Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh Tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Kinh Tế
Thứ 3, Ngày 19/11/2019, 10:00
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân tố quyết định phát triển nông nghiệp bền vững
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
19/11/2019

(TUAG)- Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông - thủy sản bền vững”.

Nhằm đánh giá thực trạng việc hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, định hướng, khuyến khích các giải pháp phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngày 15/11, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông - thủy sản bền vững”.


Sự “dấn thân” của lãnh đạo địa phương

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp luôn được xem là nền tảng và là đầu tàu của nền kinh tế tỉnh An Giang, với thế mạnh là sản xuất lúa và cá nước ngọt đã đạt những thành tựu to lớn trong sản xuất, trong đó diện tích gieo trồng lúa năm 2018 đạt 628 ngàn ha, sản lượng lúa ổn định ở mức gần 4 triệu tấn; sản xuất rau màu và cây ăn trái đạt 557,3 ngàn tấn; sản lượng các loại cây lâu năm đạt gần 206 ngàn tấn; diện tích mặt nước nuôi cá tra của An Giang năm 2018 là 1.431 ha với sản lượng 371 ngàn tấn; tăng 75 ngàn tấn so với năm 2017.
 
Kết quả thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo năm 2018, đã có 37 doanh nghiệp (27 công ty lương thực và 10 công ty giống) triển khai liên kết sản xuất thông qua 20 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác với diện tích là 30.333 ha đạt tỉ lệ trên 55% diện tích kế hoạch (55.100 ha); 13 vùng được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 2.697 ha và hơn 206 ha diện tích nuôi cá tra của các hộ dân có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng chuỗi liên kết giống cá Tra 3 cấp giữa Chi hội sản xuất giống AFA với 31 hội viên tham gia, tổng diện tích ương nuôi giống là 200 ha và Chi hội sản xuất cá giống huyện Châu Phú với tổng số 16 hội viên, tổng diện tích tham gia 31,8 ha; đến nay, hai Chi hội đã sản xuất và cung cấp hơn 300 triệu con giống cá tra đến các vùng nuôi của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang như Công ty Sao Mai, Nam Việt, Cửu Long, Lộc Kim Chi,…

Tính đến cuối tháng 9/2019 toàn tỉnh An Giang có 191 hợp tác xã hoạt động trên 6 lĩnh vực như: 136 hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản (chiếm 71,2%); 24 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 12,57%); 23 hợp tác xã vận tải (chiếm 12,04%); 6 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (chiếm 3,14%); 1 hợp tác xã thương mại - dịch vụ - du lịch - nông nghiệp (chiếm 0,52%); 1 hợp tác xã tài nguyên và môi trường (chiếm 0,52%).

Theo ông Thọ, việc tiêu thụ nông sản trong những năm qua chủ yếu thông qua hệ thống thương lái thu mua nông sản từ nông dân sau đó giao lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Qua nhiều năm thực tế tại địa phương, hệ thống thương lái đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào cao điểm thu hoạch đã không xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản hàng hóa trong dân. Tuy nhiên, cách làm này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nông dân không quyết định được giá bán của nông sản do mình sản xuất, thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá. Về phía doanh nghiệp chế biến cũng không chủ động và quản lý được chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào.

Từ thực tế hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh An Giang trong thời gia qua, tỉnh An Giang xác định, trong giai đoạn hiện nay, chỉ có liên kết sản xuất theo quy mô lớn, hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm kết nối với doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định trước nhu cầu thị trường tiêu thụ để định hướng sản xuất mới đảm bảo được quan hệ cung - cầu hài hòa, nông dân mới tránh được tình trạng “được mùa mất giá’’, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân.

“Để xây dựng thị trường nông – thủy sản ổn định, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người nông dân, thời gian qua tỉnh An Giang đã tích cực mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng như Tập đoàn Lộc Trời (tiêu thụ lúa theo tiêu chuẩn SRP); Tập đoàn OLAM (tiêu thụ lúa giống Nàng Hoa 9, Jasmine 85); Tập đoàn Sun Rice (tiêu thụ lúa gạo hạt tròn); Tập đoàn Tân Long; Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương; thủy sản có Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai, Công ty Vĩnh Hoàn, Nam Việt; trái cây có Công ty Chánh Thu… đa và đang liên kết rất tốt với các tổ chức nông dân trên địa bàn tỉnh để có vùng nguyên liệu lớn và chất lượng ổn định, phương thức thực hiện phù hợp theo nhu cầu sản xuất tại các địa phương. Thời gian tới sẽ tiếp tục có các tập đoàn lớn như tập đoàn TH, FLC… đến đầu tư và liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với nông dân An Giang” - ông Thọ thông tin thêm.

