Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 2, Ngày 04/10/2021, 09:00
Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng miền Nam
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
04/10/2021 | Nguyễn Lam
(TUAG)- Sinh ra trong một gia đình nho giáo, ở vùng đất có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng - làng Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP Nam Định), đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải (10/10/1911 - 13/10/1990) sớm giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng từ khi 15 tuổi, đến năm 18 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Là chiến sĩ cộng sản trưởng thành từ phong trào cách mạng, lăn lộn, xông pha trên nhiều trận tuyến, đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở Nam Bộ giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1948-1954).  

Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968


Năm 1948, nhận rõ những khó khăn phức tạp của chiến trường Nam Bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Lê Đức Thọ lãnh đạo một phái đoàn Đảng và Chính phủ vào Nam kiểm tra và tăng cường cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ. Theo yêu cầu của Đảng bộ Nam Bộ và được sự đồng ý của Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ ở lại tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Trên cương vị là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, đồng chí có công lớn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ như: Kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy, trong đó có việc kiện toàn lại Văn phòng Xứ ủy, các ban đảng vụ, các ban chuyên môn: Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Tôn giáo... Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Đảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả.

Về quân sự, đồng chí Lê Đức Thọ đã chấn chỉnh những sai lầm chủ quan, duy ý chí và giáo điều cả về công tác tổ chức lực lượng vũ trang và quan điểm xây dựng phương thức tác chiến thiên về “tập trung quân” thành trung đoàn và liên trung đoàn, dốc lực lượng vũ trang để “ăn to đánh lớn” không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và tính đặc thù của chiến trường Nam Bộ. Nhờ tổ chức lại lấy tiểu đoàn và đại đội làm đơn vị chủ công, kết hợp vận động chiến với chiến tranh du kích của các địa phương, quân và dân Nam Bộ đã giành lại thế chủ động trên chiến trường cùng Nhân dân cả nước đánh bại Kế hoạch Nava, giam chân địch tại chỗ, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Về kinh tế, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ đạo xóa bỏ chủ trương “bao vây vùng kinh tế địch” - cấm lưu thông hàng hóa giữa những vùng nông thôn giải phóng của ta với các đô thị và những vùng địch hậu - nơi còn đang bị địch tạm thời chiếm đóng, thực hiện chính sách kinh tế mới cho phép giao lưu buôn bán giữa hai vùng. Nhờ vậy, kinh tế ở các khu căn cứ địa kháng chiến ở Đồng Tháp Mười cũng như tại vùng bán đảo Cà Mau và Tây Sông Hậu phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng căn cứ địa cách mạng ở chiến khu U Minh. Với tình hình cụ thể, đặc thù của nông thôn Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Đức Thọ đã chỉ đạo không thực hiện cải cách ruộng đất ở Nam Bộ như ở miền Bắc, vừa tránh được tổn thất, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, tập hợp lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Trong công tác an ninh, đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo sát sao “Giám đốc Sở Công an Nam Bộ”. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ có công lớn trong quá trình đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những chiến thắng vẻ vang, xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng.

Trước khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Đức Thọ đã tiên liệu, dự báo trước tình hình, trực tiếp giao nhiệm vụ mới cho nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, góp phần quan trọng chuẩn bị mạng lưới tình báo chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này. Khi chuẩn bị tập kết, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề xuất kế hoạch đưa hàng vạn con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập, đào tạo để trở về xây dựng miền Nam sau này.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5/1968, đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến. Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương cao quý khác; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco. Đồng chí đã được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1973, nhưng đã từ chối vì khi đó nước nhà chưa được hòa bình, thống nhất. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ sẽ sống mãi trong lòng Tổ quốc và Nhân dân, sống mãi trong những trang vàng chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, tích cực học tập, lao động, cống hiến trí tuệ, sức lực để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Lam
_______________
Tài liệu tham khảo: Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Lê Đức Thọ - tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020.
Lượt người xem:  Views:   351
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by