Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 3, Ngày 22/11/2022, 08:00
Tự hào truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương An Giang
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
22/11/2022 | Hữu Thịnh

(​TUAG)- An Giang - vùng đất mới và còn rất trẻ so với các vùng khác của đất nước. Nếu tính từ khi vùng đất này thuộc quyền cai quản của nhà Nguyễn thì đến nay chưa đầy ba thế kỷ. Tỉnh An Giang chính thức được ghi vào hệ thống hành chính năm 1832 nằm trong lục tỉnh: Gia Định - Biên Hòa - Định Tường - Vĩnh Long - Hà Tiên và An Giang. Trải qua chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, An Giang không ngừng phát triển về mọi mặt, đóng góp xứng đáng vào trang sử hào hùng của dân tộc và những thành tựu phát triển chung của đất nước.

Ps-anh-mua-nuoc-noi-5.jpg

An Giang - mùa nước nổi, ảnh: Ngọc Minh.

Là nơi địa đầu biên giới Tây Nam, đón nhận dòng Mê Kông hùng vĩ chảy vào Việt Nam, An Giang đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử quan trọng. Từng là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo xưa, An Giang hiện nay là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trải qua lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, miệt mài sáng tạo những thành quả mới để khẳng định vị thế trên bản đồ đất nước. Đó là một hành trình xây đắp và kiến tạo để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và cao hơn mức trung bình của cả nước.

Lịch sử hình thành vùng đất An Giang ghi nhận một sự kiện quan trọng là năm Đinh Sửu (1757), quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn đã dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, ngày nay có một phần thuộc An Giang) cho chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát để đền ơn cứu tử và giúp giành lại vương triều. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận đất Tầm Phong Long, cho lệ vào dinh Long Hồ và đặt thành 3 đạo gồm: Xứ Sa Đéc đặt thành đạo Đông Khẩu, xứ Cù Lao Giêng đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc làm đạo Châu Đốc, rồi lấy binh dinh Long Hồ đến gìn giữ nơi địa đầu trọng yếu ấy. Từ thời điểm năm 1757, vùng đất sau cùng của Nam Bộ (một phần là An Giang ngày nay) đã trở thành một bộ phận không thể chia cắt được của nước Việt Nam về mặt pháp lý.

Với ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình, tên gọi An Giang ra đời vào năm 1832, khi vua Minh Mệnh (1791 - 1841) quyết định đổi Ngũ trấn thành Lục tỉnh ở Nam Kỳ. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm 1832 nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch).

Tự Hào Một Dãy Biên Cương.jpg

An Giang - tự hào một dãy biên cương, ảnh; Nguyễn Hảo.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử khai phá vùng đất An Giang trong buổi đầu mở mang bờ cõi đến nay là vùng đất biên thùy trọng yếu ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất An Giang luôn gắn liền các cuộc chiến tranh chống các kẻ thù xâm lược. Con người An Giang có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi có Đảng, Nhân dân An Giang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin theo con đường cách mạng. An Giang tự hào là một trong số tỉnh ở Nam Bộ sớm có các tổ chức tiền thân của Đảng và các cơ sở đảng. Cuối năm 1927, Chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Long Xuyên ra đời tại huyện Chợ Mới. Tháng 2/1928, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập. Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở An Giang được thành lập tại xã Long Điền, huyện Chợ Mới đã tổ chức treo lá cờ Đảng Cộng sản đầu tiên trên Cột dây thép ở ấp Long Thuận, xã Long Điền. Kể từ đó, nhiều cơ sở đảng trong tỉnh ra đời và ngày càng lớn mạnh, đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và đạt những thành tựu to lớn, đáng tự hào trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

An Giang là tỉnh có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, rừng núi, tài nguyên khoáng sản, những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hóa lúa nước cổ xưa. An Giang còn là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát, núi non kỳ vĩ, rừng tràm xanh ngắt một màu và từ lâu đã là một xứ sở trù phú về nông nghiệp và thủy sản... Bức tranh sơn thủy ấy tạo nên cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo. Thiên nhiên và con người ở An Giang không chỉ mang những nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà còn có những vẻ đẹp riêng biệt của mình. Tất cả đã hội tụ ở đất An Giang, tạo nên một mảnh đất bình dị, đơn sơ và mộc mạc không lẫn với bất kỳ nơi đâu.

An Giang tự hào là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer,... cùng chung sống hòa thuận lâu đời, từ đó hình thành những giá trị văn hóa phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc độc đáo. Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.

Bac-Ton-quantruong.jpg

Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng, TP Long Xuyên, ảnh: Thanh Hùng.

An Giang tự hào là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người Cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, xuyên suốt chặng đường 190 năm hình thành và phát triển, người dân An Giang luôn anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thuỷ chung trong cuộc sống. Tính chất phát, cần cù, chịu khó và luôn sống có nghĩa, có tình đã tạo nên một đặc trưng rất riêng của con người An Giang.   

Nhìn lại chặng đường lịch sử 190 năm qua, trong sâu thẳm mỗi người dân An Giang luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang tươi đẹp như ngày nay. Những thành tựu tỉnh An Giang đạt được trong thời gian qua là kết tinh của truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng tầm với công sức khai mở, vun bồi của những bậc tiền nhân./.

Nguyễn Hữu Thịnh

Lượt người xem:  Views:   1739
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by