Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 5, Ngày 16/09/2021, 09:15
Nhớ mãi ngày Nam Bộ kháng chiến
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
16/09/2021 | Hòa Bình

​(TUAG)- Cách đây 76 năm, ngày 23/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác ở Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

23-9-2021-nambokc.jpg

Lịch sử đã ghi lại, ngay trong ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ (Ủy ban kháng chiến) triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, thực hiện chiến tranh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị khẩn cấp Thường vụ Trung ương Đảng, nhất trí với chủ trương kháng chiến của Nam Bộ và cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ để cùng Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Người nói: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”.

Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kềm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Từ đó, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; đồng thời, tỏ rõ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta. Cuộc kháng chiến này còn thực hiện chủ trương của Đảng ta là tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam Bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam Bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở miền Bắc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nam Bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Quân và dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Quân và dân ta đã thực hiện các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Từ đó, làm cho thực dân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, thiếu quân, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm.

Cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Đến tháng 10/1945, cuộc kháng chiến lan rộng khắp đồng bằng Nam Bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam Bộ họp hội nghị mở rộng, quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng chiến và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh.

23-9-2021-nambokc-a.JPG

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người đã gửi điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”. Sự động viên và cũng là lời tiên đoán của Bác đã trở thành sự thật bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lập lại hòa bình ở miền Bắc, sau đó là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

76 năm trôi qua, tinh thần ngày 23/9 vẫn âm vang mãi: "Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước…". Đó là âm vang của Nam Bộ thành đồng giàu lòng vì nước thề quyết chống quân ngoại xâm. Đó là tiếng chân của những đoàn quân Nam tiến nghe theo tiếng kêu sơn hà nguy biến sẵn sàng xả thân vì nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đồng sức đồng lòng "Ta đem thân ta liều cho nước, ta đem thân ta đền ơn trước. Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời, nền độc lập khắp nước Nam" như lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương hôm nay ngày càng văn minh và giàu đẹp./.

H.B

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Việt Nam 1945-2000, Nxb Giáo dục 2006.

- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, 5.

- Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử Nam Bộ kháng chiến¸ Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

Lượt người xem:  Views:   1230
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by