước lượng nghĩa quân có chừng 400 - 500 người và than phiền không tiêu diệt hoàn toàn, vì cánh quân Châu Đốc chưa đến kịp. Trần văn Thành hy sinh trong chiến đấu.

Ngày 22/4/1873, Đô đốc Nam Kỳ ra nghị định "nghiêm cấm không cho dân chúng được theo đạo Lành, vì theo đạo này xúi dục dân chúng đi lạc khỏi đường ngay nẻo chánh"([17]). Nhiều nhà yêu nước như Nguyễn Văn Tư, Trần Văn Tuấn (quê Long Xuyên), bị án tù chung thân (3/5/1873), đày ra đảo Réunion; Phan Văn Trang 60 tuổi quê ở Thạnh Mỹ Tây (Châu Đốc) làm xã trưởng, can án "đồng lõa làm loạn", xét xử ngày 6/9/1875 cũng bị đày đi Côn Đảo([18]).

Khởi nghĩa Bảy Thưa nổ ra trong điều kiện khó khăn vì hầu hết các phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ bị đánh dẹp nên thực dân Pháp rảnh tay tập trung lực lượng đàn áp.

c- Ngô Lợi và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1873), chính sách bình định của thực dân Pháp tiến hành chặt chẽ, không ngoài mục đích đàn áp phong trào yêu nước. Nhưng không vì thế mà tinh thần yêu nước của nhân dân An Giang bị sa sút. Hoạt động đó phải kể đến Ngô Lợi  ở Thất Sơn.

Sau cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho thất bại, Ngô Lợi bí mật đến núi Tượng (Tri Tôn, An Giang) lập căn cứ chiêu mộ nghĩa binh, lấy thuyết "Hội Long Hoa" và giáo lý "Tứ Ân Hiếu Nghĩa" để che mắt giặc. Mật thám Pháp ở Châu Đốc theo dõi chặt chẽ hoạt động của Ngô Lợi. Chúng nhiều lần tiến hành bình định làng An Định, bao vây núi Tượng tìm bắt Ngô Lợi, nhưng không thành. Chúng bắt nhiều người có liên quan đến cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho.

Khoảng năm 1884, Ngô Lợi trở lại núi Tượng dựng chùa Tam Bửu (Tam Bửu thường trụ).

Năm 1885, Ngô Lợi ở núi Tượng đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Chủ tỉnh Châu Đốc Le Brun báo cáo tin tức về Sài Gòn: "Sự thật là làng An Định là bọn cướp bóc, lý lịch thiếu minh bạch, phản loạn. Theo ý tôi, hễ họ quấy phá thì nhà nước chẳng nên đối xử dễ dãi như trước nữa"([19]).

Quân Pháp ở Châu Đốc do Đại úy Ferussac đem quân đánh vào dọc kênh Vĩnh Tế và làng An Định. Lực lượng nghĩa quân rút về Vườn Dầu (Campuchia). Giặc Pháp đốt chùa, lúa gạo và bố trí đồn bót dọc kênh Vĩnh Tế. Ngày 2/6/1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào Vườn Dầu nhưng thất bại. Chúng đánh giá tình hình: "Uy tín tinh thần của ông (ý chỉ Ngô Lợi) còn mạnh. Ông là giáo chủ tôn giáo mới", và chúng cho rằng "chống sự khai hóa của người Pháp thì chùa nói trên là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho người An Nam"([20]).

Năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng sự hướng dẫn của tên Việt gian Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào làng An Định. Chúng gặp sự kháng cự của nghĩa quân tại núi Trà Sư. Sau đó giặc tràn vào An Định đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi. Thực dân Pháp ra lệnh giải tán làng An Định, nhập vào làng Vĩnh Lạc (tức Lạc Quới) và cấm giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoạt động. Chúng cưỡng chế 407 gia đình (1994 người) trở về quê quán. Trong số họ có người tìm cách ở lại bám trụ vùng đất vừa khai phá và tiếp tục ủng hộ thủ lĩnh của mình. Bản thân Trần Bá Lộc trực tiếp theo dõi vây bắt Ngô Lợi và triệt phá chùa chiền. Chúng bắt cai tổng Lê Văn Nuôi, người nuôi dưỡng che chở phong trào, đày đi Côn Đảo. Năm 1890, Ngô Lợi mất, phong trào dần tan rã([21]).


