Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 5, Ngày 19/12/2019, 07:00
Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) - Tiếng gọi của non sông
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
19/12/2019

(TUAG)- Lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã vang lên trong một quá khứ rất xa, đã 73 năm, nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên tinh thần và mong ước. Càng giá trị hơn khi Bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm nào trở thành một trong năm tác phẩm được công nhận là “bảo vật quốc gia”.

Những ngày cuối tháng 9/1945, núp bóng quân Anh và giải giáp quân Nhật đầu hàng, thực dân dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào nước ta theo âm mưu của đế quốc Mỹ; từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam do quân đội Anh chịu trách nhiệm. Theo chân thực dân, đế quốc và quân Tưởng, bọn phản động từ ngoài nước kéo về kết hợp với bọn phản động trong nước chống phá chính quyền cách mạng non trẻ. Dân tộc ta, ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

toanquoc_khangchien.jpg
Bút tích "Lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946.
Với sách lược “phân hóa kẻ thù” hết sức khôn khéo, trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền, tạo điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam, phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt”. Hơn 6 tháng sau, ngày 28/02/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, đứng trước âm mưu hợp sức tiêu diệt phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa của Anh, Pháp và Mỹ - Tàu (Tưởng), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra quyết sách vô cùng sáng suốt là “Hòa để tiến” bằng việc ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, đẩy quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng nước ta, đồng thời có được “giây phút nghỉ ngơi” để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với quân Pháp chắc chắn sẽ xảy ra.

Tiếp đó, khi quân Pháp liên tục gây hấn, để tạm đầy lùi nguy cơ xung đột lớn, tranh thủ thêm thời gian xây dựng lực lượng, Chính phủ Việt Nam đã đi tới “bước nhân nhượng cuối cùng”, ký với Pháp “Tạm ước Modus - Vivendu” tại Fontainebleau (14/9/1946), thừa nhận quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam; Pháp phải đình chiến và tôn trọng quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ; ta trao trả cho Pháp Viện Pasteur (Hà Nội) và ngừng bắn ở Nam Bộ.

Hiệp định sơ bộ và Tạm ước 14/9 được ký kết, buộc các bên phải thi hành. Thế nhưng, thực dân Pháp chẳng những không thi hành những thỏa thuận đã ký kết mà còn ngang nhiên lập Chính phủ bù nhìn của cái gọi là “Nước Nam kỳ tự trị”, đánh chiếm miền Tây Nam Trung Bộ, ra lệnh đánh chiếm một số nơi, đem quân đi khắp các vùng nông thôn, lùng sục, bắt bớ những người yêu nước; đặt lại ban “hội tề” ở các làng xã,… Những hành động khiêu khích liên tục cho thấy, thực dân Pháp rắp tâm “xé bỏ” Hiệp định sơ bộ và Tạm ước, gây chiến với nhân dân ta khắp 3 miền với dã tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không thể nhân nhượng được nữa, nếu tiếp tục nhân nhượng sẽ mất chủ quyền, nhân dân sẽ trở lại kiếp ngựa trâu. Trong hai ngày 17, 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định phát động toàn dân kháng chiến và xác định những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến. Trưa ngày 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các mặt trận và các chiến khu: “Chỉ trong vòng 24 giờ nữa giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng!”. Tiếp đó, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia Việt Nam xác định mở đầu cuộc tấn công là đêm 19/12/1946 và giao nhiệm vụ tác chiến cho từng vùng. Chiều ngày 19/12, đồng chí Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!”. Trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

…Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”…

Thế là, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ!

Quyết định của Đảng và Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc, cứu nước đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân lúc bấy giờ. Một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, không có con đường nào khác. Bởi, nếu không dám chấp nhận cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thì sẽ mất độc lập tự do mới giành được, “độc lập, tự do không thể cầu xin mà có được”.

Nhưng trước khi đi đến quyết định đó, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã kiên trì thương lượng, cố gắng tranh thủ hòa bình, tận dụng mọi cơ hội để có thể tránh được cuộc chiến tranh cho cả hai dân tộc. Nhưng, mọi cố gắng ấy trở nên vô nghĩa trước sự hiếu chiến của bọn thực dân phản động, chúng cự tuyệt nguyện vọng hòa bình, chân chính của nhân dân Việt Nam.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Đảng là những văn kiện lịch sử thể hiện ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc độc lập của toàn dân và toàn quân ta, nêu rõ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Những văn kiện lịch sử ấy vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, khẳng định niềm tin tất thắng “nhất định sẽ về với dân tộc ta” trong cuộc chiến tranh chính nghĩa. Tinh thần và nội dung các văn kiện đó có tác dụng chỉ đạo trong suốt chín năm kháng chiến hào hùng, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vô bờ bến cho hàng triệu con người trên khắp các chiến trường, các miền quê của đất nước, “tiếng gọi” có năng lực truyền cảm và uy lực cuốn hút tuyệt diệu, thôi thúc mọi trái tim yêu nước đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước bằng tất cả những gì có được trong tay!

Lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã vang lên trong một quá khứ rất xa, đã 73 năm, nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên tinh thần và mong ước. Càng giá trị hơn khi Bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm nào trở thành một trong năm tác phẩm được công nhận là “bảo vật quốc gia”./.

Hòa Bình
Lượt người xem:  Views:   16080
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by