Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 6, Ngày 18/06/2021, 09:00
Lịch sử Đảng bộ An Giang góp phần chứng minh con đường cứu nước đúng đắn và quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
18/06/2021

(TUAG)- Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), thực dân Pháp tiến hành khai thác Đông Dương lần thứ hai một cách toàn diện, triệt để với quy mô lớn hơn trước để bóc lột sức người, sức của bù đắp cho những thiệt hại của chúng trong chiến tranh. Long Xuyên, Châu Đốc được thực dân Pháp xem là một trong những trọng điểm vơ vét lúa gạo, bóc lột nhân công ở Nam kỳ.

 

Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân, đến cuối những năm 20 thế kỷ XX, các tầng lớp nhân dân ở Long Xuyên, Châu Đốc đã có sự phân hóa tương đối rõ nét.

Tầng lớp địa chủ hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Một số xuất thân là quan lại phong kiến. Trong số này cũng có sự phân hóa nhất định. Một số tiếp tục làm tay sai cho Pháp, một số bị chèn ép trở thành trung, phú nông có mối quan hệ với nông dân, bám ruộng vườn sinh sống. Có một số ít địa chủ xuất thân là tay sai được thực dân Pháp cấp ruộng đất hoặc bao chiếm của dân trở thành một bộ phận đặc quyền đặc lợi. Một số địa chủ là tư sản thương nghiệp, cho vay, bỏ tiền ra mua hoặc tịch ký ruộng đất của nông dân.

Tầng lớp tư sản chưa hình thành độc lập, họ chỉ làm một số ngành phụ  thuộc như thương mại, xay xát, dệt, mộc, gạch ngói, nước mắm... nhưng bị tư sản Pháp và Hoa kiều chèn ép, nên họ chưa có địa vị xứng đáng trong xã hội đương thời.

Tầng lớp tiểu tư sản trí thức đa số có mối quan hệ gắn bó với người lao động. Họ nhạy bén với thời cuộc, tiếp thu nhanh những tư tưởng tiến bộ và có khả năng  truyền bá những tư tưởng đó vào nhân dân. Họ đã có những đóng góp tích cực trong quá trình vận động cách mạng.

Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo và bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất ở nông thôn. Thực dân thì bóc lột bằng thuế má, lao dịch. Chủ điền bóc lột bằng tô, tức, cống vật, lao động không công, cho vay cắt cổ... nên tá điền luôn bị cái đói đe dọa. Sưu, thuế, tô, tức, đói nghèo, dịch bịnh, dốt nát... luôn luôn ám ảnh, giày vò kiếp sống của người nông dân. Là người bị bóc lột nặng nề nhất ở nông thôn, với lòng căm thù giặc cướp nước, cướp đất, từ thế kỷ XVIII đến đầu những năm 20 thế kỷ XX, nông dân Long Xuyên, Châu Đốc không ngừng đứng lên chống Pháp bằng mọi hình thức theo ý thức hệ phong kiến, nhưng vẫn không thoát được kiếp trâu cày, ngựa cỡi đành ngậm đắng nuốt cay.

Do chính sách khai thác, bóc lột kiểu phong kiến của thực dân Pháp, giai cấp công nhân ở đây hầu như không có. Trái lại, do sự phát triển tất yếu của nền  kinh tế tự cung, tự  cấp đã hình thành tầng lớp thợ thủ công tương đối tập trung ở vùng Tân Châu, Chợ Mới với các ngành ươm tơ, dệt, mộc... Đa số thợ không có tư liệu sản xuất phải vào các xưởng, trại làm công nhật. Khi thiếu nguyên liệu hoặc hàng ế ẩm thì chủ cho nghỉ việc. Do xuất thân từ nông dân chưa gắn chặt cuộc đời với xưởng trại và cũng là người bị áp bức, bóc lột nặng trong xã hội, nên có mối quan hệ mật thiết với nông dân, có cùng tâm tư, tình cảm. Do điều kiện lao động tương đối tập  trung và lao động có kỹ thuật nên họ được xác định là lực  lượng cách mạng tích cực và tiến bộ ở nông thôn lúc bấy giờ.

Đảng bộ An Giang ra đời là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào yêu nước.

Với việc nắm chắc những đặc điểm tình hình như trên, việc hình thành các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng bộ tỉnh An Giang được thực hiện từ rất sớm, theo đúng quy luật chung.

Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Hội Thanh niên) được thành lập ở Quảng Châu. Cuối năm 1927, chi bộ Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc ra đời tại Long Điền (Chợ Mới) gồm có: Châu Văn Liêm, Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn, do đồng chí Châu Văn Liêm phụ trách. Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Sau hơn 60 năm chống đế quốc và tay sai, giờ đây mới có một tổ chức cách mạng có đường lối cứu nước và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu lịch sử lúc bấy giờ.