d- Các hoạt động yêu nước ở An Giang

Đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ tư sản đã ảnh hưởng mạnh mẽ trong nước với các cuộc vận động như phong trào Đông Du, Duy Tân của Phan Bộ Châu, Phan Chu Trinh. Năm 1904, Phan Bội Châu đến Thất Sơn để liên kết với những nhà yêu nước ở An Giang. Trong thời gian này, Nguyễn Quang Diêu gia nhập phong trào Đông Du. Tháng 7/1913, Nguyễn Quang Diêu xuất dương sang Nhật, nhưng bị bắt ở Trung Quốc. Thực dân Pháp kết án 10 năm tù khổ sai, đày sang Guyane (Nam Mỹ). Sau đó ông vượt ngục đi qua nhiều nước Âu, Á rồi trở về nước. Cuối cùng trú ngụ ở làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) làm thơ, dạy học, mất năm 1936.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bước vào công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế xã hội An Giang. Hình thức đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũng thay đổi cho phù hợp tình hình. Nhiều người còn mang nặng tinh thần chống Pháp với hình thức thần bí. Ở Châu Đốc lập ra Hàn Lâm Miếu, thực chất tập hợp nhiều hội viên bàn về thời cuộc chính trị. Phong trào "Hội Kín" mang màu sắc "Thiên địa hội" Trung Quốc phát triển (như Kèo xanh, Kèo vàng). Cuối năm 1909, ở Long Xuyên, chính quyền thực dân đưa ra Tòa tiểu hình 309 người để truy tố về tội "làm loạn".

Phong trào Hội Kín diễn ra khắp Nam Kỳ. Những người lãnh đạo phong trào như Phan Phát Sanh (Phan Xích Long), Nguyễn Hữu Trí có mối quan hệ gắn bó với các nhà yêu nước ở Thất Sơn. Trong số các lãnh tụ Hội kín ở An Giang có Cao Văn Long (tự Bảy Đỏ). Ông dựng chùa Phật Lớn ở núi Cấm và đi khắp nơi khuyến giáo, bắt liên lạc với các tổ chức, thu nạp hội viên, trong đó có cả người Khmer.

Sau sự kiện đánh vào dinh Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn (1913) thất bại, các lãnh tụ Hội Kín định tổ chức cuộc khởi nghĩa mới, trung tâm đặt tại chùa Phật Lớn núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang). Nhưng sự việc không thành, Cao Văn Long bị Pháp bắt. Lực lượng còn lại do Nguyễn Hữu Trí lãnh đạo tổ chức cuộc khởi nghĩa phá khám lớn Sài Gòn (12/12/1916) nhằm giải thoát cho Phan Xích Long, nghĩa quân bị đàn áp tàn khốc. Năm 1917, Hội Kín tan rã([22]).

Tại Láng Linh (Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương do Trần Văn Nhu (còn gọi là ông Hai Nhà Láng) - con trưởng Quản cơ Trần Văn Thành - chủ trương bất hợp tác với giặc, lập trại ruộng, hốt thuốc trị bệnh và phát "Phù điều"([23]) thu nạp tín đồ khắp lục tỉnh. Chính quyền thực dân ở Châu Đốc lo ngại cho một cuộc khởi nghĩa mới. Nhân ngày 22 tháng 2 Âl (1913), Trần Văn Nhu cùng dân Láng Linh đứng ra kỷ niệm lần thứ  40 ngày khởi nghĩa Bảy Thưa. Quân Pháp ở Châu Đốc được mật báo, kéo quân vào vây Bửu Hương Tự (Thạnh Mỹ Tây) bắt 83 người, Trần Văn Nhu trốn thoát. Thực dân Pháp triệt hạ Bửu Hương Tự. Sau đó, ở Châu Đốc chúng kết án 56 người, trong đó có 20 người bị đày đi Côn Đảo ([24]).

