Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 4, Ngày 27/07/2022, 11:00
Tháng bảy nhớ ơn…
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
27/07/2022 | Trần Nhiên

(TUAG)- Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc nằm trên địa bàn xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang) còn được gọi là Nghĩa trang Quân khu. Nghĩa trang khánh thành vào năm 1987, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và sau đó bàn giao cho Quân khu 9. Từ năm 1995, nghĩa trang do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang (Sở LĐ - TB và XH) quản lý.

Nghia-trang-DocBaDac.jpg

Trong những ngày tháng Bảy, chúng tôi theo quốc lộ 91 về thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), không thẳng về cửa khẩu biên giới Tịnh Biên mà về hướng núi Cấm (xã An Hảo) cách đó khoảng 2 km - nơi đây là địa phận của xã Thới Sơn Anh hùng, để đến Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc. Nghĩa trang nằm bên trái, theo hướng từ Nhà Bàng đến, đối diện là Tượng đài Chiến thắng. Và tại đây, ký ức đã đưa chúng tôi về với những năm tháng chiến tranh anh dũng, vang vọng lời thơ hào hùng ngày nào: "Dốc Bà Đắc kèn reo chiến thắng".

Đây là lần thứ hai tôi đến thăm viếng Nghĩa trang Dốc Bà Đắc, từ sự thôi thúc của lương tâm mình, hay là từ những ngày tháng Bảy "nhớ ơn". Nhớ lại lần đầu viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang là một dịp tình cờ, tôi theo đoàn soạn giả đi thực tế sáng tác bài ca vọng cổ huyện Tịnh Biên, theo yêu cầu của Thượng tá, NSƯT, soạn giả Trúc Linh là phải ghé viếng Nghĩa trang Quân khu. Lúc đó tôi thật sự "tò mò" với tên gọi mà soạn giả Trúc Linh gọi, đến nơi mới biết là Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc. Tôi thấy cô Trúc Linh đã không nén được nước mắt khi thắp nhang cho các anh. Có nhiều anh nằm ở đây ngày xưa từng là đồng đội của cô, bởi vậy "người còn lại mang rất nhiều kỷ niệm".

Thời gian không cho phép chúng tôi nấn ná lâu hơn, bước chân đi mà ai cũng bịn rịn, tôi tự hứa với lòng sẽ trở lại nơi đây, làm một cái gì đó, nhỏ nhoi lắm, như thắp một nén nhang chẳng hạn. Một buổi trưa hè trên biên giới, nắng như đổ lửa, hai bên đường vào nghĩa trang là những hàng sứ vẫn cố vươn mình mạnh mẽ trong một vùng đất đá khô cằn và nở những bông hoa trắng tinh khôi, hương thơm ngan ngát đã xoa dịu đi cái nắng gắt nơi miền biên giới Tây Nam. Chính giữa nghĩa trang là tượng đài Tổ quốc ghi công cao 16m, phía trước có tượng hai du kích đứng gác và hai bụi tre, tượng trưng cho sự bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi đến thăm các anh, khói nhang phảng phất nỗi niềm xúc động không thể nào kìm nén được. Nhìn theo những hàng bia mộ, tôi biết rằng có rất nhiều người anh đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, đã anh dũng chiến đấu và thanh thản trở về với lòng đất mẹ. Nhiều anh, quê tận Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng hoặc ở một miền quê nào đó của đất nước,... đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền nam ruột thịt, xa quê hương nơi chôn nhau cắt rốn và đã nằm lại nơi đây. Nhiều anh, chỉ còn để lại cái tên, không rõ năm sinh, quê quán... Những người con anh hùng, Tổ quốc đã ghi công các anh, các anh sống mãi trong lòng dân tộc. Vâng, đó là đất nước tôi, "đất nước của những người con gái, con trai, khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau". Nhiều anh, chưa bao giờ có được một tình yêu nam nữ, tất cả tình yêu của các anh đã dành cho Tổ quốc. Tên các anh đã gắn liền với tên đất nước, các anh là những người con ưu tú của một dân tộc anh hùng, các anh đã nằm xuống để đem lại độc lập, tự do cho mảnh đất hình chữ S này.

Giữa cuộc sống bộn bề và hối hả như hôm nay, những ngày tháng Bảy như khơi dậy lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh cho chúng ta được sống yên bình. Nắng đã đi về phía bên kia nghĩa trang, chúng tôi lần theo bên những ngôi mộ của các anh. Quá nhiều tuổi thanh xuân. Không biết có phải tại khói của nhang làm cho mắt chúng tôi cay hay không, sao mắt ai cũng đỏ hoe? Các anh đã làm nên một thời hào hùng của đất nước, các anh đã viết nên một trang sử sáng ngời cho dân tộc. "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", đó là phương châm sống một thời của các anh - một thời hừng hực "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Các anh có một thời hào hùng cho chúng tôi có những ngày hạnh phúc, ấm no.

Nén nhang chiều nay có thể sẽ không bay vào lòng đất, sưởi ấm lòng các anh được, nhưng sẽ mang theo công ơn của các anh bay lên trời xanh, chắp thêm đôi cánh cho con chim bồ câu hòa bình bay cao hơn, xa hơn...

Trần Nhiên

Lượt người xem:  Views:   224
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by