Skip Ribbon Commands
Skip to main content

AN GIANG PHÁT TRIỂN

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
AN GIANG PHÁT TRIỂN
Thứ 5, Ngày 05/05/2022, 10:00
An Giang: Lịch sử định cư và phân bố dân cư từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
05/05/2022 | Q.H

(TUAG)- Khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân số Long Xuyên và Châu Đốc có 550.000 người trong đó Long Xuyên 280.000 người và Châu Đốc 270.000 người với 20 tổng và 120 làng.

Noi banh tet QuanDan ( DANG HAI ).jpg

Nồi bánh tét Quân - Dân, ảnh Đăng Hải.

Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Phân bố dân cư thời gian này có thể chia thành ba vùng: Vùng giữa sông Tiền và sông Hậu dân cư đông đúc, kinh tế phát triển; còn vùng tả ngạn sông Tiền và hữu ngạn sông Hậu dân cư thưa thớt, sống rải rác dọc theo các bờ kênh như kênh Bốn Tổng, kênh xáng Vịnh Tre, kênh Mạc Cần Dưng...

Trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, một bộ phận đồng bào ta với ý chí căm thù giặc sâu sắc, đã bỏ vùng tạm chiếm, kéo vô vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới theo quân giải phóng. Ngoài nông dân, còn có những nhà tư sản, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh theo về với cách mạng, họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống thành thị, thoát ly gia đình, chấp nhận cuộc sống gian khổ để đi theo cách mạng cứu dân, cứu nước. Dân cư trong vùng được cách mạng cấp đất để tăng gia sản xuất, và một việc có ý nghĩa to lớn là đời sống của người dân trong vùng giải phóng không còn bị bọn ác ôn làng xã, địa chủ áp bức, bóc lột. Mọi hình thức tô tức bị xóa bỏ, nhân dân được yên tâm sản xuất.

Tỉnh An Giang lúc đó gồm Long Xuyên và Châu Đốc, bao gồm luôn một phần của tỉnh Đồng Tháp ngày nay, nên diện tích rất lớn mà chỉ có khoảng nửa triệu dân. Vì vậy dân cư rất thưa thớt cả trong vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng, ngoại trừ các khu vực thành thị và tụ điểm dân cư lớn.

Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975)

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết. Thi hành Hiệp định, một bộ phận lực lượng cách mạng bao gồm lưc lượng vũ trang, bán vũ trang và cán bộ (lúc đó là hai tỉnh Long Châu Sa và Long Châu Hà) tập kết ra Bắc.

Dân số Long Xuyên và Châu Đốc năm 1954 có khoảng 536.000 người, đến năm 1975 (tức 21 năm sau) đã tăng lên 1.360.000 người.

Đế quốc Mỹ đặc biệt quan tâm đến vùng đất An Giang; mặt khác Long Xuyên là quê quán của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ nên chúng ra sức đầu tư xây dựng, coi Long Xuyên là một  trong những  thành phố quan trọng của miền Tây. Lúc bấy giờ, lực lượng lao động khu vực thành thị trong tỉnh tăng lên nhanh chóng cùng với cường độ mở rộng các khu trù mật, ấp chiến lược, đặc biệt là thực hiện chính sách lợi dụng tôn giáo chống cách mạng; mặt khác, dùng bom pháo "tát dân" ở các vùng nông thôn, nhất là địa bàn biên giới và các vùng căn cứ kháng chiến. Hàng vạn người dân phải từ bỏ quê hương thân yêu của mình chạy vào thành phố kiếm sống. Vào thành phố, họ kiếm sống bằng đủ các ngành nghề như lao động tự do, khuân vác, đạp xe lôi, làm nghề thủ công... Họ là nạn nhân của chương trình "Bình định nông thôn" mà Mỹ Ngụy đang  tiến hành. Đội ngũ lao động này thường xuyên trực tiếp đương đầu với mọi thủ đoạn bóc lột của chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ nên sớm nhận thấy bộ mặt thật của chúng, họ thấy cần thiết phải đấu tranh để tiến tới giải phóng quê hương.

