Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ 5, Ngày 01/09/2022, 22:00
Nhà nước Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
01/09/2022 | AG3567

(TUAG)- Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước pháp quyền vì dân. Nhân dân ta từ thân phận của những người nô lệ đã trở thành người chủ đất nước và vận mệnh của mình.

XD-NN-sau1945-vidan.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân. Ảnh tư liệu lịch sử

Có thể thấy, việc giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng là hết sức ngoạn mục, vừa chớp được thời cơ, vừa giành thắng lợi trọn vẹn, vừa hạn chế tối đa đổ máu. Các diễn biến tiếp theo trong việc giữ vững thành quả cách mạng cũng ngoạn mục không kém, khi chính quyền non trẻ đã phải cùng lúc đương đầu với rất nhiều kẻ thù, rất nhiều thử thách khốc liệt. Nhưng dưới sự sáng suốt của Đảng, của Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng không những được giữ vững mà còn không ngừng được củng cố và phát triển.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý đến vấn đề chính quyền nhà nước, Người đã tìm kiếm, lựa chọn hình thức, chế độ thích hợp để thúc đẩy dân tộc Việt Nam phát triển theo đúng quỹ đạo tiến bộ xã hội và Người đã thấy được bộ mặt phản nhân tính của nhà nước thực dân, phong kiến; còn nhà nước tư sản về thực chất vẫn là công cụ thống trị của một số người, vì lợi ích của thiểu số, còn đại bộ phận dân chúng vẫn bị nô dịch, bóc lột, cả chính quốc và thuộc địa. Ngược lại, nhà nước Xô viết tuy còn non trẻ nhưng đã sớm thể hiện sức sống và tính ưu việt của mình, hướng đến phục vụ quần chúng công - nông - binh, thật sự vì lợi ích của họ. Đây chính là một loại hình nhà nước mà cách mạng Việt Nam đi theo.

Như vậy, có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn kiểu nhà nước dựa trên 2 cơ sở chính: tính chất nhân dân của nhà nước và khả năng của nó trong việc bảo đảm cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người.

Tính độc đáo sáng tạo của Người là vận dụng kinh nghiệm Xô Viết để kiến tạo xây dựng Nhà nước Việt Nam. Về mục đích, nguyên tắc, Người vẫn trung thành với "mô hình Xô viết" nhưng lại có bước đi, cách làm độc lập, không giáo điều, rập khuôn. Năm 1941, Người chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, ủy ban giải phóng và ủy ban nhân dân cách mạng của tỉnh, liên tỉnh. Giữa năm 1945, Khu giải phóng Việt Bắc đã hình thành chính quyền tương đối hoàn chỉnh, đồng bào toàn khu được tự do, tự tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, bảo vệ chính quyền…

Tính chất nhân dân là đặc trưng nổi bật của nhà nước ta. Nó khẳng định nguồn gốc và chủ thể quyền lực của Nhân dân. Điểm sáng tạo của Bác là không phủ nhận bản chất giai cấp của nhà nước mà đã khéo léo xử lý, kết hợp tính giai cấp và tính dân tộc thành một thể thống nhất. Nhà nước dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, theo hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện chức năng giải phóng xã hội, giải phóng con người và vì thế nó là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Mặt khác, nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là một nhà nước thống nhất trên nền đại đoàn kết toàn dân, cơ sở xã hội của nhà nước không bó hẹp trong phạm vi một giai cấp, tầng lớp nào đó mà là toàn thể dân tộc, cơ sở đó không thay đổi trong quá trình vận động đi lên của cách mạng.

Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đối sách vô cùng sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên quyết. Riêng trong việc xây dựng và củng cố chính quyền, vấn đề được coi là cơ bản, cốt yếu của mọi cuộc cách mạng xã hội, đã được thực hiện rất quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần giữ vững thành quả cách mạng, được thể hiện qua những nội dung sau:

Một là, sử dụng một phần pháp luật cũ để điều hành, quản lý xã hội trong trật tự, kỷ cương, không để xáo trộn, đe dọa sự tồn vong của chính quyền mới. Vì vậy, trước khi có Hiến pháp, Người đã ký sắc lệnh giữ lại những điều luật có lợi cho cách mạng, chỉ trừ những điều luật gây hại cho nền độc lập, tự do. Điều hành xã hội bằng luật pháp ngay từ mới ra đời trở thành truyền thống trong hoạt động của nhà nước kiểu mới.

Hai là, tôn trọng và giữ nguyên đại bộ phận địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước. Mỗi địa giới hành chính có các cấp chính quyền, có truyền thống lịch sử, tập quán văn hóa, lối sống riêng không dễ gì xóa bỏ. Trong hệ thống đó, Người đặc biệt coi trọng tổ chức làng như một mắc xích, khâu trung gian cuối cùng, nhỏ nhất, nối liền quan hệ giữa nhà nước với Nhân dân.

Ba là, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, quan lại… của chính quyền cũ. Bằng tấm lòng bao dung, Hồ Chí Minh tìm mọi cách trọng dụng những ai tha thiết với độc lập, tự do của dân tộc, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của đồng bào. Trong điều kiện chính quyền non trẻ, tận dụng triệt để tri thức, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ này là cần thiết. Mặt khác chính sách đoàn kết toàn dân, xóa bỏ hận thù, định kiến là nhằm huy động mọi nguồn lực, trí tuệ để giữ vững độc lập, kiến thiết nước nhà.

Ngoài ra, Người đã sáng tạo ra nhiều hình thức thực hành dân chủ, đó là: tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước để Nhân dân có quyền cử các đại biểu tin cậy, xứng đáng của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện năng lực thực hành dân chủ của Nhân dân và nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân; xác lập một cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động trong bộ máy nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo cho Nhân dân có thể kiểm tra, kiểm soát được hoạt động của cả bộ máy, từng thành viên của nó; để thực hành dân chủ cần có kế hoạch nâng cao trình độ dân trí. Người khẳng định một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, trước hết yếu về tổ chức, lãnh đạo và quản lý, dốt nát dẫn đến hình thức, giáo điều, tham nhũng, thả nổi quyền giám sát, kiểm soát nhà nước. Ngược lại, trên nền tảng dân trí cao, Nhân dân có khả năng đề xuất sáng kiến, bổ sung cho chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới sau Cách mạng Tháng Tám nhất là về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân vẫn mãi có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Ngày nay, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta phải phát huy cao độ nội lực của dân tộc. Trong đó cần phát huy đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội./.

Kim Tuyến

Lượt người xem:  Views:   5086
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by