Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã hội

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xã hội
Thứ 7, Ngày 20/06/2020, 14:20
Chọn nghề báo phải dám dấn thân và có trách nhiệm
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/06/2020

​(TUAG)- Nhân kỷ niệm 95 ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2020), tôi được đọc rất nhiều bài báo kể về chuyện nghề của người làm báo và tôi rất thích một bài báo gần đây của một bạn phóng viên trẻ rất năng động với tựa đề "Nghề báo và những chuyến đi", trong bài viết, bạn ấy kể về hành trình, về những chuyến đi, về những trải nghiệm của người làm báo, tôi đọc và hiện lên trong tôi sự ngưỡng mộ đối với một nhà báo trẻ. Thật vậy, làm báo vất vả lắm, phải yêu nghề lắm mới có thể làm báo, và trong bài viết này tôi thích nhất câu "chúng tôi chọn cách dấn thân có trách nhiệm".

Tôi nghĩ đây không phải là việc chọn hay không mà nó phải là mục đích của mỗi nhà báo, đã làm nghề báo phải dám dấn thân, lăn xã. Và điều tiên quyết phải dấn thân có trách nhiệm: Trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc, với lý tưởng, trách nhiệm với người dân và hơn hết trách nhiệm với nghề của mình.

Một nhà báo chuyên nghiệp không đơn thuần là một người quan sát thời cuộc, truyền tải những sự kiện mà cao hơn nữa là đóng vai trò như nhà phân tích, bình giảng các sự kiện, hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Từ đó, giúp công chúng nhận thức đầy đủ, đúng bản chất về các vấn đề này để có thái độ và hành động phù hợp.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhà báo phải biết xử lý thông tin, thẩm định thông tin và truyền tải tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được xác minh, phản biện công khai và kịp thời. Đồng thời, trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội, báo chí và người làm báo cần chú trọng về tính nhân văn, đó cũng là trách nhiệm với xã hội, phải đứng bên con người, giúp con người tin và hướng đến những điều tích cực hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

 Thế mới nói những người làm báo chân chính, ngoài tài năng cần phải thực hiện nhiệm vụ bằng trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, để giữ vững niềm tin và là nơi "neo đậu" niềm tin của xã hội. Tôi vẫn luôn tâm đắc về lời của cố nhà báo Hữu Thọ: "Nhà báo cần phải có "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Nghĩa là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp".

Các chủ đề của báo chí cách mạng xét đến cùng phải xuất phát từ chính cuộc sống, thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, học tập của quần chúng nhân dân. Do vậy, báo chí cách mạng phải ca ngợi những cái đẹp, cái chân, cái thiện, cái mỹ trong Nhân dân, từ Nhân dân, nhân rộng những điển hình đó để Nhân dân biết, Nhân dân học theo, làm theo. Báo chí còn phải đóng vai trò nòng cốt trong định hướng tư tưởng, giữ gìn văn hóa truyền thống; đồng thời phải đi đầu trong đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; tích cực tham gia nâng cao nhận thức, tạo sức mạnh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng và xã hội. Báo chí phải xây dựng được hình ảnh đẹp của đất nước, của chủ nghĩa xã hội, của Đảng; phải là tiếng nói bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ quân đội. Nói tóm lại báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước, phải "phò chính, diệt tà". Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Nhà báo khi đã ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, tự khắc sẽ hài hòa được các mối quan hệ kể trên. Có trách nhiệm, nhà báo sẽ khiến "tin của nhà báo thì khác tin trên mạng xã hội", không phải bằng việc làm khác đi sự thật, né tránh sự thật, mà là một sự thật đã được kiểm chứng và có lợi cho xã hội, cho đất nước. Có trách nhiệm xã hội, nhà báo sẽ biết điểm dừng giữa ranh giới mong manh của việc đưa tin thế nào có lợi cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc với việc đưa tin mà mục đích duy nhất là để câu "view", câu "like".

Trong bối cảnh thông tin truyền thông hiện đại, hiện nay, mỗi nhà báo còn phải tham gia truyền tải thông tin trên mạng xã hội. Khi tham gia vào mạng xã hội mỗi nhà báo phải ý thức được rằng mình đã tham gia vào mặt trận thông tin, thì phải hết sức chính trực. Những người làm báo vốn là người dẫn dắt dư luận xã hội nhưng lại tham gia vào mạng xã hội với những điều không chuẩn mực sẽ gây ra tổn hại rất đáng tiếc. Nhà báo cần hiểu rõ rằng, trên mạng xã hội, công chúng vẫn nhìn nhận họ là nhà báo và đại diện cho cơ quan báo chí mà họ làm việc. Như thế, đừng nghĩ rằng chỉ cần có trách nhiệm với tác phẩm báo chí chính thống, mà mỗi dòng trạng thái, mỗi bình luận của họ trên mạng xã hội vẫn phải bảo đảm trách nhiệm xã hội như thế.

Báo chí cũng không nên chạy theo dư luận, chạy theo mạng xã hội. Báo chí phải vượt lên trên mạng xã hội, bằng chất lượng "báo chí" trong mỗi sản phẩm được đưa ra công luận. Cái chất báo chí ấy, là tính độc lập, công bằng và khách quan, mà hầu hết các nội dung cá nhân trên mạng xã hội không có. Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, công chúng không kỳ vọng báo chí phải nhanh, mà là phải đúng và đa chiều. Nếu chậm hơn mạng xã hội, nhưng đưa ra được nội dung đầy đủ, chính xác, khách quan và đa chiều, có tác dụng phản ánh chân thực nhất các vấn đề, hiện tượng, và định hướng dư luận bằng sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm báo chí, thì giá trị của báo chí vẫn cực kỳ mạnh mẽ. Chính vì vậy trước mọi vấn đề gây tranh cãi, báo chí hãy chậm một nhịp, cố gắng nghiên cứu, điều tra, tìm thêm các tài liệu, bằng chứng, thực tế khách quan khác nữa, để sản phẩm báo chí khi ra đời không phải là một sự hối tiếc.

Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của nhà báo. Sẽ đáng hoan nghênh trăm lần khi nhà báo dấn thân có trách nhiệm với xã hội, và ngàn lần đáng lên án khi nhà báo nói dấn thân, nhưng dấn thân không phục vụ cho lợi ích chung nào, chỉ là thể hiện cái tôi, một cái tôi rất xấu./.

HẢI LAM

Lượt người xem:  Views:   605
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

PostCategory

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by