Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 2, Ngày 03/02/2020, 08:00
Đảng bộ An Giang 90 năm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
03/02/2020

(TUAG)- Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một móc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ đó, nhân dân ta tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại, giành những thắng lợi to lớn. ​

Đảng bộ An Giang hình thành, hòa nhịp, phát triển và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Đảng các tỉnh lần lượt ra đời. Ở An Giang, cuối năm 1927, chi bộ Hội Thanh niên đầu tiên ra đời ở Long Điền (Chợ Mới). Tháng 2/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập.

Đến cuối tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Văn Cưng cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Thanh niên Long Xuyên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Lưu Kim Phong được Đặc ủy Hậu Giang phân công về hoạt động ở Long Xuyên và hình thành Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên. Đồng chí Nguyễn Văn Cưng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở tổ chức đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức.

IMG_0567.JPG

Đầu tháng 4 năm 1930, Chi bộ Đảng ở Long Điền (huyện Chợ Mới) được thành lập gồm có 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang.

Sự ra đời Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên (cuối tháng 3-1930) và Chi bộ Long Điền (Chợ Mới)- Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của An Giang (đầu tháng 4-1930) đã tạo ra một bước ngoặt cho phong trào cách mạng An Giang tiến lên một bước mới vô cùng quan trọng, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước; góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn đối với quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam.

Đến nay, Đảng bộ An Giang có 15 đảng bộ trực thuộc (11 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 4 đảng bộ khối, ngành), gồm 829 tổ chức cơ sở đảng (tăng 424 tổ chức cơ sở đảng so với năm 1979), với 64.168 đảng viên (chiếm 3,36% dân số) (tăng 59.564 đảng viên so với năm 1979).

Lịch sử 90 năm Đảng bộ An Giang cho thấy Đảng bộ không ngừng phát triển lớn mạnh, là một bộ phận quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam và có nhiều đóng góp lớn cho phong trào cách mạng cả nước.

Đảng bộ An Giang luôn là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc

Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, với đặc thù đa dân tộc, đa tôn giáo, bị địch kềm kẹp gắt gao, lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ Đảng với dân, đồng thời phải nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, tái lập tỉnh, nhưng Đảng bộ An Giang vẫn luôn đoàn kết một lòng, vượt qua vô vàng thử thách ác liệt để lãnh đạo nhân dân lập nên rất nhiều chiến công vang dội.

Tính từ năm 1945 đến năm 1975, tỉnh An Giang đã trải qua 8 lần tách nhập địa giới hành chính lớn với nhiều tên gọi khác nhau như: An Giang, Long Xuyên, Châu Đốc; Long Châu Tiền, Long Châu Hậu; Long Châu Hà, Long Châu Sa; Châu Hà; Long Châu Hà, Long Châu Tiền và đến tháng 12 năm 1975 trở lại với tên gọi An Giang.

Cùng với tách, nhập địa giới hành chính là tách, nhập tổ chức, cán bộ của tỉnh được điều động đi nơi khác, nhiều cán bộ nơi khác được điều động, tăng cường cho tỉnh. Trong 45 năm (từ năm 1930 đến năm 1975), Đảng bộ An Giang có 31 đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Đảng bộ tỉnh.

Bên cạnh đó, với đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo, trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng cũng có rất nhiều người dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, người theo các tôn giáo, nhất là Phật giáo Hòa Hảo. Trong lịch sử, địch dùng nhiều thủ đoạn xuyên tạc cách mạng, lôi kéo, chia rẽ đồng bào dân tộc, tôn giáo với cách mạng, tạo ra nhiều hiểu lầm, gây ra nhiều vụ việc đau lòng, làm cho lực lượng cách mạng bị nhiều thiệt hại...

GBTG.jpg

Mặc dù với nhiều biến động về tổ chức, con người và gặp nhiều yếu tố bất lợi, gây cho ta nhiều thiệt hại như trên; nhưng cán bộ, đảng viên An Giang vẫn luôn kiên định theo Đảng, đoàn kết, chung sức, chung lòng lãnh đạo nhân dân, không để xảy ra việc mất đoàn kết, hay mâu thuẫn nội bộ trong quá trình tách, nhập bộ máy, phân công cán bộ. Nhờ đó, Đảng bộ luôn đoàn kết, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân, hạt nhân đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh, đấu tranh giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 20/12/1975, tỉnh An Giang được tái lập. Đảng bộ bắt tay ngay vào củng cố, xây dựng chính quyền các cấp, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng lại quê hương trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp. Tuy nhiên, hoà bình chưa được bao lâu, đêm 30/4/1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt đã mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ Quốc, Đảng bộ phải tiến hành di dân để bố trí lại dân cư, kết hợp xây dựng vùng kinh tế mới, gần 20.000 đồng bào vùng biên giới sơ tán về tuyến sau ổn định nơi ăn ở; phải đưa 55.000 đồng bào Khmer xuống định cư ở Hậu Giang, Minh Hải theo chỉ đạo của Trung ương.

Một lần nữa Đảng bộ An Giang đoàn kết trên dưới một lòng tiếp tục lãnh đạo nhân dân (nhất là đồng bào Khmer ở Bảy Núi), làm tốt công tác hậu phương, đóng góp sức người cùng với cả nước chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (7/01/1979).

