Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 5, Ngày 05/05/2022, 10:20
Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
05/05/2022 | Ngọc Hân

(TUAG)- Cách đây 68 năm, dân tộc Việt Nam đã lập nên chiến công huy hoàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đập tan chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng. Chính tư tưởng chiến tranh nhân dân của Người đi vào cuộc sống, thấm sâu vào quần chúng đã tạo ra một sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù, giành thắng lợi trong chiến tranh cách mạng.

Chienthang-DBP1.jpg

Dùng "toàn lực của Nhân dân về đủ mọi mặt" để giành thắng lợi trong chiến tranh

Trước thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã từng tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với sự tham gia của Nhân dân theo các mức độ khác nhau và đã dánh bại nhiều thế lực xâm lược hung bạo, trong đó có cả kẻ thù sừng sỏ Mông - Nguyên. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, dân tộc ta lại phải đương đầu với kẻ thù hoàn toàn mới, khác hẳn với các kẻ thù thời trước. Điều kiện lịch sử mới phải có lí luận mới về chiến tranh Nhân dân hiện đại, trong đó việc xác định đặc điểm thời đại, tính chất chiến tranh, nguồn lực cơ bản để tiến hành kháng chiến được đặt lên hàng đầu.

Bởi vậy, ngay trong thời kỳ đầu chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự khác nhau giữa chiến tranh hiện đại và chiến tranh trước đây; qua đó, xác định vai trò và nguồn lực chủ yếu để giành thắng lợi trong chiến tranh hiện đại. Người viết: "Trước kia, chỉ có quân đội đánh nhau ở tiền tuyến và trên mặt đất hay trên mặt nước, nên người ta gọi là bình diện chiến tranh. Ngày nay, đánh nhau ở cả trên không và cả ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, nên người ta gọi là lập thể chiến tranh. Trước kia, chỉ đánh nhau về mặt quân sự, ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng nên người ta gọi là toàn diện chiến tranh. Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của Nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng lợi được"[1]. Phát triển quan điểm đó, trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", Người khẳng định: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"[2].

Để quần chúng có điều kiện và hăng hái tham gia kháng chiến, Người chủ trương: Thứ nhất, phải thường xuyên bồi dưỡng cho Nhân dân "tín tâm và quyết tâm". Thứ hai, cơ quan lãnh đạo chiến tranh cách mạng phải hết sức sáng suốt, nhạy bén, nỗ lực cao về trí tuệ, "đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng"… Khi hoạch định đường lối cũng như trong quá trình tiến hành kháng chiến, "chính sách của Chính phủ phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng... Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết, cải thiện đời sống cho dân, cứu tế thất nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa...".

Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt quá trình kháng chiến, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương chính sách nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho Nhân dân. Với chủ trương "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", xây dựng chế độ mới, củng cố hậu phương, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện giảm tô tiến tới cải cách ruộng đất... Đảng ta đã khơi dậy được sức mạnh phi thường của quần chúng, tạo ra khả năng lớn để huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn cho cuộc kháng chiến. Được Đảng và Chính phủ chăm lo về mọi mặt, Nhân dân tự giác đứng vào hàng ngũ chiến đấu. hăng hái tham gia đánh giặc lập công, lực lượng dân quân du kích không ngừng lớn mạnh trong Đông Xuân 1953-1954.

Chiến tranh du kích phát triển nhanh buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó; do đó bộ đôi chủ lực của ta có điều kiện tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Suốt 9 năm kháng chiến, Nhân dân ta đã tích cực phục vụ tiền tuyến, nhưng chưa bao giờ quần chúng lại góp sức người sức của nhiều như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả hậu phương hừng hực tinh thần cách mạng, dồn sức người, sức của ra tiền tuyến. Nhân dân đã góp 261.453 dân công với 3.130.000 ngày công và 25.056 tấn gạo. Đồng bào Tây Bắc đã có cố gắng rất lớn, dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh[3]. Chính sức mạnh tinh thần, vật chất và sự đóng góp to lớn của quần chúng là một nhân tố quyết định làm nên chiến thắng. Không có sự đóng góp sức người, sức của to lớn đó của Nhân dân thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến tranh nhân dân với lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân làm nòng cốt

Có được sự ủng hộ từ Nhân dân, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng ta hết sức chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân bao gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Lực lượng này phản ánh tính chất toàn dân rộng rãi của tổ chức quân sự kiểu mới của cách mạng nước ta.

Trên cơ sở cuộc kháng chiến phát triển, thực lực cách mạng ngày càng mạnh, trong đó lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và trình độ tác chiến, tháng 9/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953-1954 và ngày 6/12/1953 quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chấp hành Nghị quyết Bộ Chính trị, cùng với Nhân dân cả nước, các lực lượng vũ trang địa phương thi đua đánh giặc "chia lửa" với chiến trường chính.

Quán triệt tư tưởng "Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc", "Kiên quyết không ngừng thế tấn công... Tấn công phòng thủ không sơ hở". "Đánh chắc thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã sáng tạo nhiều cách đánh tài giỏi tiêu hao sinh lực địch. Bộ đội chủ lực trên chiến trường Điện Biên Phủ thực hiện nghệ thuật biết thắng từng bước, tiến công từ bộ phận đến toàn bộ, tập trung sức mạnh đánh tan từng mục tiêu, tiến lên đánh bại hoàn toàn quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hoạt động của quân và dân ta ở chiến trường chính và các chiến trường phối hợp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Sau này, khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Cống hiến lớn nhất của Hồ Chí Minh vào lý luận về phương pháp cách mạng là lý luận chiến tranh nhân dân. Có lẽ hiếm có ở đâu chiến tranh nhân dân trong thực tế lại đúng với tên gọi của nó như vậy, thực sự sâu rộng trong Nhân dân và thực sự vô địch như nhân dân"[4].

68 năm qua Chiến thắng Điện Biên Phủ lắng đọng sâu xa trong tâm trí Nhân dân Việt Nam về nguồn sức mạnh chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Đó là sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Càng lùi xa với thời gian, ý nghĩa cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ" càng lung linh tỏa sáng. Dưới ánh sáng tư tưởng chiến tranh nhân dân Hổ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại và nhiều chiến thắng rực rỡ khác đã được kiểm chứng qua thời gian./.

NGỌC HÂN

______________

[1] Q.Th: Hình thức chiến tranh ngày nay. Báo Cứu Quốc, ngày 20/9/1946.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.2000, tr. 160.

[3] Dẫn theo: Quân  và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên phủ, Nxb QĐND, H. 1999, tr.459.

[4] Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, Nxb ST, H.1990, tr.19.


Lượt người xem:  Views:   1056
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by