Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 4, Ngày 27/07/2022, 10:00
Nghĩa tình nơi Mê Kông chảy vào đất Việt
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
27/07/2022 | Lê Quang Trạng

(TUAG)- An Giang là vùng đất đầu nguồn Cửu Long, nơi sông Mê Kông chảy vào đất Việt. Với địa hình "bán sơn địa", núi đồi xen lẫn những cánh rừng hoang sơ dọc theo biên giới nước bạn Campuchia đã tạo nên một thế trận vừa hiểm trở lại vừa thuận lợi cho chiến tranh du kích. Dựa vào thế núi, mạch rừng và lòng sông, bao đời qua Nhân dân An Giang đã anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đó là một "thế trận lòng dân" kiên cố và bất diệt, bảo vệ vững chắc bờ cõi miền biên viễn phía Nam Tổ quốc!

An Giang anh hùng, nhưng An Giang cũng là miền đất lắm đau thương, liên miên chinh chiến từ thời cha ông mở cõi cho đến cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước. An Giang cũng là tỉnh giải phóng hoàn toàn sau cùng của miền Nam, lại là địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau giải phóng bởi cuộc thảm sát của tập đoàn phản động Pol Pot ở vùng ven biên giới phía Tây và sau đó là bước vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam suốt nhiều năm liên tiếp.

Nghia-tinh-song-MeKong-1.jpg 

Lãnh đạo tỉnh An Giang dự lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc (ảnh: Trung Hiếu)

Trong thời kỳ Pháp thuộc, An Giang luôn là nơi nhen nhóm lên những phong trào quy tụ sức mạnh Nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hồng Kông, thì chỉ trong 1 tháng sau, tại An Giang đã có chi bộ Đảng. Từ ngày chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày một phát triển mạnh. Nhiều người mẹ đã mạnh dạn gửi gắm con mình cho tổ chức cách mạng, đưa con vào căn cứ kháng Pháp, rồi tiễn con lên đường đi tập kết hoặc tiếp tục vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui sum họp chưa được bao lâu thì mẹ lại tiễn con lên đường chống giặc xâm lược biên cương; và theo lời kêu gọi của nước bạn, những đứa con của mẹ lại lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh đuổi bọn diệt chủng và giúp nước bạn hồi sinh. Trong những lần tiễn con lên đường ra trận đó, không ít lần có những đứa con của mẹ đi mãi không về, có đứa trở về nhưng đã gửi một phần thân thể nơi cánh đồng, ngọn núi nào đó. Và mồ hôi xương máu của những người con An Giang không chỉ tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc mà còn góp phần mang lại hòa bình, ấm no hạnh phúc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang kể lại, những năm chiến tranh, điều kiện chăm sóc cho thương binh, bệnh binh cũng như chính sách dành cho liệt sĩ và thân nhân luôn được xem là một trong những vấn đề quan trọng. Đây không chỉ được xem là tình đồng chí đồng đội cao đẹp, thiêng liêng của người cách mạng, mà còn là chính sách xây dựng lòng tin yêu của Nhân dân với Đảng, với cuộc cách mạng vĩ đại mà Đảng đã đề ra. Tư tưởng này luôn được thấm nhuần trong từng cán bộ, chiến sĩ và xem đây là nghĩa cử cao đẹp, như ngọn đèn sáng soi trao truyền.

Từ hạt muối cho đến lon sữa cũng đều "trước hết dành cho thương bệnh binh". Trận chiến có khốc liệt đến cách mấy thì cũng cố bằng hết sức lấy anh em liệt sĩ mang về chôn cất thật tử tế. Sau này khi đã về hưu, Đại tá Huỳnh Trí và nhiều đồng đội của ông đã trở về chiến trường xưa, cất bốc và quy tập hài cốt các liệt sĩ trở về yên nghỉ. Đại tá Huỳnh Trí nói, "thật ra ngay khi vừa giải phóng xong, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang đã cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ khang trang, thành lập các đội đi quy tập liệt sĩ về đất mẹ, sau này là các đội K90, K93".

Đại tá Huỳnh Trí có lần xúc động kể rằng, không ít lần đi tìm hài cốt anh em, khi dỡ từng lớp phù sa lên, ông thấy những tấm tăng quấn anh em kỹ lưỡng. Những kỹ vật như một miếng inox khắc tên liệt sĩ; hay lọ thủy tin thuốc Pi, bên trong có chứa giấy đề tên tuổi liệt sĩ rõ ràng rành mạch, bên ngoài được bao bằng một lớp dầu lửa chống ẩm… suốt bao năm vẫn còn đó. Biết rằng chiến tranh khốc liệt, đơn vị không mang anh em về đất mẹ ngay được, nhưng tấm lòng dành cho liệt sĩ, gửi lại mẹ đất cất giữ dùm, suốt mấy mươi năm mưa nắng nhưng nét chữ vẫn vẹn nguyên một tấm lòng đồng đội, tấm lòng dành cho người đã hy sinh như viên ngọc sáng soi để những người đi tìm, biết danh tính và đưa các anh về với quê hương, gia đình.