Có thể khẳng định, đoàn kết là đặc điểm nổi bật trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ An Giang.

Đảng bộ An Giang luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đổi mới, sáng tạo, phát triển tỉnh nhà, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân

Từ năm 1975 đến nay, tình hình thế giới và trong nước trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm, với nhiều diễn biến phức tạp như: Khủng hoảng kinh tế trong nước, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các lực lượng cơ hội trong nước cộng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược diễn biến hoà bình nhằm làm chệch hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…

Thực trạng kinh tế thị trường đã đem lại hiệu quả năng động, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng cũng tạo ra những vấn đề bức xúc phải giải quyết như: Tình trạng quan liêu, tham nhũng, thiếu dân chủ, chủ nghĩa cá nhân thực dụng, tệ nạn xã hội phát sinh...

Cùng với thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra gây thiệt hại nặng nề. Đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn…

Tất cả các yếu tố trên đã tác động đến tư tưởng tâm trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt quá trình đó, Đảng bộ An Giang đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Quán triệt bài học lấy dân làm gốc, cả hệ thống chính trị, với trách nhiệm chủ yếu của cán bộ chủ chốt các cấp, đã luôn kịp thời nắm bắt, giải quyết có hiệu quả những nhận thức, tư tưởng "mới nảy sinh" để làm ổn định tư tưởng. Đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân An Giang an tâm, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, thấy được triển vọng đi lên của của địa phương, đất nước, tự nguyện chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và tham gia tích cực những chủ trương đổi mới, sáng tạo của địa phương.

Trong suốt quá trình đổi mới, An Giang đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo hàng loạt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, với các chủ trương sáng tạo, đột phá như: Tăng cường hợp đồng 2 chiều ứng trước cho dân; Nhà nước mua hàng của dân theo giá hợp đồng; Chủ trương "mua đúng bán đúng"; Xóa bỏ các trạm "ngăn sông cấm chợ"; chủ trương về tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn (lúc bấy giờ gọi là "Tư tưởng tam nông"); Chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên (năm 1988); Chương trình khuyến nông (năm 1989); Chương trình phát triển nông thôn (năm 1992); Chương trình khuyến công (năm 1996); Chương trình trồng và bảo vệ rừng; phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, ba sa…; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (năm 2012); gần đây là mô hình "Cánh đồng lớn"…

Kết quả, từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa 848 ngàn tấn (năm 1986), đến có dư để xuất khẩu, đạt trên mức 02 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 1996, trên mức 03 triệu tấn vào năm 2007 và hiện nay là trên 04 triệu tấn; là một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia; đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân An Giang đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đưa kinh tế - xã hội phát triển khá rõ nét qua từng năm GRDP năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 4,47%; năm 2017 tăng 4,5%; năm 2018 tăng 6,52%; năm 2019 ước đạt trên 7%), thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, đời sống vật, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2018 còn 3,67%...

Tiếp nối truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hiện nay Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn trăn trở về định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, mong muốn khôi phục tốc độ phát triển cao của tỉnh như thập niên năm 2000 đến 2010 (lúc bấy giờ trung bình phát triển trên 10%).

Tỉnh đã sớm xây dựng và tập trung thực hiện Đề án "Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh". Hiện nay, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Với kết quả bước đầu rất phấn khởi ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã như:

Cấp tỉnh: 01 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ. Sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ (giảm 8 phòng so với trước)…

Cấp huyện: Hợp nhất 2 Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh. 4 địa phương (Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú, Tri Tôn) Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. 100% (11) Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. 5 địa phương Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. 2 địa phương Trưởng ban Tổ chức huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ. 1 địa phương Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra...

Cấp xã: 84/156 xã, phường, thị trấn Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. 100% (888) khóm, ấp Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp...

Toàn tỉnh đã tinh giản được 4.433 biên chế; gi ảm 28 đơn vị sự nghiệp; tổng ngân sách nhà nước giảm chi trong 02 năm (2017 - 2018) gần 42 tỉ đồng…

Trăn trở về sự phát triển của An Giang 10 năm gần đây, không được như giai đoạn trước, có biểu hiện tụt hậu so với  sự phát triển chung của cả nước, vừa qua Tỉnh đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, trí thức, cán bộ lãnh đạo tỉnh cho "Đề án tái cơ cấu tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững"; để làm cơ sở xác định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, với mục tiêu tổng quát trong chiến lược phát triển kinh tế của An Giang trong 10 năm tới là "chuyển đổi mô hình phát triển, khôi phục tốc độ tăng thu nhập của người dân, kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển", đây được đánh giá là cách làm sáng tạo của tỉnh.

*

*   *

Những thành tựu đạt được của tỉnh thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển trong nghững năm tới; góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng ta, mỗi người chúng ta càng tự hào và phát huy truyền thống 90 năm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ An Giang; cần phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đoàn kết; quyết tâm, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành thật xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần phát triển tỉnh nhà, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân./.

ThS. Nguyễn Thành Nhân

Phó Hiệu Trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Lượt người xem:  Views:   6931
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by