Năm 1907, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn để học ở trường Cao Thắng. Sau đó làm thợ máy cho Hải quân Pháp. Năm 1919 kéo lá cờ đỏ phản chiến trên biển Hắc Hải, trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần bất khuất Việt Nam.

Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân khởi xướng, nhằm vận động cải tạo văn hóa, xã hội, động viên tinh thần yêu nước trong nhân dân, đấu tranh chống ách thống trị của ngoại bang. Trương Gia Mô cùng Nguyễn Lộ Trạch, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) vận động Duy Tân.

Sau việc mưu sát tên Toàn quyền Pasquier không thành, năm 1924, Trương Gia Mô bất đắc chí đi về các tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Cuối năm 1929, ông đến núi Sam (Châu Đốc) chọn con đường quyên sinh ([25]).

Đành yên một giấc nghìn thu, Châu Đốc há rằng quê quán khách

Trót hẹn chiếc thân bốn bể, Việt Nam đâu cũng nước non nhà

                                               (Lời điếu của thi sĩ Đông Hồ)

Từ năm 1921 đến năm 1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc có những hoạt động yêu nước ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Long Xuyên, Châu Đốc ... với nghề hốt thuốc Bắc. Cụ nhiều lần đến chùa Giồng Thành (7/1927) thuộc xã Long Sơn (Phú Tân, nay là TX. Tân Châu), chùa Hòa Thạnh xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân trong vùng.


(Nguồn: Địa chí An Giang,

năm 2013)

___________________

([1])  Đại Nam thực lục, tập 29, Tr. 156

([2]) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1 (1858 - 1898), sđd, Tr.76

([3]) Đại Nam thực lục, tập 33, Tr. 163

([4]) A-Soa còn gọi là A chars a, sách triều Nguyễn ghi là Ong - Bướm…

([5]) Lịch sử Việt Nam, 1858 cuối thế kỷ XIX, Q.3, tập 1, NXB GD, 1979, tr.94

([6]) Lịch sử thế giới cận đại, Q.3, NXB Hà Nội, 1985, Tr.219

([7]) Đại Nam Thực lục, tập 30, Tr.255

([8]) Sau khi giao thành Phan Thanh Giản tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4-8-1867, thọ 71 tuổi.

([9]) Trương Bá Cần, các tác giả - Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ. Trình Bày, S.Gòn, 1967, Tr.186.

([10]) Võ Thành Phương, Trở lại sự kiện mất thành Châu Đốc (1867). Văn nghệ Châu Đốc 1993, Tr 38-41.

([11]) Liêm Châu, Biên Thuỳ truyện ký, Khai phá, Sài Gòn, 1973, Tr.38 – 39.

([12]) P.Vial, Q2, Tr.134

([13]) Nguyễn Văn Hầu, Đức Cố Quản hay cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, Tân Sanh, Sài Gòn, 1956, Tr.85

([14]) Báo Le Courrier de Sài Gòn (5/4/1873)

([15]) Quân Pháp bắt Tư Chái về Châu Đốc. Ông quyết giữ khí tiết, không khuất phục nên tự sát tại khám Châu Đốc.

([16]) Báo Le Courrier De Sài Gòn (5/4/1873)

([17]) Sociétés secretes, Diverses Provinces (1875 - 1882)

([18]) Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Sđd, Tr.75

([19]) Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Sđd, Tr. 89

([20]) Rapports mensuels de services (1887 - 1888)

([21]) Theo hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các cuộc đàn áp vào núi Tượng, họ gọi: "Pháp nạn". Từ năm 1879 đến khi Ngô Lợi mất có 5 lần "Pháp nạn".

([22]) M.F.Baudoin le Cambodge de 1914 à 1916, Phnompenh, 1917 (theo Tạp chí Lịch sử quân sự, số 19 năm 1987)

([23]) Chữ Bửu Sơn kỳ Hương bằng son tàu. "Phù điều" còn gọi là "lòng phái". "Phù điều" được làm bằng giấy vàng hoặc trắng, bên trong in 4 phái.

([24]) Lời kể của ông Nguyễn Chí Thiện (Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú)

([25]) Nguyễn Nam, Cụ Nghè Trương Gia Mô, NXB Tổng hợp An Giang, 1989.

Lượt người xem:  Views:   4821
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by