PGS.TS Nguyễn Phú Son - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ đánh gia, việc tổ chức sản xuất các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực của tỉnh ở An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung theo mô hình chuỗi giá trị đã được xác định là giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhiều doanh nghiệp đã hợp tác, liên kết với người sản xuất trên lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo, rau màu, trái cây, thủy sản… và bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữ doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm có thị trường tiêu thụ tương đối tốt. Tuy nhiên, việc hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở tỉnh An Giang còn nhiều yếu tố bất cập, chưa ổn định và thiếu bền vững. Điều dễ nhận thấy trong chuỗi giá trị nông - thủy sản hiện nay là thiếu sự hợp tác hoặc liên kết hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; do vậy, các hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu chưa phát huy hiệu quả và còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các yếu tố thúc đẩy và phát triển chuỗi liển kết như dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, vai trò của các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan liên quan còn hạn chế.

“Từ thực tế liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng cho thấy ở đâu có được sự “dấn thân” của lãnh đạo địa phương, ở đó xác suất thành công của sự liên kết càng cao. Bởi lẻ, chính họ là người hiểu và nắm bắt được một cách tường tận người nông dân của họ đang cần gì và có được năng lực như thế nào để thực hiện vấn đề liên kết. Tuy nhiên, sự dấn thân ở đây dựa trên quan điểm phát triển thực sự, chứ không chỉ dựa vào “thành tích” hay “vụ lợi”, để từ đó thúc đẩy người dân và doanh nghiệp xây dựng những mối liên kết mang tính hình thức, chiếu lệ”- PGS.TS Nguyễn Phú Son phân tích.

Bên cạnh sự “dấn thân” của lãnh đạo địa phương, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, sự đóng góp của nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, kinh tế và thị trường, là chất kết dính không thể thiếu được để xây dựng một liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, trong một thời gian tương đối dài, từ Quyết định số 80 đến Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như trong thực tế triển khai các Quyết định này, hầu như chúng ta đều tập trung vào sự đóng góp thiên về mặt kỹ thuật sản xuất từ các nhà khoa học. Điều này không sai, tuy nhiên trong điều kiện thị trường như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của một nền kinh tế hội nhập ngày càng gia tăng cả về mặt số lượng và chất lượng, thì việc nâng cao năng lực kinh doanh và thị trường, cũng như năng lực quản lý của các nông dân và tổ chức kinh tế của nông dân là không thể thiếu được.

Nâng cao giá trị gia tăng thông qua liên kết sản xuất

TS. Lê Văn Bảnh, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Hiệu trưởng Trường Nghề Nam bộ đánh giá, trong những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành quả to lớn, từ tự cung tự cấp, năng suất kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, chuyển sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nước nhà. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, chuyên canh, các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, từ hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp, tập đoàn,... Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại yếu kém do việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, đa số quy mô sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ, năng suất thấp, sản phẩm làm ra người nông dân không phải là chủ thể quyết định được giá cả mà phải phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp, tình trạng được mùa mất giá do thị trường đầu ra không ổn định thường xuyên tái diễn, giá trị của kinh tế nông nghiệp còn nhỏ bé so với tiềm năng, đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo so mặt bằng chung cả nước.
 
Nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, do bản thân các hộ nông dân nhỏ lẻ không thể thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất, chế biến, nắm bắt nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng… Quá trình này đòi hỏi phải có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào chuỗi các hoạt động liên kết trên cơ sở phân bổ lợi ích hợp lý giữa các chủ thể.

Theo TS. Lê Văn Bảnh, trong nền kinh tế thị trường, muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì đều phải có mối liên kết và đảm bảo hài hòa về lợi ích của các nhân tố tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm: sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng. Tổ chức sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường và theo năng lực của người sản xuất, sản xuất phải theo chuỗi giá trị, liên kết để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.     

