Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ 6, Ngày 22/05/2020, 16:00
Chuyến đi làm thay đổi dòng chảy lịch sử nhân loại!
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
22/05/2020 | Trung Tân

​(TUAG)- Cách đây 109 năm vào ngày 5/6/1911 tại bến cảng nhà rồng, Hồ Chí Minh lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp với tên gọi Văn Ba để học hỏi những điều mà ông cho là "tinh hoa và tiến bộ" từ các nước phương Tây nhằm thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa của Thực dân Pháp.

Ben-nha-rong.jpg

Đưa quân xâm lược nước ta, thực dân Pháp gặp phải sự kháng cự quyết liệt của Nhân dân ta. Nhưng do phần lớn vua quan nhà Nguyễn yếu hèn "bỏ dân - bán nước", hàng loạt hòa ước mà thực chất là hàng ước đã được ký kết. Non sông gấm vóc rơi vào tay giặc. Các bậc sĩ phu không thể tìm thấy đường hướng cứu nước trong kinh sách của thánh hiền; thất bại chồng lên thất bại - một nhà nho thất chí than: "…Thôi thánh hiền! Thôi hào kiệt! Thôi anh hùng!/Ngàn năm sự nghiệp nước về đông!". Ngay sau đó, kết quả rực rỡ của công cuộc "Duy tân" từ Nhật Bản đã đến nước ta như một luồng gió mới. Cụ Sào Nam kêu gọi "Đông Du", cụ Tây Hồ quyết liệt phản đối với lý lẽ chính xác: Cầu viện Nhật kháng Pháp chẳng khác nào "đuổi hổ cửa trước - rước báo cửa sau". Cụ đưa ra chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến", cụ Sào Nam đã chỉ trích, do nó giống như: "Kêu gọi giặc rũ lòng thương"… Rốt cuộc: "Tân thư" chứa bao điều "mới mẻ" nhưng không khả dụng; đường hướng tưởng "mới", nhưng lại "trái mùa"; thiếu sức sống, nhanh chóng "lịm tắt"…

Nguyễn Tất Thành sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng,… Anh Nguyễn rất thông minh, miệt mài học tập, trau dồi tri thức; đau lòng chứng kiến cảnh nước mất nhà tan…; gần gũi, ngưỡng mộ, khâm phục lòng yêu nước thương dân của nhiều bậc cha chú; nhưng Anh đã từ chối gợi ý tham gia "Đông Du", tự "quyết định con đường nên đi". Không theo đường hướng cũ là hết sức khó, đi tìm con đường mới còn khó hơn bội phần!

Nhưng với dã tâm chống phá, bên thềm Đại hội XIII, các phần tử thù địch ở nước ngoài tiếp tục "trình chiếu" DVD mang tên Sự thật về Hồ Chí Minh mà chúng đã tung ra từ năm 2009. Trong DVD họ dẫn chứng bức thư Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường Thuộc địa để xuyên tạc rằng anh Nguyễn sang Pháp không phải tìm đường cứu nước mà chỉ để mưu sinh. Giáo sư Trần Văn Giàu trong bộ sách "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám" đã trích dẫn lý giải của linh mục, tiến sĩ Trương Bá Cần viết tại Sài Gòn năm 1969 khi nghe tin Bác mất. Linh mục cho rằng: "… Hai mươi tuổi đầu, rời bỏ quê hương, mang trong lòng tâm sự của một kẻ mất nước, thấy bất lực trên quê hương, thấy không tin ở một sự viện trợ của các nước Á châu, Nguyễn Tất Thành ra đi có thể vì thất vọng, có thể vì muốn tìm một giải pháp cho quê hương, điều chắc chắn là trong đầu óc người trai biệt xứ, luôn luôn có một sự tìm kiếm. Đi tới đâu cũng nhận xét, cũng ghi chép, cũng tìm bạn, cũng gây ý thức… Đến Paris năm 1917, Nguyễn Tất Thành tìm cách liên lạc với Việt kiều và tiếp xúc với các đảng phái chính trị. Cùng với luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (từ đây mang tên Nguyễn Ái Quốc) đã làm kiến nghị 8 điểm gửi lên các cường quốc họp tại điện Versailles, đòi quyền lợi căn bản cho người Việt Nam. Một người tha phương cầu thực chắc không thể sớm có những ý thức và hành động như thế". Ngài Linh mục kết luận: "Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương". Nhiều người đồng ý với lập luận của linh mục, nhà báo, nhà sử học Trương Bá Cần!

Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người đã rút ra kết luận: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Điều cần nhấn mạnh là cái mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy chỉ là những vấn đề mang tính phổ biến. Hơn thế nữa: Giữa lý luận cách mạng-được tổng kết từ lịch sử Châu Âu- so với thực tiễn phương Đông có rất nhiều khác biệt. Trước nhất là: "Cuộc đấu tranh giai cấp" diễn ra không giống nhau. Từ đó, nếu như ở phương Tây đấu tranh giai cấp rất quyết liệt - là động lực chủ yếu thì ở phương Đông: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước"…

Thử thách không dễ vượt qua đối với Nguyễn Ái Quốc cũng như tất cả những người cách mạng khác là làm sao có thể vận dụng sáng tạo các nguyên lý chung vào điều kiện cụ thể của nước mình. Trước nhất, khó nhất là vấn đề tổ chức ra một lực lượng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Nguyễn Ái Quốc từng tham gia Đảng Xã Hội Pháp, tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Pháp, nhưng đó đều là các đảng hợp pháp; năm 1923 Người sang Liên Xô - nơi có ít nhiều kinh nghiệm về hoạt động của một đảng "bất hợp pháp", nhưng dù thế nào thực tiễn ở đây cũng khác xa so với quê hương, xứ sở! Người phải bắt tay vào một sự nghiệp chưa từng có tiền lệ. Ngay từ năm 1921, khác với phần lớn Ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, Người hiểu rất rõ tình hình thuộc địa, Người đưa ra nhận định cực kỳ chính xác: Cách mạng ở thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước chính quốc. Năm 1924 Người đề xuất: Trong một hoàn cảnh đặc biệt: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước", đòi hỏi những quyết sách "đặc biệt", cụ thể là phải: "Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản…". Bởi vì: "…, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi,… , nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế".  Từ đó, Người đã ra sức làm cho dân tộc mình "tỉnh thức": Đưa lý luận cách mạng "vượt qua bức màn sắt", từng bước thấm sâu vào phong trào cách mạng nước ta một cách sáng tạo. Từ vai trò "tìm đường" Bác trở thành "Người dẫn đường" cho cả dân tộc tiến lên.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tạp chí Time số ra ngày 9/9/1946 có bài "Hồ Chí Minh là ai?". Bài viết cho rằng Người là một nhân vật "rất kỳ lạ". Bài báo đã tóm tắt cuộc đời hoạt động từ  lúc Người đi tìm đường cứu nước đến lúc mang tên Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh… Trong số ra ngày 22/11/1954, Tạp chí lại đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người; trong đó nhấn mạnh: "Với thắng lợi (Điện Biên Phủ), uy tín của ông Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước, mặc dù họ chống cộng, cũng không thể không lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là "ông chủ" của họ từ châu Âu tới…". Trên tờ New York Times ngày 28/3/1965, có bài "Bác Hồ bất chấp chú Sam", tác giả cho rằng "Cụ chính là người đã phá tan hệ thống thuộc địa Pháp ở Đông Dương và giờ đây lại bất chấp sức mạnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh mới, có thể là tiền đề cho một sự sụp đổ hoặc một chiến thắng vĩ đại nhất"…

Trả lời câu hỏi của BBC: "... tại sao cho đến giờ vẫn có các nhà nghiên cứu ở phương Tây như ông quan tâm đến nhân vật Hồ Chí Minh? Ngay mới đây thôi, tiến sĩ Sophie Quinn - Judge cũng ra một cuốn sách về ông Hồ, ông thì ra một cuốn sách năm 2000. Tại sao các vị lại quan tâm tìm hiểu ông Hồ Chí Minh như vậy?". GS William Duiker nói: "…để hiểu được vì sao người Việt Nam lại chiến đấu chống lại người Pháp và sau này là người Mỹ thì phải tìm ra một chìa khóa cho việc nghiên cứu. Chìa khóa đó là nhân vật Hồ Chí Minh. Ông là hiện thân của cuộc kháng chiến ở Việt Nam… Hồ Chí Minh đã thể hiện được ham muốn của dân Việt Nam, muốn được có công lý, gồm cả công bằng xã hội và công lý về chính trị, quyền được bên ngoài đối xử công bằng. Và điều thứ hai, ông thể hiện được là tạo ra một cuộc cách mạng với mục tiêu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam".

Tạp chí Time đánh giá Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử nhân loại, làm nên lịch sử hiện đại và là nhân vật vĩ đại nhất châu Á trong thế kỷ XX.

Trung Kiên

 

Lượt người xem:  Views:   116
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by