 Nghia-tinh-song-MeKong-2.jpg

Đại tá, AHLLVTND Huỳnh Trí nói chuyện truyền thống với các chiến sĩ Tiểu đoàn 512 - An Giang (ảnh: Trần Kim Luận)

Nhiều đội quy tập hài cốt liệt sĩ đã được thành lập ngay những năm đầu sau giải phóng, quy tập hàng nghìn hài cốt về yên nghỉ trong các nghĩa trang của tỉnh. Nhiều năm theo các đội đi quy tập hài cốt liệt sĩ trong tỉnh và cả sang nước bạn Campuchia, Đại tá Huỳnh Trí tâm sự, "đến bây giờ đi tìm các anh, chúng tôi cũng phải dựa vào dân". Chiến tranh loạn lạc, sơ đồ mộ chí thất lạc, vật đổi sao dời, nên hầu đa số các cuộc tìm kiếm của các đội quy tập đều nhờ vào thông tin Nhân dân cung cấp. Không ít câu chuyện cảm động, rằng có mộ người dân biết được đây là liệt sĩ, nên họ đã vun vén đắp đất cho mộ suốt bao năm, khói nhang mỗi dịp lễ Tết, Thanh minh. Có mộ khi phát hiện mới biết là đang nằm sâu trong nền nhà dân, người dân vẫn vui vẻ nhiệt tình và giúp đỡ đội dỡ nền nhà tìm các anh về đất mẹ. Tấm lòng người dân đối với liệt sĩ như một sự đáp đền vô bờ bến cho sự hy sinh cao thượng. Và trong những lần đi tìm các anh em liệt sĩ, không ít lần Đại tá Huỳnh Trí lại lũ khủ quần áo, thuốc men, bánh trái để tặng bà con, nơi ông đếm tìm anh em, nơi chiến trường xưa, nơi một thời bom đạn cách mạng đã dựa vào dân mà sống. Đi đến đâu, Nhân dân trong nước cũng như nước bạn cũng mến yêu anh em đội quy tập. Và phải chăng, những người đi tìm hài cốt liệt sĩ cũng đang góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng niềm yêu mến của Nhân dân và bạn bè quốc tế với Đảng và Nhân dân ta!

47 năm qua, từ ngày nước nhà thống nhất, tỉnh An Giang đã xây dựng quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ với 14.528 mộ liệt sĩ, trong đó 2.126 mộ được đầy đủ thông tin, gần 5.973 mộ biết một phần thông tin và 6.429 mộ chưa biết thông tin. Các nghĩa trang đều được xây dựng khang trang, mang một dáng dấp của đơn vị năm nào, các anh các chị nằm ngay lối thẳng hàng yên nghỉ, nhưng đến bây giờ như vẫn đang tư thế sẵn sàng nghe tiếng gọi "xung phong". Quang cảnh các nghĩa trang với các loài cây trái miền Nam, hoặc các loài cây đặc sắc của miền Bắc nơi khu mộ các liệt sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu và nằm lại nơi đây. Cây cối được chăm sóc kỹ, quanh năm nở hoa bên tiếng hót líu lo của những cánh chim hòa bình, phần nào xoa dịu đi nỗi đau chiến tranh và mất mát cho những người nằm xuống và cả những thân nhân liệt sĩ đến đây để tưởng nhớ, viếng thăm!

Tôi có dịp trò chuyện với những anh chị quản trang nghĩa trang Dốc Bà Đắc, nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các huyện… Và nhận thấy ở các anh chị quản trang luôn có một tấm lòng hết sức thành kính và sâu sắc dành cho người đã khuất. Những câu chuyện tôi thường nghe, qua giọng kể thật thà của anh chị quản trang luôn làm tôi xúc động. Có câu chuyện rằng: "Nghĩa trang này chỉ có duy nhất mộ cô này là nữ, nghe đồng đội bảo cô năm xưa thích nhất là hoa dừa cạn, anh em quản trang chúng tôi trồng trước mộ cô mấy khóm hoa dừa cạn, lạ thay, hoa xanh tươi tốt không sâu rầy gì và nở hoa quanh năm bất kể nắng mưa". Tôi tin, tấm lòng của các anh chị quản trang đã kết tinh nên thứ dưỡng chất tốt tươi cho những bông hoa dừa cạn quanh năm khoe sắc thắm, để đồng đội và thân nhân liệt sĩ đến viếng mộ cũng thấy phần nào được nhẹ lòng!

Ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, tôi nghe được câu chuyện  rằng, cứ vài tháng là lại có người đàn ông đến viếng một nhóm mộ các liệt sĩ chưa xác định được tên. Chỉ có mỗi thông tin rằng các anh ở một đơn vị từng chiến đấu và hy sinh, được Nhân dân chôn cất bên bờ kinh Vĩnh Tế, sau này được quy tập về đây. Và người đàn ông hay đến thăm mộ, không phải là thân nhân liệt sĩ, mà là một cậu bé năm nào xém bị chết đuối giữa dòng kinh, may mà được các chú bộ đội cứu mạng. Cậu bé nhớ từng gươm mặt người cho đến lúc các chú hy sinh, và khi các chú được đưa về nghĩa trang yên nghĩ, cậu bé năm nào bây giờ tóc bạc như khói mây, tay chân đã lọng cọng vì cơn tai biến tuổi già, vẫn không quên đến viếng thăm các chú các anh, mang theo cây trái vườn nhà, lau chùi mộ, thắp nén nhang, trầm ngâm hồi lâu rồi về, "vì thương nhớ!".

 Nghia-tinh-song-MeKong-3.jpg

Viếng mộ liệt sĩ nhân ngày 27/2 (ảnh: Phương Ngoan)

Người nằm xuống đã được yên nghỉ vĩnh hằng, nhưng còn đâu đó những lo toan về thế hệ cháu con như vẫn còn đâu đó. Đại tá Huỳnh Trí kể rằng, có liệt sĩ trước khi hy sinh đã thổ lộ với ông rằng, mình vẫn còn đau đáu nỗi niềm lắng lo cho đứa con thơ, mong sau con ăn học đến nơi đến chốn. Và nỗi lo lắng đó của những người nằm xuống đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chăm sóc; kế thừa sự cống hiến của các anh các chị, tiếp tục vun bồi cho thân nhân liệt sĩ một cách nhân văn và chu đáo. An Giang nói riêng và cả nước nói chung đã ghi nhớ và làm theo lời Bác dặn dò trong Di chúc: "Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.". Ngay trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là sau giải phóng, có nhiều chính sách chăm lo cho thân nhân liệt sĩ. Cha mẹ, vợ con và thân nhân liệt sĩ đều được hỗ trợ nhiều mặt, xoa dịu nỗi đau mát mát, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nhiều mẹ Việt Nam anh hùng tuy tuổi cao nhưng vẫn luôn là tấm gương sáng về đức hy sinh và nghị lực phi thường cho thế hệ cháu con tiếp bước noi theo. Mỗi khi khỏe, các mẹ đều đến các đơn vị bộ đội động viên con cháu, may từng tấm mền, cái áo gửi cho các anh em nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19...

Nhiều thân nhân liệt sĩ không ỷ lại sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ đã vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất. Học theo lời Bác dạy: "Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...", họ nhắc nhở nhau, "cha anh mình làm cách mạng, mình cũng phải sống tử tế và noi gương cha anh vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và luôn giữ gìn truyền thống gia đình, tiếp tục lao động sản xuất trên chính mồ hôi sức lực của mình để nuôi gia đình và đóng góp xây dựng xã hội". Họ lại tiếp nối cha anh, là những người đi đặt những viên gạch xây nên giá trị của hòa bình và niềm tin vào Đảng!

 Nghia-tinh-song-MeKong-4.jpg

Đội K.93 thay hoa mới cho các mộ liệt sĩ (ảnh: Trần Kim Luận)

Phải chăng ý Đảng cũng là lòng dân, bền chặt như phên dậu vững chắc nơi dòng Mê Kông chảy vào đất Việt. Những người có ý nghị lực phi thường như các mẹ, các bà; bình dị như anh chị quản trang mà tôi gặp; hay những nhân vật của các câu chuyện cảm động kể trên, họ đã và đang góp phần dựng xây nên truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" có từ ngàn xưa, và chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta dày công xây dựng và không ngừng vun đắp, xứng đáng với lời Bác Hồ dặn dò trong Di chúc trước lúc đi xa: "Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình…"

Lê Quang Trạng

Lượt người xem:  Views:   1360
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by