Trong chuỗi giá trị, các công đoạn cơ bản và tất yếu bao gồm: chuẩn bị sản xuất, sản xuất, sau sản xuất, tiếp thị và bán hàng. Các công đoạn này diễn ra kế tiếp nhau và tác động lẫn nhau để cùng tạo ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm đó. Để chuỗi giá trị diễn ra bình thường thì bên cạnh các hoạt động sản xuất phải có các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đó là: quy hoạch vùng sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, và những dịch vụ bảo trì thiết bị, nhà xưởng sản xuất…

“Việc tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân có thể yên tâm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá; các hợp tác xã có thể chủ động về nguồn hàng nên ít bị động trong sản xuất, có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên hợp tác xã; các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã ổn định được vùng nguyên liệu, ổn định được thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó tạo tiền đề để hình thành các nguồn cung ứng nông sản lớn, mang tính hàng hóa cao, chất lượng được nâng lên thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản.  Vì vậy, cần phải thực hiện liên kết giữa các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường và làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp”- TS. Lê Văn Bảnh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Võ Thị Bé Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông - lâm - thủy sản là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế nông nghiệp ngày càng sâu sắc như hiện nay. Trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp được xác định là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa “5 nhà” - Nhà nước, Nhà đầu tư, Nhà khoa học, Nhà nông, Nhà bank (ngân hàng) và là “mắt xích” quan trọng trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, cả nước có gần 10.000 hợp tác xã nông nghiệp thu hút trên 7 triệu thành viên hợp tác xã chiếm 55% số nông dân tham gia hợp tác xã. Theo số liệu điều tra Dự án “Điều tra năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mô hình hợp tác xã cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản” cho thấy 18% số hợp tác xã có hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp, 8% hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản và 26% số hợp tác xã tổ chức cả 2 hoạt động này, rất ít hợp tác xã hoạt động dịch vụ chế biến gắn với tiêu thụ nông sản cho thành viên hợp tác xã. Các hợp tác xã tổ chức hoạt động dịch vụ này đều được coi là hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, có 2 - 3% hợp tác xã chuyên chế biến nông sản trong tổng số các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này được hình thành từ nhu cầu thực tế của sản xuất, nhất là những vùng chuyên canh như hợp tác xã xay xát, hợp tác xã chế biến nông sản thực phẩm, hợp tác xã sản xuất thức ăn gia súc. Các hợp tác xã chế biến nông sản giúp tận dụng tối đa nguyên liệu sản xuất tại địa phương thúc đẩy các hộ nông dân phát triển vùng sản xuất chuyên canh nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng của các sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và tạo tiền đề để phát triển sản xuất quy mô lớn, sản xuất tập trung và tạo chuỗi cung ứng liên kết giữa các hợp tác xã với nhau. Nhờ làm tốt dịch vụ này, các hợp tác xã đã giúp 70% nhu cầu tiêu thụ thóc giống, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trái cây, rau và nông sản các loại cho các thành viên hợp tác xã; 64,2 % thành viên hợp tác xã, người nông dân không bị ép giá; 57,23% lượng nông sản bán ra nhanh hơn và 31,77 % thành viên hợp tác xã giảm được nợ vay.  

Để thực hiện chủ trương phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong liên kết chuỗi hiệu quả theo Thạc sĩ Võ Thị Bé Thơ, trong thời gian tới, An Giang cũng như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục nâng chất các hợp tác xã nông nghiệp hiện có, xây dựng và hỗ trợ những hợp tác xã này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứg dụng công nghệ cao… Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao, dần kiểm soát được giá cả sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã về các kỹ năng như: đàm phám hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh để thực hiện hợp đồng; Lợi ích khi tham gia các tổ chức đại diện nông dân để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Quy trình sản xuất đảm bảo dư lượng trên các loại nông sản…

Thạc sĩ Võ Thị Bé Thơ khẳng định, trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, xây dựng và phát triển chuổi giá trị nông - thủy sản là xu hướng tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Công Mạo
Lượt người xem:  Views:   2082
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

TinNoiBat

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by