Phân bố dân cư trong giai đoạn này có sự chênh lệch rất lớn về mật độ dân số giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng ngoài và vùng sâu, thậm chí ngay trong một huyện cũng có sự chênh lệch, nhất là trong những năm chiến tranh ác liệt, dân chúng phải co cụm lại để bảo vệ, đùm bọc nhau.

Dân cư phân bố chủ yếu tập trung dọc sông Tiền và sông Hậu, từ Tân Châu xuống Chợ Mới và từ Châu Đốc xuống Long Xuyên. Vùng Bảy Núi có dân Khmer sinh sống theo các phum sóc rải rác quanh chân núi và các cánh đồng gần núi. Dân tộc Chăm sống tập trung vùng An Phú, Tân Châu, đối diện Châu Đốc ở khu vực Cồn Tiên, Đa Phước ngày nay. Ở các vùng sâu, dân cư rất thưa thớt, nhất là các lũng phèn vùng tứ giác.

Giai đoạn sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay

Sau ngày giải phóng, nhân dân trở về quê cũ sửa sang và tạo dựng lại nhà cửa, ruộng vườn đã bị đạn bom tàn phá bao năm qua nhất là ở các vùng sâu, vùng giải phóng. Nhân dân ra sức đẩy mạnh sản xuất, đời sống được cải thiện dần, mức sống cao hơn trước, ở các vùng dân tộc, mức sống của nhân dân tăng lên rõ rệt. Các cánh đồng lúa được mở ra nhất là vùng các huyện phía tây sông Hậu, mạng lưới thủy lợi đã được triển khai đào vét khắp cánh đồng, đem phù sa vào đồng ruộng và xổ phèn, làm cho đồng ruộng càng thêm phì nhiêu, lúa thóc đầy bồ, nhân dân vô cùng phấn khởi.

Tỉnh kết hợp việc mở mang thủy lợi và đê bao chống lũ dài 3.800km với việc bố trí lại dân cư. Gần 10.000 hộ ở rải rác trong vùng ngập lũ, trong đó tỉnh cho xây dựng 84 cụm dân cư và 35 tuyến dân cư với chiều dài gần 100km, không còn phải lo cảnh chạy lụt hàng năm. Phân bố dân cư lúc này tương đối đều khắp trong toàn tỉnh. Các vùng giải phóng, vùng sâu, vùng núi đã có dân về sống nhiều, xóm làng được ổn định. Vài năm đầu sau ngày giải phóng, dân cư hồ hởi vui mừng, dựng vợ gả chồng nhiều và nhất là vợ chồng được sum vầy sau bao năm xa cách nên tốc độ phát triển dân số thời gian này tăng khá nhanh; tuy nhiên về sau, tốc độ tăng dân số giảm dần, đạt yêu cầu giảm tỉ lệ tăng dân số của tỉnh.

Suốt hàng trăm năm ra sức khai phá vùng đất An Giang hoang vu này, lưu dân bằng bàn tay và khối óc, bằng mồ hôi, nước mắt, và cả xương máu nữa, họ đã biến miền đất hoang sơ,  thành đồng ruộng phì nhiêu, phố phường đông đúc, mở mang một vùng đất biên giới Tây Nam mênh mông trở nên giàu đẹp của tổ quốc. Công  đầu của cuộc mở mang  bờ cõi  này là thuộc về các  lưu  dân  ngày xưa, đã không quản ngại hy sinh gian khổ cho đất nước được rộng lớn thêm, cho con cháu sau này được hưởng một vùng đất phù sa màu mỡ, đảm bảo cuộc sống ấm no muôn đời về sau./.

(Trích: Địa chí An Giang, năm 2013)

Lượt người xem:  Views:   2214
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by