Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 5, Ngày 11/02/2021, 19:00
Dấu ấn văn hóa lịch sử đáng nhớ liên quan đến năm Sửu
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
11/02/2021 | TTCTTT

Duong-hoa-2021.jpg

(TUAG)- Có lẽ đối với người Việt Nam ta, con trâu là một trong những con vật được yêu quý nhất. Trâu sống hiền lành, gắn bó với người nông dân, tận hiến tất cả những gì quý báu nhất của nó cho con người. Một quốc gia trải qua mấy ngàn năm văn minh lúa nước như Việt Nam, thì hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau đã trở nên vô cùng thân thuộc. Đó là biểu trưng cho sự tận tụy của con người và loài vật nhằm tạo ra hạt thóc hạt gạo để sinh tồn. Không những gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các lễ hội linh thiêng, hình tượng con trâu còn đi vào tục ngữ ca dao hết sức sinh động. Người Việt chắc hẳn ai cũng thuộc nằm lòng những câu tục ngữ như: "Con trâu là đầu cơ nghiệp"; "Ruộng sâu, trâu nái"; "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay"... Hay biết bao câu ca dao thấm đẫm nghĩa tình của người nông dân và hình tượng con trâu đầy thân thuộc:

"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa";

"Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn"...

Đó là đôi nét về hình ảnh con trâu trong đời sống lao động sản xuất và trong văn chương dân gian của người Việt. Còn khi đi vào lịch Can Chi, con trâu mang danh xưng là "Sửu", đứng vị trí thứ hai trong "thập nhị chi" (còn gọi là mười hai con giáp), sau con chuột (Tý) và trước con cọp (Dần). Cũng tương tự trong đời sống thường nhật, hình tượng con trâu (Sửu) trong mười hai con giáp cũng là biểu tượng cho sự hiền lành, chăm chỉ, thật thà; biểu trưng cho cuộc sống sung túc, an lành. Nhìn lại tiến trình lịch sử nước ta, có rất nhiều sự kiện nổi bật từng xảy ra trong các năm Sửu.

Dấu mốc đầu tiên phải nhắc đến năm Tân Sửu (41). Đây là năm Hai Bà Trưng có những thắng lợi vẻ vang trong cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Hán xâm lược. Trưng Trắc tự xưng là Trưng Nữ vương, chọn Mê Linh làm đất đóng đô. Trưng Nữ vương đã có công lớn trong việc ra sức xây dựng và củng cố một nhà nước độc lập tự chủ. Tuy sau đó cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị dập tắt, nhưng hình tượng hai nữ tướng ngồi trên bành voi chỉ huy nghĩa quân xông trận đánh đuổi bọn giặc xâm lăng vẫn tồn tại bất diệt trong tâm thức mỗi người dân Việt.

Đến năm Ất Sửu (965), lợi dụng sự suy yếu của triều đình nhà Ngô, các lãnh chúa đã nổi dậy cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau, gây ra "loạn 12 sứ quân", khiến người dân vô cùng thống khổ. Trong bối cảnh đó, người "anh hùng cờ lau" Đinh Bộ Lĩnh đã đem quân đi đánh dẹp các sứ quân khác. Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh thành công nhanh chóng. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Năm Kỷ Sửu (1049), vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng chùa Diên Hựu hay còn gọi là chùa Một Cột, Liên Hoa đài. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, là biểu trưng cho nét đẹp nghệ thuật kết hợp với tinh thần sùng bái Phật giáo thời nhà Lý. Chùa Diên Hựu được thiết kế như một tòa sen trỗi lên giữa mặt hồ tĩnh lặng, trên tòa sen ấy là tượng Phật Bà đang ngự thiền. Ngày nay, hình tượng chùa Một Cột được mô phỏng và cách điệu linh hoạt, xuất hiện trong nhiều công trình văn hóa tâm linh ở nước ta.

Duong-hoa-NH2021.jpg

Năm Kỷ Sửu (1289), sau ba lần xâm lược bị thất bại, quân Nguyên Mông buộc phải rút lui và công nhận nền độc lập tự chủ hoàn toàn của nước ta. Nhà Trần đã lập được đại công với dân tộc khi đẩy lùi cuộc xâm lược quy mô của quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông phong là Đại vương, còn gọi là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay Trần Hưng Đạo.

Năm Đinh Sửu (1397) đánh dấu sự kiện nhà Hồ ban hành chính sách hạn điền nhằm điều chỉnh và phân phối lại ruộng đất cho các tầng lớp trong xã hội, hạn chế đặc quyền đặc lợi của giới thượng lưu. Trong năm này, kinh đô nước ta đã chuyển từ Thăng Long về Thanh Hóa, gọi là Tây Đô hay Thành nhà Hồ. Hiện nay, Thành nhà Hồ tọa lạc tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Các bức tường đá trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được kết cấu tương đối vững chãi. Đó là do phương thức xây dựng độc đáo và bí ẩn của các nghệ nhân thời Đại Ngu. Ngoài ra, trong khuôn viên Thành nhà Hồ còn lưu giữ nhiều tượng rồng đá được chế tác tinh xảo, uyển chuyển, minh chứng cho trình độ văn minh vượt bật thời bấy giờ. Năm 2011, Thành nhà Hồ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Vào năm Quý Sửu (1673), cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn tạm hoãn, nước ta được chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn được xem là dai dẳng nhất trong lịch sử nước ta, để lại những tổn thất nặng nề mà người dân vô tội lại là những nạn nhân chịu hậu quả bi thảm nhất.

Năm Ất Sửu (1925) đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại, trong đó nổi bật nhất là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) tập hợp những người cùng chí hướng thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm Quý Sửu (1973), Hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên tham chiến bao gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Đây là Hiệp định quan trọng về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định Paris cũng tạo ra nền tảng pháp lý cho hòa bình dân tộc và thống nhất lãnh thổ Việt Nam.

Năm Ất Sửu (1985), Đảng và Nhà nước ta tiến hành chiến dịch cải cách "giá – lương - -tiền"; tiến đến xóa bỏ chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp; chuyển sang hạch toán kinh tế kinh doanh; đồng thời tiến hành cuộc thu đổi tiền lớn nhất trong quy mô toàn lãnh thổ Việt Nam. Cũng trong năm này, Nhà nước đã cho phát hành và lưu thông một khối lượng tiền lớn để phục vụ cho cuộc cải cách lương và giá.

Năm Đinh  Sửu (1997), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định hai vấn đề quan trọng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh và chiến lược cán bộ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm Kỷ Sửu (2009), Tổ chức UNESCO công nhận Dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; công nhận Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và công nhận Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới.

Có thể nói, trong lịch sử phát triển của nước ta, có rất nhiều sự kiện gắn liền với năm Sửu. Có những sự kiện trở thành niềm tự hào mãnh liệt, là dấu ấn đẹp đẽ bất diệt trong mỗi trái tim người dân Việt. Nhưng cũng không ít những sự kiện phản ánh biến động của thời cuộc, gây ra bao mất mát khó có thể xóa nhòa một sớm một chiều. Dẫu sao, chúng ta cũng kỳ vọng vào năm mới Tân Sửu 2021 với những vận hội mới, thời cơ mới. Chúng ta tin rằng với ý chí kiên định, sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong năm mới Tân Sửu 2021.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG

Lượt người xem:  Views:   802
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by