Là một vùng đất thuộc địa bị thực dân Pháp khai thác và bóc lột kiểu phong kiến, cho đến cuối năm 1930 giai cấp công nhân hầu như không có. Vì  vậy, việc đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân hiện đại, thâm nhập vào đây không phải là điều dễ dàng. Nó đòi  hỏi những người hội viên Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc phải biết phát huy tính tích cực, chủ động của mình trong suốt quá trình vận động thành lập Đảng, quá trình chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức để đưa phong trào cách mạng phát triển đúng quỹ đạo của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá đúng đắn đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội và xác định được mâu thuẫn  đối kháng ở Long Xuyên, Châu Đốc, Hội Thanh niên sớm thấy được vị trí đặc biệt của thợ thủ công, tầng lớp có mối quan hệ giai cấp với nông dân và công nhân hiện đại. Thợ thủ công cũng có những điểm gần giống như công  nhân như: tự  do bán sức lao động cho chủ xưởng, không có tư liệu sản xuất, lao động tập trung có kỹ thuật và bị đế quốc, chủ xưởng, địa chủ bóc lột nặng nề.  Họ lại có mối quan hệ kinh tế, tình cảm gắn bó với nông dân. Họ có thể đi vào nhà máy, hầm mỏ để trở thành công nhân và cũng có thể quay lại kiếp tá điền một khi thất nghiệp kéo dài. Với những đặc điểm đó, thợ thủ công ở Long Xuyên, Châu Đốc được Hội Thanh niên đánh giá là một  lực lượng cách mạng quan trọng mà qua đó, chủ nghĩa Mác- Lênin từ những người trí thức cách mạng dễ dàng thâm nhập vào nông dân và nhân dân lao động. Nông dân và thợ thủ công trở thành lực lượng cách mạng chủ yếu ở Long Xuyên, Châu Đốc trong thời điểm lịch sử đó.

Để tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp lực lượng cách mạng cho phù hợp với trình độ nhận thức của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh các tổ chức công khai, Hội Thanh niên còn bí mật xây dựng Nông hội, Công hội làm nòng cốt cho phong trào. Công hội là hình thức sáng tạo để tập hợp lực lượng thợ thủ công, nhân dân lao động, lấy tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân làm chuyển biến tư tưởng họ từ đấu tranh tự phát lên tự giác và các tổ chức này hoạt động thật sự gắn bó với nhân dân nên được quần chúng ủng hộ.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam thành lập. Đặc ủy An Nam cộng sản Đảng vùng Hậu Giang chuyển thành Đặc ủy Đảng cộng sản Việt Nam, cử cán bộ về các tỉnh xây dựng tổ chức Đảng.

Cuối tháng 3/1930, các đồng chí lãnh đạo Hội Thanh niên ở Long Xuyên, Châu Đốc như Nguyễn Văn Cưng, nữ đồng chí Bảy Xuyến... được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, cùng đồng chí Lưu Kim Phong (cán bộ Đặc ủy) hình thành "Ban chấp ủy lâm thời" tỉnh Long Xuyên. Đồng chí Nguyễn Văn Cưng trở thành Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên lúc mới hai mươi mốt tuổi. Sau đó, Tỉnh ủy chủ trương tiến hành xây dựng các chi bộ Đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức.

Đầu tháng 4/1930 chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (Chợ Mới). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc ủy Hậu Giang, cho đến cuối tháng 4/1930 các chi bộ Kiến An, Bình Thành, An Phong... (Chợ  Mới); Tân Huề, Long Thuận, Long Sơn... (Tân Châu - Hồng Ngự); Long Xuyên, Lấp Vò... lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển tất yếu của phong trào cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc.

Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc ra đời sớm ở miền Tây Nam kỳ là sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào yêu nước, góp phần chứng minh một cách cụ thể quy luật xây dựng thành công một Đảng cộng sản ngay trên đất nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu.

Đảng bộ An Giang là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược, giải phóng quê hương.

Tỉnh An Giang với đặc thù đa dân tộc, đa tôn giáo, có đường biên giới với Campuchia, là cầu nối của Khu 8 và Khu 9, đồng thời là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ trong mối quan hệ với chiến trường Campuchia, là con đường nhận sự chi viện người và của từ Trung ương cho chiến trường miền Tây Nam bộ, do đó bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược kềm kẹp rất gắt gao, chúng lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ Đảng với dân, gây nhiều thiệt hại cho lực lượng cách mạng.

Quán triệt quan điểm Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Lực lượng cách mạng là "cả quần chúng", Đảng bộ đã luôn đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, đoàn kết các dân tộc (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer), đoàn kết lương giáo (nhất là quan tâm công tác tôn giáo vận, Hòa Hảo vận) để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm, lật đỗ tay sai, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng của tỉnh có rất nhiều người dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, người theo các tôn giáo, nhất là Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài...

Trong từng phong trào, giai đoạn, thời kỳ cách mạng, tổ chức Đảng và đảng viên bám chặt địa bàn dân cư, chủ động đề ra biện pháp, chủ trương linh hoạt phù hợp với tình hình, với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, khẩu hiệu đấu tranh hướng đến quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp như: giảm thuế thân, bớt lúa tô, tăng tiền công thợ, tố cáo tội ác của giặc; đòi thi hành Hiệp định Genève; chống càn quét, đàn áp, chống bắt lính, đôn quân; nổi dậy, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… huy động được lực lượng đông đảo quần chúng tham gia, góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương.

Ở vùng đất miền Tây Nam bộ xa xôi, trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản nhanh chóng nảy mầm, bám rễ, Đảng bộ An Giang là một trong những Đảng bộ ra đời sớm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long[1], đã tạo ra một bước ngoặt cho phong trào cách mạng An Giang tiến lên một bước mới vô cùng quan trọng, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước, cùng cả nước đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, góp phần chứng minh đối với quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam- kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước và con đường cứu n­ước đúng đắn mà Bác Hồ đã tìm ra- con đường cách mạng giành độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội./.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhân

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

________________

[1] Cuối năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội Thanh niên) đầu tiên của tỉnh Long Xuyên thành lập tại Long Điền, Chợ Mới. Tháng 2-1928, thành lập Tỉnh bộ Hội Thanh niên tỉnh Long Xuyên. Cuối tháng 3-1930, Ban Chấp ủy lâm thời Đảng bộ tỉnh Long Xuyên ra đời và Chi bộ Long Điền (Chợ Mới)- Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của An Giang ra đời đầu tháng 4-1930.

Lượt người xem:  Views:   1986
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by